BienDong.Net: Tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản kéo dài hơn 1 năm qua đã làm cho tình hình biển Hoa Đông nóng lên và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Trong những ngày gần đây, căng thẳng lại tiếp tục nóng thêm khi Trung Quốc và Nhật đã lời qua tiếng lại thể hiện thái độ khá cứng rắn, còn trên thực địa thì căng thẳng tiếp tục leo thang khi Trung Quốc tăng cường các tàu chấp pháp (tàu hải cảng, tàu cảnh sát biển) xâm phạm vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu ngư với mật độ ngày càng dày hơn, số tàu ngày càng đông hơn và thời gian kéo dài hơn, phạm vi hoạt động ngày càng rộng hơn.
Theo con số thống kê của Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, trong 1 năm qua (từ tháng 9/2012 đến tháng 9/2013) tàu chấp pháp của Trung Quốc đã 59 lần đi vào vùng biển của Senkaku/Điếu ngư để thực hiện cái gọi là “tuần tra”, có lúc tàu Trung Quốc đã đến sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, chỉ cách quần đảo này 3 hải lý. Không chỉ dùng các tàu chấp pháp để gây sự, Trung Quốc còn cho máy bay trinh thám bay trên bầu trời vùng biển quần đảo Senkaku, thậm chí hôm 8/9/2013 hai máy bay ném bom của quân đội Trung Quốc còn bay vào vùng biển giữa Okinawa và Miyako, nhưng Trung Quốc còn ngang nghiên tuyên bố rằng máy bay của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc tiến hành hoạt động đó là sự sắp xếp huấn luyện thường kỳ theo kế hoạch hàng năm, “phù hợp với luật pháp quốc tế” và sau này Trung Quốc tiếp tục triển khai các hoạt động như vậy. Cùng với các hoạt động trên thực địa, Trung Quốc nhiều lần khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu ngư là không thay đổi. Trước thông tin Nhật Bản có thể đưa quân đến đóng tại các đảo tranh chấp, Trung Quốc đe doạ khi Nhật Bản khiêu khích thì Tokyo phải chấp nhận “hậu quả”.
Trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc cả trong các phát biểu lẫn trên thực địa, Nhật Bản cũng đã có những hành động đáp trả quyết liệt. Nhật Bản triệu Đại sứ Trung Quốc lên để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút các tàu chấp pháp của họ ra khỏi vùng biển của Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi máy bay không người lái của Trung Quốc xâm phạm vùng trời nằm trong phạm vi phòng không của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản quanh Senkaku/Điếu Ngư. Hôm 10/9/2013, ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản đã nói rằng việc đưa các công chức Chính phủ lên quần đảo Senkaku là “một sự lựa chọn”, Tokyo không loại trừ khả năng đưa các giới chức nước này lên làm việc trên quần đảo Senkaku. Đặc biệt, trong ngày 12/9/2013, đúng 1 năm sau khi Tokyo quốc hữu hoá một phần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định sẽ tăng cường năng lực quốc phòng, đồng thời nhấn mạnh sẽ đáp trả mạnh mẽ trước mọi “hành động khiêu khích”. Phát biểu trước 180 sĩ quan cao cấp, ông Shinzo Abe nhấn mạnh: “chúng ta không thể phớt lờ thực tế … đã có nhiều hành động khiêu khích đối với chủ quyền quốc gia của Nhật Bản. Tôi đang thúc đẩy việc củng cố an ninh quốc gia bằng cách nhìn thẳng vào thực tế”.
Mỹ có thái độ ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong 1 năm qua, Mỹ đã nhiều lần khẳng định quần đảo Senkaku, hiện do Nhật Bản quản lý, được bao phủ bởi Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, theo đó Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công vũ trang. Đúng trong ngày kỷ niệm 1 năm ngày Tokyo quốc hữu hoá quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ngày 11/9/2013 Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Nhật Bản trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi ông tiếp Nghị sĩ Natsuo Yamaguchi, lãnh đạo Đảng Công minh mới, thành viên trong liên minh cầm quyền của Nhật Bản hiện nay.
Nga mặc dù có quan hệ rất mật thiết với Trung Quốc nhưng cũng không bày tỏ sự ủng hộ đối với Bắc Kinh trong tranh chấp về quần đảo Senkaku mà tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật Bản quản lý và được Mỹ thừa nhận. Nhưng trong vòng 1 năm qua, Bắc Kinh đã lật ngược vấn đề tiến hành nhiều hoạt động để khuấy lên tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục tiêu của Trung Quốc là phá vỡ nguyên trạng hiện nay ở biển Hoa Đông như họ đang làm ở Biển Đông, từng bước khống chế biển Hoa Đông nhằm xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển như Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra và thực hiện tham vọng “giấc mơ Trung Hoa” mà Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xướng.
BDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét