Cả nghìn người đổ về nằm vạ vật ở ga Sài Gòn từ đêm cho đến sáng để mong chờ mua được chiếc vé về quê ăn tết. Người dân khổ sở, bức xúc, thất vọng, còn nhà ga thì tỏ ra bất lực.
Số lượng khách mua vé tàu tăng cao trong dịp tết có bất ngờ không? Chắc chắn là không, bởi vì đó là quy luật hằng năm. Nhưng bao nhiêu năm qua, cứ đến kỳ người dân tập trung mua vé tàu tết là ga Sài Gòn rối tung như gặp phải sự cố đột xuất, lúng túng trong phục vụ.
Các dịch vụ bán vé dù được cải tiến, cụ thể là bán vé qua mạng, nhưng năm nào cũng trục trặc. Mạng thường xuyên bị nghẽn, khách hàng hoang mang không biết thực hư như thế nào. Thực tế này cho thấy, nhà ga đã không nghiên cứu, tìm cách khắc phục hiệu quả.
Ở thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc tổ chức một hệ thống bán vé thông suốt trên mạng rất dễ dàng, nhưng không hiểu vì sao lại không thực hiện được.
Có một hiện tượng được người dân phản ánh, đó là họ xếp hàng trắng đêm không mua được vé, nhưng ngoài chợ đen lúc nào cũng có. Vậy thì, câu hỏi đặt ra là có tình trạng tuồn vé từ trong ra cho chợ đen hay không? Lãnh đạo Ga Sài Gòn khẳng định không có tiêu cực, tuy nhiên, những gì diễn ra bên ngoài lại có câu trả lời ngược lại. Muốn cho người dân không nghi ngờ hay lên án chuyện ”tay trong tay ngoài”, việc làm tốt nhất không phải là những cam kết bằng lời, mà đáp ứng thật tốt nhu cầu mua vé của hành khách.
Ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng ga Sài Gòn – phân trần, giai đoạn cao điểm tết chỉ phục vụ được 15.000 – 16.000 khách/ngày, trong khi nhu cầu cao gấp nhiều lần nên mong hành khách thông cảm và chia sẻ với ngành đường sắt. Ông Thành nói một điều mà ai cũng biết, tất nhiên là những ngày tết thì lượng khách tăng nhanh, chuyện này xưa… như tết. Vấn đề đặt ra là phải triển khai các biện pháp để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, chứ không phải là chuyện chia sẻ hay thông cảm. Nếu như ngành nào phục vụ dân không xong cũng xin thông cảm và chia sẻ thì dân đóng thuế cho Nhà nước để làm gì?
Tuy nhiên, ông Thành cũng chỉ là Trưởng ga Sài Gòn mà thôi, ngành đường sắt mới phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong vấn đề thiếu tàu, thiếu chuyến. Mấy chục năm phát triển, đầu tư cho ngành đường sắt cũng không ít, nhưng chất lượng chưa cao và không theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Các vị lãnh đạo ngành giao thông vận tải cứ đến ga Sài Gòn những ngày này, sẽ thấy rằng còn tệ hơn thời bao cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét