Pages

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Tàu hải giám TQ đã ‘hoàn thành sứ mạng’



Tàu hải giám Trung Quốc đụng độ tàu tuần duyên Nhật Bản hôm 14/9
Trung Quốc họ sẽ tiếp tục điều tàu hải giám đến đảo tranh chấp để khẳng định chủ quyền
Trung Quốc loan báo sáu chiếc tàu hải giám họ triển khai đến quần đảo tranh chấp với Nhật Bản để tuần tra nhằm khẳng định quyền tài phán của Bắc Kinh đã thực hiện ‘thành công’ sứ mạng.
Chính quyền Trung Quốc đưa ra thông tin này sau khi các cuộc biểu tình chống Nhật đã lan ra hàng chục thành phố trên khắp Trung Quốc.

‘Sẽ đẩy mạnh tuần tra’
Trung Quốc đã triển khai các tàu hải giám đến vùng biển gần một chuỗi đảo trên Biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku sau khi phía Nhật công bố thỏa thuận mua lại ba trong số các hòn đảo từ tay chủ sở hữu tư nhân người Nhật.
Theo hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã thì Cục Hải giám của nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh ‘các hoạt động chấp pháp’ xung quanh các hòn đảo tranh chấp.

“Các hoạt động tuần tra và chấp pháp này đã thể hiện quyền tài phán của Trung Quốc đối với Điếu Ngư Đảo và các đảo phụ cận và đã hoàn thành mục tiêu chứng tỏ chủ quyền cũng như đảm bảo các lợi ích trên biển của Trung Quốc,” Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tiêu Hội Vũ, phó giám đốc của Cục Hải giám trung ương Trung Quốc, nói.
"Chỉ cần một tính toán sai lầm của phía này hay phía kia sẽ dẫn đến kết cục là bạo lực và xung đột."
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta
Cũng theo hãng tin này thì đoàn tàu hải giám này đến vùng biển gần quần đảo tranh chấp vào sáng thứ Sáu ngày 14/9 và ngay sau đó đã tiến hành nhiệm vụ.
Đây là lần đầu tiên tàu hải giám Trung Quốc tuần tra ở vùng biển này sau khi chính phủ Trung Quốc loan báo xác định đường cơ sở và các điểm cơ sở của vùng lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp cách nay một tuần.
Theo tường thuật của phóng viên Tân Hoa Xã có mặt trên đoàn tàu hải giám này thì phía Nhật đã triển khai ba tàu tuần duyên và ba máy bay trực thăng để theo dõi và giám sát các tàu hải giám của Trung Quốc và đã tìm cách ngăn chặn hoạt động của các tàu hải giám này.
Cả hai phía đều đã dùng sóng radio để cảnh báo lẫn nhau, hãng tin này cho biết.
Theo đó thì các quan chức hải giám Trung Quốc đã yêu cầu phía Nhật dừng xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc sau khi tàu tuần duyên Nhật đưa ra lời cảnh báo.
Theo hãng tin này thì khoảng cách gần nhất giữa tàu hai phía là chưa đến nửa hải lý và tàu hải giám Trung Quốc đã đến được khoảng cách là 1,55 dặm cách đảo tranh chấp.
Trước đó, Tokyo đã triệu tập đại sứ Trung Quốc hôm thứ Sáu ngày 14/9 để phản đối điều mà họ gọi là ‘đột nhập vào lãnh hãi’ của họ.

‘Nguy cơ chiến tranh’

Panetta hạ cánh xuống sân bay quân sự Yokota ở ngoại ô Tokyo
Chuyến công du của ông Panetta sẽ bị chi phối bởi tranh chấp chủ quyền Trung-Nhật
Trong lúc này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta, hiện đang có mặt ở Tokyo trong chuyến công du chính thức, đã kêu gọi hai phía kiềm chế.
“Chỉ cần một tính toán sai lầm của phía này hay phía kia sẽ dẫn đến kết cục là bạo lực và xung đột,” Panetta phát biểu trước khi ông đặt chân đến Tokyo vào chiều tối Chủ nhật ngày 16/9.
“Và cuộc xung đột đó có khả năng lan rộng,” ông nói.
“Điều chúng tôi không mong muốn là bất cứ hành động mang tính khiêu khích từ phía Trung Quốc hay từ bất cứ phía nào khác mà có thể leo thang thành xung đột.”
Panetta dự kiến sẽ thảo luận về tranh chấp biển đảo với giới chức quân sự cả hai nước trong chuyến công du châu Á lần này bao gồm các trạm dừng chân ở Trung Quốc và New Zealand.
Quyết định đưa thêm Tokyo vào lịch trình chuyến Á du của ông Panetta có thể là do tranh chấp chủ quyền giữa hai nước Trung-Nhật, các nhà phân tích cho biết.
"Điều chúng tôi không mong muốn là bất cứ hành động mang tính khiêu khích từ phía Trung Quốc hay từ bất cứ phía nào khác mà có thể leo thang thành xung đột."
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta
Các nhà phân tích cũng nhận định rằng quyết định của chính phủ Nhật mua lại đảo tranh chấp là một biện pháp giảm thiểu thiệt hại vì họ muốn ngăn chặn kế hoạch mang tính khiêu khích hơn nhiều của thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara, vốn là người nổi tiếng dân tộc chủ nghĩa.
Thị trưởng Ishihara không những muốn mua lại mà còn muốn xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo.
Hiện tại thì chính phủ Nhật dường như không có khả năng nhượng bộ trong lúc bầu cử đang đến gần.
Báo chí Nhật gần đây đưa tin rằng một số người ở cả hai nước có thể sẵn sàng đánh liều một cuộc hải chiến có giới hạn để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của mình.

Không có nhận xét nào: