Ảnh của Hãng thống tấn Kyodo: Tàu hải giám Trung Quốc Haijian 51 (trước) và tàu tuần duyên của Nhật gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku / Ðiếu Ngư Ðài, ngày 14/9/2012
Duy Ái
Các chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài, sau khi tiến vào vùng biển do Nhật kiểm soát và đối đầu với các chiếc tàu của lực lượng tuần duyên Nhật trong nhiều giờ đồng hồ. Sự việc mà Nhật Bản gọi là “trước đây chưa từng có” đã diễn ra hôm thứ 6 (14-09-2012) trong lúc đảng đối lập chính ở Nhật Bản, Đảng Dân chủ Tự do, đang định giành lại quyền chấp chính với một nhà lãnh đạo mới, có chủ trương cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Hôm thứ 6 (14-09-2012), Lực lượng tuần duyên Nhật Bản cho biết 6 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển gần quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Đài, sau khi tiến vào vùng biển do Nhật kiểm soát và đối đầu với các tàu tuần duyên Nhật, khiến chính phủ ở Tokyo phải thành lập một tổ công tác khẩn cấp để ứng phó với tình hình. Bộ trưởng Ngoại giao Koichiro Gemba và Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto đã cắt ngắn chuyến công du Australia để về nước. Bộ Ngoại giao ở Tokyo cũng triệu đại sứ của Trung Quốc đến để phản đối hành động của Trung Quốc mà họ gọi là “vô cùng đáng tiếc” và “trước đây chưa từng có.”
Lực lượng tuần duyên Nhật cho biết đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật với số lượng đông như vậy. Họ cũng nói rằng trước khi rút đi các tàu Trung Quốc nói với phía Nhật Bản rằng “Những hòn đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa.”
Trước đó trong ngày thứ 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng “hành động của Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và biểu dương chính nghĩa là một hành động hoàn toàn chính đáng và hợp lý.”
Hồi đầu tuần này, chính phủ ở Bắc Kinh đã quyết định phái tàu vũ trang của Tổng Đội Hải Giám tiến vào vùng biển do Nhật kiểm soát để thực hiện điều mà họ gọi là "chấp hành luật pháp", sau khi Tokyo loan báo việc ký kết một hợp đồng để mua 3 hòn đảo trong quần đảo Senkaku từ tay sở hữu chủ là một gia đình người Nhật với giá 26 triệu đô la.
Tiến sĩ Dương Trung Mỹ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Đương đại ở Tokyo, cho rằng phản ứng kích liệt của Trung Quốc phát xuất một phần từ tình hình chính trị nội bộ. Ông nói rằng Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản sắp diễn ra nên các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải muốn tỏ thái độ cứng rắn với Nhật để lấy lòng dân chúng.
Ông nói tiếp như sau:
Vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo này đã khiến nhiều người Trung Quốc kêu gọi phát động một chiến dịch tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản. Thậm chí còn có người hô hào sử dụng vũ lực để "dạy cho bọn Nhật lùn một bài học." Nhưng cũng có một số người ở Trung Quốc tán đồng nhận định của các nhà phân tích là phản ứng kịch liệt của Bắc Kinh nằm trong âm mưu của các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản nhằm đánh lạc hướng dư luận trong lúc họ phải đối mặt với vô số vấn đề nan giải về chính trị, kinh tế và xã hội.
Một thính giả họ Hồ ở tỉnh Liêu Ninh nói với đài VOA về cảm nghĩ của ông:
"Tôi nghĩ rằng đây là một mưu toan đánh lạc hướng dư luận. Hiện nay, điều mà Trung Quốc cần phải giải quyết ngay là vấn đề dân sinh vì cuộc sống của người dân vô cùng khốn đốn. Vấn đề đảo Điếu Ngư là vấn đề đã có từ mấy mươi năm nay. Tạo sao lại chọn thời điểm này để làm ầm ĩ lên như vậy? Tôi hoàn toàn không quan tâm gì tới vấn đề này."Một thính giả họ Hồ ở tỉnh Liêu Ninh nói với đài VOA về cảm nghĩ của ông:
Trong khi đó, ông Yoichiro Sato, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Đại học Á châu Thái bình dương Ritsumeikan ở Nhật, cho rằng phản ứng dữ dội của Trung Quốc đã làm cho tình hình trở nên nguy hiểm hơn nhiều:
"Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát và Trung Quốc dùng phương tiện vật chất, chứ không phải phương tiện ngoại giao, để thách thức quyền kiểm soát này. Cho nên so với những vụ tranh chấp khác, vụ tranh chấp này căng thẳng hơn và đang tiến gần hơn tới chỗ nguy hiểm vì cả hai nước đã gia tăng hoạt động tuần tiễu trong vùng biển Senkaku. Khả năng xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn đang gia tăng với sự gia tăng của các hoạt động hồi gần đây của hai nước."
Ông Jamie Metzi, một nhà nghiên cứu cấp cao của Hội Á châu (Asia Society) ở New York, cũng cho rằng tình hình hiện nay rất nguy hiểm và đây là một phần của cuộc diện Đông Á trong thời đại mới.
Ông giải thích như sau:
"Trong lúc bắt đầu trỗi dậy và tăng cường sự hiện diện trên biển, Trung Quốc đã phô trương cơ bắp của họ và họ dùng việc đòi hỏi chủ quyền những hòn đảo này như một cách chẳng những để gây áp lực với các nước khác và thể hiện chủ nghĩa dân tộc mà còn để thách thức những mối quan hệ hiện có giữa các nước ở Á châu Thái bình dương, nhất là giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Vì vậy đây là một thời kỳ có nhiều biến động ở cả Biển Đông Trung Hoa lẫn Biển Nam Trung Hoa, và có dính líu tới rất nhiều quốc gia ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Cho nên tình hình hiện nay rất nguy hiểm."Ông giải thích như sau:
Ông Metzi nói rằng các nhà lãnh đạo ở Á châu, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, nên tự chế và tránh không để cho tình cảm dân tộc định đoạt sự bang giao giữa các nước:
"Có tiềm năng xảy ra xung đột. Bởi vì trong lúc chủ nghĩa dân tộc đang lên ở Trung Quốc và Nhật Bản, người ta bắt đầu hành động không theo lý trí. Đó là những gì mà chúng ta đang chứng kiến. Trong thập niên 1970 Nhật Bản đề nghị với Trung Quốc là chia đôi lãnh hải ở Biển Đông Trung Hoa ở đường trung tuyến. Đề nghị đó đã bị Trung Quốc bác bỏ. Giờ đây với áp lực và phản áp lực của chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước, chính phủ rất khó lòng lùi bước. Vì vậy chúng ta cần có một thời gian làm nguội và tiến hành thương thuyết trong thời gian đó."
Ông Metzi nói thêm rằng việc thương thuyết không thể xúc tiến nếu Trung Quốc tiếp tục bác bỏ những nguyên tắc của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, và nếu luật pháp quốc tế không được áp dụng thì chỉ còn cách là áp dụng luật rừng, mạnh được yếu thua.
Ông nói:
"Nhật Bản có lực lượng quân sự rất hùng mạnh với sự hậu thuẫn của Mỹ và Trung Quốc thì không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân. Tuy tôi không nghĩ rằng đôi bên sẽ xảy ra một vụ xung đột lớn trên biển, nhưng điều mà tôi gọi là ‘cuộc đấu tranh tiêu hao’ có phần chắc sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian sắp tới."Ông nói:
Giáo sư Sato của Đại học Á châu Thái bình dương cho rằng một trong những phương cách để tránh xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Nhật Bản là Hoa Kỳ tăng cường sự cam kết bảo vệ Nhật Bản.
Ông giải thích như sau:
"Nếu Hoa Kỳ không thể răn đe Trung Quốc đừng dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng, Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với vấn đề là có dùng vũ lực để lấy lại những hòn đảo này hay không. Nhưng khi đó Hoa Kỳ sẽ không có chọn lựa nào khác vì nó sẽ định đoạt sự khả tín của mối quan hệ đồng minh của Mỹ, chẳng phải chỉ riêng với Nhật Bản mà với nhiều nước khác. Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ không muốn để cho mình rơi vào một tình cảnh như vậy. Vì vậy vào lúc này Hoa Kỳ cần phải gia tăng sự răn đe bằng cách đưa ra những sự cam kết mạnh mẽ hơn với Nhật Bản."Ông giải thích như sau:
Trong lúc các tàu tuần của Trung Quốc và Nhật Bản đối đầu với nhau trên biển, những cuộc biểu tình chống Nhật tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Một số vận động viên Nhật đã bị hành hung ở Thượng Hải hôm thứ 6, hai ngày sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc hủy bỏ lời mời một phái đoàn quốc hội Nhật đến thăm Bắc Kinh vào hạ tuần tháng này. Truyền thông Nhật Bản cho biết giới hữu trách Trung Quốc cũng có thể sẽ hoãn lại buổi lễ định tổ chức ở Đại Sảnh Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 9 để mừng kỷ niệm 40 năm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong khi đó, tường thuật của các hãng thông tấn AP và Bloomberg hôm thứ 6 cho biết đảng đối lập chính ở Nhật, Đảng Dân chủ Tự do, đang định giành lại quyền chấp chính với một nhà lãnh đạo mới, có chủ trương cứng rắn hơn với Trung Quốc. Họ cho biết 4 trong số 5 nhà lập pháp đang tranh nhau chức chủ tịch của đảng này tán đồng đề nghị xây dựng bến cảng hoặc đồn trú nhân viên trên những hòn đảo đang có tranh chấp. Các nhà phân tích nói rằng xích mích Trung-Nhật có phần chắc sẽ leo thang thêm nữa nếu Đảng Dân chủ Tự do, có lập trường bảo thủ, giành được phần thắng trong cuộc bầu cử mà truyền thông Nhật cho là sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng giêng tới đây.
Trong khi đó, tường thuật của các hãng thông tấn AP và Bloomberg hôm thứ 6 cho biết đảng đối lập chính ở Nhật, Đảng Dân chủ Tự do, đang định giành lại quyền chấp chính với một nhà lãnh đạo mới, có chủ trương cứng rắn hơn với Trung Quốc. Họ cho biết 4 trong số 5 nhà lập pháp đang tranh nhau chức chủ tịch của đảng này tán đồng đề nghị xây dựng bến cảng hoặc đồn trú nhân viên trên những hòn đảo đang có tranh chấp. Các nhà phân tích nói rằng xích mích Trung-Nhật có phần chắc sẽ leo thang thêm nữa nếu Đảng Dân chủ Tự do, có lập trường bảo thủ, giành được phần thắng trong cuộc bầu cử mà truyền thông Nhật cho là sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng giêng tới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét