Pages

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Hối lộ $1 triệu cho ai, để làm gì? (kỳ 1)

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn


Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát


Khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội thuộc Cảng Sài Gòn.

Phối cảnh khu Cảng Nhà Rồng
Vào những ngày đầu năm, các sinh hoạt đã trở lại bình thường. Tất nhiên những vụ “đại án” sẽ lại tiếp tục xét xử. Câu chuyện mà người dân bàn tán trong lúc “trà dư tửu hậu” thăm viếng nhau, ngồi tâm sự ba ngày Tết vẫn là hậu quả sau khi tuyên án Huyền Như phải bồi thường 4.000 tỉ ($190 triệu Mỹ kim) cho các người bị hại chứ không phải Vietinbank. (Tôi đã tường thuật trong số trước).
Hầu như ai cũng có tí tiền gửi ngân hàng nên họ trở nên hoài nghi, lo lắng. Có người không biết ngân hàng mình gửi tiền có phải là “vốn của nhà nước không.” Nếu thế thì phải xét lại việc chọn lựa gửi tiền vào đâu. Hầu như khi mang tiền đi gửi chẳng ai chú ý đến việc này. Bây giờ họ mới quýnh quáng đi hỏi bà con anh em hoặc vào net tìm kiếm thông tin. Phải chăng họ đang đắn đo có nên gửi ở ngân hàng vốn nhà nước không?
Sau đó vẫn lại là vụ xử hai anh em Dương Chí Dũng, dư luận của người dân VN vẫn không ngớt bàn tán và đặt dấu hỏi về những gì sẽ xảy ra. Người ta không “thắc mắc” hay “bức xúc” gì về bản án đã tuyên như vụ Huyền Như mà lại muốn biết tại sao có người lại mang tới một triệu USD đi hối lộ, hối lộ cho ai, để làm gì?
Ai sẽ điều tra ông Trưởng ban điều tra của Bộ CA?
Có những câu hỏi không phải chỉ để hỏi nhau mà chính là hỏi những vị có thẩm quyền cầm cây nẩy mực ở những cấp cao hơn bởi người bị Dương Chí Dũng tố cáo là một vị thứ trưởng Bộ Công An đương quyền và là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines. Vập cấp nào có quyền điều tra và xét xử vụ này? Qua báo chí, người ta cũng đã thấy được những câu trả lời khá rõ ràng. Đó là Viện Kiểm Sát tối cao đồng thời Ban Nội chính tham gia điều tra lời khai của Dương Chí Dũng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban Nội chính Trung ương cho biết, sẽ thành lập tổ công tác liên ngành để điều tra lời khai của Dương Chí Dũng về người mật báo cho mình cũng như thông tin đưa tiền cho một Thứ trưởng. Ông Tuấn cho biết:
Tòa án Hà Nội đã giao cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân (VKSND) thành phố điều tra vì đây là cơ quan duy trì thực hành công tố tại tòa theo quy định của pháp luật.
Sau khi được giao, Viện KSND Hà Nội phải báo cáo Viện KSND Tối cao. Mà việc này lại do Cơ quan An ninh Điều tra (Bộ Công an) đang điều tra nên chắc rằng tới đây sẽ phải thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp tham gia điều tra. Ông nói, “Việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp nhằm tránh trường hợp “chuyện trong nhà.” Cụ thể thế nào trong vài ngày tới sẽ có quyết định cuối cùng.
Và người dân hy vọng lần này cuộc điều tra cũng sẽ “không có vùng cấm.” Bất cứ anh là ai cũng sẽ được điều tra đến nơi đến chốn, mọi người đều “bình đẳng trước pháp luật.” Như thế không có chuyện nể nang hoặc “chìm xuồng.” Đó là câu trả lời dứt khoát của người thay mặt “nhà nước.” Tuy nhiên người dân vốn chỉ mong nhìn thấy kết quả cụ thể nên họ muốn được nhìn thấy những bước tiến rõ ràng của cuộc điều tra đúng người, đúng tội, không lọt tội phạm nào và cũng không để ai bị oan sai như những vụ án trước.
Lý do ‘lót đường’ bằng $1 triệu USD
Một câu hỏi khác mà rất nhiều người chưa rõ. Đó là lời khai của Dương Chí Dũng. Ngoài việc đút tiền cho các cán bộ cấp cao để thoát tội trong phi vụ ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng còn khai nhận 20 tỉ đồng (1 triệu USD) để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (TP.Sài Gòn) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Tại tòa, Dương Chí Dũng đã khai nhận như sau, “Chị Lan nhờ chuyển cho một người khác. Khi chị Lan điện thoại cho tôi, chị Lan bảo là: Sẽ có người ở Hà Nội chuyển cho anh, khi gặp người đó thì anh đừng trao đổi số tiền này để đưa cho ai, hoặc làm gì. Chị còn dặn tôi như thế. Và anh Tiệp là người đưa cho tôi. Tức là có 2 người biết việc, chứ không phải mình tôi.”
Đồng thời, Dương Chí Dũng còn nói rõ thêm, thông qua sự giới thiệu của ông Lê Công Minh, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, Dũng mới quen biết và hợp tác với bà Trương Mỹ Lan.
Sau khi người của bà Lan tại Hà Nội đưa tiền đến, ông Dũng đã chuyển cho ông Ngọ. Vậy tại sao phải đưa một số tiền lớn như thế để làm gì?
Trên thực tế, dự án chuyển đổi công năng liên quan do ai quản lý, điều phối vận hành với chức năng, nhiệm vụ, mục đích gì?
Ông Thứ Trưởng Bộ Công an không có quyền thay đổi công năng một bến cảng không thuộc quyền điều hành của ông. Vậy số tiền 1 triệu USD đó phải được chuyển đến một nhân vật khác có đầy đủ quyền hành làm việc này. Vị đó là ai?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn có tên gọi đầy đủ là “Đề án di dời cảng Sài Gòn ra Hiệp Phước và chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (Q.4, TP Sài Gòn). Đề án này của công ty một thành viên Cảng Sài Gòn – Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam và do công ty này quy hoạch, đầu tư xây dựng, thực hiện theo quy định của Nhà nước và của TP.Sài Gòn.
Mong chiếm quyền sở hữu khu đất vàng
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, mục đích của việc di dời để đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa vận tải biển tại khu vực đồng thời bảo đảm điều kiện hoạt động ổn định và phát triển của cảng Hiệp Phước.
Theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 định hướng không gian kiến trúc khu vực bờ Tây sông Sài Gòn (trong đó có khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội của Cảng Sài Gòn), sau khi chuyển đổi công năng, khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội sẽ trở thành khu vực giáo dục, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, giải trí, khách sạn, khu dân cư, khu phức hợp ga tàu khách quốc tế, quảng trường, cây xanh, phố đi bộ…
Như thế rõ ràng đây là “khu đất vàng,” có vị trí đắc địa, nằm trong tầm ngắm của nhiều tập đoàn bất động sản. Nếu bà Trương Mỹ Lan có bỏ ra 20 tỉ đồng đưa cho ông Dương Chí Dũng cũng không nằm ngoài mục đích giành quyền sở hữu khu đất này. Đó là “một khu đất vàng” công ty lớn nào cũng mơ ước. Con gà đẻ ra hàng trăm quả trứng vàng mỗi ngày. Chính vì lẽ đó bà Trương Mỹ Lan mới lót đường “chạy chọt” với khoản tiền lớn như thế. Ở VN ít có vụ nào “khủng” như vụ này. Chắc chắn nó còn dây dưa đến rất nhiều cơ quan, nhiều nhân vật tầm cỡ khác nữa.
Tuy nhiên, đến nay, dự án chuyển đổi công năng tại khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội đã hoàn tất, trong đó không có sự tham gia của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Phía Cảng Sài Gòn nhấn mạnh, lời khai của Dương Chí Dũng về mối quan hệ với bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội chỉ là mối quan hệ cá nhân, hoàn toàn không liên quan, không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án của Cảng Sài Gòn.
Một hệ thống mưu mẹo loanh quanh
Sau khi báo chí đưa tin danh tính các quan chức Bộ Công An có liên quan đến vụ án tham nhũng Vinalines, nhiều người trong dư luận bày tỏ ý kiến “bức xúc” với những lời khai liên quan đến những con số của khoản hối lộ đó mà nhiều người cho là “lùng bùng lỗ tai” hay “không thể tin được.”
Có người còn so sánh việc dân phải lo chạy ăn từng bữa trong khi các quan chức sử dụng hàng trăm, thậm chí hàng triệu đô-la Mỹ để làm “quà biếu” ngay trên đất nước Việt Nam. Có dư luận còn cho rằng rất có thể còn nhiều vụ hối lộ “khủng” như thế hay hơn thế mà mọi việc trót lọt nên không bị “khui ra” trước công luận hoặc chưa bị khui ra hay không thể khui ra.
Trong khi đó, một luồng dư luận khác tỏ ra hoàn toàn không ngạc nhiên, trái lại hoài nghi về diễn tiến mới của vụ án. Một trong những trí thức phản biện nổi tiếng tại Việt Nam, nhà giáo Phạm Toàn, cho rằng lời khai của ông Dương Chí Dũng có thể là do tác động về mặt tâm lý trong lúc tuyệt vọng, nhưng cũng có thể là điều mà ông gọi là “hệ thống mưu mẹo loanh quanh.”
Ông nói, “Một hệ thống mưu mẹo gì đấy mà cuối cùng nó lại bảo vệ nhau, có khi nó lại ra nước ngoài một cách trot lọt bởi vì cái vòi bạch tuộc mafia của những nhóm lợi ích bây giờ cấu kết với nhau quá chặt. Tóm lại chả có gì đáng tin cậy là có thật ở Việt Nam cả. Có một điều duy nhất có thật là không ai còn tin gì đang là có thật ở đất nước mình nữa.”
Một số cư dân mạng còn dự đoán trước các kịch bản kết cục có thể diễn ra từ kinh nghiệm của nhiều vụ án lớn trước đây như “xử lý nội bộ,” cách chức, cho hưởng án treo đối với quan chức cấp cao có tội, hoặc “tự vẫn” trong nhà giam đối với kẻ tiết lộ bí mật.
Lần này,Thủ tướng chính phủ VN cũng đã có những chỉ thị dứt khoát về vần đề chống tham nhũng và thu hồi tài sản của bọn tham nhũng. Tuy nhiên chỉ thị vẫn còn là chỉ thị, điều quan trọng hơn là ngay trong những vụ đại án như thế này, sự thực hiện những chỉ thị đó ra sao. Người dân đang chờ một vụ án nghiêm minh, lấy lại được niềm tin bấy lâu nay cứ ngày một bào mòn đến độ không còn ai dám tin vào việc bài trừ tham nhũng nữa. Nhà nước và nhân dận cùng chịu thua cả sao? Hãy cho người dân một niềm tin, ít ra cũng là một chút an ủi.

Không có nhận xét nào: