Tự do, lưu đày và các nhà văn, nhà thơ phản kháng
Việt Nguyên
LTS – Từ Bàn Viết Houston là cột mục bàn về các vấn đề thời sự từ chính trị tới kinh tế, văn hóa… do nhà báo Việt Nguyên trong ban biên tập Ngày Nay phụ trách. Ông cũng là một bác sĩ làm việc tại Houston
***
Mùa hè 2011, trời Houston nóng đổ lửa và bên kia bờ Thái Bình Dương, biển Đông vẫn còn dậy sóng. Tình trạng bang giao giữa Trung Hoa và Việt Nam vẫn căng thẳng qua sự tranh chấp chủ quyền các hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dân chúng xuống đường với các khẩu hiệu chống Trung Cộng, chống bá quyền Trung Quốc với hình hải tặc trên lá cờ đỏ Cộng Sản Trung Quốc.
65 năm sau ngày ông Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập tự do nhái theo tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ của tổng thống Jefferson, Việt Nam giờ đây đã rõ ràng chia hai, một bên là những người dân yêu nước và một bên là Đảng Cộng Sản, một Đảng Cộng Sản có những hành động như một chi bộ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếp tục đàn áp nhân quyền và phong trào dân chủ.
Từ sau những cuộc cách mạng Hoa Lài ở Trung Đông và Bắc Phi, Cộng sản Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam đàn áp trí thức chống đối, dẹp bỏ các blog, giam tại gia đối lập. Cùng thời gian Trung Cộng bắt giam các nhà dân chủ như nhà văn Ái Vệ và tống xuất các nhà văn, chính quyền Cộng Sản Việt Nam trục xuất bà Trần Khải Thanh Thủy trong cùng chánh sách “không tiền chuộc, không trả tự do” thời Đặng Tiểu Bình.
TỰ KIỂM, TỰ KHAI, TỰ THÚ
Bà Trần Khải Thanh Thủy đã viết hơn 50 bài thơ và hàng chục bài viết chống chế độ, là một cái gai. Bà đến phi trường San Francisco, tìm thấy tự do trong khi 48 giờ trước đó ở nhà tù. Can thiệp vào sự trục xuất trả tự do của bà là công của dân biểu Loretta Sanchez, kết quả của sự hợp tác giữa chính quyền Mỹ và Việt Nam. Sự trục xuất giờ chót sau ngày làm việc tích cực của văn phòng tòa Đại sứ Mỹ ở Hà Nội, ngày 23/6 bà được đưa từ trại giam ra phi trường.
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy trong cuộc phỏng vấn của AFP tại WashingtonDC hôm 12 tháng Bảy, 2011. (Hình: NICHOLAS KAMM/AFP/Getty Images)
Trường hợp của bà Thủy là một trường hợp điển hình khiến người ta nghĩ đến trường hợp người bị trục xuất đầu tiên ở Trung Hoa khi Hoa Kỳ thành lập bang giao với chính quyền Cộng Sản Trung Quốc.
Giáo sư Fang Lizhi, một trong những nhà tranh đấu dân chủ trong phong trào “bức tường dân chủ” ở Bắc Kinh đã bị bắt giam cùng năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình viếng thăm Hoa Kỳ. Năm 1989, Hoa Kỳ đòi Đặng Tiểu Bình phóng thích giáo sư Fang. Đặng Tiểu Bình dùng lá bài Fang để trao đổi với Hoa Kỳ qua 3 điều kiện: Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Trung Cộng, bắt đầu chương trình viện trợ và cho vay qua quỹ tiền tệ quốc tế và ngân hàng thế giới, mời chủ tịch Giang Trạch Dân qua thăm viếng Hoa Kỳ.
Trong năm 1989, ông Kissinger đích thân gặp Đặng Tiểu Bình 11 lần để thương thuyết phóng thích giáo sư Fang, phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bắc Kinh, đặc sứ Hoa Kỳ Burg Hart tìm cách gặp ông Fang, ông giáo sư bị cô lập không hề biết có sự thương thuyết giữa 2 chính phủ giống như trường hợp bà Thủy và các trường hợp của những nhà trí thức Việt Nam trước đó. Năm tháng sau, Đặng Tiểu Bình gặp Henry Kissinger, họ Đặng cho nhà thương thuyết nổi tiếng của Hoa Kỳ biết muốn được phóng thích, ông Fang phải viết bản tự thú, đích thân ông Đại sứ Hoa Kỳ đem lời yêu cầu của Đặng Tiểu Bình đến ông Fang.
Cộng sản thích tự khai, tự kiểm, tự thú. Tinh thần tự kiểm tốt có tự ngàn xưa từ các tôn giáo cũng như đạo đức để con người tự sửa tự nhìn lấy mình đã bị cộng sản xuyên tạc thành một nền văn hóa nói dối. Từ tự kiểm đến tự khai như thời sau 30/4/1975, hàng trăm ngàn tù cải tạo đã phải làm tờ tự khai mỗi ngày khi chế độ chưa có cách kiểm soát bằng máy vi tính.
Tự khai tự kiểm trở thành phương pháp, thành công cụ của chế độ để quấy nhiễu, để khống chế những người cầm bút, ngay cả đến những người cầm bút ở hải ngoại về thăm nhà như trường hợp chủ báo Ngày Nay Nguyễn Quốc Cường. Công an như những người máy robot làm việc cho Đảng.
Đảng lãnh đạo- Đảng cũng là người máy. Người máy Đảng nói gì thì người máy công an nói theo. Người máy luôn luôn đúng bởi vì người máy đã được chương trình hóa phần mềm đúng. Hồi thời Stalin bảng tự thú đồng nghĩa là có tội, tội nhân bị đày đi Tây Bá Lợi Á (Siberia). Thời Đặng Tiểu Bình trở về sau, bản tự thú nằm trong văn hóa của cộng sản, bản tự thú của giới trí thức đấu tranh dân chủ không đồng nghĩa với bản nhận tội mà là bản văn để cứu vãn thể diện cho chính quyền. Ở Trung Hoa trong thời kỳ cách mạng văn hóa, đảng viên làm bảng tự thú mỗi ngày, mỗi đảng viên bỏ ra nửa giờ mỗi ngày viết bảng tự thú, chép lại bản tự thú cũ đảo ngược thứ tự ABCD thành DCBA rồi nạp lên công an. Ông công an ngồi trong chòi tranh nhận bản tự thú không hề đọc.
Bản tự thú thời cách mạng văn hóa nổi tiếng nhất là bản tự thú của đồng chí Đặng Tiểu Bình. Sau vụ Lâm Bưu, họ Đặng bị Mao nghi ngờ, họ Mao phân vân không biết sẽ để Đặng Tiểu Bình về cầm quyền hay sẽ đuổi họ Đặng ra khỏi Đảng. Đặng Tiểu Bình viết bảng tự thú, bảo đảm với chủ tịch Mao không phản bội Đảng, sẽ không khi nào đi ngược lại chánh sách cách mạng vô sản của Mao. Kết quả như cả thế giới biết Đặng Tiểu Bình qua Mỹ năm 1979, theo con đường tư bản với khẩu hiệu “làm giàu là vinh quang” “mèo trắng cũng như mèo đen miễn là bắt được chuột”.
Văn hóa tự thú có từ thời Trung Cổ. Dân chúng sống dưới chế độ độc tài thời công giáo La Mã. Lenin, ông thầy tu xuất, giữ cái văn hóa “tôi xin nhận tội” với những “cẩm nang tự thú” in ra, người tự thú chỉ cần điền tên và quì gối cúi đầu xưng tội “con van xin bề trên, những người vĩ đại, vị tha, những đấng thiện toàn v.v… tha lỗi”. Như khi Corpenicus bị kết tội vì chứng minh mặt trời chứ không phải trái đất là cái rốn của vũ trụ hay khi Galileo chứng minh trái đất xoay chung quanh mặt trời chứ không phải mặt trời xoay quanh trái đất ông phải xưng tộI “ “Con Galileo quỳ trước các đấng Hồng Y xuất chúng, các bậc tôn kính… để thú tội sai lầm”.
Ở thế kỷ thứ 21, Cộng Sản Việt Nam theo Trung Cộng làm kinh tế nhưng vẫn giữ giáo lý thời Trung Cổ!
NHÀ VĂN, NHÀ THƠ PHẢN KHÁNG
Bà Trần Khải Thanh Thủy đến San Francisco, cảm thấy được tự do, giống như những người tị nạn Việt trước bà. Hoa Kỳ vào mùa lễ độc lập có không khí không ai có thể quên, “không khí dễ thở”. Đầu thế kỷ 21, những nhà thơ Việt Nam như bà Thủy giống như các nhà thơ nổi tiếng đầu thế kỷ 20 của Nga, phải chọn lựa, hoặc ở lại mặc dù biết trước họ phải đối diện với những sự đối xử tàn bạo của chế độ như Boris Pasternark hay ra đi như Joseph Brodsky, hai nhà thơ đoạt giải Nobel văn chương.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, sau khi nhà độc tài Stalin chết, Nga với sự lãnh đạo của Tổng Bí Thư Krushchev đã nhìn về Tây phương, giải phóng một phần nào sự ràng buộc của giới trí thức. Những nhà thơ như Brodsky bị ảnh hưởng thơ trường phái lãng mạn, làm thơ chế nhạo chế độ, thơ tự nhiên như nước chảy không cần cố gắng, ca tụng tự do, một hạnh phúc dân Nga đang thiếu, đã khiến Stalin nổi giận muốn loại trừ. Sanh năm 1940, Brodsky nổi tiếng với bài thơ “Những người hành hương” bài thơ thành bài hát trong những buổi lửa trại, đọc trong những buổi thơ, đêm thơ trong trụ sở hội thơ gần trụ sở công an KGB đã làm Krushchev nổi giận và cả nước Nga điên lên vì một bài thơ với tự do như hơi thở như lẽ sống mà chế độ cộng sản không thể cung cấp cho họ.
Joseph Brodsky bị bắt làm tờ thú tội và bản thú tội của ông thở ra thơ, thành bài thơ tả tệ nạn xã hội của chế độ cộng sản! Năm 1962, TBT Krushchev đụng độ với Tổng thống John F Kennedy về vụ hỏa tiễn vịnh Cuba, bao nhiêu tức giận đổ lên đầu nhà thơ Brodsky khi giới Tây phương đồn Brodsky sắp được giải Nobel (phải chờ đến năm 1987 Brodsky mới được giải văn chương) ông bị đưa ra tòa năm 1964, đưa vào bệnh viện tâm thần rồi đi từ Gulaq. Chính quyền Xô Viết tức giận bất cứ những gì về thơ, về nhà thơ ngay cả khi ông ngủ, đứng, nằm, ngồi bọn Cộng Sản Xô Viết cũng khó chịu. Thời chống phá tư bản, cộng sản xem thơ như Tố Hữu trong thơ có thép, có lửa, đến khi nắm chính quyền họ lại xem các nhà thơ là bọn “ký sinh trùng, ăn bám, thiếu lao động”. Phiên tòa xử Joseph Brodsky được cả thế giới theo dõi, nó khôi hài và nhục nhã khi ông chánh án hỏi: “Bọn thi sĩ chúng mày có ích gì cho xã hội?” Thi sĩ Brodsky trả lời: “Thơ hữu ích cho nhân dân, cho những thế hệ tương lai”. Quan tòa hỏi: “Cái gọi là thơ là thế nào? Thi sĩ trả lời: “Tại sao ông lại nói “cái gọi là” thơ?” Quan tòa đành phải thú nhận không có khái niệm về thơ!
Năm 1972, Brodsky được thả, ba tuần sau tống qua Vienne, Áo sau khi từ chối đề nghị của KGB sẽ in thơ cho ông nếu ông chịu làm báo cáo về bạn bè, làm chó săn cho chế độ!
Tự do của nước Mỹ thời 70 đối với thế hệ đối kháng Xô Viết là tất cả. Nước Mỹ giống như “quê nhà để dành sẵn cho chúng ta”. Thập niên 1970 mở ra cho giới trí thức Nga, có cơ hội là đi xa khỏi nước Nga, một nước Nga vĩ đại và tù đày. Nhưng rồi cũng như những nhà thơ Việt Nam hồi 75, họ khám phá ra đi là mất tất cả. Không giống như cộng đồng người Việt đông đảo, cộng đồng Nga rời rạt, đa số ở miền Bắc những thành phố như Pittsburg- Thơ của Brodsky những năm đầu nói về những nỗi cô đơn mất mát “như những ngọn đèn đường mờ ám” những cuộc đời xa xứ như những sợi tuyết rơi “cuộc đời đã đi qua như một lần tuyết bắt đầu rơi, dường như không hề ngừng”. Nước Mỹ không có chỗ cho những nhà thơ nhà văn xứ cộng sản, như Losett “nhìn thấy xứ người bằng chính con mắt mình, nói chuyện với người lạ bằng ngôn ngữ của họ và đôi khi cảm thấy nỗi buồn lạ lùng”. Thơ mất đi nguồn hứng khởi ở quê nhà. Người Nga cũng như người Việt nhớ nhà trong 4 câu ca dao:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dằm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
Nhớ thì nhớ, lạc lõng thì lạc lõng nhà thơ không về lại nước Nga: “để quên một đời, con người cần sống ít nhất một lần trong cuộc đời khác và tôi đã sống”.
Nhà thơ Brodsky đã làm tôi liên tưởng đến các ông bạn thơ của tôi, năm 1996, Joseph Brodsky mất sau cơn chấn động cơ tim lần thứ ba với lời trối : “nếu buổi sáng không có ly cà phê và điếu thuốc thì tôi không thấy có lý do gì để thức dậy nữa!”
Joseph Brodsky bỏ học vì xã hội cộng sản thiếu lương thiện, 60 năm sau ở Trung Hoa, Hàn Hàn bỏ học năm 16 tuổi viết sách “3 cánh cửa” với hơn 2 triệu ấn bản bán chạy nhất trong vòng 20 năm qua. Năm nay 28 tuổi, cậu Hàn Hàn là người viết blog nổi tiếng nhất hiện nay, bị chính quyền Cộng Sản Trung Quốc dán nhãn “thằng nô lệ của Tây phương”, cậu đã bắt buộc công ty mạng Baidu không được in sách lậu, đổi lại chính quyền cảnh cáo: “Mày có thể làm loạn trong tòa báo nhưng không được xuống đường!” Các nhà viết blog Việt Nam cũng đang bị chi bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc ở Việt Nam nhẹ nhàng nhắc nhở như vậy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét