Pages

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Đụng độ giữa người biểu tình Ukraina và cảnh sát : Hơn 20 người thiệt mạng

Người biểu tình Ukraina tiếp tục lập chiến lũy tại quảng
trường Độc lập, Kiev, ngày 20/02/2014 REUTERS
Hôm nay, 20/02/2014, các vụ đụng độ giữa cảnh sát Ukraina và người biểu tình chống chính phủ tại quảng trường Độc Lập ở Kiev vẫn tiếp diễn. Ngay từ sáng, đã có nhiều tiếng súng và khói lửa bốc lên từ nhiều địa điểm. Theo ghi nhận của các nhà báo AFP có mặt tại hiện trường, có ít nhất 25 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ tại khu vực quảng trường Độc Lập ở Kiev.
Tính từ thứ Ba, 18/02 đến nay, có ít nhất 53 người thiệt mạng trong số này, có 10 cảnh sát Ukraina.


Để bảo đảm an ninh, toàn bộ nhân viên trong trụ sở của chính phủ Ukraina ở gần quảng trường Độc Lập đã được sơ tán.
Các cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát cũng diễn ra ở một số địa phương, nhất là ở phía tây Ukraina.
Trong lúc đó, Ngoại trưởng Pháp, Đức, Ba Lan đã tới Kiev để gặp Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch. Theo phát ngôn viên của Phủ Tổng thống, cuộc gặp đã diễn ra vào trưa nay.
Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết là Châu Âu sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt Ukraina.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet tường trình :
« Để chống lại Ukraina, những nước chủ trương trừng phạt có một loạt các biện pháp vẫn thường được Châu Âu áp dụng : Phong tỏa tài sản tại Châu Âu, cấm nhập cảnh vào Liên Hiệp Châu Âu. Các nước này có thể bổ sung biện pháp cấm vận xuất khẩu sang Ukraina tất cả các thiết bị có thể được sử dụng để trấn áp người biểu tình, như vòi rồng phun nước, khí cay hoặc các thiết bị của cảnh sát chống bạo động. 
Châu Âu cũng tính tới việc trừng phạt nhắm thẳng vào những quan chức Ukraina chịu trách nhiệm về các vụ trấn áp. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng có thể không nên đưa Tổng thống Viktor Ianoukovitch vào danh sách những quan chức bị trừng phạt để không làm mất tất cả khả năng tiến hành đối thoại.
Vấn đề hiện nay là việc áp đặt trừng phạt phải có sự đồng thuận của tất cả 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Nếu như Pháp, Đức, Ba Lan cho biết ủng hộ trừng phạt, thì vẫn còn một nhóm nước chống lại cấm vận vì theo họ, các biện pháp này càng thúc đẩy Ukraina xích lại gần Nga, giống như trường hợp đã xẩy ra đối với Belarus. Những nước phản đối cấm vận là Tây Ban Nha, Bulgari, Chypre và Hy Lạp. Trong khi đó, Rumani có đường biên giới chung với Ukraina, cuối cùng lại chấp thuận trừng phạt ».
Trong khi đó, một quan chức Hoa Kỳ cho biết, chính quyền Washington đã xếp khoảng 2 chục quan chức Ukraina trong danh sách cấm nhập cảnh vào Mỹ. Những người này bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về các vụ trấn áp những người biểu tình, xẩy ra hôm thứ Ba, 18/02.
Mặt khác, ngày hôm qua, Tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, ông Anders Fogh Rasmussen, cảnh báo, nếu quân đội can thiệp, chống lại những người biểu tình, thì quan hệ hợp tác giữa Ukraina và NATO sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Quan hệ giữa Ukraina và NATO chính thức khởi động năm 1991, sau khi nước này là thành viên Hội đồng hợp tác Bắc Đại Tây Dương, tiền thân của Hội đồng quan hệ đối tác Châu Âu- Đại Tây Dương.
Năm 2008, tại hội nghị Thượng đỉnh Bucarest, lãnh đạo các nước trong NATO cho rằng Ukraina có thể gia nhập khối này. Tuy nhiên, khi lên cầm quyền, năm 2010, Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, được cho là thân cận với Nga, tuyên bố rằng Kiev không theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO và chủ trương giữ nguyên mức quan hệ hiện nay với khối này.
Về quan hệ Nga-Ukraina, hôm nay, ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, tuyên bố, Matxcơva không hủy bỏ đợt giải ngân thứ hai trong khoản tín dụng 15 tỷ đô la như đã hứa với Kiev, tuy nhiên, thời điểm giải ngân phụ thuộc vào việc tái lập ổn định ở Ukraina./Đức Tâm (RFI)

Không có nhận xét nào: