Pages

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Một số hành xử của công an "lạm quyền và sai luật"


Đánh ngã nhà báo, cùm chân người bán cây cảnh, giải học sinh bị nghi ăn trộm về đồn không có người giám hộ …là những vụ việc gây bức xúc. 

  • Đánh, bắt người do …hiểu nhầm 

Khoảng 21h ngày 24/11, được tin báo có vụ va chạm giao thông giữa ô tô và xe máy trên đường Trần Văn Khéo (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), anh Nguyễn Đức Khánh, phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay đã đến để ghi nhận hiện trường.
Hiện trường vụ việc nhà báo Khánh bị đánh ngã

Tuy nhiên, khi anh Đức Khánh đang chụp ảnh và lấy thông tin, một thanh niên mặc quần lửng, áo thun, dáng người cao to sấn tới yêu cầu phải xóa ảnh. Sau đó, thêm 4 thanh niên khác đi trên hai xe gắn máy, lao tới. Lúc này, có hơn chục người mặc sắc phục công an, gồm cảnh sát giao thông mặc áo vàng và nhiều công an áo xanh, cùng lực lượng thanh niên xung kích đứng chứng kiến vụ việc nhưng không có bất kỳ hành động nào can ngăn. Cùng lúc đó, một thanh niên cao to cầm nón bảo hiểm ném vào người anh Khánh, một người khác đạp thẳng từ phía sau và anh ngã xuống, hai thanh niên khác đang ngồi trong quán nhậu cũng xông ra tấn công. Bị vây 4 phía, anh Khánh cố vùng dậy chạy về hướng công an phường Cái Khế nhờ giúp đỡ. 

Theo xác minh của Báo Nông thôn ngày nay và xác nhận của cơ quan công an, người đạp ngã phóng viên Nguyễn Đức Khánh, chính là trung úy Lương Minh Thành, sỹ quan công an của thành phố Cần Thơ. Giải thích hành động của mình, trung úy Thành cho biết, hôm đó anh tình cờ có mặt ở khu vực xảy ra vụ tai nạn và đã “ra tay” với PV Đức Khánh vì nhầm tưởng là cướp do anh Khánh cầm sổ ghi chép giống ví đựng đồ. 

Khi vụ việc được đăng tải trên báo, nhiều ý kiến cho rằng hành vi của trung úy công an Thành thể hiện sự yếu kém về ghiệp vụ hoặc có biểu hiện của sự lạm quyền. 

Trong một vụ việc khác xảy ra tại một trường tiểu học ở TP HCM mà sự can thiệp của lực lượng công an cũng bị dư luận cho rằng lạm quyền, không đúng quy định của pháp luật. 

Cụ thể, sau giờ sinh hoạt dưới cờ vào buổi sáng 26/11, cô Th. - giáo viên khối lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng phát hiện số tiền hơn 1 triệu đồng đã không còn trong giỏ của mình. Một học sinh trong lớp mách: “Hồi nãy con thấy bạn T. (học sinh lớp 2/3) lục giỏ của cô”. Thế là cô Th. chạy sang lớp 2/3. Mới đầu cô Th. và giáo viên chủ nhiệm lớp 2/3 tra hỏi nhưng T. không nhận. Sau nhiều lần “ép cung”, T. đã tự nhận là mình lấy trộm số tiền của cô Th và đã đi cất giấu. Tuy nhiên, dù xới tung các khu vực T. nói là đang giấu tiền, mọi người vẫn không tìm thấy. Sau đó, nhà trường đã báo công an xã Trung Lập Thượng đến trường và tiến hành hỏi cung. Thế nhưng vẫn không có kết quả. 

Cuối cùng, T. bị giải về trụ sở công an xã, giữ suốt buổi trưa. Kết quả, đến hơn 13h cùng ngày, nhà trường gọi điện đến đồn công an báo tiền vẫn còn nguyên trong giỏ của cô giáo Th.

Ngoài cách hành xử hồ đồ, thiếu tôn trọng học sinh của cán bộ, giáo viên trường tiểu học Trung Lập Thượng, dư luận còn đặt dấu hỏi về việc công an xã bắt học sinh về trụ sở mà không có người giám hộ? Lý giải điều này, một phó trưởng công an xã Trung Lập thừa nhận, đúng ra người giám hộ phải là người thân của bé nhưng chúng tôi không liên lạc được, các thầy cô giáo trong giờ dạy nên không ai đi được. 

Lời giải thích của cơ quan chức năng khiến dư luận thất vọng bởi sự vô trách nhiệm, thiếu tôn trọng quy định pháp luật. 

Mới đây, chiều ngày 23/12 vụ việc liên quan đến một người đi bán hoa cây cảnh bị công an bắt giữ, còng chân cũng khiến dư luận bất bình. Người dân khẳng định dao để dùng tỉa hoa, cây cảnh còn công an cho rằng đây là hành vi “tàng trữ vũ khí thô sơ” và đưa ra mức phạt 8 triệu đồng.

Người bán cây cảnh bị công an cùm chân và đưa ra mức phạt 8 triệu đồng

Xoay quanh vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng, cách xử lý của cơ quan công an là quá cứng nhắc trong khi việc xác minh nhân thân quá đơn giản. Hơn nữa, việc người đi bán hoa cây cảnh mang theo dao, kéo để phục vụ công việc là chuyện bình thường. 

Lạm quyền vì nghiệp vụ kém?

Trao đổi với báo điện tử Kiến Thức, ông Ngô Đình Hoàng, đoàn luật sư TP HCM cho rằng, cách hành xử của công an trong các vụ việc trên đều thể hiện sự sai, kém về nghiệp vụ, có cả biểu hiện về lạm quyền và sai pháp luật. 

Về vụ việc công an cùm chân người đi bán cây cảnh vì mang theo dao, luật sư Hoàng nhận định, đây đúng là hành vi lạm quyền vì người tham gia giao thông đúng quy định, giấy tờ nhân thân, nghề nghiệp, địa chỉ rõ ràng. Cách giải quyết này bộc lộ sự máy móc, thiếu chuyên môn dẫn đến lạm quyền của một số chiến sĩ 141, gây cản trở cho việc làm ăn và đi lại của người dân. 

Tương tự, việc công an giữ một em học sinh để lấy lời khai mà không cho người giám hộ biết và chứng kiến, theo luật sư Hoàng đó cũng là một dạng lạm quyền. Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho rằng, đó chủ yếu là do quá kém về nghiệp vụ chuyên môn, vừa sai về nghiệp vụ vừa không có kiến thức về tâm sinh lý dẫn đến không lường được hậu quả là gây chấn động tâm lý cho đứa trẻ. 

“Thực tế, đứa bé đã bị sang chấn tâm lý và hoảng loạn khi nói lung tung giấu tiền chỗ này, đưa tiền cho người kia giữ … Hậu quả của việc sang chấn tâm lý đối với trẻ em còn nguy hại đến sự phát triển bình thường của trẻ hơn nhiều bị đòn roi. Sự việc này cũng cho thấy sự vô cảm và thiếu đạo đức nghề giáo của cô Th. và nhà trường nơi bé học”, ông Hoàng giải thích.

Còn vụ việc liên quan đến nhà báo Đức Khánh, ông Hoàng cho rằng, những đối tượng hành hung nhà báo khi đang tác nghiệp là hoàn toàn sai trái, sai pháp luật cần phải xem xét kỷ luật thích đáng. 

(Kiến thức)

Không có nhận xét nào: