Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Tiền chảy vào ngân hàng rồi 'chết' ở đó

Niềm tin vào tương lai của nền kinh tế tiếp tục tụt giảm, thay vì đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dân chúng gom tiền gửi ngân hàng, bất kể lãi suất càng lúc càng thấp.

Lãi suất càng lúc càng thấp nhưng dòng vốn trong dân vẫn chảy ồ ạt vào ngân hàng do người ta cảm thấy bất an với tương lai của nền kinh tế. Tiền ế là một trong những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ còn lụn bại hơn hiện nay. (Hình: Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới loan báo, so với thời điểm giữa năm 2011, tuy lãi suất tiền gửi đã giảm hơn một nửa (từ 17% – 19%/năm hồi 2011, xuống còn khoảng 7% - 10%/năm vào lúc này) nhưng tiền vẫn chảy như thác vào ngân hàng.

Dù lãi đối với tiền gửi tiết kiệm càng lúc càng thấp nhưng tính đến giữa tháng 9, hoạt động huy động vốn (nhận tiền dân gửi) của hệ thống ngân hàng, vẫn đạt mức tăng trưởng khoảng 12% so với cuối năm 2012.

Trong khi Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo rằng, những số liệu vừa dẫn cho thấy, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã “tác động tích cực tới việc bình ổn thị trường vốn”, khiến dân chúng “yên tâm về hệ thống ngân hàng hơn trước” thì các chuyên gia kinh tế lại khẳng định, đây là một dấu hiệu tồi tệ. Nó cho thấy dân chúng thà để “tiền chết” trong ngân hàng, chứ dứt khoát không đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vì dễ mất vốn.  

Những chuyên gia kinh tế này đã dựa vào các số liệu do chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp để phân tích, dân chúng gửi tiền vào các tài khoản tiết kiệm với kỳ vọng mất ít nhất, chứ không phải nhằm được nhiều nhất.

Cũng vì cảm thấy bất an với triển vọng của nền kinh tế, giới sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam không những không đầu tư thêm để mở rộng hoạt động, mà còn tìm đủ cách rút vốn ra.

Do tiền gửi vào thì nhiều nhưng rất ít nơi, người hỏi vay, thành ra tiền mà các ngân hàng ở Việt Nam đang cầm giữ bị… ế.

Tính đến đầu tháng 7, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã gửi 2,5 tỉ đô la vào các ngân hàng nước ngoài vì không tìm được nơi để cho vay.

Hồi tháng 7, Tổng cục Thống kê của Việt Nam công bố hàng loạt chỉ số thống kê của sáu tháng đầu năm để khẳng định, tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện nhưng phần lớn chuyên gia kinh tế và báo giới lại cùng cho rằng, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế cả trong doanh giới lẫn công chúng Việt Nam đang tiếp tục suy giảm.

Cũng tháng 7, Ngân hàng HSBC công bố, trong hai tháng 5 và 6, chỉ số mua hàng của giới quản trị (PMI), sụt giảm đáng ngại, điều đó cho thấy doanh giới cũng vẫn hạn chế đầu tư.

Chuyện các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đem 2,5 tỉ đô la đi gửi các ngân hàng nước ngoài vì không tìm được nơi để cho vay, được xem là một bằng chứng minh họa cho sự phản bác tuyên bố của Tổng cục Thống kê về “tình hình kinh tế vĩ mô đang được cải thiện”.

Theo một số chuyên gia kinh tế, ngoài việc ngần ngại đầu tư, khu vực xuất khẩu vốn được phép vay ngoại tệ và vẫn được xem là “đầu kéo tổng cầu của nền kinh tế” cũng càng lúc càng bi đát nên không có nhu cầu vay vốn khiến các ngân hàng thừa mứa ngoại tệ.

Vài tháng gần đây, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại công khai than thở, dẫu lãi suất cho vay đã giảm một nửa, thậm chí giảm hơn một nửa nếu vay để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng “tăng trưởng tín dụng” của họ vẫn âm. Nhiều “khách hàng tốt” vẫn lắc đầu bởi… không có nhu cầu!

Trước đây, khi tiền bị ứ, các ngân hàng thương mại có thể gửi vốn cho thị trường liên ngân hàng để hưởng lãi suất 4%/năm – 5%/năm nhưng hiện nay, lối thoát này coi như đã tắc vì lãi suất tụt giảm chỉ còn từ 1%/năm – 1,5%/năm.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: