Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Trương Nhân Tuấn - Đôi điều với Tiến Sĩ Trần Công Trục về vấn đề biên giới

Hai bài phỏng vấn TS Trần Công Trục ở đây và ở đây, nội dung ngoài việc đề cập đến một số dữ kiện biên giới, còn có quan điểm riêng của TS Trục về các lãnh vực khác, liên quan đến lãnh thổ và hải phận của Việt Nam với các nước láng giềng. Theo ý kiến cá nhân của tôi, với tư cách một người thường xuyên quan tâm đến tình hình của đất nước, có tham khảo khá tường tận các hồ sơ phân định biên giới giữa hai bên Pháp-Thanh trong thời kỳ 1885-1897, hồ sơ phân định biên giới Pháp-Thái 1904 và hồ sơ biên giới nội địa Đông Dương (các hồ sơ gốc) tại Trung tâm Văn khố Hải ngoại (CAOM - Centre des archives d’outre-mer) tại Aix-en-Provence, Pháp quốc, tôi cho rằng những ý kiến của ông Trục có cái đúng, có cái sai, có cái nửa sai nửa đúng. Các ý kiến khác của ông, có điểm tôi chia sẻ nhưng một số điểm khác tôi không chia sẻ. Bài viết này nhằm trình bày những ý kiến của tôi về các cái (mà tôi thấy) đúng, sai, vừa đúng vừa sai, hay các ý kiến mà tôi chia sẻ cũng như không chia sẻ.

1/ Theo tôi, TS Trục đã không sai khi phê bình về lãnh đạo CSVN đã sử dụng chiêu bài "biên giới, lãnh thổ" để "chơi nhau", hạ bệ lẫn nhau tranh giành quyền lực. TS Trục cho rằng:
"có những cá nhân vì tranh giành lợi ích này lợi ích khác, để hại nhau thì cái nguy hiểm nhất và dễ “hạ” nhau nhất là sử dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, tung tin ông này ông kia nhân nhượng vô nguyên tắc với TQ, “cắt đất”, “bán đất” cho TQ nhằm tư lợi cho mình".

Điều này khẳng định giả thuyết đưa ra từ một bài viết của Nguyễn Chí Trung (thư ký Lê Khả Phiêu) từ đầu thập niên 2000, cho biết quí ông Đổ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt đã sử dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ như là vũ khí để hạ bệ ông Phiêu. Tài liệu viết như sau:
Ngày 3-1 đến 11-1-2001 Đại Hội đảng toàn quân, cố vấn tấn công đợt 2.
Trong đại hội này Lê Đức Anh đột ngột buộc Lê Khả Phiêu 10 tội:
1.- Bán đất, bán biển cho Trung Quốc.
2.- Lộ bí mật ý đồ chiến lược với Giang Trạch Dân.
...
Lê Đức Anh nêu vụ Phiêu đi thăm TQ đối thoại với Giang Trạch Dân là phạm tội bán đất, bán biển, là lộ bí mật chiến lược của đảng, là độc đoán. Đi về không báo cáo với Bộ chính trị, không cho Nguyễn Mạnh Cầm cùng dự họp là biểu hiện sự thậm thụt sao đó...

Ông Lê Khả Phiêu bị hạ bệ oan ức. Trong khi những người "bán nước" thực sự là những kẻ điThành Đô"chầu" lãnh đạo TQ đầu thập niên 90, trong đó có cả ông Phạm Văn Đồng. Chi tiết mật ước ký ở Thành Đô, trao đổi giữa Việt Nam và TQ để TQ ưng thuận việc "bình thường hóa ngoại giao" chưa được công bố, nhưng có nhiều tiếng đồn cho thấy Việt Nam nhượng bộ TQ về vấn đề Biển Đông. Ông Trục thấy vụ này thế nào? Người ta đồn vậy là đúng hay sai?

Mà lãnh đạo CSVN không chỉ dùng lãnh thổ để "hạ" lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực như ông Trục đã nói.

Trong quá khứ, nhiều lần họ đã sử dụng lãnh thổ như là một phương tiện để phục vụ cho mục tiêu bá quyền của nước lớn, cho cá nhân hoặc cho bè phái ý thức hệ… gây ra ba cuộc chiến tranh vô ích, làm tổn hại đến quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam.

Công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Vì nhu cầu cấp bách cần sự trợ giúp vũ khí, đạn dược của Trung quốc để đánh miền Nam, ông Hồ Chí Minh đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa qua công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký. Hệ quả của nó, hôm nay Việt Nam có thể mất, không chỉ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà còn phần lớn khu vực biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.

Về cuộc chiến biên giới Việt-Trung đầu năm 1979. Theo tài liệu của CIA về vấn đề tranh chấp biên giới do Vũ Quí Hạo Nhiên tóm lược, ta thấy thực ra phía Việt Nam đã "thay đổi nguyên trạng đường biên giới", lấn 60km² về phía TQ đồng thời làm công sự phòng thủ, khiến TQ có cớ gây trận chiến biên giới 1979. Tài liệu viết:
Phía Trung Quốc giận dữ vì Hà Nội đã cả gan thay đổi status quo tại biên giới, và cho rằng nếu im lặng chấp nhận những thay đổi này thì sẽ trở thành tưởng thưởng cho Hà Nội và sẽ dẫn đến nhiều vi phạm khác tại biên giới…
Cụ thể, hành động của Hà Nội xây dựng tuyến phòng thủ (phía Hà Nội tuyên bố là để bảo vệ chống sự xâm nhập của biên phòng và gián điệp Trung Quốc) làm thay đổi luật chơi của cuộc tranh chấp chính trị…
Tổng cộng vùng đất Việt Nam “chiếm đóng” không phải là lớn – khoảng 60 km vuông. Nhưng việc Việt Nam tự cho là có thể tùy tiện tự nhận bất kỳ một chút đất nào của Trung Quốc là điều phía Trung Quốc không chấp nhận được. Và, mặc dù chỉ có khoảng 300 người Trung Quốc bị chết và bị thương, chính sự thách thức công khai của phía Việt Nam đã khiến bất kỳ một chút tổn thất nào cũng không chấp nhận được [đối với Trung Quốc]…

Nếu tài liệu này nói đúng, ta có thể kết luận rằng cuộc chiến biên giới 1979 phía Việt Nam có chuẩn bị trước, nếu không nói Việt Nam đã chuẩn bị một "kịch bản" để dụ cho TQ vào tròng. Ta cũng không quên cùng thời điểm, Việt Nam mở đầu cuộc "khủng bố" người Việt gốc Hoa, ra chính sách tập trung những người này, từ nam ra bắc, tịch thu toàn bộ gia sản của họ, bắt họ"hồi tịch" (trong đó nhiều người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam từ nhiều đời, không biết nói tiếng Hoa), sau đó buộc họ rời khỏi Việt Nam với hai bàn tay trắng. Việc làm này lãnh đạo VN đã phạm tội ác chống nhân loại, trái với mọi nguyên tắc về các quyền được sống của con người theo qui định của Hiến chương LHQ.

TQ có đủ lý do chính đáng để can thiệp: "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ" và "bảo vệ sinh mạng và quyền lợi của kiều dân bị đe dọa". TQ "cho Việt Nam một bài học".

Câu hỏi đặt ra: Ai chủ trương các việc đó để TQ có cớ đánh Việt Nam? Việt Nam được gì và lãnh đạo Việt Nam được gì?

Qua cuộc chiến, các tỉnh biên giới miền bắc tan hoang. Phía Việt Nam hy sinh có đến 30.000 người. Cộng với cuộc chiến Campuchia phía nam, Việt Nam bị thế giới lên án và cô lập. Việt Nam "chảy máu" xém chết, kinh tế kiệt quệ, gần trở về thời đồ đá cuối thập niên 80. Việt Nam lọt hẵn vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô trong lúc nhóm Lê Duẩn nắm hết quyền lãnh đạo.

Cái Việt Nam "được" là "thanh lọc" được các thành phần "chống đối", còn gọi là "đạo quân thứ 5". Nhưng xét lại, thì thấy vơ đũa cả nắm. Hầu hết thành phần người Hoa ở Việt Nam có nguồn gốc ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Đài Loan… là thành phần chống cộng, bỏ xứ từ lâu, thân Quốc Dân đảng. Thành phần này không thể là "đạo quân thứ 5" của Bắc Kinh, mà họ là thành tố năng động của không chỉ kinh tế miền nam, mà còn của cả khu vực, (dĩ nhiên ngoại trừ một thiểu số nhỏ "Trung Cộng" kiểm soát được). Trục xuất nhóm người này Việt Nam vẫy tay"adieu" với nền kinh tế phồn thịnh. Điều trớ trêu, hiện nay, ông Trương Tấn Sang vừa ký kết với lãnh đạo Bắc Kinh một loạt hiệp ước mà tôi gọi là bất bình đẳng, mở cửa biên giới các tỉnh miền bắc, cho phép người Hoa vào các tỉnh biên giới hợp tác đầu tư. Bất bình đẳng vì việc này chỉ xảy ra một chiều, chỉ có người hoa vô Việt Nam kiểm soát và khuynh đảo kinh tế của Việt Nam chứ người Việt Nam không thể vào lục địa để làm các việc tương tự. Ngoài ra còn mở cửa rộng cho hàng chục "đạo quân thứ 5", chính thức đến từ Hoa lục, nằm phục ở Việt Nam chờ ngày hữu dụng. Tức là các chính sách về người Hoa mà ông Diệm làm từ trước (bắt nhập tịch Việt Nam, hạn chế các nghề nghiệp…), hay cái "được" của cuộc chiến 1979, bỗng chốc trở thành zéro.

Về cuộc chiến với nước láng giềng Campuchia. Đáng lẽ cuộc chiến này cũng không xảy ra nếu lãnh đạo Việt Nam không hứa hẹn về lãnh thổ với Sihanouk cũng như với các lãnh đạo của Khmer đỏ.

Năm 1954 (sau đó nhắc lại ngày 8-6-1967), lãnh đạo CSVN đã tuyên bố "tôn trọng đường biên giới hiện trạng của Campuchia" với Sihanouk. "Đường biên giới hiện trạng" này là bộ bản đồ Indochine 1/100.000 trước năm 1958. Đồng thời, theo một nguồn tin khác, lãnh đạo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN) cũng hứa hẹn trả lại đảo Phú Quốc và Thổ Chu cho Campuchia để Sihanouk cho phép đặt bản doanh trên đất Miên.

Vấn đề tranh chấp biên giới Việt Nam – Campuchia là một vấn đề thuộc về lịch sử, bắt đầu từ năm 1949, sau khi quốc hội Pháp quyết định trả lại Nam kỳ cho Việt Nam thay vì cho Cam Bốt, mặc dầu những vận động hành lang (suýt thành công) của Sihanouk. Việc này khiến Sihanouk hận người Pháp suốt đời!

Điều nên biết, đường biên giới Việt-Trung (theo công ước Pháp-Thanh 1887) hay đường biên giới Thái-Miên (1904) là các đường biên giới "quốc tế", được phân định theo các qui tắc của công pháp quốc tế, được quốc tế nhìn nhận, trong khi đường biên giới Việt-Miên không phải là đường biên giới "quốc tế". Đường biên giới này chỉ là đường biên giới "nội địa", có giá trị hành chánh do thực dân Pháp tự động phân định. Trước 1975, VNCH kế thừa lãnh thổ của thực dân Pháp để lại, áp dụng thực tiễn và tập quán quốc tế, theo nguyên tắc "uti possidetis" mà quốc tế thừa nhận, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và không nhìn nhận đường biên giới "hiện trạng" của Sihanouk đòi hỏi. Ý nghĩa nguyên tắc "uti possidetis" là "trước (khi độc lập) anh làm chủ nó thì bây giờ anh tiếp tục làm chủ nó". Tức là, sau khi được trả độc lập, đất nơi nào do Việt Nam quản lý thì Việt Nam sẽ tiếp tục quản lý (như các đảo Phú Quốc, Thổ Chu…) cũng như các vùng đất tranh chấp dọc đường biên giới (mà hiện nay có thể đã trả lại cho Campuchia vì phải tôn trọng "đường biên giới hiện trạng" mà Sihanouk đòi hỏi).

Vấn đề lãnh thổ, biên giới Việt Nam – Campuchia phức tạp, phải viết thành sách mới đầy đủ. Đại khái, lập trường của VNCH về lãnh thổ và hải phận đối với các nước láng giềng xem ra"mạnh" hơn lập trường của Việt Nam hiện nay. Không phải "mạnh" về sức vóc mà mạnh về tư thế pháp lý. VNCH không bị ràng buộc ở bất kỳ điều gì. Trong khi Việt Nam hiện nay phải tôn trọng những gì mình đã tuyên bố. Cam kết 1954 (hiệp định Genève), sau đó khẳng định lại năm 1967, là những tuyên bố công khai, (tương tự công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng), nhìn nhận đường biên giới hiện trạng của Campuchia, có hiệu lực rằng buộc pháp lý. Việt Nam không thủ tín, chiến tranh vì vậy xảy ra.

Cuộc chiến này, cùng với cuộc chiến biên giới phía bắc, không biết bao nhiêu xương máu thanh niên Việt Nam đã đổ xuống. Đất nước Việt Nam kiệt quệ, đến 3 thập niên sau chưa gượng lại được. Các cuộc chiến này đáng lẽ đã không xảy ra.

Lãnh đạo Việt Nam đã hứa hẹn những điều không thể thực hiện được. Mà cuộc chiến 1978 với Campuchia vẫn chưa giải quyết được tất cả các vấn đề. Hiện nay lãnh tụ đảng phái chính trị Campuchia, được TQ ủng hộ, lên tiếng đòi lại đất đai, hô hào dân chúng bài Việt, đòi đuổi những người Việt đang sinh sống bên Miên về nước. Các việc đe dọa sự yên ổn của các kiều dân Việt sống hợp pháp ở Campuchia là hành động kỳ thị chủng tộc, có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay Việt Nam vẫn chưa gởi công hàm phản đối.

Về vấn đề biên giới, nếu các lãnh đạo chính trị Campuchia dựa lên các lời hứa của lãnh đạo Việt Nam hay các tuyên bố chính thức của Việt Nam để đòi lại lãnh thổ đất đai, đòi hỏi này sẽ là chính đáng, nếu một đường biên giới được quốc tế nhìn nhận giữa hai bên vẫn chưa được thực hiện.

Như thế, ngoài việc sử dụng lãnh thổ, đất đai để hạ bệ nhau, tranh giành quyền lực, thì việc lãnh đạo Việt Nam hứa hẹn lãnh thổ cho TQ (tại Hoàng Sa và Trường Sa) hay với Campuchia, cho thấy sẽ còn đem lại cho Việt Nam trong tương lai nhiều phiền phức. Chiến tranh có thể xảy ra nếu Việt Nam không giữ lời hứa. Mà nếu giữ lời hứa thì thiệt hại cho đất nước không biết bao nhiêu mà kể.

Nhân dịp TS Trục nói ra, tôi đề cập lại các vấn đề này để mọi người cùng suy gẫm: Làm thế nào để hóa giải các hứa hẹn, các tuyên bố có giá trị ràng buộc của lãnh đạo Việt Nam trước quốc tế? Khi mà các hứa hẹn, các tuyên bố này chưa hóa giải hiệu lực, Việt Nam không nhiều hy vọng giữ được toàn vẹn lãnh thổ (kể cả khi phải nhờ đến chiến tranh).

2/ Về ý kiến sử dụng các tài liệu lịch sử như là một bằng chứng có giá trị pháp lý, tôi hoàn toàn chia sẻ với TS Trục.

Nhắc lại để nhớ, khoảng năm 2001 thì phải, tin tức trong nước dồn dập tung ra nào là Việt Nam mất ải Nam quan, mất thác Bản Giốc... làm báo chí xôn xao. Học giả các nơi lục sử liệu viết bài biên khảo về Ải Nam Quan, về thác Bản Giốc... Cá nhân tôi cũng bị cuốn vào cơn lũ thông tin này. Dĩ nhiên, cũng như bao người Việt Nam khác, vấn đề đất đai lãnh thổ là điều thiêng liêng, không ai có thể tự tiện cắt nhượng cho ngoại bang. Để đi tìm sự thật, có lẽ tôi là người đầu tiên đã vào văn khố Pháp lục lọi hồ sơ cũ, tìm hồ sơ phân định biên giới 1885-1897 giữa Pháp và nhà Thanh, sau đó công bố những tài liệu liên quan đến các vùng đất tranh chấp. Tuy nhiên, đôi khi sự thật pháp lý cũng phải nhường chỗ cho tình cảm yêu nước dạt dào. Tôi có bằng chứng chỉ ra rằng ải Nam Quan thuộc về đất Tàu, đường biên giới cách đó 100m, nhưng điều này ít ai tin. Đến nay nhiều người vẫn tưởng rằng Nam Quan thuộc Việt Nam, vì sách vở lịch sử Việt Nam viết như thế. Có thể sau này mọi việc sẽ đâu vào đấy, tình cảm mà, không thể trách cứ ai được.

Những năm tháng gần đây, lại dấy lên phong trào truy tầm bản đồ cổ và thư tịch cổ, chứng minh rằng Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc TQ. Nhưng các việc đó sẽ không nói lên được điều gì, nếu ta chịu khó đọc các tài liệu pháp lý, các bản án mẫu của Tòa quốc tế phân xử các tranh chấp về biên giới giữa các nước. Thực ra, bản bồ tự nó không hề có giá trị như một"bằng chứng". Nhiều lần tôi đã cảnh báo việc này (ở đây và ở đây).

Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn TS Trục nói:
Tôi đã đọc kỹ bài viết này của ông Mai Thái Lĩnh. Đây là một trường hợp điển hình về việc nhầm lẫn giữa chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử, quan điểm lịch sử với các chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế.
Gần đây những vấn đề về quan điểm về chủ quyền lịch sử, bằng chứng lịch sử đã trở thành vấn đề nếu như chúng ta không nhìn nhận một cách khách quan, thực tế, cầu thị, có căn cứ sẽ dẫn đến tình trạng hết sức phức tạp, không chỉ những vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên đất liền mà cả đối với các hải đảo và các vùng biển.

Tôi cho rằng TS Trục chỉ muốn mượn bài viết của tác giả Mai Thái Lĩnh nhằm gởi gấm đến một số "học giả" trong nước, đến những tờ báo trong và ngoài nước đã đăng những bài viết sử dụng những tài liệu lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa hay tại biên giới Việt-Miên.

Ý kiến của TS Trục chung quanh vấn đề "chủ quyền lịch sử", qua tấm bản đồ chữ U của TQ, hay việc các nhà chính trị Campuchia sử dụng lá bài biên giới lãnh thổ, khơi động tinh thần kỳ thị chủng tộc với Việt Nam để kiếm phiếu. Điều tiếc là không thấy TS Trục phản biện "quyền lịch sử" của TQ như thế nào? Cũng không thấy phản biện lại các lý lẽ của Sam Rainsy ra sao? Tôi cho rằng sẽ hết sức gượng ép khi so sánh ý nghĩa "chủ quyền lịch sử" và giá trị của các dữ kiện lịch sử với nội dung bài viết của tác giả Mai Thái Lĩnh. Theo tôi, không có điểm nào trong bài viết của Mai Thái Lĩnh mà TS Trục có thể dựa vào đó để dàn trải ý kiến của mình. Tôi thì có bài viết ngắn ở đây về "chủ quyền lịch sử của TQ ở biển Đông".

Nhận định của TS Trục về bài viết của Mai Thái Lĩnh:
Trong tài liệu này, ông Mai Thái Lĩnh căn cứ vào sách giáo khoa, vào lịch sử, văn chương, bưu ảnh, bản đồ cho đến cả ghi chép cá nhân của một người trong đoàn đàm phán Pháp - Thanh. Tất cả các tài liệu này, như đã phân tích ở trên rõ ràng nó nằm ngoài phạm vi nguyên tắc pháp lý mà 2 bên Việt Nam và TQ có thể thống nhất và đã thống nhất với nhau là Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 và các văn kiện bản đồ phân giới cắm mốc đi kèm, do đó những tài liệu ông Lĩnh đưa ra chỉ có tính chất tham khảo và không thể dùng làm chứng cứ để khẳng định chủ quyền của anh hay của tôi. Phía TQ cũng có các tài liệu tương tự như vậy, và ta không chấp nhận.

Có thể TS Trục đọc không kỹ bài của ông Mai Thái Lĩnh. Bài viết này có lấy một số tài liệu của tôi (có cái thì dẫn nguồn, có cái thì không), cũng như một số tài liệu lịch sử trong nước, đồng thời dựa lên một tấm bản đồ (do Hoa Kỳ sản xuất). Dĩ nhiên tấm bản đồ này cũng như các tài liệu lịch sử khác có một giá trị nhứt định về "thông tin", hữu ích cho việc soi sáng một vấn đề từ nhiều phía. Còn các tài liệu trích dẫn của tôi là các tài liệu phân định biên giới (chụp hình từ tài liệu gốc). Đó là hình chụp biên bản phân giới, hai bản chữ Pháp và chữ Hán, mô tả vị trí mốc 53, cùng đính kèm bản đồ của Sở địa dư Đông dương ấn hành. Các tài liệu này thuộc bộ phận của công ước Pháp-Thanh 1887 mà TS Trục đã nhắc nó như là mẫu mực để phân định lại biên giới.

TS Trục không thể phủ nhận các tài liệu này khi chưa đưa ra được các tài liệu "có giá trị pháp lý" cao hơn để phản biện. (Sẽ nói cụ thể hơn các chi tiết liên quan đến thác Bản Giốc ở phần dưới)

Hay là TS Trục muốn qua bài viết của ông Mai Thái Lĩnh để đáp trả bài trả lời phỏng vấn trên BBC vừa qua của một học giả Việt Nam? Nếu vậy thì tôi hoàn toàn chia sẻ, nếu nói thẳng như Tây "con chó là con chó, con mèo là con mèo". Thật vậy, ta không thể tranh biện về chủ quyền, lãnh thổ với nước ngoài mà chỉ đưa ra các "bản đồ", các "bằng chứng" lịch sử hết sức chung chung như vậy. Vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và TQ, hay Việt-Miên, không chỉ liên quan lãnh vực lịch sử, mà còn liên quan đến các lãnh vực pháp lý, về địa lý – kinh tế - chính trị - chiến lược. Các học giả Việt Nam hình như chỉ muốn dùng lịch sử để giải quyết cho tất cả.

TS Trục đặt vấn đề hôm nay là kịp lúc, nhưng nội dung trình bày qua hai bài phỏng vấn, có lẽ không mấy ai nắm được điều muốn gởi gấm.

Tôi cũng nghĩ TS Trục muốn dựa vào bài viết của Mai Thái Lĩnh để "tính toán sổ sách" với những người đã từng "chửi ông đã bán đất cha ông cho Trung Quốc".

Theo tôi, TS Trần Công Trục, cũng như TS Nguyễn Hồng Thao, những người từng lãnh trách nhiệm "trưởng ban biên giới", là những người đáng được mọi người trân trọng. Tranh luận là một chuyện, nhưng quan hệ giữa "con người", tôi nghĩ mọi người nên dành cho nhị vị này một cách đối xử xứng đáng. Quí vị này nhận lãnh một chức vụ cực kỳ khó khăn, đòi hỏi kiến thức cao về lịch sử và pháp lý, nhưng không được phần thưởng tương xứng. Đây là một phần vụ, có thể là duy nhất, người lãnh đạo có thể cấp bậc ngang hàng thứ trưởng, như trong thực tế không "chấm mút" được cái gì, trong khi những thẩm định sai lầm, nếu có, có thể bị tai tiếng, thậm chí bị trừng phạt nặng nề. Tôi cho rằng quí vị là những người có công với đất nước, qua các đóng góp trong công trình phân giới cắm mốc, cũng như những đóng góp quan trọng về văn hóa. Không ai có thẩm quyền phê phán quí vị "bán nước" cả. Thực ra, ở các địa điểm tranh chấp, các quyết định tối hậu đều do lãnh đạo cấp cao. Khu vực Bản giốc và bãi Tục Lãm, quí vị trình bày các chứng cớ lịch sử và pháp lý, còn quyết định là do TT Nguyễn Tấn Dũng.

3/ Vấn đề "lưỡi gỗ".

TS Trục nói:
Nhóm thứ 2 thì chúng ta đều biết, có những đối tượng, thế lực muốn lật đổ, bôi nhọ chính thể này. Hiện nay ngoài những vấn đề về kinh tế, tôn giáo, xã hội thì câu chuyện về chủ quyền lãnh thổ chính là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng này có thể lợi dụng.

Tôi hết sức thất vọng khi TS Trục sử dụng "lưỡi gỗ" để phê bình những người bất đồng chính kiến. TS Trục đã không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy không bị mất đất, lại còn phê bình những người nói đến việc này là "bôi nhọ" Việt Nam. Nào thấy TS Trục đưa ra các bản đồ vùng Nam Quan, Bản Giốc, Tục Lãm của công ước Pháp Thanh 1887 để so sánh với bản đồ theo tinh thần hiệp ước vừa ký?

Theo tôi, mọi mặt về kinh tế, tôn giáo, xã hội... bộ mặt VN đã đen tối đến mức có người muốn"bôi nhọ" thêm cũng không còn chỗ để bôi.

Xã hội Việt Nam là một xã hội theo khuôn khổ XHCN. Nhưng có còn cái gì là XHCN? Nhà thương, trường học phải trả phí. An sinh xã hội là con số zéro. Trong khi xã hội Việt Nam lại mang những khuyết tật chỉ có ở các nước tư bản man rợ nhứt. Không cần báo chí nước ngoài, TS Trục hãy đọc các báo trong nước, của công an để biết về tình hình xã hội, hay các trang báo đặc biệt về kinh tế để biết tình trạng bi đát của Việt Nam hôm nay.

Về tôn giáo, chính những báo cáo của các tổ chức ONG (ở các vùng Tây bắc, Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...) cho thấy vấn đề tín ngưỡng ở Việt Nam bị đàn áp nặng nề. Các vấn đề khác về nhân quyền, báo cáo đã nhiều đến mức không còn nơi để chứa đựng.

TS Trục có lẽ phải biết, toàn vùng Tây Bắc (nơi có huyện Mường Nhé, thuộc Phong Thổ...), toàn vùng hữu ngạn sông Hồng, đáng lẽ thuộc về TQ theo công ước 1887. Công ước 1895 kịp thời lấy lại các vùng đất này, do sự thần phục của các tù trưởng dân tộc ở đây với chính quyền Pháp. Lớp người dân tộc này bị đàn áp, bị bạc đãi, bị hất hủi bên lề xã hội Việt Nam. Đối với họ, tổ quốc Việt Nam sao tàn ác và xa lạ. Họ sẵn sàng từ bỏ tổ quốc này để nhận lấy một tổ quốc khác bao dung và ân cần với họ hơn.

TS Trục có lẽ cũng không quên rằng vùng cao nguyên Darlac chỉ mới sát nhập vào Việt Nam thôi, qua các quyết định của nhà cầm quyền Pháp (dưới danh nghĩa trao đổi vùng Trấn Ninh về Lào). Những người dân tộc ở đây cũng lần hồi trở thành người lạ, bị xua đuổi ngay trên chính mảnh đất của mình. Họ đứng bên lề mọi thành quả phát triển quốc gia, họ sống trên đất của tổ tiên họ mà như đang sống tầm gởi ở một chốn nào. Những người dân tộc này cũng không thể yêu mến tổ quốc Việt Nam, một tổ quốc đã cướp đi những gì quí báu nhứt của cuộc đời: đất đai. Họ không có gì quyến luyến với tổ quốc này và sẵn sàng chối bỏ nó.

TS Trục cũng không thể không biết Nam kỳ chỉ được quốc hội Pháp trả cho Việt Nam năm 1949, trong khi khuynh hướng trả cho Cam Bốt (do nhóm Gaston Defferre cầm đầu) cũng gây áp lực đáng kể. Còn vương quốc Chăm thì cũng mới bị diệt vài thế kỷ nay. Một điều cần nhớ rằng những người Miên người sinh sống ở miền Nam hay người Chàm ở miền Trung, họ không phải là dân "thiểu số" mà họ là dân "bản địa". Họ có các quyền "lịch sử" của họ.

Nói như thế để biết cái "mong manh" của đất nước Việt Nam. Nó có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.

Vấn đề biên giới lãnh thổ không phải là mảnh đất "màu mỡ" để bọn "phản động hải ngoại" sử dụng chống phá nhà nước như TS Trục nói đâu! Người yêu nước nào lại không quan tâm đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ? Đâu phải chỉ có những người theo cộng sản mới là yêu nước? Đâu phải người nào lên tiếng về lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là chống nhà nước? Chính thái độ vô trách nhiệm của lãnh đạo CSVN, hay những tuyên bố bừa bãi, lưỡi gỗ của các viên chức nhà nước (như thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn mới đây)... mới là nguy cơ tiềm ẩn làm cho chất keo đoàn kết tan rã.

Nhiều người tiên đoán rằng tương lai TQ sẽ tan vỡ ra thành nhiều mảnh, thành nhiều quốc gia độc lập khác nhau. Giả thuyết này có thể đúng, và nó cũng sẽ đúng hơn cho Việt Nam nếu chính sách hòa giải quốc gia vẫn chưa áp dụng để giải tỏa mọi mâu thuẫn về dân tộc, về tôn giáo, về hệ quả của các phong trào NVGP, XLCD, CCRD… trong quá khứ.

4/ Về các bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân và đường biên giới ở Nam quan.

Tôi hoàn toàn đồng ý với TS Trục ở việc này:
Công ước Pháp - Thanh 1887, 1895 là cơ sở pháp lý rõ ràng nhất, hiện đại nhất từ trước đến nay, có thể dùng làm cơ sở để tiếp tục đàm phán, tiến tới hoạch định, đàm phán và xác lập đường biên giới chính thức, cụ thể, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các khu vực bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân, khu vực Nam Quan, Thác Bản Giốc, TS Trục cho rằng:
các khu vực được xếp loại C là những vùng tranh chấp pháp lý, về mặt thực tế quản lý có tất cả 164 khu vực loại C với tổng diện tích hơn 200 km vuông.
... các khu vực loại C thì là khu vực tranh chấp, quan điểm và cơ sở pháp lý khác nhau. 2 bên ngồi lại và đem tất cả tài liệu căn cứ pháp lý ra chứng minh, thu hẹp dần dần những vùng tranh chấp, còn lại những vùng mấu chốt nhất 2 bên không thuyết phục được nhau thì lúc bấy giờ phải tính đến những nguyên tắc để giải quyết tiếp. Điển hình của các khu vực C chính là Hữu Nghị Quan (tức Ải Nam Quan), Thác Bản Giốc và bãi Tục Lãm.

Tôi không cho rằng đường biên giới khu vực Nam Quan, thác Bản Giốc và các bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân lại có những khác biệt quan điểm pháp lý giữa đôi bên.

Khu vực Nam quan, hồ sơ phân định biên giới 1887 đề cập tới lui nhiều lần.

Biên bản phân giới của Công ước Pháp-Thanh xác định đường biên giới khu vực Nam Quan bằng cột mốc số 18. Cột mốc này cách cổng Nam Quan 100m về phía nam.

Biên bản không thể viết cụ thể hơn.

Đường biên giới được nhà nước phân định lại không đi qua cột mốc 18 mà đi qua cột cây số zéro (của quốc lộ), mang số 1116. ("Bị vong lục" của Việt Nam viết rằng cột mốc 18 bị TQ ủi nát từ năm 1955). Trong khi cột mốc 19, theo công ước Pháp-Thanh, lẽ ra phải cắm trên đỉnh núi lại cắm dưới chân núi, mang số 1118.

Xem hình vị trí các mốc mới ở đây. Hình của báo chí trong nước.

Bản đồ khu vực Nam Quan do Sở Địa dư Đông dương in, ở đây. Bản đồ khu vực Nam Quan năm 1892 ở đây. Nguồn CAOM.

Tôi không ra thực địa, không biết cột km Zéro cách cổng Nam Quan là bao nhiêu mét? Nhiều người đi tham khảo về nói rằng ít ra cổng Nam Quan cách cột cây số zéro ít ra là 300 mét. Nếu vậy thì Việt Nam bị thiệt 200m. Đó là chưa nói ở cột mốc 19 (cắm trên núi nay dời xuống cắm dưới chân núi, mà không biết núi này có phải là ngọn núi ngày xưa hay không?).

Về các bãi bồi ở cửa sông Bắc Luân. Đây là các bãi mới bồi, thành hình sau khi công ước 1887 được ký kết. Liên quan đến việc phân chia các bãi bồi, chiếu theo các công ước Pháp Thanh 1887 và 1895, có hai phương cách để phân chia: bãi bồi trên sông hay bãi bồi trên biển (đảo, cù lao).

Nếu các bãi bồi thuộc sông, việc xác định chủ quyền các bãi bồi, lý ra chỉ cần xác định đường biên giới trên sông là đủ.

Theo tinh thần các công ước Pháp Thanh 1887, đường biên giới trong trường hợp này là dòng chảy chính, hay là dòng chảy sâu nhất. Cù lao ở gần bờ nào thì thuộc chủ quyền của nước đó.

Tôi không ra thực địa, nhưng nếu xem trên Google Earth thì thấy được dòng chảy chính, cũng là đường sâu nhứt (có màu xanh đậm hơn các nơi khác), tức là đường biên giới, đường này ở phía bắc các bãi mới bồi. Tức các bãi này phải thuộc Việt Nam mới đúng.

Giả sử rằng các bãi bồi này được tính theo cù lao trên biển, thì chúng cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam. Công ước Pháp-Thanh 1887 qui định đường biên giới vùng này là đường kinh tuyến đi qua điểm cực đông của đảo Trà Cổ. Xem trên Google Earth thì rõ ràng các cù lao này ở về phía tây của đương kinh tuyến, tức chúng phải thuộc VN.

Xem thêm bài viết chi tiết ở đây. Như thế, cũng không có vấn đề về pháp lý ở khu vực này.

Vậy mà TS Trục nói:
Những người vẫn còn đang theo đuổi “chủ quyền lịch sử, quan điểm lịch sử và bằng chứng lịch sử” để chỉ trích Việt Nam bán đất cho TQ ở thác Bản Giốc, Hữu Nghị Quan hay sông Bắc Luân, thử hỏi họ có thể chấp nhận được quan điểm vô lý của một số người Campuchia như Sam Rainsy khi đòi “chủ quyền” đối với đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, thậm chí là cả Nam Bộ của Việt Nam hay không? Tôi tin là hoàn toàn không.

TS Trục không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh rằng Việt Nam không bị thiệt hại ở các vùng Nam Quan hay bãi Tục Lãm (và thác Bản Giốc nói bên dưới). TS Trục đã sai ít nhất ở 3 điểm:

Một, TS Trục không thể so sánh biên giới Việt-Trung, một đường biên giới quốc tế (theo công ước 1887) với biên giới Việt-Miên, chỉ là đường biên giới nội địa Đông Dương, không có giá trị quốc tế.

Hai, việc đòi hỏi đất đai của Sam Rainsy sẽ không vô lý nếu nó đặt căn bản từ những tuyên bố của CSVN (1954 và 1967) và hứa hẹn của lãnh đạo CSVN.

Ba, việc phân định lại vùng cửa sông Bắc Luân, vùng Nam quan và thác Bản Giốc là không công bằng. Việc phân định này phía Việt Nam đều thiệt hại.

Có đến 164 địa điểm tranh chấp, TS Trục nói ra 3 điểm. Điều đáng buồn là cả ba điểm Việt Nam đều thiệt hai cả ba. Tôi nghĩ rằng, TS Trục thay vì dùng "lưỡi gỗ" chỉ trích bọn "phản động", bênh vực cái chế độ mà người dân đã chán ngán đến tận cổ, nên dành thời giờ của mình nghiên cứu làm thế nào hủy bỏ hiệu lực các tuyên bố, các hứa hẹn của các lãnh đạo Việt Nam trong quá khứ về vấn đề lãnh thổ với các nước láng giềng.

5/ Về thác Bản Giốc.

Sự thật cần được thiết lập lại ở thác Bản Giốc.

Theo tài liệu phân định biên giới, biên bản phân giới ký tại Long Châu ngày 19 tháng 6 năm 1894 giữa Ðại Tá Galliéni và Commandant Famin, đại diện chính phủ Pháp và ông Thái Hy Bân, Tri Phủ Long Châu, đại diện nhà Thanh, cột mốc 53, bản tiếng Pháp tên Pan-Ngo, cắm tại "bên lề một con đường ở phía tây-tam và trên phần nối dài của một khu rừng nhỏ", "au bord du chemin et au SO et sur le prolongement d’un petit bois". Bản tiếng Hoa ghi tên Bách Nga khẩu, mô tả cột mốc cắm dưới chân núi.

Ta thấy nội dung hai bản văn không "ăn khớp" với nhau.

Theo các tài liệu của Pháp Bulletin du service Géologique de l’Indochine, Volume XI, Fascicule I, Etudes Géologiques sur le Nord-Est Du Tonkin, (Feuilles de Bảo-Lạc, Cao-Bằng, Hà-Lang, Bắc-Kạn, Thất-Khê và Long-Châu), Réné Bourrret; Ha-Noi - Hải-Phòng Imprimerie d’Extrême d’Orient – 1922. (trang 32-33-34), thác Bản Giốc thuộc Việt Nam. Khuyến cáo của các nhân viên sở địa chất Đông dương là nên khai thác kinh tế ngọn thác này vì cái đẹp của cảnh trí thiên nhiên của khu vực.

Trong khi tài liệu của Cd Famin, cuốn Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si, thì có lúc ghi nhận thác Bản Giốc cách biên giới 2 km (trang 12), có lúc thì ghi thác Bản Giốc ở trên đường biên giới (trang 143).

Với những dữ liệu không rõ ràng và mâu thuẩn như vậy, thời gian tôi mất cho việc xác định vị trí và chủ quyền thác Bản Giốc mất gần một năm, đọc và tham khảo không biết bao nhiêu là tài liệu.

Lại còn nghe trả lời phỏng vấn của ông Lê Công Phụng, ông này lại cho rằng cột 53 được cắm trên một cái cồn nhỏ ở giữa suối.

Sau đó lại nhận được tài liệu "Tình hình Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam từ năm 1954 đến nay." của Việt Nam. Hầu như tất cả những người Việt Nam đều bị thuyết phục nội dung của "Bị vong lục", viết ra để tố cáo TQ lấn đất. Theo đó thác Bản Giốc thuộc về Việt Nam:
Tại khu vực cột mốc 53 (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Qui Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 29 tháng 2 năm 1976, phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày dặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên cồn Pò-Thoong và ngang nhiên nhận cồn nầy là của Trung Quốc.

Trong khi từ đầu tôi đã tham khảo và chụp hình được bản đồ SGI vùng thác Bản Giốc, nhưng lại tưởng rằng cái chấm ghi "Ban Giot" trên bản đồ là thác Bản Giốc (và ở đây), trong khi đó là đồn Bản Giốc. Vì thế, những bài viết hay bài phỏng vấn, tôi tổng hợp tài liệu để cho rằng thác Bản Giốc cách biên giới 2km.

Sau này, khi xem xét lại các tài liệu, mới thấy rằng thác Bản Giốc nằm trên đường biên giới, đúng như vẽ trên các bản đồ hay bản Nhật ký của Trung Úy Détrie về đoạn biên giới từ Lũng Ban đến Ðèo Lương (28 tháng 6 năm 1894): thác Bản Giốc ở hạ lưu cột mốc 53.
La frontière regagne ensuite le pied des rochers en face du village de Ban-Mong (54) longe le pied de ces rochers et au pied du blockhaus chinois de Pia-Mu, suit la lisière d’un petit bois et coupe le chemin de Hang-Dong-Quan (53) pour atteindre la rivière qu’elle suivra jusqu’à Ly-Ban. Le chemin qui de la borne 53 conduit à Dốc-Khánh (57) à travers de très belles rizières devra être l’objet d’une surveillance constante.

A partir de la belle cascade de 50m qui se trouve un peu en aval de la borne 53, le sông Qui-Xuân coule resserré entre des mamelons élevés".
Sự thật về thác Bản Giốc là như vậy. Vấn đề là, chủ quyền cồn Pò Thoong thì thuộc nước nào?

Xét tất cả các bản đồ SGI, ta thấy cồn Pò Thoong đã hiện hữu trước khi phân định biên giới. Theo qui tắc phân định biên giới, văn bản có giá trị cao hơn bản đồ. Nếu văn bản không mô tả cồn Pò Thoong thuộc nước nào, thì bản đồ phân định sẽ xác định chủ quyền. (Trường hợp nếu bản đồ không xác định, thì phải truy lục hồ sơ lúc bàn thảo).

Trong trường hợp này, văn bản có hiệu lực thứ tự 1, bản đồ hiệu lực 2, nhật ký của Trung Úy Détrie, là người cắm mốc trong khu vực, có giá trị thứ tự 3.

Ta thấy đường biên giới trên các bản đồ luôn đi về phía bắc cồn Pò Thoong, chứ không đi ngang qua cồn. Nhứt là bản đồ ở đây. Như vậy, theo tinh thần các bản đồ, cồn này thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Tóm lại, về thác Bản Giốc, TS Trục nói có phần đúng, có phần sai. Theo tôi, việc phải phân chia cồn Pò Thoong cho TQ là điều không hợp lý.
 
Trương Nhân Tuấn
 

Không có nhận xét nào: