Pages

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Kinh tế VN 'vỡ ổn định vĩ mô 5 năm qua'


Ông Vũ Khoan nói những hạn chế bất cập không được nhìn thẳng.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói Chính phủ Việt Nam đã né tránh nói về nguyên nhân chủ quan là sai lầm trong điều hành khiến kinh tế gặp khó khăn.
Bình luận của ông được đưa ra tại Hội thảo của Ban Kinh tế Trung ương Đảng ngày 23/9/2013 tại Hà Nội, nơi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự.

“Tôi không tin khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng khiến nền kinh tế của chúng ta khó khăn, khi mà những lĩnh vực liên quan đến thế giới như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài... đều là những điểm sáng của nền kinh tế chúng ta.
Một trong những câu hỏi được ông Phúc đưa ra tại đây là tại sao nền kinh tế Việt Nam lại ra khỏi khủng hoảng kinh tế chậm hơn các nước trong khu vực?

"Sao lại cứ đổ tội cho tình hình khách quan? Nguyên nhân chủ yếu là đã để vỡ ổn định kinh tế vĩ mô từ năm 2007 đến nay”, ông Khoan được BấmThời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời.
Báo này cho biết ông Khoan cũng nói về "những hạn chế bất cập trong điều hành không được nhìn thẳng, khi Chính phủ luôn giải thích rằng nền kinh tế khó khăn, là bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, chứ ít khi đi vào nguyên nhân chủ quan là có sai lầm trong điều hành".
"Những con số mà tôi tuy cóc ngồi đáy giếng nhưng vẫn thấy nó khó tin, như con số nợ xấu, nay thế này, mai đã thế khác. Nên nhìn vào thực trạng xã hội mà đánh giá thì hơn,” ông Vũ Khoan nói.
'Giai đoạn nhạy cảm'
Trong khi đó Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, được dẫn lời nói “Việt Nam đang trong bối cảnh sơ kết nhiệm kỳ, với những chuyển động chính trị, nên phải nói đây là thời kỳ rất nhạy cảm”.
Tiến sỹ Võ Trí Thành nói với BBC vào ngày 25/09 rằng Việt Nam hiện đang tham gia đàm phám một loạt các hiệp định thương mại (TPP, FTA với EU...) nên rất nhiều việc phải làm.
"Việt Nam đang trong giai đoạn sửa đổi về hiến pháp và thay đổi, cải cách quan trọng trong lúc nguồn lực còn hạn chế mà mục tiêu đề ra nhiều nên câu chuyện có những cái phức tạp"
Vào hôm thứ Tư, 25/09, Hoa Kỳ và Việt Nam tiếp tục bốn ngày đàm phán tại Washington về Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hãng BấmKyodo News vào hôm 14/09 đưa tin Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được những bước cơ bản nhằm xóa bỏ rào cản để đi tới đạt thỏa thuận tại phiên đàm phán cấp bộ trưởng hai nước ở Brunei vào cuối tháng Tám.
"Tại Brunei, Washington đồng ý mở cửa cho thị trường hàng may mặc cho Việt Nam trong khi Hà Nội đề xuất bỏ những ưu đãi cho các công ty nhà nước", hãng tin của Nhật cho biết.
"Về tổng thế, hiệp định TPP phù hợp với chương trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam để làm sao so hiệu quả hơn, minh bạch hơn, tạo môi trường cạnh tranh cho bình đẳng hơn", Tiến sỹ Võ Trí Thành nói với BBC.
Trong nỗ lực bảo hộ ngành dệt may nội địa, Hoa Kỳ trước đó quả quyết rằng tất cả các sản phẩm may mặc đều phải dùng vải và sợi từ các nước thành viên TPP, tức là từ chối miễn thuế cho các sản phẩm dùng vải sợi nhập từ các nước không tham gia TPP như Trung Quốc.
Tuy nhiên hãng tin này cho biết Washington đồng ý tăng nhiều số lượng hàng dệt may Việt Nam được miễn thuế theo khuôn khổ "đặc cách", về cơ bản là mở cửa thêm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Để đổi lại Việt Nam cam kết thực hiện cải nhằm đối xử công bằng giữa khối doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân có vốn nước ngoài sau giai đoạn "5 năm chuyển tiếp".

Không có nhận xét nào: