Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

“Những người khốn khổ” ở Việt Nam

Bốn trong năm công an tham gia đánh chết người ở Phú Yên hồi tháng Tư chỉ bị từ 1-2 năm tù hoặc án treo
Jean Valjean, nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, nhận án tù 5 năm vì ăn cắp một ổ bánh mì cho mấy đứa cháu.


Vào một buổi sáng đầu tuần tháng 9 năm ngoái, ba thanh thiếu niên Thành, Hùng, Thịnh đèo nhau trên một chiếc xe máy ra đường liên huyện của Tiên Lãng, Hải Phòng để trêu ghẹo con gái. Trên đường, nhóm này rủ thêm Lộc, đang cuốc bộ đi học, lên xe, thành din bốn cầu. Cả bốn đều là các thanh thiếu niên nhà nông, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 16.
Dường như chúng ta cần một Victor Hugo mới để viết “Những người khốn khổ” của Việt Nam năm 2014.
Đó là giờ học sinh tới trường. Nạn nhân đầu tiên của bộ tứ nghịch ngợm này là một nữ sinh. Thành áp sát vào xe đạp của cô này rồi giật chiếc mũ vải cô ta đang đội trên đầu. Đi thêm một đoạn, Thành lại giật một chiếc nón lá để ở giỏ xe đạp của một nữ sinh khác.
Tới đây thì các nguồn tin không thống nhất. Theo lời kể của các thủ phạm với báo chí, ngay sau đó, có hai người mặc thường phục đi xe máy vọt lên, xưng là công an, và dùng dùi cui và còng số tám khống chế, bắt Thành đưa đi cùng chiếc xe máy, còn Hùng, Lộc, Thịnh đi bộ về.
Chiều hôm sau, Hùng và Lộc bị công an xã bắt. Sáng hôm sau nữa, Thịnh bị công an huyện giữ để phục vụ điều tra.
Tuy nhiên, theo phiên bản của bản án sơ thẩm của Toà án Nhân dân huyện Tiên Lãng thì bốn ngày sau cái ngày thứ Hai định mệnh đó, cả bốn thủ phạm tự dẫn thân tới công an huyện để đầu thú và giao nộp vật chứng là hai cái mũ và nón.
Tuy không nhất quán là liệu các “tội phạm” được các chiến sĩ công an nhanh chóng truy bắt hay tự ra đầu thú, nhưng các nguồn tin đều thống nhất về giá trị của hai tang chứng của vụ cướp giật liên hoàn này. “1 mũ vải màu trắng đã qua sử dụng có giá 30 nghìn đồng; 1 nón làm bằng lá cọ, màu vàng nhạt, quai nón màu hồng đã qua sử dụng có giá 30 nghìn đồng”, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự kết luận.
Với sự khẩn trương mẫu mực, chỉ 10 ngày sau khi xảy ra vụ việc, công an huyện Tiên Lãng khởi tố. Thành bị bắt tạm giam từ đó tới nay, Lộc được tại ngoại sau thời gian tạm giữ, Hùng và Thịnh cũng được tại ngoại sau 3 tháng tạm giam.

'Nhanh chóng'

"Cỗ xe công lý có con đường đi riêng của mình, nó nhìn thấy tội phạm ở chỗ mà xã hội không nhìn thấy."
Vị thẩm phán của toà sơ thẩm Tiên Lãng hẳn phải làm cho Javert, tay thanh tra sắt đá và trung thành với pháp luật, người đã dành 19 năm để đưa Jean Valjean ra vành móng ngựa, kính nể. Đầu tháng 4 vừa rồi, toà buộc tội bốn bị cáo đã “dùng thủ đoạn nguy hiểm, nhanh chóng tiếp cận, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản rồi nhanh chóng tẩu thoát”, và “gây tác động nặng nề tới xã hội”.
Chữ “nhanh chóng” được dùng tới ba lần trong một câu của bản án, giúp người ta thấy sự quyết liệt và uyển chuyển của một chiếc xe máy chở bốn thanh niên, thâm hiểm chực tìm cơ hội để nhảy bổ vào đám nữ sinh áo trắng đang thong dong đạp xe tới trường. Ngoài ra, các thủ phạm còn “chia nhau sử dụng” các vật phẩm cướp được, bản án cũng cho biết.
Tôi cố gắng hình dung: hai đứa dùng chung cái mũ vải nữ, còn hai đứa kia thay nhau đội cái nón lá? Liệu chúng có cãi nhau và tranh dành xem đứa nào được đội mũ màu trắng và đứa nào phải dùng cái nón vàng nhạt có quai mầu hồng? Bỏ phiếu dân chủ hay cậu lớn tuổi nhất sẽ ra quyết định? Thế còn “tác động nặng nề tới xã hội”?
Cứ theo đánh giá của toà thì hẳn là sau vụ này cả mấy xã của huyện run sợ, các nữ sinh không dám đội mũ khi ra đường, hoặc chỉ dám đội mũ khi có bạn trai đi kèm, bản thân hai nạn nhân thì chắc bị dư chấn của sợ hãi kéo dài, cộng đồng hoang mang, bất an.
Và thế là, để có “tác dụng tích cực trong đấu tranh phòng chống tội phạm”, tòa tuyên án Thành 36 tháng tù, Thịnh 22 tháng tù, Hùng và Lộc cùng 18 tháng tù, tổng cộng 94 tháng tù giam.
Quả nhiên, “tác động nặng nề tới xã hội” đã xẩy ra, nhưng lại là do chính bản án đem lại: người dân xôn xao, ngơ ngác, báo chí vào cuộc, hai nữ sinh mất mũ viết đơn xin giảm tội cho các thủ phạm, giải thích rằng “đây chỉ là trò trêu đùa nam nữ, không phải cướp giật”, chính quyền địa phương, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lên tiếng xác nhận nhân thân tốt và tư cách của bốn cậu.
Vụ cưỡng chế nhà ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng hồi 2012 đã gây nhiều phẫn nộ trong dư luận

Con đường của công lý

Nhưng cỗ xe công lý có con đường đi riêng của mình, nó nhìn thấy tội phạm ở chỗ mà xã hội không nhìn thấy.
Việt Nam không có tư pháp vị thành niên, và sự tàn nhẫn của hệ thống thể hiện ở chỗ nó coi những người vi phạm trẻ tuổi như người lớn. (Chắc ai cũng đồng ý một người đàn ông trung niên giật mũ trêu ghẹo một nữ sinh là một câu chuyện khác hẳn).
Ở các nước phát triển, tư pháp vị thành niên hoạt động dựa trên ba mục tiêu chính: ngăn ngừa tái vi phạm, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu tới tương lai của người phạm luật, và hỗ trợ người vi phạm tái hoà nhập vào cộng đồng.
Trong những trường hợp như trường hợp này, án treo, phạt hành chính, hay lao động công ích là những hình thức quá đủ để ngăn ngừa những thanh thiếu niên không tái phạm.
Đi ngược lại các mục tiêu nêu trên, sự trừng phạt hung dữ của toà làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học hành, tìm kiếm công ăn việc làm, dự định gia nhập quân ngũ (trong trường hợp của Thành), và tương lai nói chung của bốn đứa trẻ, và có nguy cơ biến chúng từ những cá thể đang sống yên ổn trong cộng đồng của mình thành những kẻ bị đóng dấu là “vào tù ra tội”.
Sau khi ra tù, Jean Valjean đã trở thành một lưu manh chính hiệu.
May mắn cho anh, anh đã được cải hoá sau khi gặp một linh mục, người đã bảo vệ anh bằng cách nói với cảnh sát là cái chân nến bằng bạc mà thực chất là anh ăn cắp của nhà thờ là được tặng.
Không rõ khả năng nào thì cao hơn: khả năng bốn đứa trẻ Tiên Lãng cũng gặp may như Jean Valjean, hay khả năng án tù biến chúng trở thành các Chí Phèo mới?
Nhưng gì thì gì, tôi có một lời khuyên: nếu có điều kiện, sau khi mãn hạn tù chúng nên tới Phú Yên sống. Ở đó, người ta có thể trói người khác lại và nhẩn nha đánh tới chết mà cũng chỉ nhận được án tù treo.
Như ta đã thấy, con đường của cỗ xe công lý là khó lường.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của tác giả, một tiến sỹ về kinh tế phát triển hiện sống ở Hà Nội

Không có nhận xét nào: