Cali Today News - Vấn đề tranh chấp biển Đông nhiều ngày qua chưa được dịu bớt chút nào mà còn gây căng thẳng thêm vì Trung Quốc đã đưa tăng số tàu từ con số 99 chiếc lúc ban đầu lên 134 chiếc vào ngày 18/5, gồm chiến hạm, tàu hải giám, tàu cảnh sát biển, tàu hậu cần, tàu đánh cá. Các tàu của Việt nam cố gắng tiếp cận giàn khoan không nhằm mục đích gì ngoài việc… tuyên truyền cho họ rút giàn khoan, nhưng gặp phải sức ngăn cản của các tàu bảo vệ bằng vòi rồng, súng bắn nước và dùng tàu lớn húc làm hư hại.
Dàn khoan HD 981 là một khúc xương khó nuốt của Việt Nam. Nó ở đó cũng khó chịu mà đẩy nó đi thì không được, Photo courtesy: Reuters
Như vậy cái giàn khoan HD 981 trên thực tế được coi như chiếc tàu chiến mang tính cơ hội chứ mục đích cuối cùng của nó không phải mang tính thăm dò, bởi nếu là một công ty chỉ nghĩ về lợi ích kinh tế thì không thể có tiền để mướn bao nhiêu tàu thuyền của nhà nước, của tư nhân bảo vệ vòng trong, vòng ngoài như thế. Chúng ta đặt giả sử, cứ cho là tàu của Việt Nam tiến sát đến giàn khoan đi nữa và bằng cách tuyên truyền, thuyết phục liệu Trung Quốc có chịu rút giàn khoan? Chắc chắn là không, vì nếu họ tôn trọng hòa bình hay tôn trọng chủ quyền biển của Việt Nam thì họ chẳng bao giờ đưa giàn khoan đến để rồi phải rút đi một cách thất bại như vậy. Và cung phải nói thẳng là, nếu không có sự giật dây của Chính phủ Trung Quốc thì chẳng có cái giàn khoan HD 981 được lập thành ba vành đai bảo vệ, gồm ngoài cùng là các chiến hạm trang bị hỏa tiễn đối hải và đối không; kế đó là các tàu cảnh sát biển, hải giám, tàu đánh cá và trong cùng là tàu hậu cần hỗ trợ các hoạt động của giàn khoan!
Việc đưa giàn khoan vào Việt nam, Trung Quốc đã tính toán rất kỹ và chắc chắn đã đặt trong đầu hàng trăm kiểu đối phó không chỉ với các nước láng giềng ASEAN mà cả thế giới, nên bảo rằng Việt nam chỉ ‘’thuyết phục’’ thôi thì họ chẳng ‘’sợ’’ mà rút giàn khoan. Thêm nữa, Trung Quốc đã từng hiểu 10 nước ASEAN gần như không có chung một quan điểm mà họ chỉ mong sao ngoại bang đừng đụng tới họ, còn các nước khác trong cộng đồng “có sao’’ đi nữa họ cũng chỉ lên tiếng phản đối rất yếu ớt hoặc im lặng. Bởi trên thực tế, đã hơn hai tuần lễ kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào chưa có nước nào trong khối ASEAN đứng ra tuyên bố cùng sát cánh với Việt Nam để bảo vệ biển, đảo cho nên Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong tại khu vực đặt giàn khoan, nơi Việt Nam coi là vùng đặc quyền kinh tế của mình. Khi sự việc đã đến nước này rồi nếu Trung Quốc “không chịu nổi’’ dư luận của Quốc tế thì Trung Quốc có thể sẽ cố gắng lấy được một số nhượng bộ mang tính giữ thể diện nào đó từ Việt Nam mới rút giàn khoan; còn nếu “không có gì’’ thì tin rằng Trung Quốc sẽ ngoan cố phớt lờ.
Giới truyền thông Việt Nam cho biết tàu hải cảnh Trung Quốc luôn tìm cách xắn ngang mũi tàu kiểm ngư Việt Nam để tàu Việt Nam đâm vào thì Trung Quốc lô loa lên là Việt Nam gây tai nạn để làm tình hình bùng nổ thành một cuộc chạm súng từ nhỏ biến thành cuộc hải chiến giữa các tàu hải cảnh, kiểm ngư của hai bên, xét trên khía cạnh hỏa lực và số lượng tàu của hai bên hiện nay thì phần thiệt hại nặng chắc chắn nghiêng về phía Việt Nam. Nhiều người nhận định rằng Bắc Kinh không bao giờ rút giàn khoan ra ngoại trừ trường hợp cả hạm đội Nam Hải bị đánh chìm hết trên biển Đông. Liệu trường hợp này có xảy ra không thì thật ra chưa ai dám quả quyết.
Còn giải pháp pháp lý quốc tế thì có hai biện pháp là kiện Trung Quốc trước Tòa án quốc tế La Haye hoặc Tòa án trọng tài quốc tế. Thế nhưng được biết, tòa La Haye thì sẽ không có phiên xử vì tòa này chỉ xử những vụ mà hai bên liên quan đều sẵn lòng cam kết sẽ thi hành án; điều này thì chắc chắn Trung Quốc không đời nào cam kết thi hành án, vì làm như vậy chẳng khác nào kẻ côn đồ bất lương đem tự nộp mình để tòa án xét xử. Còn kiện tại Tòa trọng tài quốc tế là điều Philippines đã làm mà Việt Nam trước đó không chịu làm chung do Việt Nam biết dù tòa trọng tài quốc tế có phán quyết thắng lợi cho Philippines hay Việt Nam, thì Hội đồng Bảo An cũng không thể thi hành án, vì Trung Quốc chỉ cười khẩy và phủ quyết là xong.
Vậy Việt Nam phải làm gì để đuổi Trung Quốc ra khỏi vùng biển mà mình là chủ quyền? Đánh không dễ chút nào mà hòa bình cũng khó! Tất cả còn phải chờ Chính phủ Việt Nam có thái độ cứng rắn hơn với “người anh em’’ là Trung Quốc.
PHO AMA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét