Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Phô sức mạnh trên biển, Trung Quốc muốn không đánh cũng thắng


Tàu tuần tra hàng hải mang tên Hải tuần 31 của Trung Quốc Ảnh: phnewsnetwork.


Khi Trung Quốc chuẩn bị thử nghiệm trên biển tàu sân bay đầu tiên, có thể sớm nhất là ngày thứ Sáu [1/7], trùng với dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, các nhà phân tích nước ngoài sẽ quan sát xem Hải quân nước này đưa con tàu phô diễn sức mạnh Trung Quốc nhanh chóng đi vào hoạt động như thế nào.
Việc vận hành vận hành tàu sân bay có lẽ không đơn giản.

Số ít các nước có tàu sân bay đã phải mất nhiều năm để học cách vận hành.

Hơn thế nữa, tàu sân bay thời Liên Xô mang tên Varyag mà Trung Quốc mua lại từ Ukraine năm 1998, dù được tân trang nhưng vẫn mang các hạn chế trong thiết kế.

Tàu Varyag sử dụng thiết kế kiểu nhảy cầu và thiếu một hệ thống máy phóng máy bay làm hạn chế khả năng chở máy bay chiến đấu.


Phạm vi hoạt động của nó cũng sẽ bị hạn chế vì Varyag không thể đảm bảo khả năng tiếp dầu để mở rộng khoảng cách cho các máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu sân bay. Nó cũng không thể mang theo các máy bay cảnh báo sớm, mà chỉ có thể sử dụng trực thăng, một chọn lựa ít hiệu quả.





Máy bay chiến đấu kiêm ném bom dùng cho tàu sân bay của quân đội Trung Quốc là J-15 – được cho là phiên bản của Sukhoi Su-33, Nga.

Theo hai nhà phân tích Mỹ là Gabe Collins và Andrew Erickson, mặc dù J-15 được mệnh danh là “Cá mập bay”, phi đội trên tàu sân bay “không có bước tiến đột phá”.

Viết trên trang mạng đặt ở Tokyo của tờ Diplomat ngày 23/6, họ cho rằng, việc sắp hạ thủy Varyag ''tuy vậy cũng làm dấy lên lo lắng trong khu vực vì nó thể hiện sự tiến bộ nhanh chóng về năng lực hàng không của hải quân Trung Quốc và quyết tâm của Trung Quốc khi mở rộng hiện diện ở các vùng biển trong khu vực''. Hai nhà phân tích nhấn mạnh, với trang bị hệ thống tên lửa hiện đại, tàu sân bay mang theo J-15 có thể đe dọa các mục tiêu trên biển ở khoảng cách 500 km.

Nếu Varyag, và sau đó là một lớp các tàu sân bay mới xây dựng ở Trung Quốc được triển khai ở Biển Đông cùng với hạm đội tàu chiến và tàu ngầm hộ tống, thì khả năng của Trung Quốc trong việc gây sức ép với tuyên bố chủ quyền để kiểm soát hầu hết trái tim hàng hải của Đông Nam Á sẽ được tăng cường mạnh mẽ.

Trung Quốc đã chiếm ưu thế sức mạnh hải quân trong khu vực mặc dù còn tụt hậu sau Mỹ, là nước đang gia tăng hợp tác chặt chẽ với lực lượng hải quân, phòng vệ bờ biển của Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác để đối trọng với các lực lượng Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào việc Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa quân sự có thể quên đi một xu thế khác khá quan trọng, đó là Bắc Kinh đang gia tăng sức mạnh hàng hải, trong ngắn hạn, tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đối đầu với Nhật Bản. Trung Quốc đã mở rộng nhanh chóng các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải và phối hợp các cơ quan nay như một cánh tay của chính sách quốc gia, hỗ trợ lực lượng hải quân.

Đầu tháng này, báo chí Trung Quốc đưa tin về những kế hoạch tăng cường lực lượng Hải giám Trung Quốc – một cơ quan bán quân sự thực thi các chính sách ở những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thuộc quyền tài phán của họ tại Biển Đông cho dù có thể bị tranh chấp với những quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Lực lượng này sẽ được tăng thêm 16 máy bay và 350 tàu vào năm 2015, tăng số lượng nhân sự từ 9.000 người – chủ yếu là lính hải quân cũ – lên 15.000 người vào năm 2020. Số lượng các tàu tuần tra cũng sẽ tăng tới 520 tàu vào năm 2020.

Phần lớn các tàu trên được cho là sẽ triển khai ở Biển Đông và biển Hoa Đông – vùng biển mà Trung Quốc và Nhật Bản có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với các đảo, vùng đánh bắt cá và trữ lượng dầu khí đáy biển. Hiện tại, hạm đội Hải giám Trung Quốc chỉ có 13 tàu tuần tra, hai máy bay và một trực thăng. Nhưng một cơ quan thực thi luật hàng hải khác của Trung Quốc cũng có các hạm đội góp phần thực thi các lệnh cấm đánh bắt cá, thăm dò dầu khí ở những vùng mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền – chiếm tới khoảng 80% Biển Đông.

Trong số này có Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc. Đây là cơ quan đã điều động một trong những tàu lớn nhất, hiện đại nhất tới Singapore, thể hiện quyết tâm bảo vệ những tuyên bố của mình trước thách thức của các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Việt Nam và Philippines

Tàu Hải tuần 31 có lượng giãn nước 3000 tấn, được trang bị bãi đáp cho trực thăng và có khả năng ở trên biển 40 ngày mà không cần tiếp nhiên liệu. Đây là con tàu đầu tiên trong đội tàu hải giám do Trung Quốc thiết kế.

Các quan chức Mỹ và châu Á cho rằng, một diễn biến quan trọng khác là chương trình tổ chức lực lượng dân quân hàng hải của Hải quân Trung Quốc từ các đội tàu đánh cá. Tiến sĩ Erickson, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết, ông đã kết luận rằng, Trung Quốc “không muốn bắt đầu một cuộc chiến, mà thiên về vận dụng sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của mình để ‘chiến thắng mà không cần chiến đấu’ thông qua việc ngăn chặn những hành động mà họ coi là gây hại tới các lợi ích cốt lõi”. Trong vài năm qua, các tàu cá Trung Quốc đã cùng tham gia đội tuần tra của các cơ quan thực thi luật pháp hàng hải kiểu như phối hợp hành động quấy nhiễu các tàu đo đạc Mỹ cũng như tàu thăm dò dầu khí của các nước Đông Nam Á ở Biển Đông, hay tàu tuần duyên Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Các chiến thuật này khiến người ta khó đổ trách nhiệm cho Hải quân Trung Quốc, nhưng nó thực sự khiêu khích và không có lợi cho nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực.

M. R.

* Tác giả là nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore.

Không có nhận xét nào: