Pages

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Những kẽ hở đưa đến chuyển giá trốn thuế

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Đại gia Metro tưng bừng mừng năm mới

Đại gia Metro tưng bừng mừng năm mới
 Courtesy dantri.com

Nghe Bài Này
Sự kiện một công ty nói là thua lỗ triền miên được chuyển nhượng với giá cao ngất và hàng loạt nghi án chuyển giá, trốn thuế của các đại công ty nước ngoài ở Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ngành thuế và  điều gọi là kẽ hở pháp luật. Nam Nguyên trình bày thông tin này.
Những hiện tượng không bình thường
Không phải chỉ có một mình Cty bán sỉ Metro Cash & Carry 12 năm không đóng 1 đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào vì khai lỗ triền miên. Những nghi án về chuyển giá, khai lỗ và trốn thuế  được báo chí Việt Nam đưa ra trong thời gian vừa qua bao gồm những tên tuổi lớn như Coca Cola, Pepsi Cola, Nike, Adidas và Nestlé. Biện giải cho việc lỗ lã của mình, các công ty nước ngoài thường dựa vào vấn đề đặc thù nguyên liệu chính hãng phải nhập khẩu giá đắt, một khâu rất khó kiểm soát, cũng như tình trạng lạm phát ở Việt Nam đẩy mọi chi phí lên cao.
Coca Cola làm ồn ào một dạo, khai lỗ hơn 3.700 tỷ đồng 10 năm không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng không ngừng mở rộng sản xuất và sản phẩm mới. Còn Metro lỗ lũy kế 598 tỷ đồng nhưng từ 1 trung tâm ở TP.HCM đã phát triển lên 19 trung tâm trên toàn quốc và đến ngày 7/8 đã đạt thỏa thuận bán lại cho Tập đoàn Thái Lan BJC với giá 655 triệu euro tương đương 879 triệu USD. Dư luận bất bình và chẳng cần kiến thức chuyên môn cũng có thể đặt ra những câu hỏi về nghi vấn chuyển giá, trốn thuế và những tiêu cực khác.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp nước ngoài khai lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường thì đấy là một hiện tượng không bình thường. Đây là sự thiếu trách nhiệm hay nói khác đi có thể có ẩn ý gì đó của ngành thuế hoặc cơ quan thuế phụ trách vấn đề đó
Giáo sư Vũ Văn Hóa
Giáo sư Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định:
“ Tôi cho rằng luật pháp về cơ bản đã đầy đủ về việc tính lợi nhuận, giá cả các thứ. Tuy nhiên một số doanh nghiệp nước ngoài khai lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh bình thường thì đấy là một hiện tượng không bình thường. Đây là sự thiếu trách nhiệm hay nói khác đi có thể có ẩn ý gì đó của ngành thuế hoặc cơ quan thuế phụ trách vấn đề đó đã bỏ qua để cho các công ty nước ngoài lợi dụng để thực hiện việc chuyển giá.”
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM câu chuyện chuyển giá trốn thuế nếu có thể xảy ra được thì là trách nhiệm của doanh nghiệp và là lỗi của cơ quan chức năng. Ông nói:
Coca Cola được xếp vào diện nghi vấn
Coca Cola được xếp vào diện nghi vấn
“ Ở đây đúng là luật pháp Việt Nam có kẽ hở. Nhưng mà anh không thể trốn trách nhiệm nghĩa vụ của anh về mặt thuế. Bởi vì trong việc trốn thuế nó không có thời hiệu, đúng là có kẻ hở và trốn thuế thì các cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về trách vụ công chức của họ trước pháp luật. Nhưng một chủ thể tham gia như doanh nghiệp họ cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi cố tính không đóng thuế hoặc đóng thấp hơn, cho dù đã chuyển giao thì đơn vị mới phải chịu trách nhiệm, còn đối với đơn vị cũ thì đây sẽ là một tranh chấp riêng. Tôi thấy rằng trong những vấn đề này Việt Nam đang trên đường hoàn thiện các qui định pháp luật và Việt Nam tham gia rất nhiều công ước liên quan đến vấn đề thuế và đặc biệt với các nước ASEAN đang hoàn thiện vấn đề này để chống rửa tiền và chống thất thu thuế.”
Trong việc trốn thuế nó không có thời hiệu, đúng là có kẻ hở và trốn thuế thì các cơ quan có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về trách vụ công chức của họ trước pháp luật. Nhưng một chủ thể tham gia như doanh nghiệp họ cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi cố tính không đóng thuế
LS Nguyễn Văn Hậu
Câu chuyện Metro được báo chí Việt Nam săm soi tận tình và nhiều câu hỏi được đặt ra. Hoạt động từ  2002 nhưng chỉ có một năm 2010 Metro báo lãi 116 tỷ đồng, còn lại mọi năm đều lỗ từ 89 đến 160 tỷ, lỗ lũy kế tính đến năm 2012 là 598 tỷ đồng. Do đó mà Metro chưa khi nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Tờ Tiền Phong trích lời chuyên gia Bùi Kiến Thành nói rằng: “Dưới góc độ kinh tế, không một doanh nghiệp nào đến Việt Nam đầu tư 12 năm liên tiếp để chịu cảnh thua lỗ. Và lỗ như thế lấy gì để tái đầu tư chứ chưa nói đến chuyện mở thêm nhiều cơ sở kinh doanh…”
Theo kế hoạch ban đầu Metro sẽ phát triển tối đa 6 trung tâm. Thế nhưng dù khai lỗ rất nặng, Metro lại nhanh chóng phát triển lên 19 trung tâm trên toàn quốc thu dụng 3.000 nhân viên. Mỗi một trung tâm Metro đều tọa lạc trên một vùng đất rộng bằng sân vận động quốc gia và nằm ở vị trí thuận lợi ở các Thành phố như Saigon, Hà Nội và 13 tỉnh thành khác. Nhiều người cho rằng danh mục bất động sản là thành phần quan trọng trong hợp đồng chuyển nhượng giữa Metro Cash & Carry Việt Nam và tập đoàn BJC Thái Lan. Chính vì điều này báo chí Việt Nam phũ phàng đòi lật tẩy “Ván bài Metro: Bành trướng đất vàng, ôm tiền ra đi.”
Trao đổi với chúng tôi Giáo sư Vũ Văn Hóa phân tích về khiá cạnh đất đai trong các dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Ông nói:
“ Về đất đai lúc đầu khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam còn đang ít ỏi thì chính phủ Việt Nam đã có một chính sách ưu đãi đặc biệt về đất đai cũng như là thuế, những ưu đãi đó tỏ ra chính sách thân thiện của chính phủ Việt Nam đối với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên bây giờ họ lại chuyển nhượng cho các công ty khác tức là đổi chủ sử dụng đất thì chỗ này chính là lỗ hổng, cần bổ sung luật hay chính sách làm thế nào đó giữ được quyền sử dụng đất của Việt Nam mà mình đã ưu đãi cho các doanh nghiệp trước. Bây giờ việc chuyển nhượng như thế ở trên những vị trí rất đắc địa, giá trị rất là cao. Chính phủ chắc rồi sẽ phải bàn bạc lại để những việc chuyển nhượng theo đúng chính sách đất đai của Việt Nam.”
Trường hợp Metro báo lỗ không nộp thuế mà có thể mở rộng kinh doanh. Bà Chi Lan cho rằng nếu qui lỗi thì trước tiên là chính quyền địa phương và sau đó là các Bộ ngành
Trên báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có cách nhìn khác về trường hợp Metro báo lỗ không nộp thuế mà có thể mở rộng kinh doanh. Bà Chi Lan cho rằng nếu qui lỗi thì trước tiên là chính quyền địa phương và sau đó là các Bộ ngành. Theo nữ chuyên gia, tại nhiều thời điểm, Metro chắc chắn có lợi nhuận. Nhưng khi khoản lợi nhuận đó họ chưa kịp nộp cho ngân sách, các địa phương đã vội tạo điều kiện để họ mở rộng nên họ mới báo lỗ. Còn các Bộ liên quan khi doanh nghiệp nước ngoài báo lỗ thì phải có chính sách không cho họ mở rộng hệ thống phân phối một cách quá dễ dàng.
Việt Nam bắt đầu tiến trình hội nhập thế giới từ thập niên 1990 và càng ngày càng hội nhập sâu. Tính đến 2012, nhờ chính sách ưu đãi thuế và đặc biệt là đất đai, Việt nam đã thu hút khoảng 14.000 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký khoảng 206 tỷ USD, thực tế giải ngân hơn 96 tỷ USD. Theo Thống kê chính thức năm 2012, khu vực FDI nộp 3,76 tỷ USD tiền thuế chiếm tỷ lệ 18,7% tổng thu ngân sách nội địa.
Thế nhưng với những nghi án chuyển giá trốn thuế hoặc lạm dụng đất đai thì ngân sách đã có thể bị thất thu không ít. Chuyên gia cho rằng nên bớt đổ lỗi cho cơ chế chính sách, chính các cán bộ công chức từ cao xuống thấp đã không làm tròn trách vụ của mình hoặc vì tư lợi nên chuyển giá, trốn thuế mới có thể xảy ra
.

Không có nhận xét nào: