Pages

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

“Nào mình cùng lên xe buýt”

theo http://moterangrua.wordpress.com/

Hay là chuyện XUỐNG ĐƯỜNG (từ của Ủy viên BCT ĐCSVN Phạm Quang Nghị) sáng 17/7/2011

Blogger Gốc Sậy

Trời nắng đẹp chứ không sụt sùi mưa như sáng hôm qua.

7g15 nhà cháu ra khỏi nhà, trực chỉ Cột cờ Hà Nội. Đề phòng quán cà phê ở đấy đóng cửa, dọc đường nhà cháu mua hộp xôi, vừa đi vừa múc.
Đến nơi thấy vắng hoe hết cả. Quán Highland coffee đóng cứa thật. Đi qua Cột cờ đến quán cà phê 32A Điện Biên Phủ, nhà cháu ngồi ngay vỉa hè gọi 1 cốc. Nhận thấy xung quanh toàn người KHÔNG QUEN.Có 2 bác gái đi ta-xi đến, vào xin ngồi cùng bàn vì có quạt. Thấy hết bác này đến bác kia điện thoại hỏi ai đó: Mày đâu rồi? Tao đang ở 32A ĐBP, đến nhanh lên!
Không lẽ họ hẹn nhau đi biểu tình? Chả tiện hỏi, vì nhớ điều bác Thùy Linh sexy tất cả… bảo nên nhà cháu cũng “quyết tâm từ nay sẽ đa nghi”. Chỉ biết một bác lấy từ trong túi xách ra 1 cái dây chuyền có mặt đá to tổ bố, vừa đeo vừa bảo: – Hôm nay sẽ nhiều công an lắm nên không lo mất.

(Hy vọng là bác ấy không đi tuần hành yêu nước vì sau đó thấy nhiều người kêu mất rất nhiều thứ.)

Ăn hết điếu thuốc thì đã 8g kém 10, nhà cháu lững thững quay lại. Vẫn vắng hoe, kể cả lược lượng bảo vệ (LLBV)
















Đành bỏ 10.000đ mua vé vào cổng Bảo tàng Quân đội. Hôm nay gió to, quốc kỳ bay ngạo nghễ.
















Từ trên tầng Hai, nhà cháu thấy có cái biển viết: “Khu vực cấm” BẰNG TIẾNG VIỆT đặt ngay trước biển đá khắc chữ “Công viên V.I. Lê Nin”. Kể ra có tí ‘ĐỐI phó NGOẠI quốc” vậy cũng đỡ nhục quốc thể.












Trước cửa Bảo tàng Quân đội xuất hiện 02 chiếc xe búyt, trước chỗ bác tài có tấm biển “Xe về bến”. Ô hay, “về bến” sao lại ỗ ở đây? Bên hông BTQĐ cũng có 1 chiếc nữa, phục sẵn.

8g15 vẫn vắng hoe, nhà cháu lượn vào trong phòng trưng bày. Lần đàu tiên vào đây, nhà cháu cứ “lăn tăn” trước cái tủ kính đựng kèn đồng của dàn nhạc đã chơi bài “Tiến quân ca” ngày 02/9/1945. Giá có bộ này mang đi tuần hành thì tốt. Ngước lên thấy ảnh và một bảng viết chữ TO một phần bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do và Độc lập và sự thật đã thành một nước Tự do Độc lập. Tòan thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lương, tính mạng, của cải để giữ vững quyền Tự do và Độc lập ấy“.












Đúng lúc vừa đọc xong những lời hào hùng ấy, nhà cháu nghe tiếng còi tu huýt vang lên từ dưới đường Điện Biên Phủ.

Rồi! Chạy vội xuống thấy mọi người đã đến tự lúc nào nhưng không vào quá được đường Nguyễn Tri Phương chạy ngay sát Bảo tàng Quân đội.












Quốc kỳ, biểu ngữ được trương lên. Tiếng hô: Đả đảo TQ đánh cướp của ngư dân Việt Nam, Hoàng Sa-Trường Sa – Việt Nam vang lên.
LLBV ập tới. Từ bên kia đường, loa trên chiếc xe của CS113 yêu cầu bà con giải tán, “BIỂN ĐÔNG ĐÃ YÊN ỔN”. Mấy bác già vặc lại: Nó vừa đánh, người cướp cá kia sao lại nói YÊN ỔN được?












Tối qua, nhà cháu ngồi tự kẻ lên phần lưng cái áo phông đỏ, trước ngực có ngôi sao vàng, một câu hỏi: CHÚNG TA LIỆU CÓ CÒN ĐƯỢC ĂN CÁ BIỂN ĐÔNG?
Nghe LOA chướng quá, nhà cháu quay lưng áo về phía đó.Chả biết có đọc không nhưng không thấy LOA nói câu kia nữa.












Chừng mươi phút, ngay sau tuyên bố không giải tán sẽ dùng biện pháp mạnh một chiếc xe buýt được điều ra. Mọi người không đứng TỤ TẬP nữa mà bắt đầu di chuyển để tuần hành.
Nhưng một đám thanh niên đeo băng đỏ nhào vào túm, đẩy mọi người lên xe buýt.
Có tới 10 người mặt mũi hằm hằm túm và đẩy bằng được chú em Nguyễn Văn Phương (cùng họ cùng tên, khác mỗi tên đệm với vị Tổng đốc đã tuẫn tiết vì Hà Nội ) lên xe.
Khẩu hiệu bị giật, xé. Cả quốc kỳ cũng bị chúng giằng, vứt xuống đất.
Lốc-gơ Lê Dũng nhào xuống nhặt lên bị đẩy đạp dúi dụi, văng mất cả kính đeo mắt.
Mọi người quây lại nhưng số lượng quá ít so với lực lượng kia và cả CSCĐ nên một số bị dồn lên xe một cách rất thô bạo.












Hơ, nhưng có chú em bị nhồi lên xe lại toe tét cười, vẫy nhà cháu qua cửa kính!

Chiếc xe búyt ấy chuyển bánh thì những người còn lại cũng rời khỏi ‘khu vực bảo vệ’ đi tuần hành. Nãy đã ít, giờ còn ít hơn, cả đoàn đâu chỉ được hơn 20 người.Vẫn đi!
















Nhà cháu nhận ra vợ chồng GS-TS Nguyễn Đông Yên, nghệ sỹ đường phố Tạ Trí Hải… nhưng cũng được gặp khá nhiều người chưa từng gặp ở các lần trước. Vẫn đủ cả nam phụ lão ấu.

Đi đến chắn tàu Cửa Nam, một đội LLBV chắn ngang đường, nhất quyết không cho đoàn tuần hành đi tiếp. Một bác già mặc đồng phục dân phòng, miệng vẫn ngậm cái tăm, quát bảo mọi người: Quay lại! Ô hay, đằng kia thì LLBV đuổi không cho TỤ TẬP ở KHU VỰC BẢO VỆ, đến đây lại bảo quay lại là sao? Nhưng nhìn bác ấy buồn cười quá, nhà cháu góp ý nhẹ: Xếp ơi, ra lệnh gì thì cũng nên nhổ cái tăm đi đã! Bác kia gườm mình rồi quay đi nhưng vẫn không nhổ cái tăm ra. Khổ, tiếc gì cái tăm chứ, mất hết cả sang trọng!

Rồi lại một chiếc xe buýt trờ tới.
Lại lực lượng thường phục đeo băng đỏ xô đẩy, dồn mọi người lên xe. Mải giúp đỡ bà con tránh những đối xử thô bạo, nhà cháu không thể ghi hình.











Tuy nhiên, nhiều người khác đã chộp được hình ảnh một thanh niên BỊ KHIÊNG vứt lên xe.
Buồn nhất là cái ảnh này là của phóng viên hãng tin AP chụp, nhà cháu lấy được trên mạng.
Ôi, thế giới người ta sẽ nghĩ sao về truyền thống CÙNG MỘT BỌC (từ Hán-Việt là Đồng Bào) của người Việt Nam mình đây. Đau xót quá !

Một bác gái bị đẩy rất thô bạo lên xe, gãy đôi cả chiếc ô đang cầm. Bác này nằng nặc đòi xuống. Vì:”Tao đang trên đường đến bệnh viện K khám bệnh sao chúng mày bắt tao lên đây?”. Nhà cháu cũng nói giúp để bác ấy được xuống nhưng một thanh niên mặc thường phục trợn mắt quát: “Mày đi vào trong!”. Tôi nhắc nhở rằng bác ấy cao tuổi rồi, không được phép ăn nói giọng đó. Lập tức, nhà cháu cũng bị quát: “Ông đừng lắm chuyện, đi vào!”

Một bác trai vấp ngã trên bậc lên xuống vì bị đẩy quá mạnh còn bị đạp thêm một phát.

Khi có khoảng 20 người trên xe, lực lượng thường phục đeo băng đỏ rút. Trên xe chỉ có một chú cảnh sát trẻ măng mặc sắc phục đứng cạnh bác tài. Sau, khi đếm lại, mọi người xác định chỉ có 17 người thuộc đoàn tuần hành, còn lại là các chú thuộc LLBV mặc thường phục, ngồi tít cuối xe.

Tếu nhất là bác trai vừa bị đạp ngã kêu toáng lên bắt đền vì bị mất bao thuốc lá. Chú cảnh sát mặc sắc phục chắc quá xấu hổ, rút bao thuốc của mình đưa, bác trai ấy không cầm: “Tao hút Vinataba, không hút thuốc này”.












Chiếc xe buýt chở chúng tôi được lệnh vượt qua cả đèn đỏ khiến một người đi đường ngã lăn, may không sao. Một lúc sau, nhà cháu thấy có một chiếc ô tô của CS113 chạy trước dẫn đường. Nhà cháu bỗng nhớ chuyện vui cô Tố Nga kể về 2 lần đi ô tô có xe hú còi chạy trước, 1 lần bị cảnh sát đô thành Sài Gòn bắt đi tù và 1 lần ngồi trên xe VIP.












Sau một lúc, cả LLBV đi kèm và chúng tôi mới biết là sẽ được đưa về Mỹ Đình.
Đến nơi, bác tài hết chui đầu đến lùi đuôi ‘mấy đỏ’ mà không thể vào được cổng đồn công an Mỹ Đình. Nhà cháu bảo cứ mở cửa xe cho mọi người đi xuống, có ai sai trái hay có tội gì đâu mà sợ họ bỏ chạy. Mới đầu, LLBV không chịu, nhưng rồi cũng chả có cách khác nên đành đỗ ngang cổng rồi mở cửa xe cho tất cả xuống.
Vào đến sân, nhà cháu nhận thấy những người được MỜI lên chiếc xe trước cũng được đưa về đây. Hỏi mới biết là LLBV không đủ người và đồn Mỹ Đình cũng không có chỗ để nên nhiều người vẫn chưa được TIẾP.












Nhóm đi trên chiếc xe buýt 29T5485 cùng nhà cháu sau được đưa cả vào một phòng to, TIẾP chung. (Sau mới được thiếu tá đồn trưởng cho biết đồn công an này thuê chỗ của một trường học).
Hình như từng người cũng chỉ được yêu cầu cho biết họ tên, địa chỉ. Nói hình như, vì nhà cháu được một chú thường phục khoác tay, bảo muốn nói chuyện riêng.
Sau khi được đưa cho xem giấy tờ, nhà cháu và chú an ninh ấy ngồi bệt xuống bậc tam cấp trò chuyện.
Thấy nhà cháu rút thuốc hút, chú an ninh cũng xin một điếu dù không nghiện.
Câu chuyện cũng khá thoải mái. Nhất là khi thượng úy (hay thượng tá nhà cháu không nhớ) tên là Công KHOE là có em trai đang là bác sỹ quân y ở Trường Sa. Nhà cháu nói luôn là các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ luôn cảm thấy “ấm lưng” khi mỗi người dân cùng lên tiếng chống TQ gây hấn. Họ sẽ không trở nên đơn độc trơ trọi như những đồng đội đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma năm nào.

Thượng tá Công thuyết phục nhà cháu nên hiểu rằng chuyện biển Đông Nhà nước đang lo, việc đi biểu tình có thể gây ảnh hưởng xấu đến ĐẠI CỤC. Mặt khác các thế lực phản động đang muốn lợi dụng điều đó để chống phá Việt Nam. Thậm chí chúng còn cho tiền người đi biểu tình.

Nhà cháu đã trao đổi thẳng tưng:
1- Chắc anh làm an ninh thì chắc luôn cập nhật tin tức. Chắc anh phải biết chuyện đầu tháng Bảy đã có 300 đại biểu của 19 tờ báo Đảng khu vực miền Trung – Tây Nguyên còn phải họp và thống nhất: Trước tình hình xâm phạm lãnh hải Tổ quốc thời gian gần đây, NGOÀI TIẾNG NÓI CỦA CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG, BÁO CHÍ NÓI CHUNG, BÁO ĐẢNG NÓI RIÊNG CẦN GÓP TIẾNG NÓI MẠNH MẼ HƠN NỮA KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM….
Nhà nước làm việc của Nhà nước. Tôi là dân, nói như GS Phạm Duy Hiển là: “ nhiều người khác họ lên tiếng được, từ ông Chủ tịch nước, ông Thủ tướng đều lên tiếng, cho tới các Hiệp hội hội Luật sư, Hiệp hội Dầu khí… tất cả họ đều lên tiếng. Còn tôi chỉ là một cá nhân, một công dân, tôi KHÔNG BIẾT LÊN TIẾNG Ở ĐÂU ĐƯỢC THÌ TÔI ĐI BIỂU TÌNH! “

2- Trao đổi với văn nghệ sĩ Thủ đô tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cũng mới đầu tháng này, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN Phạm Quang Nghị đã cho rằng: NẾU CHỈ CÓ NHƯ THẾ MÀ THÀNH CÔNG THÌ CÓ LẼ KHÔNG PHẢI XUỐNG ĐƯỜNG CHỈ CÓ NGẦN ẤY NGƯỜI MÀ CÓ THỂ PHẢI ĐI NHIỀU HƠN. Và nếu chỉ có biện pháp ấy thành công thì phía họ còn xuống đường nhiều hơn chúng ta. Và đó cũng chỉ là một trong những việc có thể làm hoặc làm thế nào để phối kết hợp với các biện pháp khác, nhưng đấy không phải là biện pháp duy nhất để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đây là vấn đề rất hệ trọng, rất lớn và chúng ta phải có sự nhất trí rất cao thì chúng ta mới thắng lợi được. Nhưng nếu chúng ta không nhất trí cao, không muôn người như một mà mỗi người làm một ý thì chính chúng ta làm suy giảm sức mạnh mà chúng ta đang có chứ không phải làm tăng sức mạnh ấy lên.

(Xin mở ngoặc ngay rằng: Lúc ấy nhà cháu chỉ nói đại ý, không đầy đủ được DƯ LÀY. Tuy nhiên, thượng tá Công đã không hề vặn vẹo lại , vì chắc cũng có biết những thông tin này. Giờ ngồi làm entry này thì nhà cháu phải gõ ĐẦY ĐỦ và có dẫn nguồn hẳn hoi.)

3- Hôm ông P.Q. Nghị chưa nói thế, nhưng qua thực tế tôi cũng đủ nhận biết được các “tín hiệu đèn xanh”, rằng Nhà nước không chỉ không cấm “TỤ TẬP”, MÀ CÒN BẢO VỆ “các BỘ HÀNH” như tôi đã có tường thuật ghi nhận về các cuộc XUỐNG ĐƯỜNG các Chủ nhật trước.
(Câu này thì CHUẨN luôn, vì đây là nhời của nhà cháu, không trích dẫn)

Vậy thì ý kiến “biểu tình có thể gây ảnh hưởng xấu đến ĐẠI CỤC” có lẽ là suy nghĩ của cá nhân anh.

Còn chuyện để các thế lực phản động lợi dụng thì KHÔNG THỂ CÓ.
Bằng này tuổi, được ông-bà-bố-mẹ nuôi ăn học, tôi không để ai lợi dụng. Mà anh đừng xúc phạm cá nhân tôi và những người đi biểu tình khi nói đến chuyện NHẬN TIỀN!

Đúng lúc ấy, một bác trai mặc áo phông quốc kỳ đi ngang qua (sau nhà cháu mới được biết bác ấy có quý danh đầy đủ là Đào Tiến Thi), góp chuyện: – Chắc anh lại nói chuyện Việt Tân chứ gì. Trong số những người tuần hành và những người bị đưa về đây, anh chỉ cho tôi một thằng. Tôi sẽ còn đánh nó trước anh.
Thượng tá Công thừa nhận là không có.
Bác Thi thắc mắc là chả được ai tiếp, nhà cháu kéo ngồi TRAO ĐỔI luôn cùng thượng úy Công.
Bác ây bảo:- Nếu anh bảo “biểu tình có thể gây ảnh hưởng xấu đến ĐẠI CỤC” thì sao Đảng và Nhà nước không thông báo chính thức để Nhân dân biết. Nếu có như vậy, tôi là 1 đảng viên sẽ ở nhà luôn. Thượng tá Công cười dàn hòa, lại xin nhà cháu điếu thuốc nữa. Trong lúc trao đổi, anh liên tục có điện thoại và đều rất lịch sự xin phép chúng tôi ngưng để nghe.

Nhà cháu TRAO ĐỔI tiếp về chuyện các thanh niên đeo băng đỏ hành xử quá thô bạo. Rằng: Sao cùng máu đỏ da vàng như nhau mà họ có thể làm như thế? Rằng: Những hành động ấy sẽ làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong mắt người nước ngoài chứng kiến và xem ảnh. Rằng: Thượng tá Công cần phản hồi với cấp trên của anh để chấn chỉnh ngay việc đó.
Bác Thi thêm:- Tôi không tin có lệnh từ trên, nhưng tại sao họ dám làm thế cả với những người đáng tuổi cha mẹ họ?
Thượng tá Công thừa nhận việc đó là KHÔNG CHẤP NHẬN ĐƯỢC. Nhưng anh bảo:Trong các bác chắc cũng thế. “Bàn tay có ngón ngắn ngón dài”, chắc có người không nhận thức được đầy đủ mệnh lệnh. Anh cũng hứa sẽ báo cáo cấp trên về việc này.
Được một lúc, anh bảo chúng tôi có thể về. Cả bác Thi và nhà cháu đều bảo để chờ mọi người XONG rồi cùng về.
Sau đó thượng tá Công lại ra giữa sân nghe điện thoại và đi lúc nào nhà cháu cũng không hay. Giờ mới tiếc là quên không chụp ảnh để ghi lại hình ảnh đẹp về một sỹ quan an ninh thân thiện và có học.

Mà chả biết trong “lớp học” có chuyện gì mà tý lại nghe vỗ tay, cười rầm rầm. Nhà cháu và bác Thi lượn vào, thấy có một anh mặc sắc phục, “đeo lon” thiếu tá, biển tên đầy đủ: Chu Anh Tuấn 121-717 (số đẹp ghê, không biết có THỬA không nhể?). Nhà cháu bỗng nhớ là có một số người mặc cảnh phục lúc đầu có đeo biển nhưng sau đều tháo cất đi. Không biết chuyện gì nhưng thiếu tá Tuấn đang cười nói rôm rả với bà con.
Nhà cháu kêu khát nước, có bác rót từ một bình nước to đưa cho 1 cốc. Xời, phải nói là đã đời! Trưa nắng nóng khiếp!
Thiếu tá Tuấn cười bảo:- Lúc nãy đem ra mời, bà con bắt tôi phải uống trước đấy.
Nhà cháu đùa lại: – Thì nhỡ có người cho thuốc ngủ vào thì bọn tôi ngủ ở đây mất.
Có bác MÁCH là thiếu tá Tuấn đã hứa tý nữa sẽ có ô tô chở tất cả về lấy xe máy. Nhà cháu vỗ tay hoan hô.












Thiếu tá Tuấn phân trần là đồn nghèo lắm, chưa có trụ sở, phải đi thuê nhà của trường học.
(Ra thế! Lúc vào, nhà cháu cứ séc méc là sao đồn công an mà lại có biển ghi “Tiên học lễ, hậu học văn”.). Anh còn bảo nếu không chê, mời bà con ở lại ăn cơm trưa với đồn để biết công an ăn uống thế nào. Mọi người lại vỗ tay rầm rầm.

Nhưng có mấy bác vưỡn bức xúc vì đưa về đây. Cái bác gái đi khám bệnh nói bô bô (bác ấy còn chửi tục lắm, không dám chép ra đây): Tao đi khám bệnh mà giờ ở đây… Lại còn bị đánh, lần sau tao sẽ đi biểu tình thật luôn! Mọi người lại vỗ tay rầm rầm.
Một bác “gạ”: Hay Chủ nhật sau anh Tuấn đi tuần hành với chúng tôi…cho vui. Lại vỗ tay rầm rầm.
Nhớ ra lúc bác ấy bị đẩn thô bạo lên cửa ô tô buýt bị gãy gập cả cái ô, nhà cháu giơ ra cho thiếu tá Tuấn xem, anh lắc đầu, cười buồn.

Ôi, chả bù cho lúc bị dồn lên xe buýt. Thật tình nhà cháu chưa bao giờ thấy thoải con gà mái với ‘các chú công an’ dư lày.













Đảo ra sân đồn/trường thấy các bác khác cũng đang hàn huyên vui như Tết. Nhiều bác hỏi xin nhau số điện thoại. Thấy nhà cháu ra, các bác bắt chụp giúp mấy pô ảnh lưu niệm.












Bác gái đứng giữa bác GS-TS Nguyễn Yên Đông và chú em Nguyễn văn Phương tên là Nguyễn Nguyên Bình (con cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, đồng môn với ông Nguyễn Phú Trọng ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp).

Một bác KHOE được ‘hối lộ’ 40.000đ để kiếm xe về nhưng không về. Bác GS Nguyễn Yên Đông còn được bảo để đưa về bằng xe con cũng không về.Để “nào ta cùng lên xe buýt” với mọi người cho vui.

Loanh quanh mải chuyện trò, hơn 1 tiếng đồng hồ sau vưỡn chả thấy xe đâu. Nhà cháu chạy quanh tìm không thấy thiếu tá Tuấn. Ra cổng hỏi, trực ban chỉ vào trong. Định đi lên gác thì bị một chú khác cản, bảo sẽ đi gọi. Lại đành chờ. Nhưng càng chờ càng mất hút. Mấy bác già rủ nhau lên gác, bị chặn lại, chú công an đứng đầu hiên chỉ cho 1 người lên tìm. Nhưng cả phòng có treo biển “Đồn trưởng” cũng không thấy. Hỏi mấy chú vừa mới làm việc với mọi người thì đều giả điếc.

Chán vì bị ‘ăn thịt hươu’ có bác bắt đầu bực:- Bắt về bằng được rồi đem bố bỏ chợ thế này!
11g30, ai nấy đều mệt và đói. Bác Yên Đông lại có việc “nghĩa tử là nghĩa tận” với 1 đồng nghiệp ở viện nên sốt ruột nhưng cũng chỉ đưa ý kiến là mọi người nên cùng đi ra bến xe buýt. Tuy nhiên, số đông lại ủng hộ việc ở lại đòi bằng được xe chở về. Bác Hằng ‘béo’ móc tiền bảo mấy chú trẻ chạy đi mua bánh mỳ, nước. Mấy bác khác và nhà cháu cũng góp, rồi nhà cháu kéo mấy thanh niên nữa đi vơ vét mấy quán mua được một đống bánh mỳ ruốc, nước, sữa mang về.












Đang ăn thì thiếu tá Tuấn đột ngột xuất hiện, nhăn nhó thanh minh đồn bị ‘bỏ bom’, không có kinh phí và không đủ thẩm quyền giải quyết. Đã báo cáo cấp trên nhưng cũng không có phương án giải quyết. Kể cũng buồn cười thật.












Thông cảm với phân trần của thiếu tá Tuấn, mọi người quyết định ăn uống xong sẽ tuần hành tiếp tục ra bến xe buýt. Vừa lúc, lốc-gơ Nguyễn Xuân Diện chả biết kiếm đau được cái ô tô, mò đến. Các băng-rôn khẩu hiệu được giăng ra, mọi người đứng chụp ảnh kỷ niệm trong sân đồn công an Mỹ Đình rồi tiến ra cổng.












Chính Ngọ, đoàn tuần hành bắt đầu ‘tua’ mới. Có bác bảo đếm được 46 người tất cả.
Vừa được tiếp năng lượng, ai nấy hô thật hoành tráng. Lại Đả đảo TQ gây hấn, Đả đảo TQ cướp của ngư dân Việt Nam, Bảo vệ biển đảo Việt Nam, Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh … Rồi hát. Hết “Dậy mà đi” lại “Nối vòng tay lớn”…












Hoành tráng là bác Hằng ‘béo’ kiếm đâu được đến 2 cái loa pin nên càng khí thế.












Hai bạn trẻ này quê tận Yên Bái gì đó, đang học ở Hà Nội. Lúc trong đồn, bác Hằng ‘béo’ bảo như cán bộ tuyên huấn: Đất nước này trông vào các cháu! Thằng nào đuổi học chúng mày cứ gọi tao! Kinh thía.












Vợ chồng GS-TS Nguyễn Đông Yên đồng hành đến cùng dù bác ấy nhịn đói vì đang ăn chay không ăn được bánh mỳ kẹp ruốc. Khổ, nhưng nhà cháu và mấy bạn tìm khắp mấy quán chả có gì khác.












Phố trưa nắng gắt và vắng ngắt, nhưng từ tít các cửa kính mấy nhà cao tầng thấp thoáng bóng người nhìn ra.












Rồi mấy bác đi đường dừng lại biểu đồng tình. Vui đáo để!












Đến bến xe buýt ngang Bảo tàng Hà Nội vừa xây và Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình còn có bác mang hoa , cùng cả 1 thùng LaVie ra tặng. Cái nhà bác Hằng ‘béo’ trông thế mà Nhát giai, ép mãi mới chịu nhận rồi lại tặng lại người khác. Phương án cuối cùng đưa ra là mỗi người nhận 1 bông hồng. Hề hề! Zui zẻ cả!












Trong lúc chờ xe buýt cả đoàn vẫn hô-hát say sưa (đoạn này cháu quay video nên không post lên đây được). Chuyên môn đi điền dã khảo cổ như nhà cháu mà có lúc cũng hơi choáng vì nắng nóng, vậy mà cháu Chíp (con lốc-gờLê Dũng) vưỡn ‘nhảy chân sáo’.
Từ đâu xuất hiện một xe CS113 biển số 31A-6507 đến đỗ cách đó mươi mét. Một chú ngồi trong xe máy lạnh lại hí húi quay phim, chụp ảnh.
Khổ, bao nhiêu gương mặt này thì các chú NHẴN hết rồi, quay chụp làm gì nữa !












Nhưng lạ là mấy chuyến xe tuyến số 50 (có đỗ gần vườn hoa Lê Nin) đều bỏ bến chạy thẳng dù mọi người có vẫy và trên xe rất vắng.
Thôi thì kết thúc một buổi XUỐNG ĐƯỜNG có quá nhiều bất ngờ cũng chả muốn nghĩ xấu về bất cứ ai, mọi người vẫy ta-xi và từng nhóm 3-4 người ra về, sau khi hẹn gặp lại.

Không có nhận xét nào: