Pages

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Trung Quốc tính toán sai trong vụ giàn khoan

Đôi lời: Tác giả bài viết này, Bill Hayton đã từng bị Bộ Công an Việt Nam cấm cửa, không cho vào Việt Nam tham dự hội thảo về Biển Đông hồi tháng 11 năm 2012 ở Sài Gòn, mặc dù ông đã được Học viện Ngoại giao (thuộc Bộ Ngoại giao VN) gửi thư mời tham dự. Nhiều người nhận định rằng, cuốn sách “Việt Nam: con rồng đang lên” của Bill Hayton đã làm cho nhà cầm quyền khó chịu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, do Bill Hayton thường đưa tin về các vụ khiếu kiện cũng như về những nhà bất đồng chính kiến ở VN trước đây, nên đã làm cho an ninh Việt Nam khó chịu, và họ đã cấm không cho ông nhập cảnh. Đây là cái tát của Bộ Công an vào mặt Bộ Ngoại giao Việt Nam, và sự kiện này có thể thấy được quyền hành của bộ nào lớn hơn.

Anh Ba Sàm

Bắc Kinh đã với tay quá xa ngoài biển Đông?
  
Trung Quốc đã đạt được gì khi đưa giàn khoan nước sâu của họ vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa?

Với một hành động đơn lẻ họ đã ‘thành công’ làm vỡ mối quan hệ với những người cộng sản anh em tại Việt Nam, làm công luận Việt Nam phẫn nộ, tạo ra hàng gigabyte tin trên phương tiện truyền thông quốc tế quan trọng, làm sống lại diễn từ về “mối đe dọa Trung Quốc” ở Đông Nam Á và làm ASEAN thống nhất, đứng sau một tuyên bố quan trọng về hành động của họ. Ít nhất 3.000 người Trung Quốc đã bị buộc phải rời khỏi Việt Nam trước đám đông giận dữ đã đốt hàng chục nhà máy, không phân biệt là của người Hoa Đài Loan hay Hoa lục địa. Và để làm gì?

Luôn có cơ may để giàn khoan dầu này có thể khoan ra dầu nhưng xác suất rất mỏng manh. Có thể CNOOC đã nắm được các khảo sát địa chấn của khu vực này nhưng dường như có nhiều khả năng là chỗ đặt giàn khoan được chọn vì lý do địa chính trị hơn là địa lý. Chưa có mỏ dầu nào khác được phát hiện gần quần đảo Hoàng Sa.

Theo Yenling Song của Platts Energy ở Singapore, ước tính CNOOC phải chi 328.000 USD một ngày để giữ giàn khoan ở điểm đó. Mặc dù CNOOC có đầy rẫy tiền mặt, nó không thể để giàn khoan ở mãi một vị trí mà chẳng tìm ra thứ gì. Giàn khoan cuối cùng sẽ phải rút đi, và một khi nó ra đi, biển sẽ trống vắng trở lại. Tất cả những rắc rối gây ra hơn hai tuần qua sẽ chẳng vì lợi lộc kinh tế nào cả.

Nếu lợi nhuận không phải là lý do để CNOOC khoan ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa thì chúng ta phải giả định rằng có các yếu tố khác đã ảnh hưởng đến những người ra quyết định ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi chúng ta lần lượt nhìn vào từng yếu tố, có vẻ như khó để thấy cuộc đối đầu hiện nay sẽ thúc đẩy lợi ích tổng thể của Trung Quốc đi lên như thế nào. Thật ra, có vẻ lợi ích đó có nhiều khả năng sẽ bị tổn hại hơn.

Có thể Bắc Kinh nghĩ rằng khoan dầu sẽ là một sự khẳng định rõ ràng chủ quyền thuộc về Trung Quốc: một hành động sẽ hậu thuẫn cho yêu sách lãnh thổ của đất nước này. Tuy nhiên, có thể dự đoán được là Việt Nam cũng thực hiện một phản ứng không kém quyết đoán. Tòa án quốc tế sẽ không coi cuộc đối đầu hiện nay là việc củng cố cho yêu sách của bên nào đối với các đảo và vùng nước xung quanh. Nếu việc củng cố vị thế pháp lý của Bắc Kinh là lý do cho thao tác đó thì họ đã thất bại.

Chia tách ASEAN?

Động thái này có thể là một nỗ lực để chia tách Hiệp hội các nước châu Á và cô lập Việt Nam. Có lẽ Bắc Kinh đã hy vọng lặp lại việc làm thành công của họ tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp tại Phnom Penh vào tháng 7 năm 2012. Cuộc họp đó tiếp sau việc Trung Quốc chiếm đóng thành công bãi cạn Scarborough, một rạn san hô nằm ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, và cũng sau việc CNOOC thông báo mời đấu thầu các lô thăm dò dầu trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. (Những lô này nằm ngay phía nam địa điểm tranh chấp hiện nay).

Tại cuộc họp Phnom Penh, Philippines và Việt Nam yêu cầu các đồng nhiệm ASEAN ra một tuyên bố ủng hộ. Nỗ lực của họ đã bị cản trở bởi những hành động của nước chủ nhà, Campuchia phủ quyết bất kỳ tuyên bố nào có đề cập đến các sự cố này. Nhiều tường thuật vào thời điểm đó cho thấy rằng Campuchia đã làm như vậy là do ảnh hưởng mạnh mẽ của ngoại giao và viện trợ của Trung Quốc. ASEAN gánh chịu chia rẽ và thương tổn.

Có lẽ Trung Quốc hy vọng sẽ lặp lại thành công đó lần này bằng việc ra tay với Việt Nam chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Có lẽ các nhà ngoại giao của TQ tự tin rằng họ có thể thuyết phục Campuchia và có thể Myanmar, Thái Lan hoặc Lào phủ quyết một tuyên bố chung, để Việt Nam bị cô lập và ASEAN chia tách. Điều đó đã không xảy ra. ASEAN đã ra tuyên bố đặc biệt phê phán các sự cố ở biển Đông.

Một số nhà quan sát cho rằng vì tuyên bố không nêu rõ tên Trung Quốc, nên Việt Nam đã thất bại trong việc giành lấy sự ủng hộ của các nước ASEAN. Nhưng ASEAN không làm việc theo cách đó. Quay trở về tận tuyên bố lần đầu tiên của ASEAN về biển Đông vào năm 1992, sau khi Bắc Kinh cấp chuyển nhượng quyền khai thác dầu ngoài khơi bờ biển Nam Việt Nam cho một công ty Mỹ, và khi Bắc Kinh chiếm đảo Vành Khăn trong EEZ của Philippines năm 1995 – ASEAN luôn luôn bày tỏ mối quan ngại của mình với sự kiềm chế và bình thản. Bất cứ ai mong đợi ASEAN áp đặt trừng phạt kinh tế Trung Quốc, hoặc phái một lực lượng đặc nhiệm biển ra tống tiễn giàn khoan dầu của CNOOC cần tìm hiểu thêm một chút về Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh hy vọng cô lập Việt Nam và chia tách ASEAN, họ đã thất bại. ASEAN đã đứng lên từ khủng hoảng, đoàn kết và cảnh giác hơn bao giờ hết về ý định của Trung Quốc.

Gây sức ép với Việt Nam?

Tháng 12 năm 2000 Trung Quốc và Việt Nam thoả thuận đường phân giới biển chung nằm trong Vịnh Bắc Bộ. Đường này chạy từ biên giới Trung Quốc trên bờ biển đất liền theo hướng đông nam xa tới đảo Hải Nam. Mặc dù đã gần 14 năm đàm phán kể từ đó, hai bên đã không thể thoả thuận đường này sẽ đi tiếp tới chỗ nào. Điểm bế tắt là tranh chấp về quyền sở hữu quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo này nằm ngoài cửa Vịnh và nếu không có một giải pháp cho tranh chấp này thì không thể có thoả thuận về đường phân giới.

Tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm Việt Nam và Chính phủ hai nước đã đồng ý thành lập một “nhóm công tác biển”. Tuy nhiên, dù có sự thúc giục của Lý Khắc Cường vẫn không có tiến bộ nào trong việc vẽ đường ranh giới. Trong bối cảnh đó, việc triển khai giàn khoan dầu có thể được hiểu như nỗ lực của Bắc Kinh để nâng tầm quan trọng, cố cho Việt Nam thấy rằng Bắc Kinh không đùa trong việc xốc tới với việc phát triển các nguồn tài nguyên biển dù Hà Nội có đồng ý hay không.

Tuy nhiên, động tác mạnh bạo này dường như không có hiệu quả. Có vẻ không thể xảy ra việc giàn khoan sẽ khám phá ra mỏ dầu khí có trữ lượng thương mại. Thậm chí nếu có thì những khó khăn trong việc đặt đường ống dẫn hoặc duy trì một đội sà lan đối mặt với sự phản kháng của Việt Nam sẽ là đáng kể. Việt Nam có thể chỉ cần thách thức ý định của TQ. Sẽ không có sự phát triển chung thực sự của khu vực này mà không có sự đồng ý của Việt Nam.

Gây áp lực ASEAN

Tương tự, động thái mới nhất này có thể được hiểu như là Trung Quốc gây sức ép với Việt Nam và các thành viên ASEAN khác đồng ý các chi tiết của một Bộ Quy tắc Ứng xử mới cho biển Đông. ASEAN hy vọng Bộ Quy tắc này sẽ ngăn chặn các tranh chấp trên biển nhưng Trung Quốc không vội vã trong việc đưa nó thành hiện thực. Các cuộc đàm phán, hoặc thường hơn là những đàm phán về đàm phán, đã kéo lê năm này qua năm khác. Bế tắc mới nhất này có vẻ gần như đảm bảo sẽ làm cho ASEAN đòi hỏi một bộ quy tắc ứng xử cứng rắn hơn để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra lần nữa. Đó không phải là điều mà Bắc Kinh mong muốn. Một lần nữa, việc triển khai giàn khoan dường như đã gây tổn hại lợi ích lâu dài của Trung Quốc.

Chiến thuật đánh lạc hướng

Cách giải thích có lý nhất về việc triển khai giàn khoan, và là cách duy nhất cho thấy Bắc Kinh sẽ đạt được những gì họ muốn, là việc phát hiện mới đây rằng các lực lượng Trung Quốc đang tham gia vào một dự án xây cất quy mô lớn trên đá Gạc Ma (Johnson Reef). Đây là một bãi cát, chìm dưới nước khi triều cao mà lực lượng Trung Quốc chiếm lấy bằng vũ lực vào năm 1988, một động thái kích động nên một trận đánh làm mấy chục binh sĩ Việt Nam bị tàn sát bằng súng máy Trung Quốc. (Một đoạn video về cuộc tàn sát này phổ biến trên YouTube.) Có suy đoán rằng Trung Quốc có ý định biến rạn san hô này thành một căn cứ không quân. Bằng cách chuyển sự chú ý toàn cầu và của cảnh sát biển và hải quân Việt Nam vào quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có thể cho mình khoảng trống cần thiết để bắt đầu công trình mà không bị quấy rối.

Tại sao?

Một ngày nào đó chúng ta có thể phát hiện chính xác lý do tại sao phía Trung Quốc quyết định triển khai giàn khoan cùng đội tàu đi kèm đến chỗ đó vào thời điểm này. Chúng ta biết rất ít về cách mà những quyết định như thế được đưa ra. Các nhà quan sát đóng tại Bắc Kinh cho rằng Bộ Ngoại giao gần như không có quyền lực trong guồng máy Trung Quốc. Một nhà phân tích nói với International Crisis Group (Nhóm giải quyết các khủng hoảng quốc tế) năm 2012 rằng, Bộ này đứng đâu đó giữa thứ hạng 40 và 50 trong hệ thống tầng bậc của guồng máy.

Quan trọng hơn nhiều là quân đội, những bộ phận thuộc sở hữu nhà nước tạo được thu nhập lớn như CNOOC và các tỉnh như Hải Nam và Quảng Đông. Cũng có thể là đây chính là những diễn viên đã thúc đẩy chiến dịch quần đảo Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao có thể đã không đủ khả năng chống lại áp lực kết hợp của họ.

Người nước ngoài có xu hướng xác định việc hoạch định chính sách ngoại giao Trung Quốc theo hai cách. Thứ nhất là “Trung Quốc Toàn Năng” – những hành động của một cường quốc kiên quyết vươn lên, quyết chí đạt tới việc thống trị Đông Á, đe dọa các nước láng giềng và phá hoại lợi ích của Mỹ trong khu vực.

Đôi khi có xu hướng giải thích theo khuôn mẫu phương Đông về các quan chức khôn ngoan, thông thái che giấu ý định thực sự của họ đằng sau lớp mặt nạ rất bí mật. Chúng ta có thể gọi đây là “Trung Quốc Toàn Giác”.

Nhưng bế tắc mới nhất này cũng cung cấp bằng chứng cho một cách giải thích thứ ba. Bắc Kinh đã không tạo được tiến bộ trong bất kỳ mục tiêu lớn hơn trong khu vực: chỉ toàn điều ngược lại. Họ đã khó chịu, căm ghét và lo ngại các nước láng giềng và cho họ thêm lý do để ôm lấy việc Mỹ chuyển trục sang châu Á. Cả Malaysia lẫn Indonesia đều đang nói công khai hơn bao giờ hết về các quan ngại của họ. Có lẽ chúng ta nên xem vở diễn này như là một trường hợp về “Trung Quốc thiếu năng lực” trên cơ sở là việc vạch ra chính sách đối ngoại của họ thực sự là không thật tốt.
 
Bill Hayton
Huỳnh Phan chuyển ngữ

Bill Hayton là tác giả quyển sách “Việt Nam: con rồng đang lên” (NXB Yale, 2010) và “Biển Đông và cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á” được Yale xuất bản trong tháng 9 [năm 2010].

Nguồn: Asia Sentinel
 
(ABS) 

Không có nhận xét nào: