Pages

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Tầu sân bay TQ thay đổi thế cân bằng

Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc được thiết kế trên nền một chiếc tàu sân bay cũ của Ukraina

Trung Quốc chính thức xác nhận hồi tháng Sáu họ đang hoàn thiện hàng không mẫu hạm đầu tiên. Tin này đã gây ra các phản ứng khác nhau trên thế giới. BBC xin giới thiệu đánh giá của Reuters trong bài của nhà phân tích rủi ro chính trị Peter Apps:


Với hàng không mẫu hạm mới, Trung Quốc đang mở rộng tầm với trên thế giới.

Và trong khi Bắc Kinh nhấn mạnh mong muốn hợp tác hòa bình, vai trò toàn cầu lớn hơn của họ đang khiến một số nơi trên thế giới tái chú ý vào lĩnh vực hải quân.

Sau nhiều thế kỷ không có tham vọng lớn trên biển, giờ Trung Quốc đang có lực lượng chống hải tặc túc trực thường xuyên ở Ấn Độ Dương.

Hồi đầu năm nay, một tàu chiến Trung Quốc đã tới Địa Trung Hải để sơ tán công dân của họ khỏi Libya, điểm xa nhất mà lực lượng hải quân của họ từng tới.

Trung Quốc cũng đang xây các cảng thương mại ở Pakistan, Sri Lanka và các nơi khác.

Bắc Kinh nói họ không có ý định biến các hải cảng này thành căn cứ quân sự, nhưng những đối thủ của họ như Washington và Delhi vẫn lo lắng.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng ưu tiên của họ là trỗi dậy hợp tác và hòa bình để giữ giao thông đường biển an toàn cho dù họ có tham vọng và nhu cầu hàng hải.

Chỉ qua việc cùng cảnh giác, tăng cường hợp tác và những cố gắng chung, chúng ta mới có thể đảm bảo lợi ích chung.

Tư lệnh hải quân Trung Quốc
"Trước những đe dọa hàng hải ngày càng nhiều và trước các thử thách toàn cầu, không một lực lượng hải quân nào có thể một mình đối diện với những đe dọa và thử thách này, và họ cũng không thể khoanh tay đứng nhìn," Phó Đô đốc Điền Trung, Tư lệnh Hải quân Nhân dân Trung Quốc nói tại Viện Royal United Services Institute, London.

"Chỉ qua việc cùng cảnh giác, tăng cường hợp tác và những cố gắng chung, chúng ta mới có thể đảm bảo lợi ích chung."

Nhưng với nhiều điểm nóng tiềm tàng trên vùng biển gần Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan và tranh chấp lãnh hải với Việt Nam và các nước khác, một số chuyên gia cho rằng sẽ có những nguy cơ.

Hải quân trong vùng đã có phản ứng khi Quân Giải phóng Nhân dân có được các vũ khí tối tân từ tàu ngầm tới tên lửa đạn đạo chống tàu chiến và cả hàng không mẫu hạm cũ mà họ mua lại của Ukraina hồi cuối thập niên 1990 với mục đích được công bố ban đầu là để làm sòng bạc nổi.

Các quốc gia Châu Á và Thái Bình Dương tăng cường các hạm đội của họ và mối lo Trung Quốc cũng làm cho các quốc gia Tây Phương, trong đó có Hoa Kỳ, tập trung vào những lĩnh vực như chống tàu ngầm, điều ít ai để ý tới từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Các nhà phân tích nói rằng hải quân Trung Quốc còn phải mất nhiều năm mới có thể có sự hiện diện đáng kể về hàng không mẫu hạm ở các đại dương Châu Á, vốn vẫn là vùng hoạt động của hải quân Hoa Kỳ kể từ Thế Chiến II.

Tuy nhiên tổng số tàu chiến trên thế giới sẽ giảm xuống trong những năm tới đây, giới phân tích nhận định.

Kỹ thuật phức tạp và liên tục thay đổi khiến giá thành tàu chiến ngày càng cao và các nước đành phải sử dụng ít tàu hơn nhưng là các tàu đa dụng.

Hiện Hải quân Hoa Kỳ vẫn là lực lượng áp đảo trên thế giới nhưng họ phải đối phó với các đòi hỏi như cuộc khủng hoảng ở Libya và hải tặc cũng như đòi hỏi phải có sự hiện diện trên biển để đáp ứng nhu cầu triển khai nhanh lực lượng trên bộ.

Tất cả các nhu cầu này hiện hữu khi Washington đang chịu sức ép tài chính ngày càng tăng.

Hải quân Trung Quốc
•Hạm đội Bắc Hải đóng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, kiểm soát biển Bột Hải và Hoàng Hải.
•Hạm đội Đông Hải đóng ở Ninh Phố, tỉnh Chiết Giang
•Hạm đội Nam Hải, đóng ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông và có cả căn cứ tàu ngầm ở Tam Á, đảo Hải Nam, kiểm soát Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải.
Ưu tiên

"Chúng tôi bị giằng xé giữa Trung Quốc, những rối loạn mới trên thế giới và nhu cầu cấp bách về giảm ngân sách," ông Nikolas Gvosdev, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc gia tại Học viện Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ ở Rhode Island.

"Những điều này khiến có sự thỏa hiệp trong chiến lược phát triển tàu chiến...chúng tôi cần tàu có thể sử dụng trong những chiến dịch can thiệp vì mục đích nhân đạo ngày hôm nay nhưng cũng có thể được sử dụng để chiến đấu với Giải phóng Quân Nhân Dân vào ngày mai nếu cần."

Dĩ nhiên sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là lý do duy nhất khiến phương Tây thay đổi chiến lược hải quân.

Chính một số yếu tố khiến Hải quân Trung Quốc vươn xa hơn cũng đang làm thay đổi trọng tâm hải quân của các nước Châu Âu đang gặp khó khăn tài chính.

Một số nước nhìn thấy nhu cầu cần có lực lượng hải quân linh hoạt hơn sau một thập niên tập trung vào cuộc chiến trên bộ ở Iraq và Afghanistan. Họ cần tàu hải quân mới cho những sứ mệnh khác nhau.

Hiểm họa hải tặc Somali ngày càng tăng đã khiến nhiều nước chú ý tới sự mong manh của giao thông đường biển toàn cầu vào lúc mà giá cả và chi phí hải quân ngày càng tăng.

Trong khi đó những sự kiện như "Mùa xuân Arab" hay Libya đòi hỏi có tàu phản ứng nhanh vừa để di tản người, vừa để đảm bảo lệnh cấm vận và vừa có thể tấn công các lực lượng của ông Muammar Gaddafi.



Tuy có hạm đội 7 ở Thái Bình Dương nhưng trước mắt Hoa Kỳ phải chú tâm vào Afghanistan và Iraq hơn là vùng Đông Á



"Đó là các thực tế trước mắt," Phó Đô đốc Giuseppe de Giorgi, thanh tra các trường hải quân của Ý và cựu trưởng tham mưu của tư lệnh hải quân Ý nói với Reuters tại hội nghị về sức mạnh hàng hải ở London mới đây.

"Trước mắt, Afghanistan sẽ vẫn ngốn nhiều nguồn lực nhưng đây không phải là chuyện cứ mãi như vậy. Sau Afghanistan, người ta sẽ phải thay đổi ưu tiên."

Cạnh tranh tư nhân

Vị Phó Đô đốc nói điều quan trọng là cần có lực lượng hải quân linh hoạt và đầu tư cho hải quân cần đảm bảo mục tiêu tối thiểu hóa chi phí nhưng tối đa hóa công năng.

Chẳng hạn hàng không mẫu hạm mới nhất của Ý cũng có thể dùng làm tàu chở binh lính, dụng cụ hay hàng cứu trợ.

Họ cũng đào tạo cho các thủy thủ để bảo vệ hàng hóa trên tàu và coi đây là biện pháp tiết kiệm chi phí khi không phải hộ tống tàu hàng phòng nguy cơ hải tặc.

Nhưng không phải ai cũng tin rằng hải quân là giải pháp tiết kiệm chi phí nhất để giải quyết các vấn đề như vậy vào lúc có khó khăn tài chính.

Ngay cả đội tàu đang phát triển của Bắc Kinh cũng gặp phải sự cạnh tranh của các công ty tư nhân hoạt động tại vùng hoạt động của hải quân Trung Quốc.

Tại Ấn Độ Dương, các công ty vận tải đường thủy ngày càng quay sang sử dụng các nhân viên bảo vệ tư nhân vì sự hiện diện của tàu chiến chỉ đẩy nạn hải tặc từ các vùng gần bờ ra những vùng biển nước sâu.

Và trong khi Bắc Kinh muốn tập trung sự chú ý vào việc họ cử hạm đội tới Lybia, trên thực tế phần lớn trong số hàng ngàn nhân viên Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực dầu khí ở Libya di tản bằng máy bay thương mại mà Trung Quốc thuê của hãng Control Risks có trụ sở ở London.

Nhiều người nói rằng chuyện các công ty vận tải đường thủy chuyển sang đăng ký ở những nước như Panama và Liberia cũng có cái giá của nó

Họ nói tại sao người dân đóng thuế ở các nước Châu Âu và Hoa Kỳ phải trả tiền bảo vệ cho các công ty tàu thủy trong khi chính các công ty này tìm mọi cách để không phải đóng thuế tại các nước đó.

Còn các sĩ quan hải quân phương Tây lại lo ngại nếu họ chỉ sản xuất một số lượng nhỏ tàu tối tân với chi phí lớn thì họ sẽ khó lòng có thể đối phó được với Trung Quốc hay các hiểm họa khác trong tương lai.

"Nếu chúng ta muốn thấy kẻ thù tiềm năng lớn nhất, chúng ta chỉ cần nhìn vào gương sẽ thấy," một sĩ quan không muốn nêu tên nói.

Không có nhận xét nào: