Pages

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

UỶ HỘI NHÂN QUYỀN VÀ ỦY BAN NHÂN QUYỀN LHQ: HAI ĐỊNH CHẾ CẦN PHÂN BIỆT


NGUYỄN CAO QUYỀN
                                                                                    Tháng 10  năm  2012
                                                                   
 Liên Hiệp Quốc là một diễn đàn chính trị quốc tế quan trọng nhưng không phải là một chính phủ quốc tế.  Nhiều quyết định của LHQ không được thi hành.  Tuy nhiên, mỗi khi LHQ hành động trên một căn bản đồng thuận thì có thể coi như LHQ đã nói lên tiếng nói của cộng đồng nhân loại.  Trong dĩ vãng Đại Hội Đồng LHQ đã đóng một vai trò tích cực trong việc phê phán và lên án các vụ vi phạm nhân quyền trên thế giới. 
Để có thể hoàn tất nhiệm vụ đó LHQ được hai bộ phận phò tá: Ủy Hội Nhân Quyền LHQ (The UN Commission Of Human Rights) và Ủy Ban Nhân Quyền LHQ (The Human Rights Committee).  Đây là hai bộ phận hoàn toàn khác nhau cần được phân biệt.  Những dòng viết tiếp theo sẽ trình bày rõ hơn về sự khác biệt này.  

Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
Ủy Hội Nhân Quyền LHQ là một bộ phận thường trực của Hội Đồng Kinh Tế Và  Xã Hội LHQ (Economic And Social Council: ECSOC).  Trong  nhiều năm Ủy Hội Nhân Quyền LHQ đã đóng góp vào việc soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các bản văn Hiệp Ước Quốc Tế Về Nhân Quyền.  Việc thiết lập các định chuẩn về quốc tế nhân quyền là sinh hoạt chính của hội.  Tuy nhiên, bắt đầu từ thập kỷ 1960 trở đi thì Ủy Hội lại chú trọng nhiều hơn đến việc theo dõi sự thi hành các định chuẩn nhân quyền quốc tế đã đề ra.
Đối tượng chính yếu để theo dõi sự thi hành thờng là những quốc gia có chủ quyền thành viên của LHQ.  Thành phần trong ủy hội cũng là những đại diện của các quốc gia này.  Cho nên sự thi hành các định chuẩn về nhân quyền trong một thời gian dài đã không được tuân phục.
Đến năm 1967 thì Nghị Quyết 1235 của ECOSOC cho phép Ủy Hội Nhân Quyền LHQ được thảo luận công khai vấn đề vi phạm nhân quyền với những quốc gia đối tượng.  Nói khác, ủy hội được minh thị nhân danh LHQ đề hành động như vậy. 
Năm 1970 một nghị quyết khác của ECOSOC mang tên Nghị Quyết 1503, lại cho Ủy Hội nhiều quyền hơn nữa: quyền hạn được bí mật điều tra các vụ vi phạm mà các quốc gia hội viên là thủ phạm.  Thủ tục này  được tiến hành kín đáo để giữ thể diện cho quốc gia vi phạm và thúc đẩy họ cải cách.  Đây là một nhượng bộ của LHQ để khuyến khích các quốc gia bị điều tra hợp tác. 
Thủ tục 1503 là một thủ tục rất chậm chạp.  Nó có thể kéo dài tới  4,5 năm.  Cho nên nhiều khi mất hết tính trừng phạt và ảnh hưởng can thiệp.  Thủ tục này thường được sử  dụng để chấm dứt một tình trạng vi phạm nhân quyền hơn là để bênh vực một trường hợp của nạn nhân. Nhìn chung, thủ tục này không những quá chậm mà còn kém hữu hiệu.
Cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 khối Tây Phương do Hoa Kỳ hướng dẫn kiểm soát  Ủy Hội Nhân Quyền LHQ.   Đến năm 1967 thì Ủy Hội bị khối Thế Giới Thứ Ba và Liên Xô ảnh hưởng.  Hai khối này tập trung vào việc phân biệt chủng tộc (apartheid) tại Nam Phi và vào hành động của Do Thái tại những vùng chiếm đóng.  Đồng thời họ cũng phản đối thủ tục theo dõi sự chấp hành nhân quyền tại các quốc gia. 
Tới thập kỷ 1980 thì tình hình lại thay đổi.  Khối Tây Phương do Canada và Hòa Lan hướng dẫn chiếm lại thế thượng phong trong Ủy Hội.  Và đây cũng là lần đầu tiên người ta thấy Ủy Hội không bị chi phối bởi một khối duy nhất. 
Ủy Hội bắt đầu nới rộng tầm hoạt động: ngoài vấn đề nhân quyền toàn cầu, các  vấn đề nhân quyền cá biệt cũng được quan tâm tới.  Trong thập niên này, Ủy Hội thiết lập một nhóm chuyên trách điều tra những vụ mất tích tại nhiều quốc gia.  Kết qủa là 1/5  tổng số những vụ mất tích đã được đưa ra ánh sáng.
Năm 1982 một điều tra viên đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra những vụ thủ tiêu mờ ám.  Luật sư S. Amos Wako, người Kenya, được bầu vào chức vụ này.  Ông đã tìm thấy bằng chứng và điểm danh 17 quốc gia đã vi phạm tội giết người bằng cách thủ tiêu.  Đến thập niên 1990 thì cuộc điều tra cho biết đã có 1500 vụ tương tự xày ra trong 48 quốc gia khác nhau.  Tất cả những vụ này đã bị công khai hóa để tránh cho những vụ vi phạm khác xảy ra. 
Năm 1985 một điều tra viên đặc trách về tội phạm “tra tấn” cũng được Ủy Hội bổ nhiệm.  Đó là ông Peter Kooijmano, người Hòa Lan.  Trong năm điều tra đầu tiên ông đã khám phá ra 35 vụ vi phạm.  Các nước vi phạm được nêu danh gồm có: Guatemala, Nam Triều Tiên, Peru, Turkey, Zaire. 
Ủy Hội cũng mở các khóa huấn luyện về nhân quyền cho các quốc gia. Trong phạm vi hoạt động này, các chuyên viên nhân quyền đã được phái đến Bolivia, Guinea, Guatemala, Haiti, Uganda và một số nước Á Châu để phụ trách công việc huấn luyện.  Tuy nhiên kết qủa tỏ ra không mấy khích lệ. 
Năm 1989 vụ thảm sát Thiên An Môn tại Trung Quốc xảy ra.  Sau vụ thảm sát Ủy Hội đã ra một bản quyết nghị xin khoan hồng cho những người còn bị giam giữ.  Quyết nghị này thất bại.  Mặc dầu vậy, người ta ghi nhận rằng Ủy Hội vẫn tiếp tục sinh hoạt năng động và đã cải thiện được rất nhiều tình trạng của chế độ nhân quyền quốc tế.  Ủy Hội vần tiếp tục là cơ quan duy nhất của quyền lực Liên Hiệp Quốc ở bất cứ địa điểm nào trên thế giới. 
Sự nâng cấp Ủy Hội Nhân Quyền LHQ
Năm 2006 Ủy Hội Nhân Quyền LHQ được nâng cấp thành Hội Đồng Nhân Quyền LHQ (Human Right Council).  Hội Đồng có chức năng và quyền hạn ngang tầm với Hội Đồng Bảo An Lên Hiệp Quốc.
Sự nâng cấp này có nghĩa là vấn đề nhân quyền từ nay được LHQ coi quan trọng như vấn đề an ninh thế giới.  Nhân quyền không còn là vấn đề nội bộ của quốc gia nữa mà đã trở thành vấn đề chung của nhân loại.
Năm 2006̉, sau khi được thành lập, Hội Đồng Nhân Quyền đã triển khai Tổ Công Tác Về Giam Giữ Tùy Tiện (Working Group On Arbitrary Detention) và trao cho nhóm này thẩm quyền xét xử các trường hợp giam cầm tùy tiện khắp nơi trên thế giới.
Về thủ tục Tổ Công Tác có mẫu đơn khiếu nại.  Đương đơn phải trình bày mạch lạc để chỉ ra những vi phạm nào theo điều khỏan của các Công Ước và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.  Sau đó hồ sơ khiếu nại phải được chuyển nhanh chóng bằng email hoặc fax đến Tổ Công Tác. 
Khi hồ sơ đã được Tồ Công Tác thụ lý và khẳng định sự vi phạm thì các luật sư trong nước phải khiếu kiện tiếp theo trước tòa án địa phương dựa theo quyết định của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.  Dù kết qủa của vụ kiện ra sao thì uy tín của hệ thống tư pháp và hành chánh của chế độ độc tài trong nước cũng thay đổi cùng mức với áp lực                 của nhân loại văn minh.
Ủy Ban Nhân Quyền LHQ
Ủy Ban Nhân Quyền LHQ  là một bộ phận gồm18 chuyên  viên có nhiệm vụ theo dõi và báo cáo việc thi hành các hiệp ước nhân quyền quốc tế.   Mặc dầu không có tính cách thường trực nhưng năm nào Ủy Ban cũng phải đệ trình Đại Hội Đồng LHQ một bản báo cáo về tình trạng nhân quyền trên thế giới căn cứ vào việc thi hành Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị (ICCPR). 
Ủy Ban cũng có nhiệm vụ duyệt xét các bản phúc trình của những bên tranh chấp về vấn đề nhân quyền.  Một khi các bản thuyết trình này đã được duyệt xét thì thủ tục coi như hoàn tất.  Nếu có những sự kiện gì mới xảy ra thì 5 năm sau mới được xét lại.  Một thủ tục như thế được coi là hơi chậm nhưng dù sao thì nó cũng đã làm cho dư luận quốc tế chú ý đến các vụ vi phạm và những vụ vi phạm này đã được ghi vào hồ sơ của các quốc gia bị cáo.
Ủy Ban Nhân Quyền cũng có thể duyệt xét những đơn khiếu nại của các cá nhân, công dân của các quốc gia thành viên đã ký các Công Ước Về Nhân Quyền.  Trong khi duyệt xét và điều tra Ủy Ban có quyền nêu câu hỏi và đưa ra quan điểm của mình liên quan đến vụ vi phạm.   Hành động này tương đương với việc công khai lên án sự vi phạm trước dư luận thế giới.  Với một thẩm quyền như vậy Ủy Ban đã đóng một vai trò tích cực trong nhiệm vụ theo dõi sự tôn trọng nhân quyền cho nhân loại. 
Mỗi một vụ can thiệp vào trường hợp vi phạm nhân quyền như trên, được coi như một thắng lợi của Ủy Ban.  Sự phổ biến các bản phúc trình của Ủy Ban dần dần biến thành trở ngại cho các quốc gia có thói quen vi phạm nhân quyền.  Mặc dù sự phổ biến đó không bao đảm một sự hữu hiệu tuyệt đối, nhưng rõ ràng là biện pháp này đã có tính cách khả thi cao nhất về mặt chính trị.  
Nhiệm vụ tường trình sự thi hành công ước nhân quyền đã ký kết
Tường trình (report) việc thi hành cộng ước nhân quyền đã ký kết là một kỹ thuật áp dụng để đo lường thiện chí tôn trọng nhân quyền của các ước đã chuẩn nhận công ước. Trong một thế giới tôn trọng chủ quyền quốc gia tường trình hàng năm về việc tôn trọng công ước là cách duy nhất để đẩy mạnh và đồng thời kiểm soát thiện chí tuân hành chế độ nhân quyền của nhân loại.
Mỗi quốc gia ký kết công ước nhân quyền phải có bổn phận tường trình kết qủa của việc thi hành công ước.  Việc thi hành này được Hội Đồng Nhân Quyền theo dõi chặt chẽ.  Hội Đồng Nhân Quyền và các cơ quan thâu nhận tường trình, phối hợp với nhau để đề ra sách lược thăng tiến và phổ biến giá trị nhân quyền trên thế giới.
Thực tế cho thấy rằng, để đạt kết quả mong muốn, các cơ quan theo dõi cần thi hành một chính sách ngoại giao khôn khéo để tránh đụng chạm tự ái của các quốc gia thành viên.  Một đôi khi còn phải nghĩ cả đến việc viện trợ cho những đối tượng thiếu ngân sách để thực hiện. 
Cách tốt nhất nên áp dụng là phương pháp tiêu chuẩn hóa các đề mục phải tường trình, các thủ tục báo cáo và các hình thái công ước mới.   Sự tiêu chuẩn hóa này giảm bớt các sự khiếu nại và làm nhẹ đi công ciệc cũng như trọng trách phải tường trình.
Nhiều nhà quan sát cho rằng phương cách “tường trình”không mấy hữu hiệu, nhất là đối với những quốc gia đang phát triển với dân trí chưa cao và văn hóa nhân quyền chưa tác động.  Tuy nhiên phương pháp này cho đến nay vẫn là phương pháp tốt nhất khả thi về mặt chính trị ./.
 @Tác Giả gởi bài đến Ban Biên Tập

Không có nhận xét nào: