Pages

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

EVN lỗ gần 3.200 tỷ đồng, giá điện “chắc chắn sẽ tăng”



Từ Nguyên (VNEconomy) - Theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 5.297 tỷ đồng.

Con số trên vừa được Tổ công tác liên ngành của Bộ Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ người tiêu dùng công bố chiều 3/12, sau khi tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất điện của EVN trong năm 2011.

EVN lỗ gần 5.300 tỷ từ điện trong năm 2011

Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), đầu tháng 9/2012, sau khi được Bộ Công Thương quyết định thành lập, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất điện của EVN. Trong quá trình kiểm tra, tổ công tác đã căn cứ vào các nguyên tắc như: tách bạch chi phí của các hoạt động sản xuất kinh doanh ngoài lĩnh vực điện với chi phí sản xuất kinh doanh điện trong tất cả các khâu; tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, chi phí mua điện từ nhà máy độc lập, chi phí sản xuất điện từ các nhà máy hạch toán phụ thuộc EVN...

Kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2011, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 94,65 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện là 9,23%, thấp hơn quy định cho phép của Bộ Công Thương.

Tổ kiểm tra cho biết, cứ 1 kWh điện thương phẩm cung ứng đến người tiêu dùng cuối cùng, việc sản xuất kinh doanh điện bị lỗ 56 đồng.

Theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng.

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN là 121.356 tỷ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 là 1.282 đồng/kWh. Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 93.557 tỷ đồng, tổng chi phí khâu truyền tải điện là 6.889 tỷ đồng, tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 20.409 tỷ đồng. Riêng tổng chi phí khâu phụ trợ, quản lý ngành là 502 tỷ đồng.

Theo tổ kiểm tra, so với giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2011 là 1.226 đồng/kWh, giá thành kinh doanh điện cao hơn 56 đồng/kWh. Cứ 1 kWh điện thương phẩm cung ứng đến người tiêu dùng cuối cùng, việc sản xuất kinh doanh điện bị lỗ 56 đồng.

Theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng.

Nếu tính đến thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện, trong năm 2011, EVN lỗ 3.181 tỷ đồng.

Tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31/12/2011 là 26.733,53 tỷ đồng, bao gồm: chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ đến hết năm 2011 là 26.669, 27 tỷ đồng; chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thông chưa được phân bổ là 64,26 tỷ đồng.

Theo tổ công tác, nguyên nhân dẫn đến việc EVN bị thua lỗ trong năm 2011 là do diễn biến của thủy văn không thuận lợi trong năm 2010, ảnh hưởng đến việc phát điện và cung ứng điện cho các tháng mùa khô năm 2011.

Bên cạnh đó, việc biến động tỷ giá và biến động giá nhiên liệu đã làm tăng chi phí, trong khi đó do tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có nhiều khó khăn làm cho nhu cầu sử dụng điện trong toàn hệ thống thấp, dẫn đến giá bán lẻ điện thực tế thực hiện thấp hơn so với kế hoạch.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo giới về cơ cấu cũng như giá thành mỗi nguồn điện của EVN, Cục trưởng Đặng Huy Cường cho hay, do cơ cấu nguồn điện khác nhau, mỗi hình thức nguồn điện lại có các giá khác nhau, nó dựa trên các hợp đồng của EVN với các đơn vị phát điện, song số liệu này lại mang tính bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, nên không thể công bố được, tổ công tác chỉ kiểm tra tính hợp lý của các hợp đồng này mà thôi.

Giá điện “chắc chắn sẽ tăng”

Nói về lộ trình điều chỉnh giá điện, Cục trưởng Đặng Huy Cường cho hay, theo quyết định của Thủ tướng về kế hoạch chi tiêu tài chính của EVN đến năm 2015, thì phải từng bước nâng giá điện theo giá thị trường để từ 2013 – 2015 trở đi, EVN phải kinh doanh có lãi.

Chính vì vậy, hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang phối hợp rà soát và trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá điện trong thời gian tới.

“Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ chúng tôi sẽ trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong 2013 - 2015 theo hướng tác động ít nhất đến đời sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Cường cho hay.

Trước đó, trả lời báo giới về việc giá điện trong thời gian tới sẽ tăng hay giảm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: “Giá điện chắc chắn sẽ tăng chứ không giảm bởi mức giá hiện tại rất thấp do nhu cầu năng lượng càng tăng, nguồn sơ cấp càng ngày càng giảm, bởi vậy, giá điện theo xu hướng sẽ tăng”.

Dự kiến trong tháng 12 này, Bộ chúng tôi sẽ trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong 2013 - 2015 theo hướng tác động ít nhất đến đời sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực

Theo Thứ trưởng Quang, từ năm 2008, Chính phủ đã có chủ trương giá điện sẽ dần theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do trong giai đoạn 2011 - 2012 kinh tế quá khó khăn nên Chính phủ vẫn phải kiểm soát về giá điện. Còn trong thời gian tới, chắc chắn giá điện phải theo cơ chế thị trường.

Trong khi đó, theo Phó tổng giám đốc EVN, ông Đinh Quang Tri, do năm nay tình hình tỷ giá tương đối ổn định, thủy điện tăng nên khả năng Tập đoàn này sẽ có lãi. Tuy nhiên, khoản lãi này được dự kiến sẽ bù lỗ cho các năm 2010 và 2011 với giá trị dự tính khoảng 3.500 - 4.000 tỷ đồng. Năm 2013 dự kiến cũng sẽ có lãi và tiếp tục bù lỗ cho số lỗ còn lại.

Từ Nguyên

Không có nhận xét nào: