Ngày thứ Năm 8/5 Trung Quốc cũng mở họp báo về căng thẳng giàn khoan với Việt Nam, trong đó đại diện nước này khẳng định họ có quyền khoan dầu tại vùng biển ngoài khơi Việt Nam.
Trong khi đó Việt Nam tuyên bố phát hiện ra tàu hộ vệ tên lửa số 534 và tàu tấn công nhanh số hiệu 753 của Trung Quốc đang làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan.
Trung Quốc cảnh báo Việt Nam cần rút lui khỏi khu vực đặt giàn khoan 981, nơi các tàu của hai bên đang đối đầu nhau nhiều ngày nay.Cuộc họp báo chiều thứ Năm do Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chủ trì, với chủ đề “Về việc doanh nghiệp Trung Quốc tác nghiệp tại Biển Đông”.
Đợt căng thẳng trên biển, được cho là gay gắt nhất trong nhiều năm nay giữa hai nước láng giềng, bắt đầu từ ngày 1/5 khi Việt Nam phát hiện ra tàu Trung Quốc đang hộ tống giàn khoan của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương (CNOOC) ở gần quần đảo Hoàng Sa mà hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.
Hành động của Trung Quốc được cho là không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà trước tiên là để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố sẽ khoan dầu cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý cho tới tháng Tám.
Hiện diện của tàu vũ trang
Việt Nam đã điều tàu ra ngăn chặn giàn khoan của Trung Quốc và cáo buộc tàu Trung Quốc chủ ý đâm vào tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của Việt Nam, đồng thời phun vòi rồng và làm một số nhân kiểm ngư bị thương.
Về phần mình, tại cuộc họp báo 8/5 ở Bắc Kinh, Trung Quốc nói đã hết sức kiềm chế trước các "hành động khiêu khích gay gắt" của phía Việt Nam.
"Khả năng Trung Quốc nhượng bộ Việt Nam là vô cùng thấp vì điều đó có nghĩa nó giảm tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc."
Chuyên gia an ninh Lý Minh Giang
Ông Dịch Tiên Lương, Vụ phó Vụ Biên giới Hải đảo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói: "Chính tàu Việt Nam đã khiêu khích chuyện này. Chính tàu Việt Nam đã đâm vào tàu Trung Quốc".
Theo ông Dịch, hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển ngoài khơi Việt Nam là "hoàn toàn hợp pháp lý và có cơ sở" vì đây là vùng biển "lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc".
Ông cho hay trong vòng 5 ngày, Việt Nam đã điều 35 tàu, đâm cản tàu Trung Quốc 171 lần. Ông vụ phó còn cáo buộc trong số tàu Việt Nam có tàu vũ trang, trong khi về phía Trung Quốc chỉ có tàu dân sự hoặc tàu công vụ không vũ trang.
Ông Dịch Tiên Lương tuyên bố: "Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Việt Nam, nhưng điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải chấm dứt quấy rối ngăn cản hoạt động của Trung Quốc và phải rút ngay tàu cùng người khỏi hiện trường".
Trong khi đó, Hoa Kỳ kêu gọi hai bên kiềm chế và yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ yêu sách chủ quyền của mình.
Hãng tin AP dẫn lời Phó Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu nói vào thứ Năm 8/5 hai bên không có đụng chạm gì tuy vẫn đang quan sát nhau chặt chẽ.
Ông Lý Minh Giang, chuyên gia an ninh Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói việc điều giàn khoan không chỉ để tìm dầu mà còn để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
"Khả năng Trung Quốc nhượng bộ Việt Nam là vô cùng thấp vì điều đó có nghĩa nó giảm tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét