Pages

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Thêm hai cựu lãnh đạo ACB bị truy tố

Pham Trung Cang
Ông Phạm Trung Cang đã về Việt Nam để làm việc với cơ quan điều tra
Thêm hai vị nguyên là thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Á châu (ACB) vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố: Phạm Trung Cang, cựu phó chủ tịch, và Huỳnh Quang Tuấn, thành viên thường trực và là phó tổng giám đốc, báo chí trong nước đưa tin.
Với diễn biến này, số bị can trong vụ án tại Ngân hàng ACB hiện nay lên đến chín người, trong đó có người đồng sáng lập ra ngân hàng này là Nguyễn Đức Kiên (tức Bầu Kiên) và ông Trần Xuân Giá, một cựu ủy viên Trung ương Đảng từng làm chủ tịch ACB.


‘Cáo trạng số 09’
Ông Phạm Trung Cang vừa từ Mỹ trở về Việt Nam cách nay không lâu. Trước đó, việc ông đi Mỹ vào lúc vụ án Bầu Kiên đang được điều tra làm dấy lên những đồn đoán rằng ông đang tìm đường bỏ trốn.
Theo cáo trạng mới nhất mà Viện Kiểm sát Tối cao vừa tống đạt thì cả hai ông Cang và Tuấn đều bị truy tố tội ‘Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’ theo Điều 165 Bộ Luật hình sự.
Cáo trạng lần trước, đưa ra hồi cuối năm ngoái, xác định ông Cang không phải chịu trách nhiệm trong các sai phạm tại ACB. Tuy nhiên, cáo trạng này đã bị Tòa án Hà Nội, nơi dự kiến sẽ xét xử vụ án Bầu Kiên, trả lại với yêu cầu phải điều tra hành vi của các ông Cang và Tuấn.
Theo cáo trạng mới nhất, được gọi là cáo trạng số 09, thì hai ông Cang và Tuấn có trách nhiệm trong việc cùng với Hội đồng Quản trị ACB thông qua chủ trương ủy thác cho nhân viên đem tiền huy động của người gửi tiền đi gửi vào ngân hàng khác và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Các hành vi này được xác định gây thiệt hại trên 1.400 tỷ đồng cho ACB, theo tờ Tuổi Trẻ.
ACB
Hầu hết các cựu lãnh đạo của ACB đều đã bị truy tố
Theo cáo trạng số 09, cuộc họp của Thường trực Hội đồng Quản trị ACB vào ngày 22/3 năm 2010 để thông qua chủ trương ủy thác gửi tiền có sự tham gia của các ông Cang và Tuấn, Ông Cang khi đó đã ký vào biên bản thông qua chủ trương này và ông Tuấn cũng được cho là ‘đã đồng tình’.
Tờ Tiền Phong cho biết việc ACB ủy thác gửi tiền vào Vietinbank đã tạo điều kiện cho Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ của Vietinbank, chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai ông Cang và Tuấn cùng với các lãnh đạo khác của ACB cũng bị truy tố đã nhất trí phê chuẩn chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán – điều mà các ngân hàng bị cấm.
Sau đó, việc đầu tư cổ phiếu ACB do Nguyễn Đức Kiên thực hiện theo chủ trương này đã gây thiệt hại cho ACB 687 tỷ đồng, Tuổi Trẻ dẫn cáo trạng cho biết.
Riêng đối với ông Nguyễn Đức Kiên, bị can chủ chốt trong vụ án, cáo trạng lần này vẫn giữ nguyên bốn tội danh: ‘Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, ‘Trốn thuế’ và ‘Kinh doanh trái phép’.
Hiện chưa rõ vụ án này, vốn được xem là một trong các ‘đại án’ tham nhũng được Ban Nội chính Trung ương trực tiếp theo dõi đôn đốc, sẽ được đưa ra xét xử vào lúc nào.
Trước đó, vụ án dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào thời điểm trước Tết Nguyên đán nhưng sau đó bị đột ngột hoãn lại.

Không có nhận xét nào: