Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng Nhật Bản sẽ không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép |
Hôm thứ ba (27-5-2014), không lâu sau khi có tin tàu đánh cá Việt Nam bị tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm gần giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trong vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình, hai giới chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích điều mà họ gọi là “hành động cực kỳ nguy hiểm” của Trung Quốc.
Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo rằng “Đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tới sinh mạng con người.” Ông nói thêm rằng các nước liên hệ cần phải tránh thực hiện những hành động đơn phương làm cho căng thẳng gia tăng, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, và xử lý các vấn đề một cách bình tĩnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cũng cho báo chí biết rằng “vụ việc nghiêm trọng” này làm cho mọi người cảm thấy bất an. Ông cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế làm rõ những sự việc liên quan tới vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Phát biểu vừa kể của các giới chức ở Tokyo đã nhanh chóng gặp phải sự chỉ trích của phía Trung Quốc, là nước cũng đang có vụ đối đầu gay gắt với Nhật Bản về vấn đề chủ quyền của một nhóm đảo không người ở ở Biển Đông Trung Hoa mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hối thúc “Nhật Bản tôn trọng sự thật và ngưng đưa ra những phát biểu vô trách nhiệm.” Ông Tần cũng lập lại tố cáo là Nhật Bản đang tìm cách khuấy động tình hình Biển Đông để đạt mục tiêu mà ông gọi là “đục nước béo cò.”
Cuộc khẩu chiến hôm thứ ba giữa Tokyo và Bắc Kinh diễn ra trong lúc Nhật Bản ra sức tăng cường các mối quan hệ với những nước vùng Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền chồng lấn với yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines.
Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ 6, (23 tháng 5, 2014) dành cho tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã một lần nữa chỉ trích việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển có tranh chấp với Việt Nam. Ông nói rằng “những hoạt động khoan dầu đơn phương”của Trung Quốc làm cho căng thẳng leo thang và Nhật Bản “sẽ không bao giờ chấp nhận việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép.”
Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã tặng 10 chiếc tàu tuần duyên cho Philippines và cho biết một cuộc điều đình đang được tiến hành để cung cấp một sự trợ giúp tương tự cho Việt Nam.
Ông Abe nói với tờ Wall Street Journal ông đã gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam một ngày trước đó và được thông báo là Việt Nam “muốn được cung cấp các tàu tuần duyên đó càng sớm càng tốt”. Nhà lãnh đạo Nhật cho biết ông cũng muốn gia tốc tiến trình này.
Theo các nhà phân tích, sự can dự nhiều hơn của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông phát xuất từ mối lo ngại đối với an ninh của tuyến đường hàng hải vô cùng quan trọng cho nền kinh tế Nhật, giữa lúc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự và thực hiện những hành động ngày càng hung hãn trong những vụ tranh chấp chủ quyền với các lân bang ở Á châu.
Các nhà quan sát nói rằng Nhật Bản phải dựa vào nhập khẩu để thỏa mãn 95% nhu cầu nhiên liệu trong nước và hầu hết số dầu nhập khẩu là được vận chuyển ngang qua Biển Đông. Ngoài ra, 99% hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của Nhật cũng dựa vào đường biển, trong đó các loại hàng hóa bán sang các thị trường Âu châu, Đông Nam Á và Úc châu được vận chuyển qua Biển Đông. Theo ước tính của các chuyên gia, trong trường hợp phải đi đường vòng sang phía đông Philippines, giá thành của các sản phẩm chế tạo của Nhật Bản sẽ tăng 25%. Do đó, Nhật Bản xem Biển Đông là “tuyến đường huyết mạch” của mình và tìm đủ mọi cách để bảo vệ.
Theo tường thuật của báo chí Nhật Bản và Trung Quốc, tại một cuộc hội thảo ở Tokyo hôm 22 tháng 5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể xảy ra chiến tranh trong vòng 20 năm tới đây. Nhà lãnh đạo Singapore cho rằng Á châu có thể có một tương lai tốt đẹp nếu cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều muốn làm việc chung với Hoa Kỳ để duy trì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Ông Lý Hiển Long nói thêm rằng trong trường hợp giới lãnh đạo ở Bắc Kinh không chịu hợp tác với Nhật Bản và các nước khác trong vùng, Trung Quốc có thể xảy ra chiến tranh với Nhật Bản vì vụ tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hay với các nước Á châu khác vì vụ tranh chấp Biển Đông dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Ông Lý Hiển Long cho rằng chính vì lý do đó mà Hoa Kỳ nên tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực, và ông tin rằng với sự trợ giúp của Washington, Á châu có thể né tránh được nhiều phần của tương lai u ám đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét