Pages

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Những bài học cần nhớ trong lịch sử chống ngoại xâm

Trần Minh Thảo

Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam đã để lại cho hậu thế hai bài học chiến thắng và cũng chừng đó bài học thất bại. Muốn thắng giặc bành trướng phương Bắc hiện đại thì không thể không xem xét những bài học đó.

Bài học chiến thắng thứ nhất là cách chuẩn bị kháng chiến chống Nguyên Mông của nhà Trần, bài học chiến thắng thứ hai là cách tập hợp lực lượng trong kháng chiến chống thực dân Pháp của Hồ Chí Minh.

Bài học thất bại thứ nhất là bài học nhà Hồ thua giặc Minh và bài học thất bại thứ hai là bài học nhà Nguyễn thua người Pháp.

Trong kế sách kháng chiến chống xâm lược phương Bắc, theo tôi, việc giải phóng nông nô, cấp ruộng đất cho người nông dân vừa có tự do là kế sách thần diệu (kế rễ sâu gốc bền, lấy dân làm gốc - chính sách hạn nô hạn điền). Do chính sách hạn nô hạn điền của nhà Trần mà ta thấy được trong đội ngũ những chiến binh ‘Sát Thát’ có những nông nô vừa được giải phóng cầm vũ khí ra trận, hy sinh xương máu bảo vệ tự do, ruộng đất vừa có được cho mình và cho con cháu đời sau một cách hăng hái, không đắn đo, dẫu biết rằng nếu bị giặc Nguyên bắt được thì sẽ bị chém đầu tức thì. Do đó mà tổ quốc Đại Việt trường tồn. Chính sách ‘giải phóng nông dân’ của thời Trần có tính nhân văn, vượt xa thời đại đến mấy trăm năm, tiến bộ hơn một số quốc gia văn minh cùng thời.


Bài học chiến thắng của Hồ Chí Minh thì còn tươi rói: đoàn kết dân tộc, trọng dụng trí thức, cải cách ruộng đất và liên minh với nước lớn. Cải cách ruộng đất trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã bị lên án là bất nhân, tàn ác, thất nhân tâm, nhất là cách làm sau năm 1954. Nhưng cũng chính công cuộc cải cách ruộng đất ấy đã đưa ra chiến trường nhiều bần cố nông - tá điền - làm thuê - vô sản - đói rét nhiều đời vừa trở thành người chủ đất. Những người chủ mới ấy ra trận với một tâm thức theo tôi là gần với những nông nô vừa được giải phóng ở thời Trần đã tự nguyện khắc hai chữ ‘Sát Thát’ vào cánh tay. Khi đánh giá về chiến thắng của cuộc kháng chiến, Đảng cộng sản Việt Nam nói là do chủ nghĩa Mác Lê-nin bách chiến bách thắng. Đại tướng Võ nguyên Giáp thì nói là do phương thức sản xuất châu Á cộng với vũ khí của Liên Xô và phe XHCN. (Cướp của nhà giàu chia cho người nghèo hay cải cách ruộng đất đã hình thành ra đội quân nông dân giải phóng - vệ quốc đi kháng chiến với tâm thức không có gì để mất hay không để mất thứ vô giá mới có được do cải cách ruộng đất ban cho).

Trong cuộc kháng chiến lần hai, chế độ Việt Nam Cộng hòa thời Ngô Đình Diệm có một giải pháp ruộng đất văn minh hơn (cải cách điền địa, mua lại đất ruộng của điền chủ cấp phát cho nông dân) nhưng cũng thất bại do nhiều nguyên nhân, nông dân lại mất ruộng đất vừa được cấp phát. Không ít trong số vừa ‘tái nghèo đói’ đó đã trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường - cũng vì không có miếng đất cắm dùi hay đã để mất miếng đất cắm dùi.

Bài học thất bại thì trước hết phải kể đến Hồ Quí Ly. Hồ Quí Ly tiếm vị đã không được tính chính danh, lại kế thừa một ‘xã tắc’ đổ nát, một quyền lực cai trị rất hủ bại chỉ biết lấy đờn ca hát xướng làm thú vui, đến nổi vua Trần còn ra chiếu truyền ngôi cho một người có biệt tài làm vui tai, sướng mắt vua quan, triều đình; chế độ nô tì phục hồi, nông dân nghèo mất hết ruộng đất lại trở thành nông nô. Cha con họ Hồ chỉ lo chế tạo vũ khí và mơ có trăm vạn hùng binh. (Cha con ông ấy cũng đã nhìn thấy nguy cơ nhân dân sẽ kháng chiến chống xâm lược phương Bắc với người khác nhưng chẳng có kế sách phù hợp).

Thứ đến, nhà Nguyễn thì suy bại, tàn ác đến mức người dân thời Tự Đức than van: “thành xây xương lính, hào đào máu dân”. Người dân đã thấy như vậy thì không cách nào chịu kháng chiến chống Pháp với triều đình nhà Nguyễn.

Chính trị không có trí nhớ là loại chính trị ‘nhìn gần’, chỉ biết cướp bóc người dân.

Sự thật là người Việt đã chọn kháng chiến chống thực dân Pháp với Hồ Chí Minh cũng như người Việt đã chọn giải pháp Lê Lợi cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh 500 năm trước. Nguyên nhân của sự lựa chọn kháng chiến chống ngoại xâm với ai của dân Việt trong hai thời kỳ đó cũng dễ hiểu: nhà Hồ và nhà Nguyễn đã tạo ra, duy trì, và kiên định bảo vệ một thứ nhà nước ‘tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây’, ‘cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan’…

T.M.T.

Nguồn BoXitVN.

Không có nhận xét nào: