Vũ Hoàng, phóng viên RFA
Với nguồn nhân lực dồi dào, làm việc chăm chỉ, Việt Nam từ lâu vẫn luôn cho rằng đó là thế mạnh của mình.
Thế nhưng, khi đánh giá về mặt năng suất là yếu tố quyết định, ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp thì năng suất của lực lượng lao động Việt Nam lại được xếp ở nhóm thấp nhất trong khu vực.
Lực lượng lao động cao
Theo kết quả khảo sát mới đây tại 6,000 doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên các tỉnh thành tại Việt Nam do Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho thấy chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất trong khu vực. Phần nhiều các doanh nghiệp được khảo sát cho thấy lao động Việt Nam thiếu hiểu biết về công nghệ, khả năng sáng tạo hay thích nghi với công nghệ mới, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
Báo chí trong nước trích lời G.S, T.S Vũ Đức Hùng, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, trường ĐH Kinh tế TPHCM so sánh năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần và Nhật Bản tới 135 lần, theo đó, T.S Hùng cho rằng nếu giá rẻ là một lợi thế thì sai lầm bởi vì yếu tố quyết định đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp là năng suất lao động.
Trong một báo cáo hồi đầu năm của doanh nghiệp tư vấn kinh doanh McKinsey tại Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam đang được hưởng một cơ cấu “dân số vàng” nghĩa là tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh, góp phần giúp Việt Nam tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người. Trong giai đoạn 2000 đến 2010, lực lượng lao động Việt Nam gia tăng với tốc độ bình quân gần 3%/năm và đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy thế, trong các động lực của năng suất lao động, thì nhược điểm lớn nhất của Việt Nam so với các quốc gia khác là giáo dục.
Với nguyên nhân là sự yếu kém trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương nhìn nhận về tay nghề của người lao động tại Việt Nam:
Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao kỷ luật, cũng như nâng cao trình độ chuyên nghiệp - tay nghề của người lao động. Nếu không thì Việt Nam sẽ mất đi một lợi thế lớn, tức là lợi thế về lao động của người Việt Nam hiện nay.
Lao động của người Việt Nam hiện nay đang còn dồi dào, và tay nghề của người lao động Việt Nam thì khéo tay, và người Việt Nam cũng học nhanh. Tuy nhiên mức độ đào tạo của chúng ta đang kém và trình độ chuyên nghiệp cũng như kỷ luật công nghiệp của người lao động Việt Nam còn thấp.
Tay nghề thấp
Hơn nữa, không chỉ giá nhân công bắt đầu cao hơn mà những kỹ năng trang bị cho một việc làm hiện đại lại vẫn chưa được lực lượng lao động Việt Nam chuẩn bị một cách kỹ càng, vẫn chưa thể đáp ứng được những tiêu chí mà các nhà tuyển dụng đề ra, trao đổi với chúng tôi, bà Bích Thu, một nhà tư vấn tuyển dụng có kinh nghiệm làm việc tại Hà Nội cho biết nhận xét:
Tôi làm trong lĩnh vực tư vấn việc làm trên dưới 10 năm rồi thì tôi nhận thấy như thế này về kỹ năng sử dụng máy tính hay trình độ về mặt ngoại ngữ của các ứng viên hay sinh viên mới ra trường nhìn chung khá hơn rất nhiều so với trước, thế nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của các doanh nghiệp nước ngoài. Ở các thành phố lớn, công việc của các ứng viên chủ yếu tập trung là xin việc vào các ngành như thương mại, kinh tế, tài chính, sự điều phối này là chưa hợp lý.
Có lẽ nhận xét trên của bà Thu cũng phần nào phản ánh một thực tế là tại một số ngành nghề như chế biến thực phẩm, y tế, xây dựng hay vận tải, hóa chất… tình trạng thiếu hụt kỹ năng đang diễn ra nghiêm trọng.
Mới đây, chính thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Đàm Hữu Bắc đã phải lên tiếng thừa nhận lực lượng lao động chủ yếu của Việt Nam vẫn chỉ là lao động giản đơn, khi có đến hơn 65% lao động không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nào.
Bản thân phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng phải chấp nhận một thực tế là “chúng ta có được số lượng nhưng chưa được về chất lượng, nếu chúng ta tiếp tục cung cấp số lượng lớn với chất lượng như hiện nay thì không đáp ứng được nhu cầu và thách thức là rất lớn, vì thế, cần có một cuộc cách mạng trong công tác dạy nghề.”
Nhìn vào chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn Đàn Kinh Tế thế giới năm 2009 – 2010, người ta có thể thấy rõ sự chênh lệch về năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng thứ 75 trên 133, trong khi Thái Lan là 36, Malaysia là 24 và Singapore là 3. Nếu quy về mặt của cải tạo ra cho xã hội, thì năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đạt gần 35 triệu đồng một người.
Cần cải tiến nguồn nhân lực
Cần phải chú ý có nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao về mặt công nghệ cao như điện tử, các nguồn nhân lực vào các vị trí như giám đốc, có trình độ tổng công trình sư, đó là những nguồn nhân lực mà Việt Nam hiện nay đang rất thiếu.
Phát biểu trên của T.S Lê Đăng Doanh cũng chính là lời nhận xét đầy hàm ý của T.S Christian Ketels, cố vấn đặc biệt của Học viện Chiến lược và Cạnh tranh thuộc trường Đại học Harvard khi nói về năng lực cạnh tranh của Việt Nam với đại ý rằng ở Việt nam nhiều vốn đã đổ vào sản xuất công nghiệp, cộng với giá nhân công rẻ nhưng vì năng suất lao động thấp nên giá trị thặng dư không cao. Và hệ quả là, đa số nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung ở những ngành có năng suất thấp.
Có thể nói nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước thông qua cải tiến năng suất lao động là việc làm hết sức cần thiết bởi năng suất lao động là yếu tố nội lực mang tính quyết định, tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế. Nếu Việt Nam thực sự muốn đứng vững trên đôi chân của mình, thì việc làm ngay trước mắt là cải thiện năng suất lao động và đó sẽ là “khiên đỡ” và giữ thế cân bằng cho tăng trưởng khi Việt Nam đối mặt với những khủng hoảng từ các tác nhân bên ngoài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét