Pages

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Đảng hay không đảng?

Có người cho rằng — nên tham gia vào sinh hoạt của đảng (cách mạng hay chính trị) để có thể đóng góp cho đất nước. Điều này có thực sự đúng hay không? Bài viết này sẽ giúp độc giả nhìn về khía cạnh này để tự mỗi người chọn cho mình phương cách tốt nhất trong việc đóng góp cho đất nước.
Quan niệm về đảng của người Việt Nam
Khi nói về đảng, đối với người Việt Nam, phải là một đảng cách mạng hay chính trị. Và dĩ nhiên, để vào đảng phải qua sự giới thiệu hoặc một hình thức tuyên thệ với những cương lĩnh và chủ trương của đảng. Ngay cả hải ngoại, các đảng đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do dân chủ vẫn còn mang hình thức trên.

Thực tế trong quá khứ lẫn hiện tại, đảng được thành lập bởi những người có cùng chung một chí hướng, muốn làm một điều gì đó cho đất nước và dân tộc. Tựu chung, khởi đầu của sự thành lập đảng đều mang một lý tưởng rất là tốt đẹp. Nhưng rồi qua những thăng trầm của đất nước, đặc biệt là bản chất con người, vẫn có cái Tham-Sân-Si, cuối cùng chủ trương tốt đẹp của đảng trở thành phương tiện, với cái áo vì nước vì dân, để thành viên của đảng thay phiên nhau nắm giữ quyền lãnh đạo của đất nước, thay phiên nhau ăn trên ngồi trước trên tập thể quần chúng, trên những người thấp cổ bé miệng. Chưa kể thời kỳ kháng Pháp, các đảng thuộc phe cộng sản thanh toán các đảng thuộc phe dân tộc để tranh giành quyền lãnh đạo đất nước — với danh nghĩa rất là đẹp — chẳng hạn như giải phóng đất nước, vì quyền lợi của dân tộc.
Có thể nói rằng, đa số đảng viên sẽ bênh vực người trong đảng của mình cho dù chủ trương của đảng có sai đi nữa.  Thành viên bám víu đảng vì nhiều lý do trong đó có quyền lợi ban phát từ đảng mà ra, và chẳng còn một đảng nào khác để có thể đối chọi lại với đảng của mình, cho nên dù sai, mình vẫn cố bám víu. Đảng cộng sản Việt Nam là một thí dụ điển hình hiện nay.
Trên cái nhìn chiến lược, một cá nhân không thể nào làm được những chuyện lớn. Cho nên nhiều cá nhân cùng hợp lại với nhau để thành lập một đảng với những cương lĩnh, kỷ luật đưa ra để tạo sự sinh hoạt đồng nhất, đồng thời tạo sự gắng bó với nhau trong sinh hoạt của đảng.  Vậy thì đảng là phương tiện để tất cả cá nhân cùng đến mục tiêu dễ hơn, lẹ hơn trong mục đích của đảng đưa ra. Dĩ nhiên mục đích của tất cả đảng chính trị hay cách mạng đều mang hình thức phục vụ tập thể quần chúng, phục vụ dân tộc. Thực tế của nó thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác biệt với mục đích của đảng. Chính vì thế mà người Việt Nam hôm nay, rất là mệt mỏi khi nghe nói đến cái từ đảng.
Một quan niệm sai lầm khác — là người Việt Nam tại Hoa Kỳ, những người thuộc thế hệ thứ nhất đến Hoa Kỳ, luôn luôn cho rằng đảng Cộng Hòa chống cộng hơn đảng Dân Chủ và cứ thế mà cứ bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa mà không cần biết là có thực sự đảng Cộng Hòa chống cộng hơn đảng Dân Chủ hay không. Chưa kể một số người làm truyền thông Việt Nam khi viết những đề tài mang tính chính trị của Hoa Kỳ — thì cứ đè đảng Dân Chủ ra mà chê bai, mặc dù chính cá nhân đó đang hưởng những quyền lợi do chính sách của đảng Dân Chủ đưa ra (xem bài Cộng Hoà, Dân Chủ và Giới Làm Truyền Thông Người Việt).
Quan niệm về đảng của người Hoa Kỳ
Nói về đảng mà không nói về quan niệm về đảng của người Hoa Kỳ thì là một điều thiếu sót lớn. Đối với người dân Hoa Kỳ, ngoài hai đảng lớn — Cộng Hoà, Dân Chủ — còn có nhiều đảng nhỏ khác nhau, không có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong chính sách và đường lối của Hoa Kỳ.
Tất cả những đảng phái của Hoa Kỳ có những triết lý riêng cho từng đảng và dựa vào triết lý đó, đảng đưa ra chủ trương, chính sách cho xã hội, kinh tế, giáo dục, đối nội, đối ngoại vân vân trong cách điều hành quốc gia. Ai đồng ý chủ trương, đường lối và triết lý của đảng đó thì có thể tham dự bằng hai hình thức: trực tiếp hay gián tiếp. Trực tiếp là tham gia những sinh hoạt của đảng trong việc vận động tranh cử; hoặc đưa ra những chính sách, chiến lược để đạt được lá phiếu của người dân. Gián tiếp tức là những người đi bỏ phiếu, họ tự nhận là mình thuộc đảng Dân Chủ, Cộng Hòa, Độc Lập, Môi Sinh vân vân.  Dĩ nhiên chẳng có chuyện tuyên thệ hay bí danh gì hết. Và bất  cứ cá nhân nào đều có thể bỏ đảng mình chạy sang đảng khác khi mà cá nhân thấy rằng triết lý của đảng không còn thích hợp với suy nghĩ của mình.
Sinh hoạt đảng như thế này xem ra ai cũng có thể tham gia. Còn sinh hoạt đảng theo kiểu Việt Nam, sinh hoạt theo cái kiểu bí mật, xem ra cần phải xét lại.
Những điều cần xét lại trong sinh hoạt đảng phái của Việt Nam
Nhà tranh đấu bất bạo  động trong việc phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ, ông Martin Luther King, có một câu nói như sau: “Ai đó chống đối lại luật đối xử không công bằng phải tranh đấu công khai,  bằng cả tấm lòng, và sẵn sàng chấp nhận những trừng phạt (do kẻ làm luật bất công bỏ tù những người chống lại luật bất công đó)”.
Câu nói trên nói lên được tính chất công khai. Chỉ khi nào sinh hoạt trong công khai, sinh hoạt bằng cả tấm lòng và trái tim, thì mới có sự tham gia của số đông quần chúng thầm lặng để tạo ra những cơn sóng thay đổi. Có phải chăng vì quan niệm trên, mà các nhà tranh đấu trong nước hiện giờ, con số ra mặt công khai tranh đấu cho nhân quyền càng ngày càng ra gia tăng mà không cần phải nằm trong bóng tối và họ sẵn sàng trả cái giá của sự tranh đấu đó?
Hai em Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha là thì dụ gần nhất. Hai em là những người sinh viên trẻ, rất yêu nước, đã nói lên tiếng nói yêu nước của chính mình và tiếng nói yêu nước đó đi ngược lại cái “yêu nước” mà nhà cầm quyền Việt Nam mong muốn. Thế là hai em bị đi tù và hai em kháng án. Tuy bản án đã được giảm xuống rất nhiều, nhưng vẫn là những bản án vô lý, chỉ xảy ra tại Việt Nam. Và hai em Phương Uyên và Nguyên Kha cũng như các bạn trẻ khác trong nước sẽ, đang và tiếp tục nói lên tiếng nói công khai chống lại những luật lệ vô lý, với những người bán nước núp dưới danh nghĩa “yêu nước”.
Người Việt Nam trong và ngoài nước không muốn một sự đô hộ kiểu mới của Trung Hoa và toàn dân sẽ chống lại bất cứ hành động bán nước.  Sự chống lại đó không đứng dưới danh nghĩa là một đảng nào –  mà dưới danh nghĩa là một người dân, một công dân Việt Nam đứng trước sự lâm nguy của đất nước trước tình thế độ hộ của Trung Hoa của thế kỷ 21.
Các đảng phái chính trị của người VN tại hải ngoại, có điều gì phải sợ mà vẫn mang hình thức sinh hoạt trong bóng tối tại hải ngoại? Và nếu sinh hoạt trong bóng tối, ai biết để mà ủng hộ?
Ở tại VN còn có lý do là do chế độ độc tài của Việt Nam,  cần phải sinh hoạt trong bóng tối. Tuy nhiên, sinh hoạt trong bóng tối cũng sẽ không bảo đảm sự bắt bớt của các nhà độc tài.  Cho nên, sinh hoạt công khai, đòi hỏi những điều rất là con người, đòi hỏi loại bỏ những bất công, những biển thủ tài sản của quốc gia, những hà hiếp của người dân — nếu được sinh hoạt trong công khai thì sẽ được nhiều người biết đến để cùng nhau đẩy mạnh làn sóng thay đổi tại VN. Phải chăng vì điểm này mà ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận đã lên tiếng công khai trong việc thành lập một đảng mới tại VN hầu đối đầu lại với đảng CSVN?
Những sinh hoạt của đảng chính trị tại hải ngoại, ngoài những công tác mà tổ chức đảng đưa ra, các đảng phái chính trị Việt Nam, có chương trình giảng dạy về đạo đức của con người, về trách nhiệm của một đảng viên trước những công việc nhỏ nhưng rất quan trọng là đóng lệ phí cho sinh hoạt của đảng, hoặc có một kế hoạch cho một nước Việt Nam hậu cộng sản?
Cá nhân của người viết bài này, đã từng tham gia vào đảng chính trị tại hải ngoại hơn 20 năm về trước, và bây giờ nhìn lại, những điều vừa nói của đoạn bên trên không hề thấy trong  sinh hoạt của đảng của 20 năm về trước.
Gần đây, trong  một cuộc tiếp xúc với một cá nhân của một đảng chính trị, thì được cho biết rằng ngay cả chuyện đóng  lệ phí thôi —  mà có những đại gia, cần phải nhắc nhở về chuyện này. Nghe thật buồn cười. Đại gia thì chuyện tài chính không phải là gánh nặng, nhưng lại quên đi cái trách nhiệm của chính mình với đảng mà mình đang sinh hoạt.  Khi mà cái trách nhiệm đơn giản đó không hoàn thành thì liệu chẳng, đảng viên đó có phải là một thành viên tốt mà đảng đang cần đến?
Trách nhiệm, đạo đức con người không có trong những chương trình huấn luyện của đảng  thì đây là một sự thiếu sót rất là trầm trọng. Hơn thế nữa, những lớp huấn luyện để đào tạo giới lãnh đạo mới cũng hình như thiếu vắng trong các sinh hoạt của các đảng phái chính trị Việt Nam tại hải ngoại.
Đừng nói đến chuyện đạo đức cách mạng bởi cái đạo đức này xem rất là cải lương mà đảng cộng sản Việt Nam từng nói đến.  Khi mà đạo đức của một con người không hề có thì đạo đức cách mạng chỉ là một cái áo khoác bên ngoài, hầu che giấu những cái cực xấu trong chính con người của mình. Và khi mà thời cơ đến, đảng cộng sản VN là một thí dụ điển hình, thì cái áo đạo đức cách mạng được bỏ xuống — để toàn bộ hệ thống đảng thay phiên nhau vơ vét tài sản của quốc gia và của người dân cho chính bản thân đảng viên.
Cho nên một  đảng chính trị tại hải ngoại cần phải chú tâm nhiều đến Đạo Đức Con Người mà trong đó có trách nhiệm của một thành viên trong đảng và trách nhiệm của một thành viên trong xã hội.  Điều tốt nhất là sinh hoạt trong công khai để mỗi khi có những lớp huấn luyện về lãnh vực này — thì có thể mời những nhà chuyên môn đến để trình bày, giảng dạy các thành viên của đảng những cái căn bản này. Đây là nền tảng rất là quan trọng mà có lẽ các đảng phái chính trị Việt Nam tại hải ngoại thiếu sót.
Các đảng chính trị tại hải ngoại đều có cùng một mục đích là tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ. Dĩ nhiên mỗi đảng có cái nhìn chiến lược và phương thức đấu tranh khác nhau, nhưng điểm chính và quan trọng hơn hết, chính sách của các đảng ra sao cho một nước Việt Nam hậu cộng sản? Chính sách đó có đưa ra chi tiết từ cải cách giáo dục, xã hội, y tế, cũng như hệ thống chính quyền ra sao để tránh tình trạng độc tài mà quá khứ đất nước đã từng trãi qua với các đảng phái chính trị Việt Nam?
Đừng diện dẫn lý do đó là sự bí mật. Cũng đừng diện dẫn lý do chờ khi thành công rồi đưa ra cũng không muộn. Xin thưa, chuyện này không phải là chuyện tối ngủ sáng thức dậy sẽ có một buổi ăn sáng như ý muốn.  Những chính sách của quốc gia, cương chế của một hệ thống điều hành quốc gia là điều phải làm, phải chuẩn bị chu đáo với thời gian vài ba năm hoặc lâu hơn. Cho nên các đảng chính trị tại hải ngoại, hãy nhìn lại chính bản thân mình, nếu ngày mai đảng mình được nắm vận mệnh đất nước, mình có chính sách gì để giải quyết những khó khăn của đất nước hiện giờ?
Tổ chức Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc đã có một bản dự thảo hiến pháp cho Việt Nam tương lai (đây là bản dự thảo do Luật Sư Đào Tăng Dực tại Úc soạn và đã đồng ý cho Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc phát hành và có lẽ lực lượng này đang chú tâm  đến việc xây dựng Việt Nam nhiều hơn là chuyện đưa người về nước hoạt động). Và bản dự thảo này được đăng trên website của đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi phát về Việt Nam vào mỗi tối lúc 9 giờ tối tại VN.  Đây là một bước ngoặc khởi đầu, có dấu hiệu tốt của những sinh hoạt đảng phái tại Hải Ngoại.  Bước ngoặc này rất là quan trọng cho những sự chuẩn bị không hẳn là cho chính đảng phái của mình – mà cho quốc gia sau này; khi mà sức mạnh của lực lượng dân chủ thắng thế tại Việt Nam, chúng ta không cần phải mất thời gian để tìm ra một cơ chế quốc gia có thể kiểm soát chính quyền, tránh tình trạng độc tài, tham nhũng, hối lộ như nhà cầm quyền tại VN hiện giờ.
Trở về câu hỏi đầu tiên của bài viết này, cá nhân người viết thấy rằng tham gia vào đảng chưa chắc có thể đóng góp công sức hữu hiệu cho tiến trình xây dựng một đất nước, một con người Việt Nam ở tương lai.  Là người cầm bút nên đứng tư thế ngoài đảng để có cái nhìn độc lập và sẵn sàng phê phán bất cứ tổ chức đảng chính trị nào — nếu cần thiết — mà không bị gáng cho tội là “chia rẻ” đảng của phe ta.
Chuyện viết lách là chuyện ngồi để suy tư trước khi viết ra hoặc phải tìm tòi tài liệu để học hỏi, nghiên cứu. Bao nhiêu thứ cũng đủ chiếm lấy hết thời gian chưa kể chuyện đi làm để sống.  Cho nên tham gia sinh hoạt của đảng sẽ chẳng còn thời gian để suy tư, nghiên cứu và cũng chẳng còn thời gian để viết lách trong tư thế độc lập.
Vũ Hoàng Nguyên
Tháng 8 năm 2013
Dallas, TX

Không có nhận xét nào: