Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014

Tranh chấp Biển Đông: Dùng pháp lý để đối đầu với Trung Quốc

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Greg Torode, Reuters
Khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh Trung Quốc với Đức Quốc Xã năm 1938 và kêu gọi thế giới hỗ trợ nước ông phản bác lại tuyên bố của Bắc Kinh ở Biển Đông, ông đã đặt trọng tâm vào trường hợp đơn kiện của Manila tại tòa án quốc tế.
Philippines - China SCS
Philippines đã mang vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển, và luật sư của nước này cho biết tòa án có quyền cho phép các nước tranh chấp khác tham gia vào hành động này nếu họ muốn.

Theo nguồn tin cho biết thì Trung Quốc đã từ chối tham gia vào vụ kiện tụng này, đồng thời cũng đã cảnh báo Việt Nam tham gia vụ kiện tại tòa án quốc tế. Cho đến nay thì Hà Nội vẫn chưa chính thức lên tiếng về vụ kiện này.
Tranh chấp Biển Đông hiện đang một trong những điểm căng thẳng nhất ở châu Á.
Các nhà phân tích cho rằng dù có bất kỳ phán quyết cuối cùng nào được tòa án đưa ra về vụ tranh chấp thì kết quả cũng không thể được thực thi được nhưng nói chung việc này sẽ mang lại một số trọng lượng về tinh thần đạo đức cũng như chính trị.
“Nếu một số lượng lớn của các nước trong khu vực, bao gồm cả các thành viên của ASEAN, lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp thì kết luận của Bắc Kinh vẫn có thể coi thường phán quyết của tòa án, ngay cả khi đường chín đoạn của họ là bất hợp pháp”, Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.
Các nước tranh chấp bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc.
Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông thông qua đường ‘chín đoạn’ bao gồm khoảng 90% trong số 3,5 triệu cây số vuông (1,35 triệu dặm vuông). Khu vực Biển Đông hiện cung cấp 10% số lượng thủy sản toàn cầu và giao thương thương mại lên đến khoảng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times hồi tuần trước, ông Aquino đã so tuyên bố của Trung Quốc tương tự như Đức Quốc Xã vào năm 1938.
“Đến khi nào thì bạn mới thốt lên, “Đã đủ rồi!” Vâng, thế giới cần lên tiếng – hãy nhớ rằng Sudetenland đã được đưa ra trong một nỗ lực nhằm xoa dịu Hitler và ngăn chặn Đệ nhị Thế chiến”, ông nói.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản bác và cho rằng sự so sánh là thái quá.
Tuần trước, Đô đốc Samuel Locklear – người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và Daniel Russel – Trợ lý Ngoại trưởng Hoa kỳ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đều lên tiếng ủng hộ hành động của Philippines trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp và ôn hòa.
Các ý kiến ​​của Hoa Kỳ được đưa ra sau khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong các tranh chấp tại khu vực Biển Đông trong những tuần gần đây.
“Có một mối quan tâm ngày càng gia tăng rằng hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông phản ánh các nỗ lực của nước này trong việc khẳng định quyền kiểm soát các khu vực trong cái gọi là “đường chín đoạn”, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng cũng như thiếu vắng lời giải thích hoặc cơ sở rõ ràng theo luật quốc tế liên quan đến phạm vi chủ quyền của nước này”, ông Russel nói trong buổi điều trần trước một ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ.
Vấn đề này cũng đã được Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đưa ra khi ông ghé thăm Bắc Kinh vào đầu tuần này.
Quyết đoán nhưng cảnh giác
Truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã đưa tin rằng nước này cử hai tàu khu trục và tàu đổ bộ loại lớn đến Bãi ngầm James – chỉ cách bờ biển Sarawak của Malaysia khoảng 50 dặm.
Trong khi quan chức hải quân Malaysia đã bác bỏ thông tin trên thì Tân Hoa Xã của Trung Quốc tiếp tục mô tả các tàu nước này tiếp tục đi về phía nam ngang qua khu vực chiến lược Lombok và Makassar của Indonesia để tiếp cận với Ấn Độ Dương.
Hồi tháng trước, Trung Quốc cũng đã thông báo rằng cử tàu dân sự loại 5,000 tấn đến trú đóng tại quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Việt Nam lên tiếng tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, chính quyền địa phương trên đảo Hải Nam đã mở rộng thêm hạn chế đánh bắt cá vào vùng biển quốc tế – một bước làm dấy lên các cuộc phản đối từ phía Hà Nội và Manila.
Mặc dù không có sự phản đối cụ thể về vụ việc nhưng Trung Quốc dường như rất thận trọng về các thủ tục tố tụng tại tòa án quốc tế ở The Hague.
Một số quan chức nhà nước Việt Nam cho biết rằng các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Hà Nội tham gia vụ kiện tụng.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra, cho biết các quan chức Việt Nam nói với ông rằng chính Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam về việc này khi ông thăm Hà Nội hồi tháng Chín năm 2013.
“Cho đến nay thì Việt Nam đã tiếp tục chống lại những áp lực đó và rõ ràng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ điều gì nếu họ cảm thấy lợi ích quốc gia bị đe dọa”, ông Thayer nói.
Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã không bình luận trực tiếp về việc bị Trung Quốc áp lực cũng như những lời cảnh báo của ông Wang nhưng cho Reuters biết rằng Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ động thái pháp lý của Manila.
Khi được hỏi liệu Hà Nội có quyết định tham gia vụ án thì ông Nghị chỉ tuyên bố rằng Việt Nam sẽ áp dụng “tất cả các biện pháp hòa bình cần thiết và thích hợp” để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Các quan chức khác của Việt Nam nói trong khi họ không chắc chắn Hà Nội sẽ tham gia vụ kiện tụng vì mối quan hệ chặt chẽ nhưng lắm phức tạp với Trung Quốc, nhưng hiện họ đang theo dõi chặt chẽ các tiến triển của vụ việc, trong đó có cả việc trao đổi  với các chuyên gia pháp lý nước ngoài.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nhắc lại răng Trung Quốc phản đối hành động của Philippines và cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được “sự đồng thuận quan trọng” trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
“Chúng tôi sẵn sàng duy trì mối liên lạc chặt chẽ với phía Việt Nam và phối hợp với họ để giải quyết vấn đề này thông qua các cuộc đàm phán thân thiện và tham khảo ý kiến”.
Năm luật sư người Mỹ và Anh mà Manila thuê hiện đang hoàn thiện các thủ tục để đệ trình lên tòa án trước thời hạn ngày 30 tháng Ba năm nay, kèm theo việc đưa ra các bằng chứng cho thấy tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không hợp pháp theo Luật Biển Quốc tế.
Người đứng đầu vụ kiện, Paul Reichler – một luật sư ở Washington đang làm việc với công ty luật Foley Hoag, cho biết tòa án trọng tài đã thông qua các quy tắc cho phép các quốc gia khác có thể can thiệp vào vụ kiện nếu cần.
Trong khi chưa một nước nào bước chính thức tham gia “nhưng họ vẫn còn nhiều thời gian để làm như vậy”, ông nói với Reuters .
Tuần trước, Reuters đã thu được một bản sao về các quy tắc từ tòa án và các văn bản không đề cập đến biện pháp can thiệp từ nước thứ ba nhưng tài liệu cho thấy các thẩm phán có toàn quyền quyết định về các vấn đề liên quan không có trong các tập tài liệu.
Clive Schofield, một chuyên gia pháp lý tại Trung tâm Biển và An ninh Quốc gia Úc thuộc Đại học Wollongong, cho biết cách diễn đạt trong các tập tài liệu cho thấy vụ việc sẽ tốn kém rất nhiều thời gian.
“Tôi không tin rằng một nước nào trong vụ kiện (Trung Quốc và Philippines) có thể chặn [một nước thứ ba] đệ trình hồ sơ nếu các thành viên trong tòa án xét ​​thấy họ có thể giúp đưa thêm bằng chứng số hữu ích trong việc xác định kết quả trường hợp tranh chấp”, ông nói.
© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info

Không có nhận xét nào: