Hương Xuân, theo SGT
Trong bài viết nhân Quốc khánh năm nay, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang khi đề cập đến những thử thách mà đất nước đang đối mặt, đã nhấn mạnh: “Việt Nam đã chứng tỏ không chỉ một lần về khả năng có thể vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể, chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua mọi thử thách để thực hiện những mục tiêu lớn lao. Để làm được như vậy, đoàn kết, đồng thuận là một yêu cầu không thể thiếu”.
Để hiểu thêm những điều Chủ tịch Nước đề cập qua bài viết, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã tổ chức buổi toạ đàm “Sức mạnh của sự đồng thuận”, với sự tham dự của nhiều giới: doanh nhân, nhà nghiên cứu giáo dục, văn nghệ sĩ…
Đồng thuận bằng trái tim chứ không bằng cách giơ tay
Nhà thơ Trần Tiến Dũng mở đầu toạ đàm bằng những lo âu: “Nghĩ về con người Việt Nam tương lai, tôi thấy rõ bi kịch về sự sụp đổ thần tượng. Các bạn ấy không còn một điểm tựa nào cả. Có thần tượng trẻ xuất hiện một thời gian ngắn là sụp đổ, dẫn đến không có điểm tựa để sống. Muốn có sự đồng thuận trong việc tạo dựng những gương mặt thần tượng, phải có những con người tử tế, để lớp trẻ học hỏi từ họ những kinh nghiệm sống. Thần tượng không thể chỉ màu hồng, chung chung, phải có dấu ấn đời sống, có chi tiết riêng, để gần với tuổi trẻ hơn. Chuyện đời tư, chuyện đóng góp cho cái chung, chuyện sai lầm của mỗi người cũng cần được nhìn nhận rõ ràng. Nếu không có đời sống, sẽ chỉ là giả dối. Đừng nhầm lẫn, đánh đồng giữa cái chung và cái riêng. Mặt khác, muốn có đồng thuận, phải thừa nhận sự phá sản, sự suy thoái của những giá trị cũ, xây dựng những cái thật, cái mới, không đánh bóng. Tìm kiếm sự đồng thuận là hướng về tương lai. Giá trị phải mới, luôn cập nhật. Nếu chỉ chà đi xát lại những cái để câu khách, những cái cũ thì chẳng có giá trị gì”.
Ông Nguyễn Duy Thái, tổng giám đốc công ty Thép Việt, chia sẻ từ kinh nghiệm của sự đồng thuận trong phát triển doanh nghiệp: “Dù là trong một công ty hay một đất nước, sự đồng thuận rất quan trọng. Nếu tổ chức đó không hạnh phúc, rất khó đồng thuận. Đường đi đúng nhất là phải tạo hạnh phúc cho môi trường đang sống. Đồng thuận phải được coi như kim chỉ nam trong quan điểm của người quản trị, đi từ văn hoá của người đứng đầu có dám chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận sự phản biện không? Hơn ai hết, tôi hiểu, muốn phát triển, ngày càng phải lấy ý kiến công nhân viên nhiều hơn. Khi doanh nghiệp đã lớn mạnh đến một tầm mức nào đó, tôi càng cảm thấy rõ bản thân không làm được tất cả nếu không có người khác. Có hai dạng người quản trị: một dạng vui vẻ, hài hoà, biết lắng nghe; một dạng nghiêm khắc, làm cho người ta sợ. Tôi chọn thái độ hài hoà với mọi người, biết lắng nghe, để nhận được nguồn thông tin thứ hai, từ dưới lên. Kiểu làm cho người ta sợ chỉ có được thông tin một chiều, từ trên xuống, và sẽ chỉ nhận được sự đồng thuận bằng giơ tay, không đồng thuận bằng trái tim”.
Đồng thuận trong những giá trị phổ quát Nhà nghiên cứu giáo dục Giản Tư Trung cho rằng ở Việt Nam, muốn đồng thuận phải có hai yếu tố: thứ nhất là có mục tiêu chung, mục tiêu ấy được mọi người hiểu, chia sẻ, nhất trí; thứ hai là phải có những giá trị chung về phẩm hạnh, nhân cách, dân tộc tính của người Việt. Cần có những cuộc thảo luận phê phán thói xấu của người Việt, hướng dân tộc đến những phẩm tính không nằm ngoài giá trị phổ quát của nhân loại, nhưng có đặc điểm riêng. Vai trò lớn nhất của người lãnh đạo là khả năng dẫn dắt, muốn thế, phải có tầm vóc và chiều sâu văn hoá. Nền quản trị xã hội, gia đình, quốc gia phải dựa trên nền quản trị tiến bộ. Xây dựng những phẩm tính có giá trị phổ quát, biểu hiện rõ nét nhất, đã được văn bản hoá, đó là tuyên ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc. Mấy trăm quốc gia đặt bút ký vào đó rồi, đó là một phần những giá trị mà loài người chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh – nguyên phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM đề cập đến một thực tế đau lòng: “Đập vào mắt mình ở tất cả các lĩnh vực, phải chăng đã đi tới chỗ hình thành sự giả dối có hệ thống. Những thoả hiệp, nhất trí hình thức có thể đã được sử dụng trong một thời điểm nào đó của lịch sử, nhưng khi trở thành một lối sống, một đại dịch, làm sao tạo được sự đồng thuận thật? Khi tôi đi dạy ở một trường, có học trò hỏi tôi: Tại sao có xã hội mà xe cán đi cán lại một em nhỏ trong khi nhiều người chỉ đứng nhìn thờ ơ? Tại sao nhiều người nghèo thế mà chính quyền không có động thái gì? Phải chăng chúng ta đã quen đến mức thấy bình thường với một xã hội giả dối, vô cảm. Làm thế nào để xác định mục tiêu chung hướng đến phụng sự đất nước, phụng sự xã hội, để tuổi trẻ có thể dấn thân?”
Đề cập đến sự khó khăn, ông Lê Hoàng, tổng giám đốc công ty văn hoá Sài Gòn cho rằng sức mạnh của sự đồng thuận là một quá trình đi từ nhận thức riêng của mỗi người, đến cọ xát với nhau, qua đó tìm đến cái chung về quyền lợi, ngộ ra được chân lý. Nếu không, thì chỉ dừng lại ở sự nhất trí hình thức, thoả hiệp. Còn nhà thơ Nguyễn Duy thì ưu tư: “Đồng thuận giả thì nhiều lắm, đồng thuận thật rất khó triển khai. Chỉ có thể xây dựng sự đồng thuận về nhân văn, về giá trị sống. Thôi thì hãy lặng lẽ làm được điều gì về giá trị sống thì cố gắng làm thôi. Tôi tin là cái thiện sẽ là vĩnh cửu như tôi đã từng viết trong bài thơ Nhìn từ xa… Tổ quốc có đoạn: Dù có sao/đừng khoanh tay/ Khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối/Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?/ Những người tốt đang cần liên hiệp lại/ Dù có sao vẫn Tổ quốc trong lòng/ Mạch tâm linh trong sạch vô ngần/ Còn thơ còn dân/ Ta là dân – vậy thì ta tồn tại.
Bà Trần Thị Tuyết Nga, chủ nhân làng du lịch Một Thoáng Việt Nam (Củ Chi) nhấn mạnh: “Đồng thuận về những giá trị sống của Việt Nam trong tương lai là vấn đề cực lớn. Phải hướng tới tương lai hạnh phúc cho dân tộc. Xã hội đang xuống cấp quá lớn về đạo đức. Có một khoảng cách rất xa về tầm nhìn, về lòng yêu nước. Rất nhiều chuyện sát sườn với đời sống con người chưa được các cấp lãnh đạo và toàn dân nhìn nhận một cách thấu đáo”. Xã hội đang lao đi rất nhanh, sự im lặng của một bộ phận xã hội cũng là biểu hiện sự phản kháng trước những vấn nạn. Con người thời đại nào cũng cần có cái neo để sống, để chiến đấu, và cống hiến cho cuộc đời, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ, chia sẻ những giá trị bằng những người thực, việc thực, không chỉ bằng lý thuyết. Bà kể câu chuyện về những bức xúc của mình khi có cơ hội gặp chính quyền, bà nhấn mạnh: “Cách đây chục năm, tôi có nói với các anh lãnh đạo thành phố rằng, coi chừng việc coi trọng phát triển kinh tế xem nhẹ văn hoá không những sẽ giết chết những giá trị nhân văn mà để rồi sau đó, như người đi một chân vào tương lai, không còn giữ được thăng bằng sẽ đổ vỡ tất cả”. Tiên đoán của bà có vẻ không sai khi đời sống và những giá trị đạo đức, nhân văn đi kèm giờ trở nên tha hoá một cách trầm trọng.
Ở góc nhìn nhân văn, nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Văn Trọng cho rằng mình tìm thấy ở các giá trị tồn tại của con người, ngoài việc đồng lòng tiến lên còn có một thái độ sống mà ở đó sự tự thân đáng được tôn trọng. Chính là cách họ tìm kiếm sự sống sót, tìm kiếm sự thành công cho cuộc đời họ theo một cách lương thiện mà không xâm phạm lợi ích của kẻ khác, không nghiền nát người khác để tìm cho mình một chỗ đứng trong lịch sử phát triển thiếu cân bằng hôm nay. “Nhưng cũng đừng kỳ vọng nhiều quá vào những giá trị cũ. Giới trẻ hiện nay khác hẳn ngày xưa. Xã hội khác, tham vọng khác khiến các giá trị mà ta minh định giờ cũng khác. Chúng ta luôn mong muốn việc làm của chúng ta tác động lên xã hội. Nhưng cũng đừng kỳ vọng nhiều quá, và chúng ta cũng không dễ dàng trả lời được cho các bạn trẻ và những giá trị mới mà chúng đã nêu”, ông nói.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn kết thúc buổi toạ đàm bằng những lời tâm huyết: “Cần dần dần xây dựng sự đồng thuận xã hội về những giá trị mới như nhân quyền, dân quyền, dân chủ, môi trường, môi sinh… hoặc bằng cách tiếp cận mới về những giá trị cũ, nếu không xã hội sẽ phá sản. Trước mắt là sự đồng thuận của toàn xã hội để giữ lấy Biển Đông”.
_______
Tiếng Nói Dân Chủ là diễn đàn chia sẻ những quan điểm dân chủ từ nhiều nơi khác nhau. Ban Biên Tập không chịu trách nhiệm nội dung các bài viết đã được đăng tải, cũng như bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiếng Nói Dân Chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét