Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Trung Quốc đang chơi đòn kinh tế đánh Việt Nam

Trung Quốc đang ngấm ngầm dùng đòn kinh tế để đánh Việt Nam, một điều đã từng được nhiều chuyên viên trong nước cảnh cáo lâu nay nhưng không thấy có kế hoạch đối phó.

Tại nhà máy sản xuất dây cáp điện tử ở Hà Nội, hầu hết nguyên liệu cho sản xuất đều đến từ Trung quốc. (Hình: AP)

Cũng giống như hàng ngàn chủ nhân các cơ sở công nghệ nhẹ khác tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phúc tùy thuộc vào kỹ thuật và nguyên liệu của Trung Quốc để cho ra sản phẩm, công ty ông hoạt động kinh doanh sản xuất bình thường. Nhưng những căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, rồi lại xảy ra các vụ bạo động nhắm vào các công ty Trung Quốc, đang ảnh hưởng tới công ty của ông.

Theo một ký sự ngắn của hãng thông tấn AP, các chuyên viên kỹ thuật của Trung Quốc dự trù tới nâng cấp cho trang bị máy móc của ông, đã không đến vì sợ an nguy đến tính mạng, đã từng xảy ra bạo động nhắm vào người Trung Quốc hồi tháng trước. Đã vậy, các nhà cung cấp nguyên liệu cho hãng của ông lại không nhận trả tiền mặt để lấy hàng. Ông còn sợ rằng mối quan hệ kinh doanh sẽ còn tồi tệ hơn nữa, cho nên, ông đã phải mua nguyên liệu đi vòng qua một nhà cung cấp thứ ba, thay vì trực tiếp.

“Một trăm phần trăm các công ty Việt Nam chỉ muốn yên ổn để kinh doanh.” Ông Phúc nói như vậy tại công ty sản xuất dây cáp điện tử của ông ở Hà Nội.

Những tháng gần đây, đặc biệt từ đầu Tháng 5-2014, các sự kình chống trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc làm đầu óc người dân Việt Nam khắp nơi căng thẳng theo tin tức thời sự. Giới bình luận thời sự tin rằng một cuộc đối đầu võ trang khó xảy ra giữa hai nước nhưng mối quan hệ giữa hai nước sẽ không cải thiện trong thời gian sớm trước mặt.

Phía Việt Nam đã kêu gọi Trung Quốc, qua hơn 20 cuộc họp, rút giàn khoan HD981 về nước và bắt đầu đàm phán. Tuy nhiên, Bắc Kinh từ chối, lấy cớ khu vực đặt giàn khoan nằm trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của mình. Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa sau một trận hải chiến hồi đầu năm 1974 nhưng Việt Nam luôn luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sự thách đố Trung Quốc trên biển có ảnh hưởng trên đất liền của hai nước “núi liền núi, sông liền sông” dù là “đồng chí anh em” có thể dễ nhìn thấy. Nền kinh tế của Việt Nam bị Trung Quốc lũng đoạn từ củ hành củ tỏi ngoài chợ đến vải vóc, máy móc kỹ nghệ. Nay, tuy đòn kinh tế từ Bắc Kinh chưa thấy nhất loại diễn ra trên mọi khía cạnh, nhưng cũng đã xuất hiện.

Một số chuyên gia ước tính nền kinh tế của Việt Nam chậm lại vì hệ quả từ những biến động xảy đến bất ngờ. Nguyễn Đức Thành, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Việt Nam dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ giảm khoảng 1% tổng sản lượng quốc gia cho năm nay, một phần do sự trì hoãn một số dự án hạ tầng cơ sở, nhất là các dự án điện năng.

Lý do chính là các nhà thầu Trung quốc chiếm hầu hết các dự án đó. Ông Thành không tin là họ sẽ ngừng thi công hoàn toàn mà chỉ tin là họ làm chậm lại.

Những yếu tố khác ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam là các thủ tục kiểm soát thuế quan ở các cửa khẩu sẽ chặt chẽ hơn làm buôn bán “biên mậu” chậm lại, giới đầu tư cảm thấy không an toàn nên giới hạn đầu tư vào Việt Nam. Du khách Trung quốc cũng tránh đến Việt Nam, một trong những nguồn thu chính của ngành du lịch.

Mọi người đều biết Trung Quốc cung cấp nguyên vật liệu và phụ tùng, bộ phận rời cho phần lớn kỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam. Bộ phận rời để sản xuất điện thoại thông minh, vải, sợi để may quần áo, da thuộc để sản xuất giày dép là một số thí dụ điển hình.

Trong bốn tháng đầu năm 2014, Việt Nam chi $40.2 tỷ cho việc nhập cảng. Trong đó có $10 tỷ để nhập cảng nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, hàng hóa của Trung Quốc. Cùng thời gian này, giá trị hàng hóa của Việt Nam xuất cảng sang Trung Quốc chỉ khoảng $3.9 tỷ, theo các con số thống kê chính thức.

Thực trạng nêu trên khiến ông Võ Trí Thành, một chuyên gia kinh tế lo ngại. Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam càng ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu, vật liệu, phụ liêu của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất cảng, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp hấp hối vì không kịp ứng phó. Ông Thành than rằng, cả khả năng cạnh tranh lẫn công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu, vì vậy Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về hàng trung gian lẫn hàng tiêu dùng cuối cùng.

Các chuyên gia khuyên, muốn chống đỡ làn sóng hàng Trung Quốc, Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn cho công nghiệp hỗ trợ. Trong đó chú trọng thu hút các tập đoàn đa quốc gia mở cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, phát triển các ngành sản xuất phục vụ xuất cảng, quản lý nhập cảng qua đường biên giới tốt hơn.

Những khó khăn của ông Nguyễn Văn Phúc, chủ hãng sản xuất dây cáp điện tử, trình bày với hãng thông tấn AP sẽ không có lời giải đáp trong đoản kỳ khi công nghệ hỗ trợ đã không đặt thành vấn đề phải giải quyết từ nhiều năm trước đây.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: