Pages

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Trong tình hình căng thẳng ở Biển Đông, Việt Nam cố tìm cách thắt chặt mối liên hệ với Hoa Kỳ


Trong bối cảnh Trung Quốc xâm lấn hải phận VN, Hà Nội và Washington đang xích lại gần nhau hơn.

Shannon Tiezzi (The Diplomat) - Người dịch: Bs Đỗ Văn Hội (Danlambao) Vụ đánh chìm một tàu Việt Nam ngày hôm qua tại Biển Đông, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Việt Nam cáo buộc tàu đánh cá Trung Quốc đâm vào tàu của VN; Trung Quốc lại đổ lỗi cho Hà Nội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã kêu gọi quốc tế lên án hành động của Trung Quốc trong các vùng lãnh hải đang tranh chấp.

Mỹ đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ít nhất là bằng lời nói mặc dù Hà Nội (không giống như Nhật Bản và Philippines) không phải là đồng minh của Mỹ. Hôm qua, khi được hỏi quan điểm của Washington về những căng thẳng giữa Trung Quốc - Việt Nam hiện nay, phát ngôn viên Jen Psaki của Bộ Ngoại giao HK nói rằng "hành động khiêu khích ngày càng lớn từ phía Trung Quốc." Trước đó, Psaki mô tả vụ áp đặt giàn khoan dầu Trung Quốc như là một phần của "hành động đơn phương của Trung Quốc trong khu vực.” Mặc dù Mỹ duy trì tính trung lập về vấn đề chủ quyền, ý kiến đưa ra công luận của Mỹ cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa về việc Hoa Kỳ không chấp nhận việc Trung Quốc gia tang quyền kiểm soát khu vực tranh chấp.

Với sự thân thiện của Washington, Việt Nam thấy có cơ hội để củng cố vị trí của mình trong các tranh chấp bằng cách gần gũi hơn với Mỹ. Như Carl Thayer đã viết ngày hôm qua trên mục “điểm nóng” (flashpoint), Việt Nam có nhiều lựa chọn chiến lược trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc - và sự phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và các đồng minh khu vực của Mỹ dường như là chiến lược được lựa chọn.

Thứ tư tuần trước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry qua điện thoại về các vụ đụng độ đang diễn ra ở Biển Đông. Ông Minh đưa ra chủ trương của Việt Nam và, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã có sự đồng thuận đáng kể giữa Kerry và Minh. "NT. Kerry đánh giá cao tính tự chế và thiện chí của Việt Nam trong các biện pháp hòa bình và đối thoại," Bộ Ngoại Giao VN cho biết trong một bản tóm tắt cuộc nói chuyện.

Việt Nam và Mỹ cũng đã củng cố hợp tác trong các lĩnh vực khác, một quá trình được thúc đẩy do sự bất mãn của Hà Nội đối với các hành động của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp. Vào ngày 20-5, Việt Nam tuyên bố sẽ tham gia “Sáng kiến ​​an ninh về phổ biến vũ khí” (PSI), một hành động mà Mỹ hoan nghênh. Trong cuộc trò chuyện điện thoại với Kerry, ông Minh cũng nhấn mạnh quan hệ kinh tế gia tăng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam và hứa sẽ tăng cường hợp tác trong tương lai. Việt Nam "sẵn sàng phối hợp với Mỹ để khai triển các biện pháp cụ thể để tiếp tục gia tăng quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước".

Gia tăng mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không chỉ hoàn toàn do cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu hiện nay. Việt Nam đã là một mục tiêu quan trọng của Mỹ trong chiến lược "tái cân bằng tại châu Á" từ đầu của chính quyền Obama. Trong khi Washington và Hà Nội đã nêu rõ sự phát triển quan hệ kinh tế và giữa người và người, vấn đề Biển Đông luôn luôn chỉ được nêu ra trong hậu trường. Trong lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Việt Nam năm 2010 Bà đã khẳng định lợi ích của Mỹ khi thấy những tranh chấp lãnh hải được giải quyết.

Kể từ đó, việc qua lại giữa các viên chức Mỹ - Việt Nam trở thành thói quen, mà đỉnh cao là Trương Tấn Sang thăm Washington tháng Bảy năm ngoái. Tại cuộc gặp gỡ này, ông Obama và ông Sang đã thông báo việc thành lập một "quan hệ đối tác toàn diện" giữa Mỹ và Việt. Như một phần của thỏa thuận này, hai nước hứa hẹn sẽ tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và tái khẳng định sự ủng hộ cho hòa bình, đàm phán giải quyết tranh chấp hàng hải. Những tuyên bố tương tự về sự cần thiết cho hòa bình và an ninh ở Biển Đông đã thể hiện trong thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Việt.

Hợp tác Mỹ - Việt Nam không chỉ giới hạn trong vấn đề Biển Đông, những tranh chấp nơi đây có thể là yếu tố lớn nhất thúc đẩy Hà Nội mong muốn có mối quan hệ hơn với Washington. Quyết định tham gia “sáng kiến ​​đa phương” do Mỹ hậu thuẫn, từ PSI, “Đối tác xuyên Thái Bình Dương” đầy tham vọng (TPP), được gắn với hy vọng duy trì quan hệ tốt với Mỹ như một cách để tự bảo vệ chống lại Trung Quốc của Việt Nam.

Hà Nội có nhu cầu quan hệ tốt với Mỹ như với Nga, một đối tác lâu đời nhưng giữ im lặng về vụ tranh chấp giàn khoan dầu hiện nay. Moscow đang chuẩn bị để cung cấp Hà Nội gia tăng thương mại và đầu tư, và kể cả tàu ngầm loại Kilo, nhưng hỗ trợ dường như không được công khai trong vụ tranh chấp với Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam đã tìm kiếm những đối tượng khác để giành sự ủng hộ quốc tế, và Washington là đối tác có tiềm năng nhất và tạo ảnh hưởng nhất.

Trong khi đó, từ quan điểm của Mỹ, gia tăng mối quan hệ với Việt Nam là một trong những cách hứa hẹn nhất để mở rộng "tái cân bằng lại châu Á" vượt qua khỏi mối liên hệ với các đồng minh truyền thống của Mỹ. Những chỉ trích về sự “tái quân bình” (rebalance) lập luận rằng đó chỉ đơn thuần là một chiến lược cải thiện liên minh của Mỹ trước đây trong khu vực. Việc Washington gần gũi với Hà Nội sẽ dễ dàng bác bỏ những lời chỉ trích nói trên - mặc dù điều này sẽ không làm dịu bất kỳ sự lo lắng nào của Bắc Kinh.

29 tháng năm 2014

Shannon Tiezzi

Nguồn: 
Người dịch: 

Bs Đỗ Văn Hội

Không có nhận xét nào: