Pages

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

Thạch tín : Sát thủ vô hình đe dọa 20 triệu người Việt

Bản đồ phân bố nước ngầm nhiễm thạch tín đồng bằng Bắc Bộ.
Ảnh của Eawag - Viện nghiên cứu Nước (Thụy Sĩ).
Trọng Thành
Trong thời gian những năm gần đây, nhiều tổ chức khoa học liên tục đưa ra những cảnh báo về nạn nước ngầm nhiễm thạch tín ở Việt Nam. Thực trạng nhiễm thạch tín trong nước ngầm ở Việt Nam ra sao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào ? Chính quyền Việt Nam có các biện pháp gì để đối phó với hiểm họa này ?
Đầu tháng 9/2013, AFP dẫn lại công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Nature, căn cứ trên một loạt các cuộc xét nghiệm do một nhóm các nhà khoa học Mỹ tiến hành chung quanh khu vực làng Vạn Phúc nằm sát cạnh sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội chừng 10 km, cho thấy nước giếng ở phía đông của ngôi làng này, có độ nhiễm thạch tín cao hơn so với quy định của tổ chức y tế thế giới (10 microgram/lít) từ 10 đến 50 lần. Tình trạng ở làng ven Hà Nội cũng chung cho nhiều nơi ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Mã, đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi khác. Thậm chí, theo Viện Lao động và Vệ sinh Môi trường Bộ Y tế, tại tỉnh Hà Nam có tới 80% giếng khoan bị nhiễm gấp từ 100 đến 500 lần mức cho phép.
Theo một ước tính, có hơn 17 triệu người Việt Nam hiện nay có nguy cơ bị nhiễm thạch tín do sử dụng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Việc khai thác nước ngầm ô ạt, gần như không được kiểm soát trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng vọt, được đánh giá là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm thạch tín nghiêm trọng. Hiện tại, chất độc asen có xu hướng ngấm sâu vào các tầng đất cổ, vốn trước đây là tầng đất sạch.
Thạch tín là một chất độc không màu, không mùi vị, không thể phát hiện được bằng giác quan, khi tích tụ trong cơ thể trong nhiều năm sẽ gây ra những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư các cơ quan nội tạng, bệnh tim mạch… cũng như một số bệnh về tâm trí. Các triệu chứng bên ngoài đầu tiên của người uống nước nhiễm arsenic là xuất hiện các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi xuất hiện các vùng sừng hóa trên bàn tay, bàn chân…
Thực trạng nhiễm thạch tín trong nước ngầm ở Việt Nam ra sao, ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào ? Và chính quyền Việt Nam có các biện pháp gì để đối phó với hiểm họa này ? Khách mời của Tạp chí Khoa học tuần này là nhà hóa học Tiến sĩ Trần Hồng Côn, chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học, khoa Hóa học – Đại học Quốc gia Hà Nội và bác sĩ, Tiến sĩ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo phát triển cộng đồng (RYCCD).

Không có nhận xét nào: