Các động thái này khiến mọi người không thể không đặt ra câu hỏi : Liệu chế độ Bắc Kinh sẽ lại tấn công quân sự vào Việt Nam như đã tiến hành vào năm 1979 ?
RFI Việt ngữ đã đặt vấn đề này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng, cựu sĩ quan quân đội ở Thành phố Hồ Chí Minh.
RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đã làm nổi sóng dư luận, với một câu hỏi thẳng thừng, mà về phương diện quân sự là thứ bậc cao nhất trong phòng vệ quốc gia: Liệu Trung Quốc có tấn công quân sự Việt Nam vào thời điểm này? Nhận định của anh ra sao?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Tất nhiên chiến dịch hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 của Trung Quốc trên vùng lãnh hải của Việt Nam không còn mang tính chất như những vụ khiêu khích và gây hấn thông thường như trước đây. Tính chất lần này nghiêm trọng hơn nhiều và cho thấy rõ ràng đây là một bước đi có tính toán của Bắc Kinh, nằm trong một giai đoạn ngắn hạn nhằm phục vụ cho một chiến dịch trung hạn lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam.
RFI Việt ngữ đã đặt vấn đề này với nhà bình luận Phạm Chí Dũng, cựu sĩ quan quân đội ở Thành phố Hồ Chí Minh.
RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 đã làm nổi sóng dư luận, với một câu hỏi thẳng thừng, mà về phương diện quân sự là thứ bậc cao nhất trong phòng vệ quốc gia: Liệu Trung Quốc có tấn công quân sự Việt Nam vào thời điểm này? Nhận định của anh ra sao?
∇ TS Phạm Chí Dũng - TP Hồ Chí Minh
|
Do đó, không phải vô cớ mà những quốc gia gần gũi về lãnh hải với Việt Nam ở khu vực Biển Đông như Nhật Bản, Philippines và cả Hạm đội 7 của Hoa Kỳ vốn chỉ liên quan gián tiếp, đã phải bắn tín hiệu thực sự lo ngại về động thái mở rộng bành trướng của Trung Quốc. Rồi hẳn nhiên một lần nữa - nhưng lần này nghiêm túc hơn nhiều, cả dư luận lẫn giới quan sát Việt Nam và quốc tế đều muốn tìm lời giải cho việc Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam vào thời gian này hay không.
Trước hết, chúng ta hãy xem xét những bất lợi đối với chính thể Trung Quốc nếu họ tiến hành một cuộc tấn công quân sự vào Việt Nam. Theo tôi, có ít nhất một số bất lợi rất đáng kể có thể xảy ra đối với Trung Quốc.
Từ sau cuộc chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô, thế giới đã tiến vào kỷ nguyên hội nhập và thỏa hiệp với nhau về nhiều mặt, trong đó nổi trội là phương diện buôn bán thương mại song phương và đa phương. Tương quan như thế khiến không một quốc gia có ảnh hưởng nào dám chịu thiệt lớn chỉ đổi lấy cái lợi nhỏ. Một trong số ít những cuộc chiến tranh chấp hải đảo gần đây nhất xảy ra vào năm 1982 giữa người Anh và Achentina ở quần đảo Malvinas, nhưng cũng kết thúc chỉ sau vài tháng. Một chi tiết đáng chú ý là Anh luôn được xem là một trong những nước lớn ở châu Âu và nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Rõ ràng Luân Đôn đã không dám phiêu lưu quân sự.
Còn ở châu Á, Trung Quốc cũng được coi là nước lớn, dù chưa được xếp vào loại siêu cường như Mỹ và Nga. Nhưng Trung Quốc cũng có chân trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và đó là lý do để có thể cho rằng bất kỳ hành động gây hấn hoặc xâm lược nào từ phía Bắc Kinh cũng làm ảnh hưởng đến đại cục địa - chính trị trên thế giới mà các siêu cường khác không thể bỏ qua. Những vụ Trung Quốc gây hấn với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay với Philippines về một số đảo nhỏ đã lập tức gặp phải phản ứng mạnh mẽ của không chỉ các quốc gia này mà với cả cộng đồng quốc tế.
Trừ Nhật có lực lượng phòng vệ bờ biển đủ mạnh, Philippines đã phải tính đến việc tìm kiếm một quan hệ tương trợ quốc phòng với người Mỹ để chống lại ý đồ xâm lăng từ Bắc Kinh. Vào tháng 5/2014, họ đã đạt được kết quả khả quan khi thiết lập được hiệp ước tương trợ quốc phòng với Washington, do vậy sẽ hợp thức hóa sự có mặt của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ ở vùng lãnh hải Philippines bất cứ khi nào Trung Quốc gây hấn.
Hậu quả mà Bắc Kinh không tính kỹ trước khi hành động xâm chiếm biển đảo chính là chỗ này. Tức là họ đã khiến một số nước nhỏ trong khu vực đang nổi lên khuynh hướng liên kết với nhau theo cách Phong trào không liên kết vào nửa cuối thế kỷ 20 và tìm đến sự trợ giúp của người Mỹ để hạn chế rủi ro. Xu thế này cũng đang diễn ra với Việt Nam.
Ngay sau vụ việc giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, chúng ta có thể thấy là giới lãnh đạo Việt Nam, cho dù một số trong đó vẫn thề thốt “mười sáu chữ vàng” với Trung Quốc, nhưng đã không còn dám xem thường hiểm họa ngoại xâm trước mắt và tương lai mất nước không còn quá xa. Và bất chấp tiếng nói hết sức yếu ớt của 3/4 bộ tứ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng ê-kíp của ông đã tìm đến mối liên minh không chính thức đầu tiên với Philippines và sau đó có thể là một mối quan hệ quân sự ở mức độ nào đó với Hoa Kỳ.
Trung Quốc chưa dám tấn công vào thời điểm này
RFI : Theo anh, hoạt động gây hấn của Trung Quốc gây ảnh hưởng thế nào đến chính sách Biển Đông của Hoa Kỳ ngay vào thời điểm này?
Nếu không can thiệp mà để cho Trung Quốc tự tung tự tác, Mỹ sẽ gặp bất lợi lớn về tự do hàng hải, an toàn hàng hải ở Biển Đông và do đó có thể sẽ bị phá sản phần lớn chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Ai cũng biết rằng Biển Đông có vị trí như một cửa ngõ cho giao thương hàng hải và nếu cần có thể khống chế hoạt động quân sự của cả khu vực phía Nam và các nước xung quanh. Hiện nay cuộc đua lớn nhất giữa Trung Quốc và Mỹ chính là điểm xung yếu này. Do vậy nếu bị Trung Quốc qua mặt ở Biển Đông, mục tiêu an toàn hàng hải của Mỹ sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, vai trò của Hạm đội 7 cũng có không ý nghĩa đủ lớn, làm cho chính sách của Mỹ về bảo vệ an ninh thế giới và cũng là an ninh của công dân Mỹ sẽ lạc điệu.
Lời bắn tiếng về mối liên kết “đối tác chiến lược” với Việt Nam của Tư lệnh quân đội Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương Locklear là một minh chứng khá hoàn hảo về việc người Mỹ hoàn toàn không bỏ qua ý đồ phong tỏa Biển Đông của Trung Quốc. Mới đây lần đầu tiên từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã phải tuyên bố “sẽ điều binh đến Biển Đông” nếu tình hình nơi đây có thể xung đột quân sự.
Chúng ta đang nhận ra rằng người Mỹ không quá câu nệ vào quan hệ làm ăn với Trung quốc, bất chấp quốc gia đông dân nhất thế giới này là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với giá trị buôn bán hàng năm lên đến 600 tỉ USD. Thậm chí ngược lại, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tín dụng, nợ xấu, ngân hàng, làn sóng thoái vốn của giới đầu tư nước ngoài, thị trường xuất khẩu, do vậy Trung Quốc phải cần đến các đối tác thương mại như Mỹ và Tây Âu hơn là phương Tây cần đến họ.
Kẻ nào quá tham lam sẽ bị cộng đồng tẩy chay. Cũng như hình ảnh suy yếu của nước Anh vào năm 1982 trong cuộc tranh chấp quần đảo Malvinas với Achentina, những năm gần đây Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia bị oán ghét nhất trên hành tinh này. Nếu mạo hiểm gây ra một cuộc chiến tranh dù chỉ quy mô nhỏ trong khu vực, Trung Quốc sẽ bị đại đa số quốc gia trong Liên Hiệp Quốc quay lưng và sẽ bị cô lập. Đó chính là điều mà chủ nghĩa Đại Hán phải tính đến một cách rất nghiêm cẩn, cho dù tham vọng bành trướng của họ lớn đến mức nào.
RFI : Trong lịch sử, người Việt Nam luôn sẵn sàng chống lại đến cùng tham vọng xâm lược của Trung Quốc, kể cả sau một ngàn năm Bắc thuộc. Anh có cho rằng lịch sử sẽ lặp lại nếu chiến tranh Trung - Việt nổ ra vào thời gian tới?
Có những dấu hiệu rất cần chú ý và lượng giá. Nếu Trung Quốc đã rất tự tin kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Việt Nam thì từ sau khu xảy ra vụ bạo động ở Bình Dương, Đồng Nai và cuộc xung đột dẫn đến chết người ở Hà Tĩnh, các cơ quan tuyên giáo và báo đảng ở Trung Quốc, kể cả Hoàn Cầu Thời Báo là tờ báo hung hăng nhất, đã có vẻ lắng tiếng khá đột ngột. Giả thiết nêu ra là Bắc Kinh đã không tính đúng và đủ về phản ứng của người dân Việt Nam đối với bước đầu xâm lăng của họ, cho dù có thể họ đã lường trước và còn có thể “điều khiển” được phản ứng của giới lãnh đạo cầm quyền Việt Nam.
Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ chủ nghĩa Đại Hán nô dịch được đất nước này như một chư hầu trọn vẹn. Sau hàng loạt triều đại lịch sử kháng Trung thành công như từ thời Hai Bà Trưng, Đinh, Lê, Lý và Hậu Lê, những cuộc xâm lược gần nhất của Trung Quốc chỉ là sự tồn tại rất ngắn ngủi của đội quân hai chục vạn của triều đình nhà Thanh ở Thăng Long vào cuối thế kỷ 18. Hoặc là sự tồn tại ngắn ngủi không kém của đội quân cũng hai chục vạn người của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1945. Và ngắn ngủi nhất là lực lượng lên đến sáu chục vạn người của Trung Quốc nhưng bị thiệt hại đến 10% quân số trong cuộc tấn công biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979.
Lịch sử và ưu thế kháng chiến đã nghiêng về Việt Nam, đó là điều hiển hiện. Biện chứng lịch sử cũng cho thấy các chế độ chính trị Trung Hoa luôn sai lầm khi đánh giá thấp tinh thần phản kháng của người dân và quân đội Việt Nam, đặc biệt vào những bối cảnh mà họ cho là triều chính Việt Nam đang phân hóa và rối loạn như hiện thời.
Nhưng cũng chính yếu tố rối loạn nội bộ mà Trung Quốc tưởng như một ưu thế để có thể gây áp lực với Hà Nội lại khiến nảy sinh xu hướng công khai hóa quan điểm ngả sang phương Tây của một nhóm không nhỏ các chính khách Việt Nam. Tôi cho đây chính là một bất lợi lớn đối với Trung Quốc khi phần lớn, nếu không nói là tất cả giới lãnh đạo Việt Nam đã như tỉnh ra, ngộ ra bản chất thật của mối quan hệ “Bốn Tốt” với Trung Quốc là như thế nào. Cùng lúc, bất cứ quan chức Việt Nam nào cũng phải tính đến tương lai cho cá nhân họ nếu chủ hàng trước Trung Quốc. Tương lai ấy cùng lắm cũng chỉ là “ngựa xe vài cỗ, quân hầu lơ thơ” nếu Việt Nam bị biến thành chư hầu của người bạn phương Bắc đầy dã tâm.
Một bất lợi khác là nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam vào thời điểm này sẽ khiến cho một bộ phận quan chức “thân Trung” bị lộ diện và sẽ bị cô lập. Truyền thống người Việt xưa nay không thể chấp nhận những Trần Ích Tắc hay Lê Chiêu Thống, và nếu những nhân vật tái thế thời hiện đại này bị cô lập quá sớm, Trung Quốc sẽ không còn nhiều cơ hội để thực hiện chiến thuật mua chuộc, không chế lãnh đạo để sau đó bắt toàn bộ giới lãnh đạo Việt Nam phải phụ thuộc vào ý chí của Bắc Kinh.
RFI : Thế còn bất lợi về hiệu quả kinh tế nếu Trung Quốc xâm lược Việt Nam?
Đây là câu hỏi khó trả lời nhất đối với Trung Quốc. Câu hỏi này cũng dẫn đến một câu hỏi tiếp nối là Trung Quốc tấn công Việt Nam sẽ được lợi gì, nếu thiệt hại về kinh tế của họ là khó có thể bù đắp được?
Trong lịch sử buôn bán hai chiều với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam bị phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất. Ít nhất 35% nguyên liệu dùng cho sản xuất của Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc, và cơ cấu này đang gây khó rất lớn cho việc Việt Nam tham gia vào TPP, ứng với một điều kiện không thể thay đổi của TPP là Việt Nam phải chuyển đổi vùng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc về các nước trong khối TPP.
Chỉ từ sau năm 2000 đến nay, giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng chẵn 100 lần, và hiện thời Việt Nam đang phải nhập siêu từ 23-24 tỉ USD hàng năm từ Trung Quốc. Đó là một sự mất cân xứng quá lớn và làm lợi rất nhiều cho Trung Quốc. Cũng cho đến nay, Trung Quốc có gần 940 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 5 tỉ USD…
Những giá trị thương mại và đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam cho thấy họ có khá nhiều việc phải lo lắng nếu chiến tranh nổ ra. Khi đó, cơ chế nhập khẩu chính thức qua cửa khẩu Việt Nam sẽ đương nhiên chấm dứt, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sẽ khó lòng tồn tại được.
Cũng rất có thể sẽ xảy ra một làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và càng làm khó cho sự tồn vong của giới đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. Minh chứng mà chúng ta có thể thấy là sau vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, ở nhiều vùng và từ một doanh nghiệp lớn đến một bà bán tạp hóa ở chợ, tâm lý ngán ngại nhập hàng Trung Quốc là khá phổ biến. Mặc dù cho tới nay chưa có một chiến dịch nào về tẩy chay hàng Trung Quốc được công bố chính thức, nhưng rõ ràng một số mặt hàng Trung Quốc vẫn bị coi là ẩn chứa rủi ro độc tố như thực phẩm, nhựa… đã bị giảm đáng kể sức tiêu thụ.
Với không ít bất lợi như vậy, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chưa dám mạo hiểm tấn công Việt Nam ngay vào thời điểm này.
RFI : Nhưng hiện thời vẫn đang có thông tin có thể xảy ra chiến tranh, chẳng hạn như một tờ báo Hàn Quốc đưa tin về việc có đến 300.000 quân Trung Quốc đã áp sát biên giới Việt - Trung?
Tôi cho rằng tin tức đó chỉ đơn giản là chiến tranh tâm lý, do chính Trung Quốc tung ra trên mạng Internet và cho vài tờ báo nước ngoài. Thậm chí còn có tin đồn về lực lượng quân đội Trung Quốc dùng để tấn công Việt Nam lên đến hơn 500.000 người, hoạch định sẽ công chiếm Việt Nam trong đúng một tháng, và chiến tranh có thể diễn ra ngay vào mùa hè này, thậm chí vào tháng Sáu năm 2014…
Bao giờ cũng vậy, trước hoặc sau mỗi hành động gây hấn, Bắc Kinh đều sử dụng tối đa loa phóng thanh một chiều nhằm mục đích gây nhiễu. Một chuyện khá khôi hài khác là giữa hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam đang diễn ra một trận khẩu chiến mà dân Hà Nội gọi Bắc kinh là “Chí Phèo”, còn Trung Quốc lại coi Việt Nam là nhân vật “AQ” trong tiểu thuyết của nhà văn Lỗ Tấn…
Thực ra tôi không để ý đến hoạt động này nhiều. Vì điều đơn giản mà chúng ta có thể rút ra là nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch gây xung đột quân sự hoặc tấn công tổng lực Việt Nam, để giữ yếu tố bất ngờ trong khai chiến, họ đã không cần phải khẩu chiến theo kiểu cù nhầy, hoặc tung thông tin giả quá hung hãn để tạo tin đồn và gây xáo trộn đời sống chính trị ở Việt Nam. Một dẫn chứng khác cũng dễ thấy là nếu Trung Quốc có ý đồ tấn công quân sự, họ đã không phải dùng lại các tiểu xảo và chơi xấu, như dùng “tàu lạ” - từ mà một số báo nhà nước ở Việt Nam cho đến giờ này vẫn chưa thể chui ra khỏi chăn - để đâm húc tàu cá Việt mà đã gây ra hai cái chết cho ngư dân ở Quảng Ninh vừa qua.
Theo tôi, sẽ chẳng có một hành động mạo muội xứng đáng nào từ phía Trung Quốc ngay vào thời điểm này. Kể cả hiện tượng họ rút công nhân Trung Quốc đang làm việc ở Hà Tĩnh về nước hay sơ tán chuyên gia cũng chỉ là động tác tâm lý nhằm gây áp lực với Bộ Chính trị Việt Nam mà thôi.
Khi nào Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam?
RFI : Nếu Vậy theo anh, Trung Quốc sẽ thực sự tấn công Việt Nam trong những điều kiện gì và vào lúc nào?
Trung Quốc chỉ tấn công Việt Nam nếu hội tụ các điều kiện: kinh tế khủng hoảng, xã hội rối loạn, nội bộ chính trị phân hóa đủ sâu và có thể tan vỡ, sức chiến đấu của quân đội giảm sút mạnh. Và cũng phải thêm một điều kiện không thể thiếu: giới kinh tài Trung Quốc đủ sức chi phối và lũng đoạn phần lớn một số ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Hiện thời, nền kinh tế Việt Nam đang dợm bước chân vào khủng hoảng và tất cả chỉ còn chờ thời gian. Bất ổn xã hội cũng đang mau chóng chuyển thành rối loạn xã hội và có thể dẫn đến khủng hoảng xã hội. Nếu đến năm 2016-2017, kinh tế Việt Nam thật sự rơi vào khủng hoảng thì tất yếu xã hội sẽ khủng hoảng theo. Khủng hoảng xã hội cộng hưởng với khủng hoảng kinh tế hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến khủng hoảng chính trị. Đó là điều kiện cần và cũng là điều kiện đủ của một dân tộc trong vận khí suy vong.
Trong trường hợp đó, tôi không hy vọng là quân đội Việt Nam còn duy trì được khả năng sẵn sàng chiến đấu như những năm trước. Và đó sẽ là cơ hội vàng để nếu muốn và không quá bị chi phối bởi sự cô lập của quốc tế, Trung Quốc có thể nuốt gọn Việt Nam trong một kế hoạch quân sự với tỉ lệ ba chọi một.
RFI : Tại sao anh lại cho rằng Trung Quốc cần huy động quân đội ba chọi một, anh có thể giải thích cụ thể thêm được không ?
Xuất phát từ chiến thuật biển người truyền thống của họ.
Trong chiến dịch xâm lược biên giới năm 1979, toàn bộ lực lượng kể cả hậu cần và dự bị của Trung Quốc là 600.000 quân. Trong khi đó, Việt Nam chỉ chủ yếu đối phó bằng lực lượng quân sự địa phương và một bộ phận lực lượng bộ đội chính quy. Có những trận đánh ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, thông báo quân sự hồi đó cho biết tỉ lệ đối kháng giữa quân Trung Quốc và bộ đội Việt Nam lên đến 5/1 và 10/1. Tuy thế, cuộc chiến vẫn kết thúc với thất bại của người Trung Quốc, chiến dịch xâm lược đó đã chấm dứt với 60.000 thi hài của lính Trung Quốc.
Còn bây giờ, có những thông tin nghiên cứu cho biết tuy xét về số lượng, Việt Nam là quốc gia có lực lượng quân đội hùng hậu nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng nửa triệu bộ đội chính quy và khoảng 5 triệu quân dự bị, nhưng quân đội Trung Quốc lại duy trì số lượng đông thuộc loại nhất trên thế giới, cùng chi phí quân sự đứng thứ hai chỉ sau Mỹ.
Đó là ưu thế để một khi phát động chiến tranh, Trung Quốc sẽ dễ dàng huy động ít nhất nửa triệu quân từ các tập đoàn quân ở Vân Nam và Quảng Tây, chưa kể hạm đội Nam Hải. Thậm chí tôi cho rằng với chiến thuật biển người được duy trì từ cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, Trung Quốc có thể huy động một lực lượng tăng thiết giáp gấp nhiều lần Việt Nam. Ngay cả với xe tăng họ T của Liên Xô cũ, Trung Quốc cũng có nhiều tăng T72 trở lên, trong khi Việt Nam vẫn chủ yếu là tăng T54, T55.
RFI : Một số chuyên gia đánh giá rằng ưu thế quân sự của Trung Quốc có thể tỏ rõ trên mặt biển, nhưng còn trên đất liền thì sao?
Đúng là Trung Quốc chỉ còn thiếu tàu sân bay. Còn về quân chủng hải quân, họ có đủ các loại tàu, kể cả tàu ngầm lớp kilo. Họ vẫn tự hào và khoe khoang là chỉ riêng hạm đội Nam Hải của họ đã có thể làm chủ cả mặt biển Đông.
Trong khi đó, địa hình duyên hải Việt Nam có lợi thế kinh tế và du lịch là trải dài, nhưng trong chiến tranh điều đó lại thường là nhược điểm vì có thể bị đối phương từ biển đánh úp bất cứ điểm bố phòng mỏng manh hoặc sơ hở nào.
Tuy nhiên, đánh trên bộ thì lại khác hẳn. Dù được trang bị vũ khí và khí tài quân sự tối tân và có vẻ được đánh bóng về khả năng thiện chiến, nhưng quân đội Trung Quốc luôn đi sau Việt Nam khoảng một phần tư thế kỷ về trải nghiệm và kinh nghiệm trận mạc. Đã sáu chục năm qua quân đội Trung Quốc không thực sự chiến đấu, trong khi bộ đội Việt Nam chỉ mới kết thúc chiến tranh tại chiến trường Campuchia từ cuối thập kỷ 80. Sự so le thời gian như thế cho thấy phản xạ tác chiến của bộ đội Việt Nam vẫn cao hơn binh lính Trung Quốc.
Thêm vào đó, nếu tấn công quân sự theo hướng xẻ dọc qua các vùng biên giới phía Bắc về Hà Nội, quân đội Trung Quốc sẽ vấp phải địa hình rừng núi hiểm trở mà lực lượng tăng thiết giáp của họ khó lòng phát huy được hiệu quả tác chiến chiến thuật. Đến lúc đó, có thể Trung Quốc mới được nếm trải chiến thuật chiến tranh du kích của người Việt Nam lợi hại như thế nào.
Trong hầu hết các cuộc kháng Trung trong lịch sử, người Việt đã không bao giờ bỏ trống hậu phương địch quân, đặc biệt tại những vùng sơn cước. Theo tôi, trong trường hợp Trung Quốc tác chiến trên bộ dù với tỉ lệ ba chọi một, xác suất chiến thắng của họ vẫn chỉ là năm ăn năm thua. Họ cần phải chú ý là bộ đội đặc công của Việt Nam rất thiện chiến.
Nhưng đó chỉ mới là về sức kháng cự của quân đội Việt Nam. Còn nếu nhà nước Việt Nam đủ hồi tâm để biết cách huy động sức dân thì một cuộc chiến tranh nhân dân sẽ được hình thành, và đó là điều đáng sợ nhất đối với bất cứ một cường quốc xâm lược nào.
RFI : Nếu một cuộc chiến tranh tổng lực chưa được Trung Quốc phát động vào thời điểm này, họ có thể làm những gì tiếp theo vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981?
Họ sẽ trở lại bài bản của những cuộc gây hấn và khiêu khích từ ít nhất năm 2011 đến nay. Nghĩa là tạo mọi khó khăn đối với ngư dân Việt Nam, dùng tàu cá hoặc tàu hải giám chủ động va chạm hoặc đâm chìm và có thể dẫn tới tử vong cho ngư dân Việt. Trên bộ, họ có thể tiếp nối chuỗi khiêu khích bằng những cuộc xung đột vũ trang quy mô nhỏ và có thể dẫn đến sát thương bộ đội Việt Nam. Tình hình quấy rối như thế cũng có thể tương tự những gì mà lực lượng Khmer Đỏ gây ra ở biên giới Tây Nam đối với thường dân Việt Nam vào năm 1978.
Theo tôi, ý đồ của Trung Quốc là chờ đến năm 2016-2017, khi tình hình Việt Nam xấu hẳn, họ sẽ tấn công theo kịch bản Nga - Crimée. Cần lưu ý là khác hẳn Việt Nam, thế mạnh hiện thời của Trung Quốc là quyền lực tập trung vào một cá nhân là Tập Cận Bình, và Trung Quốc vừa thiết lập quan hệ tay đôi với Nga.
Tuy nhiên, không phải Trung Quốc luôn rảnh tay để hành động. Bản thân Trung Quốc cũng gặp nhiều rắc rối: kinh tế có xu hướng suy thoái, phản kháng xã hội dâng cao, các khu vực tự trị Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông gia tăng bất ổn. Tình hình đó gần như tương tự với không khí xã hội Trung Hoa vào lúc triều đình Mãn Thanh xua hai chục vạn quân do Tôn Sĩ Nghị làm chủ tướng tràn vào Thăng Long trước một Lê Chiêu Thống đi bằng đầu gối.
Do vậy, họa xâm lăng Trung Quốc vẫn có một hy vọng được giải tỏa phần nào bởi chính nguy cơ tan rã từ bên trong của nền kinh tế và do đó của chế độ độc đảng Bắc Kinh thiên về đàn áp như hiện nay. Nếu nguy cơ này được xác nhận thì Trung Quốc dù có gây chiến tranh với Việt Nam cũng nằm trong tình trạng bị suy yếu đáng kể chứ không thể gọi là mạnh mẽ.
Vấn đề còn lại là giới lãnh đạo chủ chốt ở Việt Nam có làm được gì để hạn chế hiểm họa từ Trung Quốc trong vài năm tới.
Nguyễn Tấn Dũng là nhân tố duy nhất?
RFI : Để đối phó với họa ngoại xâm ngày càng hiển hiện, anh có hy vọng nào vào giới lãnh đạo Việt Nam hiện thời?
Nếu không xét đến những gương mặt chính khách chưa xuất hiện, trong tất cả những gương mặt hiện nay và trong khoảng hai năm tới, tôi chỉ hy vọng vào một nhân tố duy nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng hy vọng này cũng chỉ mới manh nha và còn rất chập choạng.
Cơ sở để có thể có đôi chút hy vọng vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là bởi ông ta đang trong tình thế phải “cứu nhà, cứu nước”. Nước mất thì nhà tan. Nhưng muốn cứu nhà thì trước hết và dù muốn hay không cũng phải cứu nước.
Sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, có vẻ ông Nguyễn Tấn Dũng đã dứt khoát hơn trong chính sách chuyển hướng xoay trục sang phương Tây. Để đối chọi với Trung Quốc, trước mắt người Việt cần ít nhất sự hỗ trợ của Hạm đội 7 của Mỹ, sau đó là một bản hiệp ước tương trợ quốc phòng với Hoa Kỳ, như kết quả mà Philippines đã vừa đạt được. Và cuối cùng, tốt nhất Việt Nam trở thành một đồng minh quân sự với Hoa Kỳ như trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cần chân thật mà nói rằng hy vọng duy nhất vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất có thể chỉ là một đốm lửa sớm nở tối tàn. Từ khi nhậm chức thủ tướng vào năm 2006 đến nay, ông Dũng đã đưa ra khá nhiều lời cam kết trước quốc dân đồng bào, nhưng thời gian sau những lời hứa đó lại chỉ là một khoảng trống thất vọng mênh mông.
Còn bây giờ, khi nước đã đến chân và không thể không nhảy, người dân Việt đang chờ đợi những hành động cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như tiến hành thủ tục kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, đưa ngay Luật Biểu tình vào đời sống để người dân có cơ hội phản kháng Trung Quốc, chứ không chỉ bằng vài câu tuyên bố có vẻ cảm tính và sẽ bị trôi ngay vào lãng quên nếu không làm gì cả.
RFI : Xin rất cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn hôm nay của RFI Việt ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét