SGTT.VN – Nếu như NHNN không muốn / không thể quản giá vàng, “thả” việc định giá trong tay những đại gia có tiềm lực kinh tế thao túng, thì việc tạo quyền cho SJC phải chăng nên xem xét lại?
Nếu không nhất thiết bình ổn giá vàng thì tạo thế độc quyền cho vàng miếng SJC để giải quyết vấn đề gì khi vàng độc quyền đã giữ giá cao hơn vàng thế giới đến 5 triệu mỗi lượng.
Giá vàng thế giới liên tục sụt giảm trong từng phiên giao dịch, giới đầu tư quốc tế bán tháo. Giá vàng trong nước cũng giảm theo, nhưng chỉ giảm nhỏ giọt, cầm chừng trong xu thế chống đối, đỉnh điểm, ngày 21.12, vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi tới 5 triệu đồng/lượng.
Trước thực trạng giá vàng trong nước “vênh” nhiều so với giá thế giới, ở thời điểm tháng 10, khi mức chênh còn thua xa hiện nay, các đại biểu quốc hội đã chất vấn Thống đốc rằng việc này liệu có biểu hiện lợi ích nhóm không?
Thống đốc Bình đã quả quyết Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, vàng cũng không thuộc diện bình ổn giá.
“Vàng không phải mặt hàng thiết yếu, không phục vụ quốc kế dân sinh, nhưng vì tính chất ảnh hưởng của nó như vậy buộc lòng Chính phủ và NHNN phải cho phép nhập khẩu qua con đường chính thức, để ổn định giá vàng trong nước quốc tế kéo gần nhau hơn,” Thống đốc nói.
Theo thừa nhận của người đứng đầu NHNN, ở thời điểm cách đây hơn một tháng thì “mặc dù chênh lệch lớn nhưng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô cũng như chỉ tiêu giá cả, hàng hóa của đất nước”.
Không hiểu đến thời điểm này, mức chênh đến 5 triệu mỗi lượng thì theo Thống đốc đã ảnh hưởng gì chưa?
Không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô chưa xét đến, nhưng ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, khi vàng miếng ngoài SJC đã bị bán đổ bán tháo khiến người giữ vàng miếng thiệt hại, sau khi chính sách sẽ chọn SJC là thương hiệu độc quyền Nhà nước. Và như lẽ thường, vàng độc quyền làm mưa làm gió “đốn hạ” các thương hiệu khác trên thị trường.
Thống đốc Bình cho biết trước đây mỗi khi giá vàng trong nước biến động lên hoặc xuống, gây ra biến động về kinh tế vĩ mô. Nếu giá trong nước cao hơn giá thế giới chỉ 400 nghìn thôi đã có hiện tượng đầu cơ vàng. Mỗi năm lượng vàng buôn lậu từ 10 – 30 tấn. Tình trạng đầu cơ khiến thị trường chợ đen tăng cao, kéo theo tỷ giá thị trường chính thức tăng, từ đó ảnh hưởng đến nhập khẩu. Tỷ giá tăng như vậy sẽ làm cho mặt bằng nhập khẩu tăng lên. Từ đó ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và gây chảy máu ngoại tệ. |
Nếu không nhất thiết bình ổn giá vàng thì tạo thế độc quyền cho vàng miếng SJC để giải quyết vấn đề gì khi vàng độc quyền đã giữ giá cao hơn vàng thế giới đến 5 triệu mỗi lượng, mức kỷ lục từ trước đến nay.
Nhiều người chắc chắn không quên chính sách tại thế độc quyền cho vàng miếng SJC chỉ nảy sinh sau những đợt loạn thị trường vàng, với những cơn sốt nóng, làm giá.
Về huy động vàng trong dân, NHNN cho rằng đây một nguồn lực rất lớn đang bị lãng phí.
Nếu hiểu một cách tích cực nhất về khoảng cách chênh lệch lớn hiện nay là động tác “thả” cho giá vàng cao vót, qua đó kích thích người dân đem vàng ra bán, coi như cách huy động vàng trong dân, thì liệu NHNN đã lường số tiền bán vàng sẽ đổ vào đâu?
Liệu có đổ sang BĐS hay có kênh nào tiêu vốn khả quan ở thời điểm này? Nếu đổ vào BĐS cũng càng không phải là cách hay ho, cho dù ở thời điểm này giá đang dần về thực.
Một tình huống khác được lường tới là khi giá vàng chênh lệch quá cao giữa thế giới và trong nước như hiện nay, người giữ vàng phát sinh tâm lý bán vàng rồi chờ khoảng cách rút ngắn sẽ lại đổ tiền ra mua lại. Như vậy mục tiêu huy động vàng chắc chắn không khả thi.
Không rõ mục tiêu chính sách đạt được đến đâu. Thậm chí còn có ý kiến nghi ngờ, nếu như NHNN không muốn/không thể quản giá vàng, việc định giá vàng miếng nằm trong tay những đại gia có tiềm lực kinh tế thao túng, thì việc tạo quyền cho SJC phải chăng nên xem xét lại?
Rõ ràng động thái im lặng của NHNN để giá vàng tự rút xa khoảng cách với thế giới một cách chưa từng có như hiện nay, cũng đang đặt ra không ít hoài nghi về chính sách quản lý thị trường vàng.
INFONET.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét