Pages

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Còn sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh thì sao?

Ngày 3/7 rồi ngày 10/7 vừa qua lại thêm 2 lần nữa các ngã đường dẫn vào sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội bị phong tỏa hoàn toàn. Lực lượng an ninh đủ cấp, đủ loại, đủ đồ nghề được rải dày đặc. Không một người biểu tình nào được đi ngang qua sứ quán để không một quan chức nào trong sứ quán Trung Quốc phải thấy cảnh dân Việt phản đối hành động xâm lược của Bắc Kinh. Tại Sài Gòn nhà nước còn ra tay mạnh hơn nữa, trấn áp những người “dự tính biểu tình” ở khoảng cách còn xa lãnh sự quán hơn nữa.

Nhìn cảnh đó, nhiều người tự hỏi không biết sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh có căng thẳng hay được gác kĩ đến thế không? Và nếu căn cứ theo các tuyên bố lăm le nóng bỏng trên các trang mạng thì không khí hằn học bao quanh sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh phải ghê gớm lắm. Khổ nỗi dân chúng Việt ít ai có tiền để bay đến Bắc Kinh xem cho biết. Còn các ký giả lề phải thì chẳng có chút hy vọng gì họ sẽ tường thuật.

Thật may, có một bài phóng sự còn khá mới mang tựa đề “Trung Quốc tự mâu thuẫn với chính mình trong vấn đề hòa bình ở biển Đông’’ của ký giả Kawagoe được tìm thấy trên tờ báo Sankei phát hành ở Nhật thuật lại như sau:

“Mỗi lần người dân Nhật mít-ting, biểu tình phản đối Trung Quốc về một chuyện gì đó, thì chính quyền Bắc Kinh lại tìm cách trả đũa ngay bằng những cuộc xuống đường bài Nhật. Ngày 17/6 vừa qua là đúng 40 năm Hoa Kỳ trao trả đảo Okinawa lại cho Nhật. Trong những năm gần đây, nhân ngày này người Nhật lại thường biểu tình, mít-ting phản đối âm mưu của Trung Quốc nhằm bành trướng quân sự ở biển Đông và xâm chiếm hòn đảo Senkaku của Nhật. Và đương nhiên ở Bắc Kinh cũng có những cuộc biểu tình bài Nhật tương xứng. Chính vì thế mà từ sáng sớm ngày 17/6, khu vực xung quanh và trước sứ quán Nhật ở Bắc Kinh có xe công an nổi, chìm đậu kín mít.

Tôi chợt nghĩ mấy tuần nay tại Việt Nam cũng có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Nếu chính quyền Bắc Kinh huy động dân của họ đến truớc sứ quán Hà Nội phản đối lại thì cũng chẳng có gì lạ. Nghĩ đến đó, nên tôi lái xe đi ngang qua sứ quán Việt Nam xem thử tình trạng công an canh gác như thế nào. Đến nơi tôi thấy xung quanh sứ quán có giăng dây, nhưng lực lượng an ninh canh gác rất ít. Trước cổng sứ quán chỉ có hai xe công an đậu. Trên xe có hai người mặc áo trạc nút đang nằm ngửa trên ghế đọc báo. Một vài người khác đứng tán gẫu. Rõ ràng tình hình không có gì là khẩn trương cả.”

Không chỉ riêng ký giả Kawagoe lấy làm lạ, mà nhiều bình luận gia quốc tế khác cũng gãi đầu khó hiểu những chỉ dấu rất trái ngược. Trước hết, với chính sách kiểm soát Internet ngặt nghèo của Bắc Kinh, thế giới biết rõ họ đang cố ý phát động hay cho phép các trang mạng tiếp tục gia tăng tông điệu trịch thượng răn đe Việt Nam, với những kêu gọi “dạy thêm Việt Nam một bài học thứ hai”. Cùng lúc đó, tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Bộ truởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt lại khẳng định Trung Quốc không có tham vọng bá quyền hay bành trướng quân sự ở biển Đông. Ông bộ trưởng này nhắc tới hai chữ “hòa bình” đến 27 lần trong 1 bài diễn văn. Nhưng cũng trong thời gian này, hải quân Trung Quốc dưới dạng “hải giám”, “ngư chính” tiếp tục gia tăng các hành động gây hấn ở mức bạo dạn chưa từng có, với các vụ cắt cáp tàu thăm dò địa chấn, đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam. Thế nhưng không khí quanh sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh lại tiếp tục phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Làm sao giải thích những hiện tượng này?

Có lẽ câu trả lời cũng không khó lắm nếu xét từng thành phần đối tượng của chính sách nhiều mặt mà Bắc Kinh đang tiến hành.

Với thế giới Bắc Kinh muốn đưa ra bộ mặt yêu chuộng hòa bình để tránh bị cô lập kinh tế quá sớm. Trung Quốc vẫn cần thị trường thế giới để bán hàng hóa và thu mua nhiên, nguyên liệu. Vì thế mà phải có loại diễn văn 27 chữ hòa bình của Lương Quang Liệt.

Với dân Tàu, lãnh đạo Trung Quốc vừa muốn đánh lạc hướng những quan tâm của quần chúng trước các trái bom khổng lồ đang chờ nổ trong nền kinh tế, xã hội, và môi sinh nước này; vừa muốn thổi lớn sự nghiệp của thế hệ lãnh đạo hiện nay, đặc biệt về hình ảnh một Trung Quốc hùng mạnh. Thế giới đã từng thấy hiện tượng tương tự tại Liên Xô trước đây.

Với các lãnh đạo Hà Nội, ngày nào những thành viên Bộ Chính Trị như Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh còn ca ngợi 16 chữ vàng, ngày nào những Thứ trưởng Ngoại giao như Hoàng Xuân Sơn còn tức tốc sang họp kín với các quan chức Tàu rồi ca ngợi mối tình vẫn còn hữu hảo, và quan trọng hơn hết, ngày nào các lãnh đạo Hà Nội còn chưa dám đặt vấn đề (chứ chưa nói gì đến phủ nhận) với Bắc Kinh về bức công hàm Phạm Văn Đồng thì chẳng có lý do gì để hải quân Trung Quốc phải ngưng hay giảm các hành động gây hấn nhằm đánh gục hẳn ý chí của hải quân Việt Nam và đặt tiền lệ về lãnh hải cho tương lai. Bắc Kinh biết rõ các tuyên bố mạnh bạo của Thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh hay phát ngôn nhân Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga chỉ là hàng trang sức cho dân chúng nội địa, và được nhanh chóng xóa sạch bởi chính cấp trên của họ.

Và sau hết, đối với sứ quán Việt Nam, ngày nào các khu tự trị của Tàu vẫn tiếp tục mọc lên trên đất Việt, ngày nào các khu rừng đầu nguồn và các công trình vĩ đại của Tàu như khai thác Bôxít Tây Nguyên vẫn tiếp tục hoạt động trên đất Việt, và nhất là ngày nào mật vụ Tàu vẫn cùng công an Việt dẹp biểu tình ngay trên đất Việt, thì chẳng có lý do gì để lãnh đạo Trung Quốc phải thay đổi bầu không khí êm ả trước sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh.


Ngô Văn

Không có nhận xét nào: