Pages

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Đại diện WB: Năng lực cạnh tranh Việt Nam giảm do thể chế và chính sách


Theo đại diện WB, thể chế chưa đi kịp tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, quản trị công cũng còn nhiều yếu tố cần cải cách.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF 2012) tổ chức hôm nay (3/12), bà Keiko Sato, Giám đốc điều phối danh mục đầu tư và hoạt động dự án Việt Nam – Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, tỷ giá ổn định đã giúp dữ trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên khoảng 2 tháng nhập khẩu.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng lại giảm (đến 20/11/2012 chỉ tăng 4,15% so với cuối năm 2011 – PV). 
Đặc biệt, xếp hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam giảm, chủ yếu do vấn đề thể chế và chính sách. Thể chế chưa đi kịp với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, quản trị công cũng còn nhiều yếu tố cần cải cách.
Việc giải trình và minh bạch dường như không theo kịp quá trình phân cấp. Chi tiêu công kém hiệu quả, gánh nặng về chi phí quản lý ngày càng tăng. Ngoài ra, thiếu nguồn lao động có kỹ năng cũng là điều đáng lo ngại với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bà Sato cho hay.

Ông Simon Andrews – giám đốc khu vực, tổ chức tài chính quốc tế (IFC) lại nhận xét về lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam. Theo ông, đây là những vấn đề nội tại, do vậy cần có sự giải quyết sớm trong chính nội bộ và Chính phủ nhằm đạt được mức tăng trưởng ổn định.
Đánh giá tổng thể về nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay, năm 2012 lạm phát Việt Nam dự báo khoảng 8%, tăng trưởng GDP 5,2%. Lãi suất cho vay giảm, thanh khoản được cải thiện, tỷ giá ổn định, sản xuất tăng qua từng quý, khu vực dịch vụ tăng cao hơn mức tăng trưởng chung.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, lạm phát cao có nguy cơ quay trở lại, hàng tồn kho tuy đã giảm nhưng ở mức cao, tiếp cận tín dụng khó khăn.
Những khó khăn trên đòi hỏi Việt Nam có những chính sách can thiệp hợp lý, trong đó tập trung vào việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Cụ thể, tái cơ cấu ngân hàng thương mại gắn với xử lý nợ xấu. Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo hướng tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Tái cơ cấu đầu tư công trên cơ sở hạn chế việc đầu tư dàn trải, Thủ tướng phát biểu.

Không có nhận xét nào: