Tom Geoghegan
BBC News, Washington
Con số người Mỹ từ bỏ quốc tịch tăng mạnh trong năm nay, một phần được cho là bởi luật thuế mới khiến nhiều người Mỹ đang sống ở nước ngoài không hài lòng.
Đây không phải là điều người Mỹ coi nhẹ. Nhưng là điều mà nhiều người trong số họ đang cân nhắc, và đang có hành động.Chào nhé, hộ chiếu Mỹ.
Số những người đang sống ở nước ngoài tuyên bố từ bỏ quốc tịch Mỹ tăng vọt trong quý hai của năm 2013 so với cùng kỳ năm ngoái, 1.131 vụ so với 189 trong năm 2012.
Tuy đây chỉ là số nhỏ so với chừng sáu triệu người Mỹ ở hải ngoại, nhưng rõ ràng là một sự gia tăng đáng kể.
Danh sách này do Phòng đăng ký Liên bang tổng hợp. Tuy không có lý do nào được đưa ra, nhưng người ta tin rằng yếu tố lớn ảnh hưởng tới quyết định này chính là vấn đề thuế.
Luật mới, Đạo luật Tuân thủ Quy định Thuế nước ngoài (Fatca), từ 1/7 năm sau sẽ đòi tất cả các tổ chức tài chính trên thế giới phải báo cáo trực tiếp tới Cơ quan Thuế vụ Quốc nội Hoa Kỳ (IRS) về toàn bộ tài sản và thu nhập của bất kỳ công dân Mỹ nào có 50 ngàn đô la trở lên tại tổ chức tài chính đó.
Mỹ có thể sẽ khấu trừ 30% cổ tức và tiền lãi đối với các ngân hàng nào không tuân theo quy định này.
Đây là nỗ lực của giới chức Hoa Kỳ, nhằm thu hồi ước tính 100 nghìn tỷ đô la mỗi năm các khoản thuế lẽ ra phải trả, tính trên tài sản của công dân Mỹ ở nước ngoài.
"Tôi từng luôn tự giới thiệu mình là người Mỹ, nhưng nay thì thôi, tuy tôi trong tim vẫn là người Mỹ, dẫu không còn tấm hộ chiếu nữa. Tôi sẽ vẫn ăn mừng Lễ Tạ ơn và ngày Độc lập 4/7."
Bridget, người Mỹ sống tại Scandinavia
Khác với công dân của nhiều nước khác, người Mỹ bị đánh thuế bất kể sinh sống ở đâu, trong hay ngoài nước Mỹ.
Đột nhiên, một số người đang sống ở nước ngoài thấy toát lạnh sống lưng.
Họ luôn phải điền hồ sơ khai thuế và tiết lộ về các tài khoản ở nước ngoài theo mẫu hồ sơ có tên gọi FBAR, tuy trên thực thế nhiều người không làm.
Nay Fatca buộc họ phải làm nếu không muốn bị phạt nặng, và giới chức Mỹ sẽ biết nhiều thông tin hơn nhiều so với trước.
Nhiều người nói IRS chỉ tìm cách lấy lại những gì đang còn bị nợ, nhưng những nhà chỉ trích thì nói trong khi giới chức tìm cách phát hiện ra những kẻ trốn thuế thì người dân thường cũng bị kéo vào cơn ác mộng phải điền đơn, tốn kém và mất thời gian.
Mà với một số người, thì như thế là quá mức chịu đựng.
Briget, người đề nghị BBC không dùng tên thật, đã từ bỏ quốc tịch Mỹ hồi 2011, sau 32 năm sống ở vùng Scandinavia.
"Chả liên quan gì tới chuyện trốn thuế cả. Tôi chưa bao giờ phải trả thuế ở Mỹ, bởi ở đây tôi trả nhiều hơn. Vấn đề đối với tôi là ngày càng khó tuân theo các quy định về thuế. Bây giờ đã là khó rồi, nhưng khi tôi biết về Fatca thì tôi nghĩ thế này, 'Tôi có muốn trải qua những thứ đó nữa không?'"
Bà cảm thấy bị đe dọa, ngay cả khi đã làm mọi thứ để hoàn thành trách nhiệm của mình, bà nói.
Một tẩm thẻ thành viên đơn giản ở một cửa hàng thực phẩm địa phương cũng khiến bà lo lắng khi bà nhận thấy nó có liên hệ tới tài khoản ngân hàng mà bà không hề biết là bà đã có.
'Phiền toái và tốn kém'
Vấn đề trở nên phức tạp khi bà phải nhờ chuyên gia làm hồ sơ khai thuế, với chi phí hàng năm tới gần 2.000 đô la, mà khoản này có khả năng Fatca khiến tăng lên 5.000 đô la.
Mà ngày càng ít luật sư thuế nhận làm cho khách hàng Mỹ, bà nói, và một số ngân hàng thậm chí còn không nhận tiền gửi của người Mỹ.
"Rốt cuộc thì tôi giờ ngủ ngon hơn vì biết là mình không còn phải lo lắng về các quy định của Mỹ nữa. Tôi sẽ không bao giờ có thể sống hoặc sở hữu tài sản tại Mỹ, nhưng vẫn có thể tới thăm, và thế với tôi là đủ rồi."
Bridget, người đang điều hành một công ty biên tập và dịch thuật, nói tình cảm gắn bó mạnh mẽ của bà với Hoa Kỳ đã bị làm cho sứt mẻ.
"Tôi luôn hãnh diện là người Mỹ tuy từ khi còn trẻ đã không còn sống ở đó. Tôi mang bản sắc Mỹ, cho nên cảm thấy tức giận khi mình rơi vào thế không thể giữ quốc tịch của mình được nữa."
"Tôi từng luôn tự giới thiệu mình là người Mỹ, nhưng nay thì thôi, tuy tôi trong tim vẫn là người Mỹ, dẫu không còn tấm hộ chiếu nữa. Tôi sẽ vẫn ăn mừng Lễ Tạ ơn và ngày Độc lập 4/7."
Bà nói thuế chính là chủ đề lớn nhất được những người đồng hương mà bà biết trao đổi. Và các luật sư chuyên về thuế tại Mỹ chuyên hỗ trợ những người sống ở nước ngoài nói thuế đã trở thành một vấn đề to lớn.
"Tôi hoàn toàn tán thành việc mọi người phải trả phần thuế của mình, nhưng tuân thủ quy định pháp luật là điều rất tốn kém," David Kuenzi, thành viên sáng lập của tổ chức tư vấn tài chính chuyên hỗ trợ người Mỹ hải ngoại về thuế, Thun Financial Advisors nói.
"Một số người chi 4.000-5.000 đô la mỗi năm để khai hồ sơ thuế, để rồi kết quả là họ chả nợ gì nước Mỹ cả."
Các ngân hàng nước ngoài cũng không vui vẻ gì.
Nhưng Bộ Ngân khố cương quyết hậu thuẫn luật mới. Trên trang web của mình, Bộ này viết: "Các quy định của Fatca không đưa ra bất kỳ nghĩa vụ nào mới cho các công dân Hoa Kỳ sống ở nước ngoài... Người dân đóng thuế Mỹ, gồm cả các công dân sống ở nước ngoài, được yêu cầu phải tuân theo luật thuế của Mỹ."
Những người đã từ bỏ quốc tịch Mỹ hoặc đang tính làm vậy, thì nói vấn đề không phải là chuyện trốn thuế.
Victoria Ferauge, 47 tuổi, lấy chồng người Pháp và đã sống ở nước ngoài gần 20 năm, chủ yếu tại Pháp.
Bà không đi làm và đang điều trị ung thư vú, cho nên không có thu nhập.
Bà đã phải trả gần 1.000 đô la cho các văn phòng kế toán trong năm nay nhưng sẽ phải chi nhiều hơn cho năm tới.
Với mối quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, bố mẹ đang sống ở đó, người phụ nữ sinh ra từ Seatle không muốn từ bỏ quốc tịch.
Một số người khác cũng nói bất kể chuyện thuế khóa khó khăn đến đâu họ cũng không bao giờ đổi quốc tịch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét