Pages

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Sử dụng công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm bằng chứng, Trung Quốc đã bộc lộ điểm yếu tạo cơ hội cho Việt Nam đòi lại quần đảo Hoàng Sa - Trườ

Lê Văn Cường

Kỹ sư xây dựng

Phân tích sự việc chính quyền Trung Quốc (TQ) sử dụng công hàm năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (TT PVĐ) làm bằng chứng chứng minh chính Việt Nam (VN) cũng tán đồng Hoàng Sa và Trường Sa (HS–TS) thuộc chủ quyền “không thể tranh cãi” của TQ, chúng ta thấy rõ ý đồ thâm hiểm, tinh vi nhưng cực kỳ xuẩn ngốc của chính quyền TQ.

Ý đồ thâm hiểm, tinh vi nhưng cực kỳ xuẩn ngốc của chính quyền TQ khi sử dụng công hàm năm 1958 của cố TT PVĐ làm chứng cứ ở chỗ tự nó đã lộ ra việc TQ không hề có bất cứ bằng chứng lịch sử nào chứng minh quần đảo HS-TS thuộc chủ quyền của mình, nên buộc phải sử dụng công hàm năm 1958 của TT PVĐ và hy vọng dựa vào cái phao lý thuyết Estoppel đã có thông lệ áp dụng tại toà án quốc tế. Đại ý lý thuyết Estoppel phán xét rằng: Anh không thể nói hai lời trái ngược nhau, trước đây anh đã tuyên bố mảnh đất ấy là của tôi, thì nay anh không được phép tuyên bố ngược lại mảnh đất đó là của anh. Trước đây TT PVĐ của VN đã tán đồng, công nhận HS-TS thuộc chủ quyền của TQ thì nay VN không được phép nói ngược lại. Lời nói ngược lại của VN không có giá trị.


Lý thuyết Estoppel có giá trị áp dụng khi nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt nam (CHXHCNVN) và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) là một. Điều này có thể làm cho các nhà lãnh đạo nước CHXHCNVN lúng túng, không biết nên xử lý thế nào! Nếu phủ định nước VNDCCH không phải là nước CHXHCNVN thì không được, vì không đúng với lịch sử. Nhưng nếu công nhận nước VNDCCH và nước CHXHCNVN là một thì lại sa vào bẫy, lý thuyết Estoppel lập tức có giá trị áp dụng, VN sẽ đuối lý không cãi được trước Toà án Quốc tế.

Có thể vì vậy Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam đành phải “ngậm hạt thị”, gây sự cố lỗi hẹn không trả lời Kiến nghị của 18 vị nhân sỹ trí thức vào ngày 13/7/2011 vừa qua, trong đó có mục quan điểm của chính phủ VN đối với công hàm năm 1958 của cố TT PVĐ.

Nếu đúng với lý do như trên chứ không phải vì lý do nào khác thì 18 vị nhân sỹ trí thức gửi Kiến nghị cũng sẽ thông cảm và huy động những tài trí đang ẩn tàng trong nhân dân mách nước, trợ giúp.

Việc chính quyền TQ đang gây hấn, lấn chiếm tại biển đông thuộc lãnh hải VN ngày càng trầm trọng, nóng bỏng cần phải khẩn trương giải quyết. May thay! Vấn đề “ngậm hạt thị” khi đối chọi với thuyết Estoppel và công hàm năm 1958 của TT PVĐ đã được một ông ẩn danh nào đó đề cập tới. Ông ẩn danh phân tích tình hình và lý luận rằng:

Không hiểu sao chính quyền VN cứ lo sợ hão huyền, sẽ không có chuyện xảy ra chiến tranh, xung đột đổ máu nào đâu nếu Việt Nam cứ đàng hoàng yêu cầu TQ dừng ngay việc gây hấn và phải trả lại những phần đã chiếm tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Bởi lẽ nếu TQ gây sự, đụng đến VN, đồng nghĩa với việc TQ lộ rõ bộ mặt bá quyền muốn làm bá chủ thế giới, sẽ đụng đến toàn thể các nước yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới ngay. Một cuộc chiến tranh bùng nổ, một bên đơn độc là TQ và một bên là toàn thể thế giới bảo vệ cho lẽ phải và sự công bằng. Chính quyền cộng sản cai trị nước CHND Trung Hoa chắc chắn sẽ sụp đổ, lãnh đạo TQ hiện nay đủ trí khôn để nhận ra điều đó và cũng không muốn điều đó xảy ra. Việt Nam hiện nay đang ở thế vô cùng thuận lợi để đòi lại những gì mà TQ đã chiếm đoạt. Đòi lại quần đảo HS-TS thuộc chủ quyền của VN đã bị TQ chiếm đoạt năm 1974 và 1988 bằng cách nào? Rất đơn giản, chính phủ Việt Nam cứ thẳng thắn và cương quyết yêu cầu phía TQ phải rút hết người và các phương tiện tại các quần đảo HS-TS trong vòng 1 tháng để chính quyền VN tiếp quản. Nếu phía TQ không đồng ý hoặc giả vờ đồng ý rồi cứ ở lỳ đó thì buộc lòng chính phủ VN phải đưa ra toà án Liên Hiệp Quốc phân xử.

Nếu đưa ra toà án Liên Hợp Quốc, chắc chắn TQ sẽ thua kiện, vì TQ không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh quần đảo HS-TS thuộc chủ quyền của TQ. TQ chỉ dựa vào cái công hàm năm 1958 và thuyết Estoppel. Cái công hàm năm 1958 và thuyết Estoppel đã được hoá giải không thể áp dụng bằng lập luận:

Bất cứ nước nào trên thế giới, chính phủ nước đó phải có trách nhiệm đảm bảo giữ gìn an ninh cuộc sống cho cộng đồng cư dân đang sinh sống tại lãnh thổ nước đó. Chính phủ nước VNDCCH phải có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống và giữ gìn an ninh cuộc sống cho cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ phía Bắc Việt Nam. Chính phủ nước Việt Nam Cộng hoà (VNCH) phải có trách nhiệm đảm bảo giữ gìn an ninh cuộc sống cho cộng đồng cư dân sinh sống trên lãnh thổ phía Nam Việt Nam. Vì một lý do nào đó hai chính phủ nước VNDCCH và chính phủ nước VNCH hợp nhất lại với nhau thành một chính phủ mới thì chính phủ mới đó phải có trách nhiệm đảm bảo giữ gìn an ninh cuộc sống cho cộng đồng cư dân thuộc cả hai vùng lãnh thổ của cả hai nước VNDCCH và VNCH. Cụ thể nước VNDCCH và nước VNCH hợp nhất thành nước CHXHCNVN thì chính phủ nước CHXHCNVN phải có trách nhiệm đảm bảo giữ gìn an ninh cuộc sống cho cộng đồng cư dân sinh sống trên toàn bộ lãnh thổ của cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam.

Qua đó, bất kỳ ai cũng nhận thức được rằng chính quyền nước VNDCCH chỉ là một bộ phận, một chính quyền địa phương phía Bắc thuộc nước CHXHCNVN từ năm 1976, (nước CHXHCNVN bao gồm và hợp nhất của hai nước VNDCCH, lãnh thổ địa phương phía Bắc và nước VNCH, lãnh thổ địa phương phía Nam). Vì chính phủ nước VNDCCH chỉ là một chính quyền địa phương phía Bắc nên mọi tuyên bố của chính phủ nước VNDCCH chỉ có tính chất địa phương chứ không có tính chất đại diện cho toàn thể nước CHXHCNVN và như tuyên bố của chính phủ nước CHXHCNVN, nên không áp dụng được lý thuyết Estoppel. Hơn nữa nước VNCH, lãnh thổ địa phương phía Nam ngày nay thuộc quyền quản lý của chính phủ nước CHXHCNVN nên chính phủ nước CHXHCNVN phải có quyền và có trách nhiệm với cộng đồng cư dân sinh sống tại đây giải quyết những vướng mắc tồn đọng của nước VNCH trước kia. Do đó lý thuyết Estoppel cũng không áp dụng được trong trường hợp chính phủ nước CHXHCNVN đại diện cho chính quyền địa phương phía Nam ngày nay tức chính phủ nước VNCH trước đây khởi đơn kiện đòi chủ quyền quần đảo HS-TS đã bị TQ chiếm đoạt năm 1974 và năm 1988.

Quần đảo HS-TS thuộc chủ quyền của nước VNCH, chính quyền địa phương phía Nam thuộc nước CHXHCNVN ngày nay, có nhân chứng là chính phủ Pháp và chính phủ Hoa kỳ làm chứng tính đến thời điểm năm 1973. Thử hỏi phía chính quyền TQ có nhân chứng nào chứng nhận quần đảo HS-TS thuộc chủ quyền TQ? Đó là chưa kể tới việc phía VN có rất nhiều tài liệu lịch sử chứng minh HS-TS thuộc chủ quyền của VN còn TQ thì không có tài liệu lịch sử nào khác ngoài cái công hàm năm 1958 của TT PVĐ và lý thuyết Estoppel không áp dụng được. Vụ án sẽ nhanh chóng kết thúc và TQ sẽ thua kiện, chịu án phí.

Có lẽ đã chợt hiểu lý sự cùn không bịp được nhân dân Việt nam, nên TQ đã nhanh chóng đổi chiến thuật ép VN và Philippines chỉ đàm phán song phương, tuyệt đối không đưa ra toà án quốc tế. Chính phủ Việt Nam phải hết sức tỉnh táo, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Cũng nên nhắc lại lời cảnh báo tới các nhà lãnh đạo nước CHXHCNVN rằng: Đây là thời cơ thuận lợi duy nhất để Việt nam đòi lại chủ quyền biển đảo đã bị TQ chiếm đoạt năm 1974 và năm 1988. Nếu để lỡ thời cơ, không đòi lại được phần đã mất, tức là các vị không làm tròn trách nhiệm được nhân dân cả nước tin tưởng giao phó.

Hà Nội, ngày 16/7/2011

L.V.C.

Không có nhận xét nào: