Pages

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

9 loại "thuốc trừ sâu" độc gấp 1.000 lần so với công bố

Nhiều nghiên cứu tại Pháp gần đây cho thấy mức độ độc hại của thuốc
trừ sâu, diệt cỏ lớn hơn rất nhiều so với những gì được công bố. (DR)
Trọng Thành
Một nghiên cứu mới về độ độc hại của 9 loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt nấm (gọi chung là "thuốc trừ sâu"), được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, vừa được công bố cho thấy : Độc tính của chúng vượt từ 2.000 đến 1.000 lần so với những gì đã được công bố. Hiện tại kết quả nghiên cứu gây sốc nói trên còn chưa được thẩm định.

Nghiên cứu kể trên, do giáo sư Gilles-Eric Séralini phụ trách được công bố trên tạp chí Biomed Research International, là phần tiếp theo của một nghiên cứu gây nhiều tranh cãi năm 2012 về tác hại của các thực phẩm chuyển đổi gen. Giáo sư Séralini cho biết nhóm nghiên cứu ghi nhận mức độ độc hại của các sản phẩm trừ sâu diệt cỏ được bán cho các nhà nông, nhà làm vườn có có thể lên đến từ 1.000 lần đến 2.000 lần so với « các hoạt chất chủ yếu » (principe actif), vốn được dùng để chế ra các thuốc này.
Nghiên cứu vừa được công bố liên quan đến 9 sản phẩm được bán nhiều nhất trên thế giới hiện nay : trong đó có ba thuốc diệt cỏ (Roundup, Matin El, Straran 200), ba thuốc trừ sâu (Primor G, Confidor, Polysect Ultra) và ba thuốc diệt nấm (Maronee, Opus và Eyetak). Mỗi sản phẩm này được thí nghiệm trên phương diện tác động đối với các tế bào người trong phòng thí nghiệm. Nghiên cứu kể trên của giáo sư Gilles-Eric Séralini được sự cộng tác của Ủy ban nghiên cứu và thông tin độc lập về công nghệ biến đổi gen (Criigen).
Theo nhóm nghiên cứu, trước khi đưa ra thị trường, chỉ có « các hoạt chất chủ yếu » mới được đưa ra để kiểm định trong phòng thí nghiệm về mức độ độc hại trong trung hạn và dài hạn, chứ không phải là « sản phẩm được thương mại hóa », mà đa số các tập đoàn công nghiệp từ chối cho biết thông tin về thành phần hóa học của chúng.
Vì sao độ độc hại của các thuốc trừ sâu diệt cỏ nhiều gấp bội so với các hoạt chất chủ yếu ?
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến các chất « phụ gia », thường được các nhà công nghiệp đưa vào những sản phẩm này. Từ trước đến nay, thành phần của các phụ gia là điều thường xuyên được giữ bí mật và nói chung được coi là không độc hại.
Kết quả nghiên cứu này, nếu được thẩm định là đúng, sẽ buộc các cơ quan công quyền và các tổ chức hữu trách phải xác định rõ hàm lượng hàng ngày chấp nhận được của các thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thay vì cho đến nay, hàm lượng hàng ngày chấp nhận được mới chỉ được xác định theo « các hoạt chất chủ yếu » mà thôi. Công việc do ê kíp nghiên cứu của ông Gilles-Eric Séralini thực hiện cũng khuyến cáo cần đưa toàn bộ thành phần các thuốc trừ sâu diệt cỏ trở thành đối tượng thẩm định. Đây là cũng yêu cầu của tổ chức phi chính phủ Générations futures (một hiệp hội bảo vệ môi trường, được chính phủ Pháp công nhận là một tổ chức phục vụ lợi ích công).
Tháng 1/2014, 1.200 bác sĩ Pháp vừa ký vào một lời kêu gọi báo động về nguy cơ tác hại nghiêm trọng các thuốc trừ sâu diệt cỏ. Kết quả của một nghiên cứu của Viện quốc gia về sức khỏe và nghiên cứu y tế Pháp (Inserm), được công bố vào mùa xuân 2013, cũng củng cố nỗi lo ngại đang ngày càng trở nên rất lớn xung quanh tác hại của các thuốc trừ sâu diệt cỏ. Inserm khẳng định « có một khả năng chắc chắn cao » về mối liên hệ giữa việc sử dụng các thuốc trừ sâu diệt cỏ (ở các nhà làm nông, người sản xuất thuốc trừ sâu diệt cỏ…) với nhiều loại bệnh tật nghiêm trọng.

Không có nhận xét nào: