Pages

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Lập pháp và công luận Mỹ : Động lực thúc đẩy Hoa Kỳ cứng rắn với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông


Thượng Nghị Sĩ John McCain tại cuộc hội thảo về Biển Đông ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS - Washington ngày 21/06/2011/
DR



Trọng Nghĩa

Ngày 15/07/2011, hải quân Mỹ - Việt lại có "hoạt động" chung tại Việt Nam. Dù đã được dự trù từ lâu, sự kiện này đã mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có hành động hung hăng nhắm vào Việt Nam và Philippines tại vùng Biển Đông để áp đặt đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại Học George Mason, Virginia, Hoa Kỳ. 13/07/2011
by Trọng Nghĩa
Nghe (10:19)

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư chính trị học Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia - Hoa Kỳ, đã lồng hoạt động hỗn hợp của hải quân Mỹ Việt vào trong toàn cảnh quan hệ quốc phòng giữa hai nước ngày càng được tăng cường sau các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông.

- Từ sau tháng 7 năm 2010, Việt Nam đã quyết định công khai hóa và đa phương hóa vấn đề Biển Đông. Hoạt động hải quân chung Mỹ Việt chỉ tiếp tục chiến dịch đó để nói rằng quan hệ quốc phòng Việt Mỹ đã tăng cường thêm và cho thây rõ sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong vùng.

- Giữa Mỹ và Việt Nam đã xuất hiện mối "quan tâm chung" về vấn đề chiến lược, về an ninh hàng hải ở Biển Đông và họ sẽ càng ngày càng cộng tác chặt chẽ hơn để đáp ứng mối quan tâm đó.

Quan điểm của Mỹ về Biển Đông : Trước sau như một về nguyên tắc, thay đổi đáng kể về động thái

- Tranh chấp Việt Trung về Biển Đông đã có từ lâu. Trước đây, Mỹ đứng ngoài, nhưng gần đây, khi thấy Việt Nam chứng tỏ quyết tâm muốn độc lập với Trung Quốc, và muốn giữ chủ quyền của mình, Mỹ đã tỏ thái độ đối với Việt Nam và với Trung Quốc.

- Từ gần như trung lập, Mỹ ngày càng chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn. Ngay từ năm 2009, Mỹ đã bắt đầu quan tâm, khởi đầu với cuộc điều trần của Thượng Nghị Sĩ Jim Webb, sau đó là phát biểu của thứ trưởng ngoại giao John Negroponte ở Việt Nam, nói rằng Mỹ quan tâm đến vấn đề an ninh hàng hải ở vùng Á châu. Nhất là trong năm nay, Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích các hành động của Trung Quốc, chứ không còn đứng giữa như trước.

Chính giới và công luận ngày càng thuận lợi với Việt Nam và chống Trung Quốc

- Chính giới Hoa Kỳ cũng như công luận Mỹ từ giới truyền thông, chiến lược gia và học giả càng ngày càng thuận lợi hơn đối với Việt Nam trong trường hợp này, và càng ngày càng chống Trung Quốc hơn.

-Dĩ nhiên cũng có những người khuyến cáo không nên, như ông Kisinger chẳng hạn, nhưng những thành phần đó ngày càng trở thành thiểu số.

- Trong giới lãnh đạo Mỹ thì có khác biệt nhỏ : Hành pháp chừng mực hơn, còn lập pháp rõ rệt hơn.

Quan điểm của lập pháp tác động đáng kể đến hành động của chính quyền Obama

- Tháng 7/2009, khi ông Webb tổ chức cuộc điều trần về các vấn đề ở vùng Thái Bình Dương, ông ấy đã buộc các thứ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ phải lên tiếng, và từ đó thì chính quyền Mỹ liên tục xác định các lập trường của mình ở Biển Đông.

- Chính quyền đã xác định : (1) Mỹ có quyền lợi trong việc duy trì an ninh hàng hải và tự do lưu thông trên biển cả ở vùng đó; (2) Đòi hỏi của Trung Quốc quá đáng; (3) Mỹ không bênh vực lập trường của bên nào, nhưng chống việc sử dụng võ lực và khuyến khích giải pháp thương thuyết đa phương căn cứ trên luật quốc tế và luật biển, và sẵn sàng làm trung gian nếu cần thiết trong cuộc thương thuyết này; (4) Đang và sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các quốc gia trong vùng.

- Nghị quyết Thượng viện Mỹ ngày 27/6 nêu ra ba điểm quan trọng : (1) Chỉ trich việc Trung Quốc sử dụng võ lực ở Biển Đông và nói rõ là như vậy; (2) Đòi hỏi giải quyết tranh chấp qua thương thuyết; (3) Ủng hộ sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng này. Điểm quan trọng là nghị quyết được biểu quyết với toàn bộ 100% số phiếu !

- Thượng Nghị Sĩ McCain rất quan trọng trong đảng Cộng Hòa, trong cuộc hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược CSIS tổ chức 1 tuần trước đó cũng đã đưa ra một số đề nghị rất quan trọng : (1) Trung tâm chính trị thế giới đã chuyển qua Châu Á Thái Bình Dương, lực lượng Mỹ phải duy trì tư thế thuận lợi hơn ở vùng này; (2) Không thể chấp nhận cho một cường quốc dùng võ lực, tự giải thích luật quốc tế, biến Biển Đông thành vùng cấm lưu thông ‘no zone’ cho tàu bè thế giới; (3) Mỹ phải chuyển thêm quân qua vùng này; (4) Chính quyền Mỹ phải có thái độ rõ rệt với Trung Quốc ở vùng này; (5) Mỹ phải giúp tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia châu Á.

- Chúng ta thấy là chính quyền Mỹ đã từ từ áp dụng những đòi hỏi đó rồi.

- Ngoài ra, từ hai năm nay, liên miên có những cuộc hội thảo về Biển Đông tại Trung tâm CSIS, Wilson Center, American Enterprise Institut AEI… cho thấy là giới chiến lược, giới học giả bên Mỹ rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông và càng ngày càng không chấp nhận việc sử dụng võ lực của Trung Quốc.

- Mối quan ngại là nếu mà cứ để cho Trung Quốc sử dụng võ lực, tự giải thích luật quốc tế theo kiểu của họ, thì trật tự thế giới sẽ bị đe dọa.

Biển Đông sẽ được nêu lên tại các hội nghị của ASEAN trong tháng 7 nhưng tranh cãi sẽ không gay gắt

- Có những động thái ngoại giao cho thấy là vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được nêu lên, nhưng những cuộc thảo luận sẽ không gay gắt như trước. ASEAN muốn biến bản tuyên bố ứng xử DOC thành bộ luật ứng xử COC tức là một bộ quy tắc về ứng xử chung. Tôi nghĩ là vấn đề này sẽ được đưa ra. Trong cuộc hội thảo gần đây, người ta nói rằng công việc điều đình gần như là xong rồi. Chưa biết được là điều đó sẽ được đưa ra hay không.

Trong hội nghị lần này, các bên sẽ tìm cách giảm căng thẳng, nhưng cho dù vậy, điều chắc chắn là việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và các nước ASEAN sẽ tiến lên chứ không ngừng lại.

Nguồn RFI.

Không có nhận xét nào: