Pages

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Kinh tế thị trường tư bản tự do? Kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ đạo?


TS. Phan Văn Song

Chánh Quyền lớn Versus Chánh quyền nhỏ: Kinh tế thị trường tư bản tự do? Kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ đạo? Thử tìm một con đường thứ ba để Phát triển ?

       Đầu tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Âu châu Banque Centrale Européenne – BCE  Mario Draghi ra tuyên bố quyết định rằng từ nay Ngân Hàng BCE sẽ chấp nhận, ủng hộ, mở hầu bao mua lại những nợ nần để cứu các quốc gia đang bị khủng hoảng kinh tế và tài chánh có nguy cơ vỡ nợ và sập tiệm, như Tây Ba Nha, Bồ Đào Nha hay Ý Đại Lợi… Cả  chánh phủ, cả các nhà quan sát kinh tế nước Pháp và một phần lớn các nhà quan sát kinh tế miền nam ấu châu đồng thanh hoan hô và thốt ra  một tiếng thở phào nhẹ nhỏm, tiếng thở phào của một trường phái kinh tế  cổ điển, gần như  thủ cựu,  với một lý thuyết kinh tế theo chủ nghĩa « Chánh phủ lớn – Nhà  nước lớn( Big gouvernment – Étatiste) » – một nền kinh tế do chánh phủ chỉ đạo, thường được áp dụng ở các quốc gia  « xã hội chủ nghĩa » – một nền kinh tế hoạt động dưới  sự can thiệp, chỉ đạo bởi một Nhà nước trung ương, ở đây phải hiểu là  Liên hiệp Âu châu,  để làm dịu bớt căn thẳng, do những biện pháp kinh tế – cũng do Trung ương Âu châu –  buộc những quốc gia tuy đang bị thâm thủng nợ nần, khó khăn dồn dập  phải «  thắt lưng buộc bụng » lay hoay « nửa phải lao vào con đường khó khăn bí nước, tiết kiệm để bớt nợ, nhưng một nửa vẫn và đang phải giải quyết làm sao vừa nuôi sống dân mình vừa có tăng trưởng để trả nợ ».  Quyết định nói trên của Ngân Hàng BCE, dỉ nhiên cũng không tháo gở hẳn những biện pháp cứng rắn để kiềm chế ăn xài và tạo tiết kiệm để trả nợ,  nhưng cũng là một cơn gió hy vọng, lạc quan, tích cực thổi vào cái hoàn cảnh khá bi quan của khối thị trường chung đồng euro và Liên hiệp châu Âu. Bằng chứng, phản ứng tích cực của  các thị trường chứng khoán ngay ngày giữa tuần nhảy vọt tăng chỉ số từ 3 đến 4 điểm.(3%,4%)


Thế nhưng, cũng ngay lập tức, vào cuối tuần sang qua đầu tuần nay, các ngân hàng và các cơ quan đầu nảo các tiểu bang Công hòa Liên bang Đức, và không ít dư luận quần chúng Đức, mặc dù đã được bà Thủ Tướng Angela Merkel trấn an, nhận định quyết định của « Super » Mario, Thống đốc Ngân hàng BEC là một quyết định tích cực, vừa cứu khối đồng euro, mà vẫn không ảnh hưởng tăng trưởng và thạnh vượng quốc gia Đức, vẫn phản đối mạnh mẻ , xuống đường biểu tình, nhứt định đưa đơn đòi kiện và nhờ  Toà Bảo Hiến Liên bang Đức tại thành phố Karlsruhe xem quyết định của BEC, Ngân hàng Trung ương Âu châu có hợp hiến với Hiến Pháp Liên bang Đức không ? có « phản lại tinh thần tư bản và tự do doanh thương» của  Liên hiệp Âu châu không ? Và ngày 12 tháng chín năm 2012 Toà Bảo Hiến Liên bang Karlsruhe đã chấp nhận và đồng ý với quyết định của Ngân hàng Trung ương Âu châu là phải cứu đồng euros, và các quốc gia miền nam Âu châu đang gặp khó khăn, và cho phép Chánh phủ Đức tham gia can thiệp cấp cứu đồng eur,… và các đang lâm nạn ấy .

Một lần nữa hai quan niệm, hai chủ thuyết : « Chánh phủ lớn – Chánh phủ nhỏ – Nhà nước lớn  – Nhà nước nhỏ (Big gouvernment vs Small gouvernment) » đụng độ nhau. Cũng giống như cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc ở Huê kỳ vậy :  Đảng Dân chủ với Ứng cử viên/ Tổng thông đương kim Barack Obama với quan niệm Chánh phủ lớn, Trung ương tập quyền, hệ thống cầm quyền của Liên bang. Và quan niệm Chánh quyền nhỏ của Đảng Cộng hòa, với ứng cử viên Mitt Rommey, tư hữu hóa các dịch vụ công cộng, dịch vụ kinh tế, an sanh xã hội : từ Giao thông, đến Xã hôi, hay Ngân hàng. …hay cả hệ thống an sanh xã hôi.
Hai trường phái, hai quan niệm hai chủ thuyết nhưng cũng hai vùng địa lý âu châu với hai tập tục sanh hoạt xã hôi của hai hệ thống suy nghĩ tôn giáo và tổ chức tuy cũngThiên chúa Giáo nhưng vẫn khác nhau : miền Nam Châu Âu với Nhà thờ Thiên Chúa Giáo La mã, hay Chánh thồng Giáo với một sơ đồ tổ chức về tôn giáo với một Giáo hội rất Trung Ương tập quyền và cùng một quan niệm về tổ chức  chánh trị kinh tế hành chánh kiểu Nhà Nước Lớn. Miền Bắc trái lại với Đức tin theo Tin lành Giáo Anh giáo, Luther hay Calvin hay Cải cách, tản quyền hơn, không có Giáo hội, không có giai bực, tản quyền, địa phương, và quan niệm chánh trị kinh tế kiểu Nhà nước Nhỏ. 

Bài tham luận tuần qua: «Mười điểm lợi để Tư hữu hóa Nhà Nước, để Cải tổ Nhà Nước ?»
của  chúng tôi,  mượn cuốn sách « Chế độ Nhà Nước kiểu nầy đang giết nước Pháp » (Cet État qui tue la France) của Nicolas Lecaussin ( Nhà sách Plon , Paris – 2005 ),  làm căn bản suy nghĩ. Sách  tuy đã được  xuất bản năm 2005, như các độc giả thấy, nay vẫn còn rất  thời sự.
Tuần nầy, chúng tôi xin đi sâu vào vấn đề so sánh giữa hai quan niệm, hai trường phái kinh tế đã đọ sức nhau suốt gần cả hơn một thế kỷ, chẳng những về mặt quản trị kinh tế tài chánh mà cả đến về mặt hệ thống hành chánh quân sự, chánh trị và cai trị kiểm soát người dân. Và những hệ quả vừa qua và đang diễn ra : Chiến lạnh, chạy đua vũ khí, khối NATO hay Cựu khối Varsovie,… như chúng tađã  nhận xét vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay.
Để dẫn chứng bài tham luận, chúng tôi xin giới thiệu quý độc giả :  nhà văn, nhà nghiên cứu chánh trị Giáo sư Anthony Giddens,* ông vừa cho xuất bản tại Pháp hai cuốn sách « le Nouveau Modèle Européen » (Mẫu – kinh tế/xã hội – Âu châu mới) – nhà sách Hachette và « Over to you Mr Brown » ( Viết cho Ngài ( cựu Thủ Tướng)  G.Brown) – Nhà sách Policy Press.
A – Phân tách và nhận xét của Giáo sư Anthony Giddens:
1/ Mẫu Xã hội « Âu Tây »* lỗi thời : (người viết không dùng từ Âu châu để tránh hiểu lầm)
Ngày nay, mẫu Xã hội (và kinh tế) Âu Tây, được hai nhà kinh tế gia và xã hội học Jürgen Habermas và Jacques Derrida  nghiên cứu và mô tả như là một chế độ với môt « hệ thống Bảo hiểm xã hội » nặng nề  và sự ủy nhiệm của toàn nhơn dân âu châu vào  « vai trò khai hóa xã hội  của  nhà cầm quyền » đã bị phá sản  toàn bộ : 20 triệu người thất nghiệp. Bằng chứng : đã mấy năm nay rồi,  toàn dân nước Pháp và nước Hòa lan đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý từ chối bản « Hiến Pháp Âu Châu » để nói lên sự từ chối của toàn dân Pháp không còn tin tưởng vào một tổ chức Âu Châu nay không còn bảo vệ cuộc sống của họ nữa.
Mặc dù với mẫu lỗi thời này, các quốc gia Bắc Âu vẫn hòa giải được  Phát triển kinh tế cao và tổ chức rất thành công một cơ chế Bảo hiểm xã hội công bằng và có phẩm chất.
2/ Chương trình của Đảng Lao Động Anh cũng lỗi thời :
( Giáo sư Anthony Giddens là người Anh )
Trên mười năm cầm quyền, thành công đã rõ, với bốn lần được bầu lại, nhưng  Đảng Lao Động Anh cần phải cải tiến ?
Thực vậy, nếu Đảng Lao Động Anh (Labour Party) muốn thắng lần bầu cử tới, Đảng phải thay đổi quan niệm cầm quyền và chương trình làm việc. ( cuốn sách ra trước khi Gordon Brown và Labour Party thất cử – lời bàn  người viết)
Năm 1997, Đảng Tân Lao Động (New labour)  thắng cử nhờ chứng minh rằng muốn phát triển kinh tế Anh quốc thời bấy giờ, chương trình kinh tế xã hội chánh trị phải đi trên một con đường thứ ba giữa thế giới xã hội chủ nghĩa bất động và kinh tế thị trường sôi động, với điều kiện là phải đặt vai trò con người lên hàng đầu dỉ nhiên trong kinh tế hoàn cầu hóa. Nhưng ngày nay vì với những biến chuyển của toàn cầu hóa, chương trình của Đảng Xã Hội Anh phải có một tầm nhìn mới.

Sau khi chối bỏ chủ  thuyết (phát triển kinh tế) Keynes, chương trình của Đảng Tân Lao Động đã phải đáp ứng với tình hình kinh tế mới, tình hình kinh tế với «  toàn cẩu hóa ». Toàn cầu hóa không chừa một khâu kinh tế nào cả. Và « toàn cầu hóa » là « dời địa phương sản xuất », (délocalisation) – « phân tán nhà máy ». Phân tán nhà máy, là bỏ rơi tay nghề địa phương, tạo nạn thất nghiệp địa phương. Hệ thống « bảo hiểm xã hội » bất lực trước nạn thất nghiệp : làm sao bảo vệ được những nguy hiểm của nạn thất nghiệp ?
Vì vậy ngày nay phải nhìn xa hơn, bảo hiểm xã hội nghề nghiệp không còn ở góc độ bảo hiểm tay nghề và sức khoẻ nữa mà phải nghĩ đến huấn nghiệp, chuyển ngành và kỹ thuật mới để bảo vệ tay nghề chuyên nghiệp của công nhơn.
Ở Âu Mỹ thế hệ công nhơn lao động càng ngày càng già, vì vậy phải giữ những người  lớn tuổi (seniors) để làm việc, để giữ kinh nghiệm tay nghề. Phải tạo những khâu kinh tế mới :
Trước mắt phải đặt trọng tâm vào những vấn đề Môi Trường và sự Hâm nóng của Hoàn cầu.
Hãy tạo nhu cầu công nghệ cho những kỹ nghệ Môi Trường và sự Hâm nóng của Hoàn Cầu.
Giới hữu trách phải đầu tư vào « Con người » làm Vốn liếng hàng đầu, chuyển hướng hệ thống Giáo dục và huấn luyện, bảo vệ Đa nguyên văn hóa. Anh quốc (cũng như Pháp quốc  và ngay cả Việt Nam – lời bàn người viết tham luận ) phải đặt những ưu tiên nói trên vào hàng đầu.
B – Đề nghị và Giải pháp:
1/ Tư hữu hóa các Dịch vụ công cộng (Services Publics) :
Tư hữu hóa các dịch vụ công cộng không phải là một phép mầu nhiệm để phát triển.
Nhưng chúng ta phải nghĩ đến một hợp tác uyển chuyển giữa Quốc doanh  và Tư doanh. Các dịch vụ công cộng phải sử dụng « luật chơi » của giới tư doanh để hành sử và hoạt động  chứ không nên khư khư hành động như một anh công chức núp sau bóng của những luật lệ của « Ông Cha Nhà Nước ».

Nếu có cần,  một vài dịch vụ cũng cần phải giao cho những cơ sở tư doanh. Trái lại, vẫn còn có những  dịch vụ rất cần một thái độ trung lập, miễn phí và bất vụ lợi  của một  quốc doanh với những nghiệp vụ  như những dịch vụ  Giáo dục, Huấn luyện hay Y tế.
Một Nhà Nước tân tiến phải biết phân tách nắm rõ những nhu cầu của người công dân – tiêu thụ và tổ chức một hệ thống dịch vụ công cộng thích hợp.
2/  Những cải tiến để có một con đường thứ ba hữu hiệu :
Anthony Giddens đề nghị 7 « bửu bối » để  cải tiến con đường thứ ba sẵn có :
1- Tiếp tục con đường « kinh tế mở cửa » và ngăn chận mọi hành vi có thể phá vỡ « cạnh tranh ».
2- Giữ thế chánh trị « Trung trung, ở giữa ». « Trung, ở giữa », không phải là bắt buộc phải tạo một Đảng ở Giữa ( hai phe  tả – hữu), Cái « giữa » nầy do những người dân đi bỏ phiếu.
Phải bằng mọi giá đi tìm những lá phiếu cũa những người ở giữa.
Phải quản lý trong không gian của những người ở giữa. Ở giữa không phải là toan tính non già chánh trị. Quản lý ở giữa là « phá vỡ » cái « đấu tranh tả hữu », đấu tranh « giai cấp » thầy thợ, chủ thợ ». Quản lý ở giữa là quản lý với những « hợp đồng », những « khế ước »,  từng cái « nói chuyện », « ngoéo tay », giữa người « nhà nước-quản đốc »  và anh « công dân-tiêu thụ ». Quản lý ở giữa là « quản lý mở », không có ý thức hệ, không giai cấp tánh, không lý thuyết gia, không chủ thuyết. Quản lý bằng thương thuyết, đối thoại, để đi đến một giải pháp đồng thuận « Win – Win » giữa người và người. Từng khế ước một, mỗi giải pháp, một khế ước, một thỏa thuận, tùy đối tượng, khâu kỹ nghệ, công nghiệp khác nhau.
(Tới đây, người viết sau khi đọc thuyết của A Giddens, cảm thấy tủi hổ cho người Việt Nam trong nước không biết bỏ phiếu theo dân chủ là gì ? đi bầu theo dân chủ là gì ? thế nào là đảng phái tả ?  thế nào là đảng  phái hữu ? những người công dân gốc Việt trong các quốc gia tân tiến và dân chủ nhiều khi vẫn không đánh giá đúng cái may mắn vô cùng của một công dân của một quốc gia có dân chủ và có cái quyền tối thượng ấy : quyền bỏ phiếu tự do và lựa chọn người dân cử với nhiều đảng phái tranh cử. Ôi tự do ! , chừng nào đến với Viêt Nam)
3- Ưu tiên một phải là ngành Giáo dục và Huấn luyện. Theo sát sự phát triển kỹ thuật.
4-  Triệt để Chống nạn Nghèo, dỉ nhiên, nhưng nghèo phải hiểu là :
Nghèo là do thiếu huấn luyện tay nghề vì thiếu tay nghề nên thu nhập kém.
5- Triệt dể chống tệ nạn xã hội, lưu manh trộm cắp, để tạo an ninh xã hội để lôi kéo đ-au tư ngoại quốc.  Nhưng lưu manh trôm cắp cũng do nghèo.
6- Mở cửa cho di dân, nhưng phải tổ chức và kiểm soát. Xuất cảng lao động và trí thức mình để học hỏi , và nhập cảng lao động và trí thức quốc tế cũng trong tinh thần toàn cầu hóa.,
7- Triệt để chống khủng bố, vấn đề an ninh xã hội và môi trường phát triển kinh tế. 
3/ Một thế giới mới , một nhà nước mới :
Phải là một Nhà Nước mới. Một Nhà Nước xây dưng « tạo những dụng cu, vũ khí để thành công » (enabling State) để các cá nhơn, các công dân có những dụng cụ, những vũ khí,  năng lực  để tự lực cánh sinh,  tự mưu sanh, tự tạo ra con đường để sống và sanh hoạt. Nhưng đồng thời cũng phải là một Nhà Nước «bảo đảm » (ensuring State) bảo đảm cho công dân có  Giáo dục, Huấn luyện, tay nghề hợp thời, hợp cảnh và Y tế sức khoẻ  để đổi lại nhận  những bổn phận hay nghĩa vụ của công dân
4/ Và nên nhớ : Ý thức hệ Xã hội Chủ nghĩa đã lỗi thời :
Dân chúng Pháp, vốn có một nảo trạng thoát thai từ cuộc Đại Cách Mạng 1789, với cuộc Cách Mạng 1948, công thêm những tư tưởng kiểu Prudhon, Babeuf cực tả… có rất nhiều thành kiến chống Kinh tế thị trường. Nước Pháp là một quốc gia có một hệ thống bảo thủ cửa quyền quan lại, Nhà nước lớn rất nặng nề. Thêm vào đó một tư tưởng đấu tranh giai cấp nghiệp đoàn (corporatisme). Các công đoàn bám chặt vào những quyền lợi ngành nghề của mình, nhiều khi ngành nghề ấy ngày nay đã thay đổi cách hoạt động.
Tổng Thống Nicolas Sarkozy cầm quyền từ 2007 đến 2012 cố gắng làm những vận động cải tiến để mang lại những công bằng xã hội hơn trong một xã hội phóng khoáng tự do hơn, nhưng đến ngày cuối của nhiệm kỳ cũng chưa xong. Thất cử, vì khủng hoảng kinh tế tài chánh ( toàn hoàn cầu, cả châu Âu, không riêng gì nước Pháp) Tháng năm 2012, phe tả thắng cử, ngày nay, Tổng thống François Holland, trường phái xả hội chủ nghĩa, trường phái Chánh Phủ lớn, từ nay, nước Pháp phải chịu đựng thêm 5 năm nữa với nảo trạng nầy.
Đảng Xã hội Pháp ngày nay vẫn bám vào ý thức hệ lỗi thời là đấu tranh giai cấp. Đảng Xã hội Pháp vẫn còn thiếu ý thức thực tiển. Tư tưởng của Marx, mặc dù được các đồ đệ cho rằng có tánh cách khoa học (sic) nhưng thực sự thiếu thực tiển nên không làm sao bước vào kinh tế thị trường (kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là một con quái vật). Ngày nay, phải biết kiểm soát hội nhập vào kinh tế toàn cầu, giữ vững lý lịch và những đặc thù quốc gia với những dị biệt do văn hóa đa nguyên của các dân tộc thuộc quốc gia của mình, phải biết kiểm soát và thông thoáng các đường giây di chuyển di dân (thôn quê/ thành thị) quốc gia phát triển/ kém phát triển, tổ chức nâng cao nền giáo dục về hiểu biết, nâng cao tay nghề, chuyên nghiệp công nghệ hiện đại, để giữ vai trò chủ động trong phát triển khoa học. Đó là những thách thức của mọi xã hội phát triển.
Đó cũng là những khác biệt giữa những nhóm bảo thủ và những người cấp tiến.
Vì những tư tưởng bảo thủ nên  phái Tả ở Pháp và cả phái Tả ở Đức thiếu hẳn phần sáng tạo. Anh quốc hậu Thatcher, Đảng Tân Lao động tan vỡ, phải tốn gần 14 năm trời mới tổ chức lại được hệ thống bảo hiểm xã hội và tung lại hàng loạt những đầu tư vào những dịch vụ nhà nước. Anh quốc của Đảng Tân Lao động  là một điển hình. Mẫu xã hội kinh tế Anh quốc ngày hôm nay có vẽ  thành công trên khâu Tạo công Ăn việc làm, chống nạn thất nghiệp, nhưng hoàn toàn thất bại trên khâu công bằng xã hội và tổ chức tản quyền. Chánh phủ Cameron phải tốn công sức rất nhiều để gở rối cho nền kinh tế tài chánh Anh quốc với bao nhiêu năm cầm quyền của phái Tả.
Nước Pháp, với các tổ chức dịch vụ công cộng (services publics) khá hoàn chỉnh, với một hệ thống y tế cao cấp, với một mạng lưới kỹ nghệ và kinh tế hoàn cầu, có rất nhiều thuận lợi để giải quyết những bất công xã hội nếu biết tổ chức lại nến hành chánh với một quan niệm thay bớt quyền Nhà nước trong vai trò  Phát triển kinh tế.

C- Thay lời kết:
Khi chúng ta đọc  Anthony Giddens, tác giả khi nói đến con đường thứ ba, chúng ta phải hiểu rõ đó là con đường trung dung. Anthony Giddens không vẽ một mẫu xã hội nào ta phải theo cả. Ông ta chỉ khuyên các nhà cầm quyền và các kinh tế gia hãy luôn luôn đặt « con người » và trọng tâm của suy nghĩ, của mọi sơ đồ, mọi dự án không theo bên tả, chẳng theo bên hữu. Không Marx, không Mao cũng chẳng Hồ đã đành nhưng cũng chẳng Thatcher.
Tất cả phải là « khế ước », lưởng lợi, Win-Win   giữa nhà cầm quyền và nhân dân.
Việt Nam đi sau, hãy rút tỉa những kinh nghiệm thực tiển quý báu của các nước tiên tiến, bỏ đi những chủ nghĩa bỏ đi những lý thuyết lỗi thời ; hãy trở về với những suy nghĩ bình thường, làm việc cho của công. Trở về với tư tưởng Cộng Hòa. Res Publica, pour la chose publique làm việc cho của công.
Đảng Cộng sản Việt nam, Đảng cầm quyền ngày hôm nay đang cầm cái chìa khóa , nhưng muốn thực sự  Phát triển và Xây dựng cho Việt nam tương lai, hãy học những bài học của Nam Hàn, của Nhựt bổn, của Đài loan, của Singapore, hãy phục vụ, phải làm việc cho nhân dân , cho đất nước, chớ bắt chước Trung Cộng, Bắc hàn, Nga, Syrie, … làm việc cho một tập đoàn cầm quyền, một gia đình, hay một Đảng cầm quyền.
Khi đã chấp nhận chơi trò kinh tế thị trường, trước sau gì Dân chủ cũng phải đến. Nếu Đảng Cộng sản Việt nam thực sự muốn có một trách nhiệm quốc gia Đảng Cộng sản Việt nam hãy theo gương Balan để chuyển mình qua chế độ Dân chủ càng sớm càng tốt.
  

Cơn gió Dân chủ đang thổi tới. Thế giới đang chuyển mình. Một nền kinh tế mới đang thành hình dễ dàng để tiếp thu cho mọi tiến bộ. Hãy biết bỏ lại đàng sau, đưa vào quá khứ những thành tích, những suy nghĩ, những lý thuyết lỗi thời. Hãy mạnh dạn đi vào con đường mới của Nhân loại.
Mong Thay !  
                                         
Hồi nhơn Sơn, tối ngày 12 tháng 9 2012

Toà Bảo Hiến Liên bang Đức vừa chấp nhận quyết định của Ngân hàng BEC.
TS. Phan Văn Song
www.vietthuc.org

                      
*Giáo sư Anthony Giddens, sanh năm 1938,  nay là Viện trưởng Học Viện Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics) và Điều hợp Viên của Nhóm Policy Network, nhóm «think tank»  quan trọng nhứt của các trường phái kinh tế cấp tiến anglo – saxons

Không có nhận xét nào: