Pages

Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Bùi Thị Minh Hằng và vụ án chính trị bị hình sự hoá


datvie_bui-thi-minh-hang-
Lê Diễn Đức – Hình sự hoá vụ án đối với những đối tượng biểu tình chống Trung Quốc và tham gia các hoạt động tranh đấu cho dân chủ, tự do, nhân quyền là bài bản thâm hiểm của chế độ cộng sản Việt Nam.
Nhân vô thập toàn, ai cũng là con người với đủ tham, sân, si, chỉ cần để sơ hở là bị nhà cầm quyền mượn gió bẻ măng ngay lập tức.
Vụ án xử Nguyễn Văn Dũng (nick name Aduku) về tội giao cấu với vị thành niên, hay Trương Minh Tam (nick name Trương Ba Không) vì tội đòi nợ “không đúng quy trình” chứng minh điều đó.

Có tội bị xử không nói làm gì, nhưng tiến trình diễn ra của các phiên toà với hai người nói trên bất bình thường, không giống một vụ án hình sự khác khi có cả một lực lượng công an, an ninh đông đảo canh chừng, kiểm soát.
Đến lượt luật sư Lê Quốc Quân bị xét xử về một tội danh “trốn thuế” mơ hồ và áp đặt. Các tổ chức nhân quyền quốc tế, chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu đều khẳng định đây là vụ án chính trị bị hình sự hoá và đòi trả tự do cho anh.
Tuy nhiên, sòng phằng mà nói, từ những tư liệu mà nhà cầm quyền đưa ra, khó có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, công ty của anh Lê Quốc Quân hoàn toàn không có bất kỳ khiếm khuyết gì.
Xét xử những người bất đồng chính kiến bằng các vụ án hình sự nhà cầm quyền dễ dàng hợp thức hoá được khả năng loại bỏ các đối tượng này, gieo rắc hoài nghi về con người họ và có thể bịt miệng được phản ứng của dư luận.
Váo tháng 5 năm 2012 nhà chức trách Hà nội buộc phải trả tự do vô điều kiện cho bà Bùi Thị Minh Hằng, sau hơn 5 tháng giam giữ ở trại phục hồi nhân phẩm Thanh Hà. Đây là kết quả của cuộc tranh đấu không mệt mỏi của dư luận xã hội và quốc tế, cũng như tinh thần can đảm, thái độ bất tuân của bà Hằng trong suốt thời gian bị giam giữ. Nhà chức trách Hà Nội thực sự đã chơi một ván bài quá tệ và rốt cuộc phải đầu hàng!
Đuợc tự do, bà Hằng lại lăn xả vào các hoạt động tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền, ủng hộ dân oan, từ Nam ra Bắc. Bà có mặt hầu như trong mọi sự kiện. Bà viết nhật ký tố cáo điều kiện giam giữ khắc nghiệt của tại Thanh Hà, đệ đơn kiện chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về tội bắt giữ nguời trái pháp luật.
Trong các hoạt động, đối diện với công an, an ninh, bà thường xuyên cắt nghĩa cho họ hiểu về quyền tự do tố thiểu của con người. Bà chỉ trích gay gắt sự côn đồ hoá bộ máy đàn áp của nhà cầm quyền, đôi khi với ngôn ngữ mạnh mẽ. Bà như cái loa công khai truớc công chúng nói về chế độ thối nát vì tham nhũng và một xã hội đầy rẫy bất công.
Rõ ràng bà Hằng là cái gai trong con mắt nhà cầm quyền và họ sẽ phải nhổ khi có cơ hội hoặc phải tạo ra cơ hội, vì không thể để bà Hằng tiếp tục ngang nhiên phản kích như thế.
Với sự tiếp tay hay ít nhất là sự làm ngơ của nhà cầm quyền địa phương, bọn lưu manh côn đồ đã ném đồ dơ bẩn vào nhà bà để khiêu khích, trả thù. Công an liên tục gây khó dễ, phiền nhiễu khi bà đi lại, gặp gỡ bạn bè thân hữu.
Ngày 31 tháng 7, 2012, bà Hằng và một số anh chị em đi viếng tang bà Đinh Thị Kim Liêng, mẹ của blogger Tạ Phong Tần, cảnh sát giao thông đã đeo bám, ngăn chặn và định tạo ra scandal nhưng không thành.
Ngày 11 tháng 2 năm 2014 khoảng hai chục tín đồ của Phật Giáo Hoà Hảo cùng với bà Bùi Thị Minh Hằng đến thăm bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ ông Nguyễn Bắc Truyển, cựu tù nhân lương tâm bị bắt trước đó, thì gặp phải tổ tuần tra giao thông chặn lại.
Hàng trăm công an mặc quân phục và thường phục đã khám xét giấy tờ tuy thân, tước đoạt tài sản cá nhân và áp giải họ về đồn công an huyện Lấp Vò. Sau gần 40 tiếng đông hồ bị giam giữ và thẩm vấn, 18 người được phóng thích vào ngày 12 tháng 2, 2014, còn lại bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh tiếp tục bị giam giữ.
Phải mất hơn 5 thán g trời giam giữ vì cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” ngày 10 tháng 7 năm 2014 Viện Kiểm Sát tỉnh Đồng Tháp mới ra được bản cáo trạng.
Cả một đám đông công an, an ninh chặn xe, khám xét người đi đường một cách phi lý, khi không một ai vi phạm luật lệ giao thông. Một số đông những kẻ “hiếu kỳ” đến hỗ trợ, làm nhân chứng, cãi vã, xô đẩy, tạo ra một tình huống lộn xộn giữa đường, gây mất trật tư giao thông. Lỗi này đúng ra là do công an gây ra, chứ không phải là của những nạn nhân, những người sử dụng phương tiện giao thông đi lại bình thường.
Thế nhưng người ta đã quá sốt ruột chờ cơ hội và mặc dù bài vở được đạo diễn vội vàng, cẩu thả, đầy nghịch lý, người ta vẫn sẵn sàng gán ghép cho bà Bùi Thị Minh Hằng vi phạm điều 245 của Bộ Luật Hình Sự với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.
Người ta không hề có ý định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm nếu cho là có, vì bà Hằng đã bị giam giữ suốt từ tháng Hai đến nay. Người ta muốn phục hận vì đã phải trả tự do vô điều kiện cho bà hồi tháng 5 năm 2012.
Trước khi phiên toà sơ thẩm diễn ra vào ngày 26 tháng 8 năm 2014, nhà cầm quyền đã ngăn chặn tất cả những người yêu nước có khả năng tới Đồng Tháp để tham dự phiên toà. Đây là một tín hiệu cho thấy những bạn hữu của bà Bùi Thị Hằng nếu bằng cách nào đó tới được Đồng Tháp thì sẽ bị ngăn cản, khống chế và trấn áp. Hành động này của nhà cầm quyền sẽ càng chứng tỏ hùng hồn rằng đây là vụ án chính trị, có chủ ý.
Điều 245 quy định tội gây rối trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm, nhưng cũng nói có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, nếu “gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng”, hay “hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng” – là điều mà họ đang vu khống.
Luật nằm trong tay kẻ mạnh. Họ muốn xử sao mà chẳng được, nhất là được xử theo luật rừng của họ! Cho nên theo tôi, khả năng trả tự do cho bà Bùi Thị Minh Hằng, từ cái nhìn tổng thể của bối cảnh, sẽ không xảy ra, và mức án tối thiểu có thể là hai năm tù giam.
Adam Michnik, một nhà tranh đấu dân chủ nổi tiếng của Ba lan, người nằm trong danh sách “50 anh hùng của tự do báo chí” công bố ngày 3 tháng 5, 2000 của Viện Quốc Tế Báo Chí (IPI) và “20 nhà báo có ảnh hưởng nhất của thế giới” do tờ “Financial Times” bình chọn, hiện là tổng biên tập nhật báo lớn nhất Ba Lan “Gazeta Wyborcza,” viết:
Cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài ở Ba Lan có vẻ như là vô vọng. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ không sống đến ngày nó cáo chung, nhưng chúng tôi nhất định không chịu nhắm mắt và ngậm miệng. Chúng tôi tiếp tục phản đối, bằng hành động của các nhà văn và các nhà trí thức; bằng hành động của các sinh viên; bằng những cuộc bãi công của công nhân và những cuộc biểu tình trong các lễ hội tôn giáo và bằng cách thành lập những tổ chức đối lập đầu tiên. Người ta gọi chúng tôi là bọn gây rối và lũ lưu manh. Nhưng sau này mới biết, hoá ra chúng tôi đã làm những điều đúng đắn“.
Vâng, chị Bùi Thị Thanh Hằng, hôm nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xét xử chị như là “bọn gây rối và lũ lưu manh”, nhưng những điều chị làm là vô cùng “đúng đắn”. Nhà tù không thể dìm được chân lý ấy.
© Lê Diễn Đức

Không có nhận xét nào: