Pages

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Vụ giàn khoan HD981 là cơ hội Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

000_Hkg9841532-600.jpg

Từ trái sang: Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Phó Tổng Thống Myanmar U Nyan Tun tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Manila hôm 22/5/2014.
AFP photo

Nghe Bài Này


T.S Ngô Trí Long đánh giá về tin tức mới đây mà tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng phổ biến rằng Chính phủ TQ tạm thời cấm các công ty quốc doanh nước này tham gia đấu thầu dự án ở Việt Nam:
Nói chung hiện nay khả năng về quan hệ thương mại, đầu tư và du lịch trước tình hình biển Đông như vậy với Trung Quốc, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có khả năng cấm vận (Việt Nam) hay không là điều đặt ra. Báo Bưu Điện Hoa Nam Trung Quốc nêu lên là Bộ Thương Mại TQ khuyên, quyết định các doanh nghiệp TQ sẽ không tham gia đấu thầu đối với Việt Nam. Trước hết, phải xem tin đấy có phải là tin thật hay đó chỉ là động tác để thăm dò hay áp lực đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó không phải là nguồn tin chính thức vì tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng chỉ là tờ báo có tính chất lá cải, không phải là cơ quan ngôn luận chính thống của TQ, nhưng tại sao họ lại đưa ra vấn đề này, có thể thứ nhất họ thăm dò, thứ hai họ áp lực kinh tế để trả đũa Việt Nam trong việc họ hạ đặt giàn khoan trái phép ở biển Đông. Theo phân tích, mình cũng cần phải cảnh giác và dự báo: Dự báo thứ nhất là liệu Trung Quốc có dám làm điều này hay không? Thực chất trong quan hệ đối tác làm ăn thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc thì hai bên cùng có lợi, mà Trung Quốc lại lợi nhiều hơn.
Trong buôn bán, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc rất nhiều, thường họ tuồn hàng hóa sang đây phần lớn là sản phẩm kém chất lượng, máy móc công nghệ cũ, lạc hậu. Cho nên, nếu cấm vận thực sự thì Việt Nam mất ít hơn Trung Quốc, Trung Quốc tuy là một nước lớn, đông dân nhưng lại nhiều dân nghèo nhất thế giới.
Thực chất trong quan hệ đối tác làm ăn thương mại, đầu tư, du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc thì hai bên cùng có lợi, mà Trung Quốc lại lợi nhiều hơn.
- T.S Ngô Trí Long
Vấn đề thứ hai về đầu tư, thực chất đầu tư của TQ vào Việt Nam hiện nay rất ít, về đầu tư trực tiếp, vốn đăng ký chỉ vào khoảng 7,6 tỷ đô la nhưng vốn thực hiện chỉ là khoảng 4,3 tỷ đô la. Đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều, đặc biệt, họ đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Thường thường họ bỏ thầu giá thấp, mà Việt Nam trong giai đoạn đầu lại chủ yếu coi trọng về giá, hơn nữa thủ đoạn của Trung Quốc làm ăn, theo cách hối lộ, mua chuộc “có nghề” của họ. Thường tiền lệ của nhà thầu Trung Quốc đối với Việt Nam là: bỏ giá thấp, thi công chậm trễ, kéo dài, rồi yêu cầu đội vốn lên, đưa công nghệ lạc hậu vào, đưa lao động phổ thông vào nhiều, gây bất lợi cho Việt Nam.
Vũ Hoàng: Vậy thưa T.S, phía Việt Nam đã chuẩn bị đối phó với những tình huống này như thế nào ạ?
T.S Ngô Trí Long: Việt Nam đã chuẩn bị rồi, đối với những giải pháp thì Chính phủ và các doanh nghiệp luôn luôn sẵn sàng, thực tế, quan điểm của chính phủ VN là không bài kích Trung Quốc, giao thương bình thường, duy trì ổn định cùng nhau phát triển, hợp tác để cùng nhau có lợi.
Vũ Hoàng: Theo như chúng tôi tìm hiểu, thì nhiều vị chuyên gia kinh tế cho rằng VN cần thực hiện nhanh chóng việc tái cấu trúc, trong đó chuyển hướng tập trung vào thị trường nội địa nhưng vẫn theo đuổi chính sách ưu đãi cho xuất khẩu, đồng thời cân bằng với sản xuất tiêu thụ nội địa, T.S nghĩ thế nào về vấn đề này?
T.S Ngô Trí Long: Nói chung là xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ của Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập là một vấn đề đặt ra thường trực đối với VN. Không phải bây giờ khi có chuyện xảy ra trục trặc với Trung Quốc thì mới đưa vấn đề này ra mà đã có từ lâu rồi, nhưng thời điểm này là một cú huých, tạo điều kiện để đẩy nhanh hơn. Mọi người nói rằng đây là cái họa, nhưng trong họa có phúc, trong rủi có may mà Việt Nam đã đặt ra từ lâu rồi. Nếu muốn hội nhập sâu, muốn cạnh tranh trên thương trường, Việt Nam phải tái cơ cấu, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả, đặc biệt, trong bối cảnh này buộc Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình đó.
Vũ Hoàng: Xin được hỏi T.S cụ thể những biện pháp đó là gì trong ngắn hạn và trung hạn ạ?
Nếu muốn hội nhập sâu, muốn cạnh tranh trên thương trường, Việt Nam phải tái cơ cấu, nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả, đặc biệt, trong bối cảnh này buộc Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình đó.
- T.S Ngô Trí Long

T.S Ngô Trí Long: Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam chống nhập siêu trong đó có chống nhập siêu từ Trung Quốc, hiện nay có rất nhiều chương trình, nhưng phần lớn hiện nay là không đi vào gốc vấn đề như: rào cản kỹ thuật, chống buôn lậu, nâng cao tính cạnh tranh…quan trọng nhất là phải phát huy nội lực, cải cách làm sao nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả, điều đó mới là vấn đề quan trọng cốt lõi để chống nhập siêu Trung Quốc. Điều này, chính phủ đã đặt ra từ lâu là tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng, trước đây là tăng trưởng theo chiều rộng thì giờ phải tăng trưởng theo chiều sâu. Tái cơ cấu, nâng cao năng suất chất lượng, thay đổi mô hình tăng trưởng cần phải làm thật nhanh.
Đối với quan hệ thương mại đầu tư, hiện nay, Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại tự do rồi, sắp tới đang soạn thảo, đang bàn thêm 6 hiệp định thương mại tự do nữa. Tranh thủ lúc này, Việt Nam nên phát huy các hiệp định thương mại này để đa dạng hóa các thị trường, đồng thời, trong hoạt động đấu thầu thì phải thay đổi và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để tăng cường đầu tư thì phải cải tiến môi trường đầu tư, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt phải chọn lựa kỹ càng. Trong hoạt động đấu thầu, phải đặt ra những điều kiện, yêu cầu cải cách quy định nội địa hóa rất cao, có chế tài xử phạt thật nghiêm nạn tham nhũng hay nhận hối lộ, đó là điều cực kỳ quan trọng, theo tôi, đấy là những giải pháp cụ thể cả trước mắt lẫn lâu dài.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn T.S rất nhiều đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với chúng tôi
.

Không có nhận xét nào: