BienDong.Net: Tạp chí Wall Street Journal ngày 16/9/2013 đăng bài viết của Thượng Nghị sĩ Mỹ Robert Menendez, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện với tiêu đề “Vai trò của Mỹ trong tranh chấp lãnh thổ ở Châu Á”.
Trong bài viết, ông Robert Menendez đã điểm lại một số vụ việc mà Trung Quốc đã gây ra với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, gây tình hình căng thẳng kéo dài như: việc tàu Trung Quốc bao vây khu vực bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) vốn thuộc quyền kiểm soát của Philippines ở Biển Đông; các tàu chấp pháp, thậm chí tàu Hải quân Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp, đâm và bắn cháy tàu cá của Việt Nam hay việc tàu Hải quân Trung Quốc chĩa ra đa định hướng vũ khí vào tàu tuần duyên Nhật Bản…
Ông nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông đã có những phát triển đáng báo động; với các yêu sách đang xung đột và chủ quyền bị đe doạ, bất kỳ một vụ đụng độ nào cũng có thể dễ dàng leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn.
Thượng Nghị sĩ Robert Menendez khẳng định Mỹ không có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng là một quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong việc duy trì ổn định ở khu vực. Mỹ quan tâm đến tự do hàng hải, tự do thương mại không bị cản trở, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết hoà bình tranh chấp. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là Mỹ có thể làm gì để duy trì hoà bình ổn định trong khu vực và giúp các bên liên quan quản lý và giải quyết các tranh chấp hàng hải?
Trong bài viết, Ông Robert Menendez đề xuất một số việc Mỹ cần triển khai đối với khu vực là:
Mỹ cần phát huy vai trò trong việc xây dựng một trật tự giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận và Mỹ phải tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong các nỗ lực nhằm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC, trong đó vạch ra đường hướng và các thủ tục rõ ràng giải quyết tranh chấp.
Mỹ cần phát huy vai trò lãnh đạo ở Châu Á và nên hỗ trợ các bên trong khu vực xây dựng cơ chế quản lý khủng hoảng thích hợp để bất kỳ sự tham gia ngoài ý muốn của các lực lượng quân sự và bán quân sự trong khu vực này sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Mỹ cần nỗ lực hơn nữa để cùng các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát triển một thể chế có chức năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp thông qua quá trình hợp tác ngoại giao đa phương phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế. Mỹ không tham gia các cuộc thảo luận ASEAN – Trung Quốc nhưng Mỹ có thể và nên hỗ trợ thể chế hợp tác ngoại giao đa phương này để giúp quản lý tranh chấp biển.
Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng an ninh hàng hải trong khu vực, bao gồm cả khả năng giám sát các vùng biển. Mỹ có thể đưa ra các sáng kiến về phát triển cơ chế phối hợp chung; hỗ trợ quy trình vận hành, giám sát vùng biển và hỗ trợ các quốc gia khu vực nâng cao năng lực giám sát biển, nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát biển….
Mỹ nên tiếp tục làm rõ việc sẽ đứng về phía các đồng minh của mình và giữ cam kết đã ghi nhận trong các hiệp ước. Mỹ phải tiếp tục thể hiện cam kết lâu dài đối với khu vực.
Ông Robert Menendez cũng nhắc lại việc Thượng viện Mỹ thông qua Nghị quyết 167 do ông là tác giả cùng với sự đồng bảo trợ của các đối tác thuộc Đảng Cộng hoà là Thượng Nghị sĩ Bob Corker, Thượng Nghị sĩ Ben Cardin và Thượng nghị sĩ Marcro Rubio, trong đó đưa ra một quan điểm khá rõ ràng về những việc Mỹ cần phải làm để bảo vệ những lợi ích của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông, biển Hoa Đông nói riêng.
Bài viết trên đây của Thượng nghị sĩ Robert Menendez thể hiện rõ sự lo ngại của chính giới và học giả Mỹ trước những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Những hành động này không chỉ xâm phạm chủ quyền và các vùng biển của các nước này mà làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ ở Biển Đông, gây khó khăn cho Mỹ triển khai chính sách “tái cân bằng” ở Châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà lập pháp Mỹ nhận thức được rằng việc Trung Quốc ráo riết triển khai yêu sách “đường lưỡi bò”, từng bước khống chế và tiến tới độc chiếm Biển Đông để thực hiện xây dựng Trung Quốc thành cường quốc biển sẽ là nguy cơ lớn nhất đối với Mỹ trong thời gian tới. Do vậy, họ đã lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Chính phủ Mỹ phải “ra tay” để kiềm chế, ngăn chặn sự mở rộng bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Với việc cơ quan lập pháp Mỹ và các Nghị sĩ Mỹ tỏ thái độ ngày càng mạnh mẽ hơn trước những hành động hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trên biển Hoa Đông và Biển Đông, cơ quan hành pháp Mỹ cũng đã có nhiều hành động trên thực tế và phát ngôn phê phán trực diện những hành động ngang ngược của Trung Quốc, ủng hộ các nước ven Biển Đông và biển Hoa Đông, yêu cầu Trung Quốc sớm cùng các nước ASEAN đàm phán để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC. Mặt khác, chính quyền Mỹ cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc trao đổi vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, bao gồm Hội nghị cấp cao Đông Á, đồng thời tích cực thúc đẩy việc thiết lập các cơ chế đa phương để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng, các nước ven Biển Đông đang bị Trung Quốc o ép, đe doạ và gây hấn cần tranh thủ cơ hội này để thúc đẩy việc đa phương hoá vấn đề Biển Đông, tránh sự bắt nạt từ Trung Quốc.
BDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét