BienDong.Net: Theo báo chí trong nước, TQ đang tăng cường số tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép tại vùng biển Việt Nam, với tổng cộng 99 tàu tính đến chiều 15/5.
VietNamNet dẫn lời ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong 99 tàu này, có 38 tàu chấp pháp, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, 30 tàu cá vỏ sắt cùng một số máy bay tuần thám.
Tàu Trung Quốc (trái) cố tình chèn ép tàu cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng
Tuy bán kính các tàu đã co cụm lại 6,5 hải lý và phải chia ra thành các tuyến để bảo vệ giàn khoan, song các tàu của TQ vẫn phun vòi rồng vào các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư VN để uy hiếp mỗi khi tàu VN tiếp cận giàn khoan.
Ngoài ra, khi tàu của VN phát loa tuyên truyền quanh khu vực TQ hạ đặt giàn khoan, các tàu TQ đã liên tiếp rú còi có công suất lớn để át tiếng loa.
Về phía VN, cùng với các tàu của cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư, còn có 30 tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hoà vẫn ra đánh cá tại khu vực lân cận.
Ông Trung cho biết, để các tàu cá và tàu của ngư dân đánh bắt an toàn tại các ngư trường truyền thống quanh khu vực giàn khoan, các tàu chấp pháp của VN phải thường xuyên bám sát, hỗ trợ. Các cán bộ và chiến sỹ kiểm ngư luôn kiên cường, kiên quyết, kiên trì, kiềm chế để đấu tranh với những hành vi sai trái của phía TQ.
Tuy nhiên, một số tàu cá của ngư dân đã bị tàu TQ áp sát, ngăn cản, thậm chí còn đâm vào 1 tàu cá của VN làm gãy dọc cabin sau lái.
Mặc dù vậy, theo ông Trung, những va chạm giữa tàu của TQ với các tàu của kiểm ngư VN đã cơ bản giảm so với những ngày trước.
Trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển tổ chức, hướng dẫn ngư dân yên tâm bám biển, nắm chắc số điện thoại, tần số liên lạc của các tàu cá hoạt động ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và giữa Biển Đông để chủ động liên hệ với ngư dân khi cần thiết và có chỉ đạo kịp thời.
Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với từng tình hình cụ thể
Chiều 15/5, tại Hà Nội, trong cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã thông báo diễn biến trên Biển Đông những ngày qua.
Ông Lê Hải Bình cho biết: Việt Nam đã kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức khác nhau để phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Đáp lại sự giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì và mở rộng hành vi sai trái của mình, duy trì sự hiện diện của nhiều tàu quân sự hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu cá bọc sắt, cùng sự hỗ trợ của máy bay quân sự tại khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981".
Người Phát ngôn Lê Hải Bình tuyên bố: Việt Nam cực lực lên án hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo các quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc, Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982.
Ông Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp phù hợp với từng tình hình cụ thể.
Liên quan đến câu hỏi Việt Nam có đưa sự việc ra các cơ chế của Liên hiệp quốc hay không, ông Lê Hải Bình cho biết đây là quyền của mỗi thành viên Liên hiệp quốc và hiện Việt Nam đã lưu hành công hàm phản đối các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông tại LHQ.
Tại Hoa Kỳ, Tướng Trung Quốc tuyên bố không rút giàn khoan
Theo hãng Reuters, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), tướng Phòng Phong Huy, ngày 15/5 đã biện bạch cho việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) tại Biển Đông, đồng thời tuyên bố nước này không thể “mất một tấc” lãnh thổ nào.
Tổng tham mưu trưởng quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc, Phòng Phong Huy (Ảnh: AFP)
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc bên cạnh Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, ông Phòng Phong Huy tiếp tục tuyên bố rằng giàn khoan Hải Dương - 981 đang vận hành trái phép ở vùng biển Việt Nam là ở “bên trong lãnh hải Trung Quốc”.
Viên tướng này đồng thời đổ lỗi cho chính sách xoay trục sang Châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho rằng một số nước trong khu vực lấy đó làm cơ hội để gây rối ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Ông Phòng Phong Huy còn ngang nhiên nói Việt Nam “gây cản trở” hoạt động khoan dầu của Trung Quốc và tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Ở Bắc Kinh “Thời báo Hoàn cầu” lên giọng dọa nạt
Trong khi đó, tờ "Thời báo Hoàn Cầu", cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 14 tháng 5 tiếp tục giọng điệu dọa nạt và trịch thượng trong bài viết nhan đề "Việt Nam nếu muốn nếm lại bài học lịch sử, họ sẽ có ngày được toại nguyện”.
Theo bài báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry liên tục chỉ trích Trung Quốc, gọi hành động của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam là hành vi "mang tính tấn công", đồng thời cho rằng Trung Quốc đang khiêu khích.
Bài báo cho rằng, vị Ngoại trưởng Mỹ - người từng tham gia chiến tranh Việt Nam này ngày càng "hai mặt, đâm bị thóc chọc bị gạo", rằng Việt Nam và Philippines chắc chắn sẽ “rất phấn khởi” khi nghe thấy ông John Kerry tuyên bố Trung Quốc đang khiêu khích.
Bài viết chê người Việt Nam và Philippines nhìn đời quá hẹp, và cho rằng thế kỷ 21 đang hình thành diện mạo mới, quan hệ phức tạp Trung - Mỹ sẽ là cơ sở cho diện mạo chính trị này.
Theo bài báo, mấy chục năm gần đây, Việt Nam thường cứng rắn, Việt Nam và Trung Quốc đã nhiều lần xảy ra xung đột. Bài báo tự tin cho rằng, Trung Quốc “hiểu rất rõ” và “có rất nhiều kinh nghiệm” trong việc đối phó với Việt Nam, vì thế, bất kể Việt Nam làm thế nào thì tình hình Hoàng Sa đều nằm trong sự “kiểm soát tuyệt đối” của Trung Quốc.
Báo Trung Quốc cũng đổ lỗi cho Philippines những năm gần đây đã “gây sự” ở quần đảo Trường Sa và bị Trung Quốc đáp trả, thậm chí Philippines đã cảm thấy bị “ăn quả đắng”. Trong khi đó, Washington chỉ “hứa suông” với Manila.
Bài báo xuyên tạc cho rằng, Việt Nam muốn “gây ồn ào” để Trung Quốc cân nhắc đến chiến lược lớn mà tiến hành nhượng bộ nhỏ ở Biển Đông, nhưng theo bài báo thì Việt Nam đừng “mơ tưởng” và hung hăng và nói rằng, lần này Trung Quốc nhất định phải để cho Việt Nam “biết mùi vỡ mộng”.
Hải quân Hoa Kỳ muốn quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam
Hải quân Hoa Kỳ một lần nữa đề nghị tăng các chuyến thăm tới Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng về tranh chấp biển đảo ngày càng leo thang giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong một thông cáo gửi tới hãng tin Reuters, phía Hoa Kỳ khẳng định lại mong muốn thiết lập quan hệ hải quân chặt chẽ hơn với Việt Nam.
Phát ngôn viên và chỉ huy Hạm đội 7, ông William Marks viết trong thư trao đổi với Reuters: “Chúng tôi quan tâm tới việc kết nối các đối tác trên Biển Đông và hoan nghênh việc tăng cường các chuyến thăm cảng với Việt Nam”.
Viên chức quân sự Mỹ nói rằng hải quân nước này không thay đổi việc điều động do căng thẳng Trung – Việt, nhưng hàng ngày vẫn điều máy bay do thám bay trên vùng Biển Đông.
Tàu chỉ huy của Hạm đội 7 là tàu khu trục USS Blue Ridge, hiện cũng đang ở trong vùng Biển Đông.
Reuters dẫn nhận định của ông Carl Thayer, một chuyên gia về quân sự Việt Nam từ Học viện Quốc phòng Australia, nói ông tin rằng Hà Nội nên chớp lấy cơ hội để mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ, trong đó có cả chia sẻ thông tin tình báo.
Ông Carl Thayer cũng cho rằng, đây là “lựa chọn duy nhất” vào lúc này, và sẽ có lợi ích “lâu dài cho Việt Nam”.
BDN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét