Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Đánh giá 30 năm đổi mới dễ hay khó?

Kinh tế Việt Nam
30 năm phát triển của Việt Nam có nhiều vấn đề tranh luận
Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết '30 năm đổi mới' với chính phủ chỉ đạo các cơ quan, bộ ngành và địa phương phải hoàn tất công việc trước tháng 5/2015.
Chính phủ Việt Nam đã đề nghị World Bank tham gia vào một nghiên cứu chung cùng tổng kết 30 năm công cuộc cải tổ của Việt Nam, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim tới Hà Nội vào trung tuần tháng Bảy.

Hôm 31/7/2014, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, từ Học viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư (MPI), nêu quan điểm cho rằng Việt Nam đã có một giai đoạn được cho là 'chững lại' khoảng 20 năm sau đổi mới, nhưng chưa rõ nhà nước có dám phản ánh đúng 'sự thực, khách quan' hay không.
Tuy nhiên một số ý kiến quan sát và phân tích từ trong nước đặt một số câu hỏi cho việc tổng kết từ mặt thời gian, cho tới nội dung và quan điểm, định hướng.

"Tôi nghĩ rằng việc tổ chức nghiên cứu chắc chắn để phục vụ cho Đại hội Đảng, thế còn có kịp hay không kịp, cũng chắc chắn rằng sẽ có một bản báo cáo. Nhưng độ sâu và chất lượng đến đâu thì nó lại là một việc khác."
TS. Hàn Mạnh Tiến
Trong khi đó, một nhà phân tích khác, TS. Hàn Mạnh Tiến, từ Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VNA) cho rằng thời gian chỉ còn sáu hay bảy tháng để hoàn tất đánh giá tổng kết một giai đoạn có nhiều phân đoạn quan trọng có thể là 'ít' và nếu có hoàn tất, chỉ có thể phản ánh được một số 'nội dung cơ bản'.

'Phục vụ Đại hội Đảng'

Ông Hàn Mạnh Tiến, nguyên thành viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), nói với BBC về điều mà ông tin là mục đích của việc tổng kết này.


'Thời gian tổng kết 30 năm quá gấp gáp?'
Ông nói: "Thứ nhất, tôi nghĩ rằng việc tổ chức nghiên cứu chắc chắn để phục vụ cho Đại hội Đảng, thế còn có kịp hay không kịp, cũng chắc chắn rằng sẽ có một bản báo cáo.
"Nhưng độ sâu và chất lượng đến đâu thì nó lại là một việc khác. Trong vòng sáu, bảy tháng, mà để nghiên cứu một cách kỹ lưỡng giữa 30 năm đổi mới Việt Nam để rút ra các bài học, rút ra các cách thức, thì tôi nghĩ thời gian hơi ít, cần một thời gian dài hơn và nghiên cứu sâu hơn.
"Tuy nhiên, nếu Ngân hàng Thế giới, Chính phủ huy động được và sử dụng được những đội ngũ chuyên gia, những nhóm chuyên gia có năng lực và có tâm huyết, cũng có thể rút ra được những điều cơ bản."
Nhà phân tích cho rằng từ trước tới nay, tiếp cận tư vấn, khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam đều thực hiện theo phong cách "mềm mỏng", nên không có "xung đột" gì lớn về mặt tư tưởng, đường hướng, trừ ở một số khuyến nghị ở tầm mức giải pháp, kỹ thuật.

"Cần phải có những đánh giá khách quan, thẳng thắn, sự thật, để có những giải pháp tốt nhất, phát triển giai đoạn sau, nhưng liệu người ta có nhìn thẳng vào sự thật không? Thí dụ như đánh giá nó bị 'chững lại' của đổi mới, hay là vẫn có 'những bước tiến' vân vân, nói chung chung như vậy"
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam đang phải giải quyết tường minh quan niệm về mối quan hệ trên thực tế giữa thế nào là "nền kinh tế thị trường" được kết hợp với điều được gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa".
Ông Tiến nói: "Không thể giải thích được, và cho tới ngày nay cũng không có ai giải thích hoặc viết một cách rành mạch thế nào là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Ở đây, kinh tế thị trường là kinh tế thị trường, còn vế gọi là 'xã hội chủ nghĩa' nó phải được thể hiện ở những chính sách, những luật lệ, những hệ thống khác, cho nên gắn hai từ ấy vào với nhau, rõ ràng tạo ra sự lúng túng về mặt tư tưởng và định hướng."

Dám nhìn thẳng sự thật?

Việc đánh giá đổi mới của Việt Nam như thế nào để hiệu quả và thực chất và tránh hình thức đang là một quan tâm của giới quan sát.

'Liệu VN có dám tổng kết đúng sự thật?'
Hôm 31/7, PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói với BBC: "Khi đánh giá 20 năm, có vẻ lạc quan hơn, nhưng đánh giá đến 30 năm, thì người ta cho rằng mười năm sau này có những bước chững lại, do những khó khăn nội tại, cũng như điều hành của chính phủ, có những lỗi trong điều hành của chính phủ, làm cho đổi mới này có vẻ bị chững lại.
"Thể hiện qua niềm tin của dân chúng giảm sút, rồi tổng cầu giảm v.v... và cả những vấn đề khác liên quan, khi mà kinh tế suy giảm, nó kéo theo cả những vấn đề xã hội.
"Cái người ta quan tâm chính là giai đoạn 10 năm, giai đoạn đặc biệt từ năm 2008-2009 đến nay, sẽ có những đánh giá đặc biệt.
"Cần phải có những đánh giá đặc biệt trong thời kỳ dài là 30 năm, nhưng giai đoạn này, cần phải có những đánh giá khách quan, thẳng thắn, sự thật, để có những giải pháp tốt nhất, phát triển giai đoạn sau, nhưng liệu người ta có nhìn thẳng vào sự thật không?
"Thí dụ như đánh giá nó bị 'chững lại' của đổi mới, hay là vẫn có 'những bước tiến' vân vân."

'Chưa được rõ ràng?'

Một số chuyên gia từ BấmHội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã từng góp ý với một văn kiện của Trung ương Đảng Cộng sản về việc cần xem lại điều được cho là mô hình mấy chục năm hậu đổi mới tới nay của Việt Nam kết hợp giữa "kinh tế thị trường" với "định hướng xã hội chủ nghĩa".
Liệu việc tổng kết 30 năm có rút ra kinh nghiệm gì hoặc giải pháp nào để điều chỉnh, sửa đổi hay không, PGS. Thọ nêu quan điểm:
"Đây là một câu hỏi rất là lớn mà có những ý kiến rất trái ngược nhau, một cho là nội hàm của 'kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa' trong suốt nhiều năm, cho đến bây giờ chưa được rõ ràng. Kể cả nội dung, mục tiêu cần thực hiện, hoặc cụ thể hóa như thế nào, thì chưa được làm rõ.
"Giới nghiên cứu cho rằng khó hy vọng có những thay đổi đột biến hoặc thay đổi mạnh mẽ hơn của Đại hội 12 sắp tới, dự định tổ chức vào đầu năm 2016," nhà nghiên cứu chính sách nói với BBC.

Không có nhận xét nào: