Sự việc các trang web báo chí ở Việt Nam vào ngày 4.6 rút nhiều bài báo về cuộc đàn áp Thiên An Môn 1989 tại Trung Quốc làm nhiều người tin rằng có một sự chỉ đạo của một “nhân vật nào đó” từ cơ quan kiểm duyệt báo chí dù rằng trả lời BBC sáng 5/6, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ cho biết “hoàn toàn không có chuyện kiểm duyệt” tin tức trong nước về sự kiện này.
Trước sự kiện “kỳ lạ” này, nhà báo Nguyễn Vạn Phú của tờ Thời báo Kinh tế SàiGòn viết trên trang facebook cá nhân: “Ối, sao kỳ lạ vậy. Tất cả các bài về sự kiện Thiên An Môn trên các báo trong nước tự nhiên biến đâu mất? Vì sao? Chuyện ở Trung Quốc, cách đây đã 25 năm, có liên quan gì mà phải gỡ? Nếu muốn giải thích sự kiện đó dưới nhãn quan gì thì cứ viết bài, trả lời phỏng vấn, viết hồi ký, bút ký, chính luận, sao cũng được, sao lại chọn cách blackout thông tin giùm cho Trung Quốc?”
Vậy việc đăng bài rồi rút bài là do đâu? Nếu cho rằng do cá nhân người chịu trách nhiệm tờ báo đăng rồi “sợ đụng chạm” nên rút thì vì sao hằng loạt báo cùng rút bài trong cùng một thời điểm?
Và dù có chỉ đạo “từ trên” hay tự bản thân tờ báo muốn bưng bít thông tin đã “lỡ đăng”, ngày nay trong thời đại các trang cá nhân nở rộ trên internet, việc này là vô ích và phản cảm. Tất cả các bài đã đăng đều được lưu lại dưới dạng này hay dạng khác. Có thể ví von việc kiểm duyệt thông tin như chuyện một con thuyền cũ kỹ, già nua, thủng nhiều chỗ đang cố bơi trên dòng nước lớn đang ào ạt chảy là mạng lưới internet. Việc kiểm duyệt giống như chỉ bịt được vài lổ thủng, nước vẫn mạnh mẽ tuôn vào và đến một lúc nào đó nước sẽ nhấn chìm thuyền.
NGUYỄN ĐÌNH BỔN
(Dân News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét