Pages

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Nhức nhối đời sống ven hồ Sông Tranh 2

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Toàn cảnh khu vực nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2
Toàn cảnh khu vực nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2
RFA

Chuyện động đất chung quanh khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vốn đã được nói nhiều trong thời gian gần đây, chuyện người dân mất ăn, mất ngủ vì động đất, có ngày vài cơn rung chấn nhẹ, có ngày động đất lên 4.7 độ richter, cư dân hoảng loạn, trẻ em khóc thét, người lớn đổ xô chạy ra đường, hoang mang, sợ hãi… đã trở nên quen thuộc.
Thế nhưng, vẫn còn những con người, những số phận đồng bào thiểu số người K. Dong chịu đời sống ngày càng lây lất, hoang hoải và mệt mỏi vì chính sách di dời, đền bù bất cập của nhà nước.


Khu tái định cư nhếch nhác
Khi chúng tôi đến thăm khu tài định cư của đồng bào K.Dong ở thôn 2, xã Trà Đốc, đồng hồ đã chỉ 12 giờ trưa. Theo chân người dẫn đường, đi vào khu xóm tái định cư, băng bộ qua những con đường lổ chổ sỏi đá, leo qua mấy con dốc, đi sâu chừng một cây số đường gập ghềnh, chúng tôi gặp những căn nhà loi choi, nhỏ xíu và ảm đạm. Có thể nói tuy mang tiếng là khu tái định cư nhưng trên thực chất, nó vừa giống trại tế bần, vừa giống khu tị nạn dành cho người vượt biên lại vừa giống khu kinh tế mới.
Nói nó giống trại tế bần vì sự nghèo khổ, hoang vu và không khí trầm lặng ở đây luôn cho cảm giác cả khu xóm chỉ có người già mất sức lao động, không có sức sống của tuổi trẻ dù một tí mảy may nào. Nói giống khu trại tị nạn vì cả xóm không có nguồn nước để sinh hoạt, chỉ có một cái giếng đào nước phèn đục ngầu, nơi lấy nước nấu ăn, giặt giũ cho cả xóm. Người nào muốn có nước sạch thì tự leo lên núi chừng 3km, lấy nước suối về xài. Nhưng chưa chắc nước suối đã đảm bảo vệ sinh và không phải ai cũng đủ sức leo đoạn đường dài như vậy để lấy nước.
Đường vào khu tái định cư ở Sông Tranh 2
Đường vào khu tái định cư ở Sông Tranh 2. RFA
Nói nó giống trại tế bần vì sự nghèo khổ, hoang vu và không khí trầm lặng ở đây luôn cho cảm giác cả khu xóm chỉ có người già mất sức lao động, không có sức sống của tuổi trẻ ...
Một người thanh niên trong khu tái định cư, năm nay 27 tuổi, nói với chúng tôi rằng anh và gia đình đã quen với kiểu sống như thế này suốt ba năm trời rồi, bây giờ chẳng còn biết sợ động đất nữa, chết sống cứ mặc kệ, mệt mỏi lắm rồi: “Từ Tết tới giờ thì cứ nổ miết vậy đó. Có lúc nổ nhẹ, có lúc nước lên thì nó nổ mạnh hơn. Rung kinh lắm, nói chung mình đứng nghe rung rinh hết, giống như mình đứng ở vũng sình, lỏng chân, rung rinh chân hết.
Nói chung đợt ni ngủ dễ ngủ hơn. Đợt trước mới sợ còn đợt ni thì đỡ rồi. Mệt quá rồi ngủ luôn, đâu nghe ai nói chi nữa, bình thường. Quên luôn, mấy đợt đầu tiên mới khó ngủ, lo. Giật mình là dậy liền!”
Kiểu nói chuyện bất cần đời, chằng đoái hoài gì đến ngày mai của chàng trai vừa nói cũng là kiểu nói chuyện rất chung ở đây. Và nếu như sự cảm nhận của chúng tôi là cả khu xóm tái định cư vắng vẻ, không có sinh khí tuổi trẻ thì trên thực tế, thanh niên trong xóm rất nhiều, nhưng hoàn cảnh của họ còn tệ hại hơn cả thanh niên trong trại tị nạn.
Một người phụ nữ K.Dong cho chúng tôi biết, vì phần đông thanh niên ở đây bỏ học sớm, không có nghề ổn định nên trước đây, họ chẳng biết làm gì ngoài mỗi sáng theo cha mẹ ra rừng đốn củi, trồng rừng hoặc đi làm thuê tứ xứ, đào vàng ở Phước Sơn, Đại Lộc, đi tìm trầm hoặc đi làm thợ xẻ gỗ thuê cho lâm tặc. Nhưng, một khi lượng gỗ và rừng bị tuột xuống lòng hồ, một phần rất lớn đất sinh nhai của bà con ở đây bị cắt đứt vĩnh viễn. Lẽ ra, với tình hình như vậy, những thanh niên sẽ kéo nhau đi làm thuê nhưng nghiệt nỗi một số tiền đền bù nhỏ đã làm hại họ. Thay vì tiếp tục lên đường học nghề hoặc làm thuê tích lũy vốn, họ đâm ra ăn chơi, đua đòi và rượu chè.
Đời sống chật vật, mệt mỏi
Bà nói thêm là hiện tại, số lượng thanh niên không có nghề nghiệp trong làng tái định cư có thể lên đến gần như toàn bộ, nghĩa là gần 100% thanh niên thất nghiệp, không có nghề ổn định. Sở dĩ có chuyện như thế là vì nhận thức của thanh niên, lớp trẻ ở đây rất thấp bởi họ không có học hành và cũng không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều lắm. Quanh năm suốt tháng quanh quẩn trong cánh rừng. Đến khi nhà nước tịch thu rừng, lấy diện tích làm lòng hồ và đền bù một ít tiền, trong đó đưa cho dân một ít tiền mặt và số đền bù còn lại được dùng trong việc xây dựng khu tái định cư.
Nhiều nhà mới xây đền bù trong khu tái định cư bỏ hoang không ai ở
Nhiều nhà mới xây đền bù trong khu tái định cư bỏ hoang không ai ở. Dantri.com
Số tiền xây dựng tài định cư bị khấu trừ trong khoản đền bù của dân không phải nhỏ. Đó là chưa kể đến nó đã bị chấm mút trong vấn đề định giá đền bù. Số tiền này lại giao cho một chủ thầu nào đó xây dựng. Với kiểu nhà hộp na ná nhau từ đầu xóm cho đến cuối xóm. Diện tích chật hẹp, tổng diện tích căn nhà chưa đến 40m2, không có phòng ốc gì, nhà thông thốc từ trước ra sau với cấu trúc hai cánh cửa trước, cửa sổ, mái hiên, gian nhà chính hai mái, vừa mô phỏng kiểu nhà sàn K.Dong.
Nhà vừa nóng nực lại vừa chật chội, thiếu phương tiện sinh hoạt. Bà con phải che thêm một nhà sàn kiểu truyền thống bên cạnh để sống vì dù sao, ở trong nhà sàn, khi động đất, nấp trong nhà sàn, nguy cơ chết người cũng thấp hơn so với nhà xi măng. Trong khi đó, mỗi căn nhà xi măng giống như một tai họa rình rập trên đầu bà con  bởi xây dựng không chắc chắn, vật liệu dỏm nên chỉ cần rung chấn vài trận nhẹ thì tường đã nứt, móng đã nhớm, nguy cơ nhà sụp có thể diễn ra bất kì giờ phút nào.
Trường của các học sinh tiểu học ở đây cũng chẳng kém gì khu nhà tái định cư..., Lớp học vắng tanh vì học sinh bỏ học
Một người phụ nữ dân tộc Kinh chia sẻ với chúng tôi rằng hầu như toàn bộ đàn ông, trai tráng trong khu tái định cư đều say khướt cả ngày, một phần vì trước đây uống rượu để ngủ bù những đêm mắt ngủ do động đất, một phần khác vì thất nghiệp, chán nản. Hơn nữa, một số thanh niên sau khi nhận được một ít tiền đền bù cho diện tích rừng của nhà họ, đã mua xe gắn máy, tập chạy xe lạng lách, tập ăn nhậu, xăm mình, đeo dây chuyền theo kiểu dân ăn chơi đồng bằng. Cha mẹ nói không nghe, người cha cũng say xỉn suốt ngày nên đâm ra nhà cửa bỏ bê, mọi việc be bét theo thời gian. Trong lúc chúng tôi trò chuyện với người phụ nữ này, có một nhóm thanh niên đang đi lạng khạng, chân nam đá chân chiêu ngoài ngõ nhà bà. Bà thở dài, lắc đầu.
Tạm biệt khu tái định cư, chúng tôi tiếp tục đi sang khu trường học dành cho trẻ em tái định cư. Thật bất ngờ, đường vào trường là một con dốc cao thoai thoải chừng 5m, không có tam cấp, dựa vào lối đất lở mà đi, và qua khỏi con dốc này phải băng qua một dãy rào bằng dứa dại của mấy nhà dân mói đến trường được. Trường của các học sinh tiểu học ở đây cũng chẳng kém gì khu nhà tái định cư, tường nứt, cửa kính vỡ được dán băng keo nham nhở, không có sân chơi. Lớp học vắng tanh vì học sinh bỏ học. Chúng tôi nhìn nhau lắc đầu, vì nếu cho chúng tôi đi học ngôi trường như thế này, có lẽ chúng tôi cũng bỏ học sớm, đi bán cà rem sống qua ngày mà vui hơn là leo dốc, bò toài, luồn lách qua hàng rào để đến lớp và có thể chết vì động đất, trường sụp.
E rằng đời sống của bà con trong khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 còn tệ hơn cả đời sống của người rừng. Vì chí ít, người rừng còn được sống hồn nhiên, tránh xa sự toan tính của cái gọi là hệ thống hành chính địa phương!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
.

Không có nhận xét nào: