"Vị Giáo Hoàng diều hâu?"
Hôm thứ hai trên chuyến phi cơ từ Hàn quốc trở về sau năm ngày thăm viếng xứ Triều Tiên phía Nam, Đức Giáo Hoàng khi được báo chí hỏi Ngài có ủng hộ hành động không tập của Hoa Kỳ tấn công lực lượng Hồi giáo cực đoan mệnh danh là "Nhà nước Hồi giáo Iraq" đang bao vây tàn sát người thiểu số Yazidi hay không, Ngài trả lời, nguyên văn theo báo chí thuật lại, là :"Trong những trường hợp đó, ở nơi nào có sự gây hấn, xâm lược bất công, tôi chỉ có thể nói hành động chặn đứng những kẻ xâm lược sai trái là hành động chính đáng". Giới truyền thông và quan sát quốc tế nhận định rằng lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng cho thấy một sự thay đổi trong lập trường của Vatican thường vẫn phản đối việc sử dụng lực lượng quân sự, trong nhiều năm gần đây. Báo Express, bản tabloid của Washington Post, đặt câu hỏi ở trang bìa :"Hawkish Pope?" (Vị Giáo Hoàng diều hâu?)
Thật ra, cần nói rõ hơn, là tiếp theo ngay sau câu nói vừa trích dẫn trên, Đức Giáo Hoàng nói, nguyên văn là :"Tôi nhấn mạnh động từ "chặn đứng. Tôi không nói là "đánh bom" hay "làm chiến tranh", chỉ nói "chặn đứng" mà thôi;' và những phương tiện có thể được sủ dụng để ngăn chặn, hay chặn đứng những kẻ xâm lược phải được lượng định" Và vị chủ chăn của người Công giáo toàn cầu nói tiếp, rằng: "Sự can thiệp như vậy không nên do một quốc gia quyết định đơn phương; rất nhiều lần nhiều quốc gia đã dùng lý cớ ngăn chặn kẻ xâm lược sai trái để tung ra một cuộc chiến tranh thực sự nhằm mục đích xâm chiếm".
Suy xét câu trả lời của Đức Giáo Hoàng thật đầy đủ, người ta thấy Ngài không hẳn đã ủng hộ chiến tranh hay việc sử dụng lực lượng quân sự.
Không hành động đơn phương
Và tiếp sau những lời như trên, Đức Giáo Hoàng nói rõ thêm là "Một quốc gia đơn lẻ không thể phán đoán phải ngăn chặn bằng cách nào, làm thế nào để chặn đứng một kẻ xâm lược bất công".
Câu nói này rõ ràng nhắm vào Hoa Kỳ, "quốc gia đơn lẻ" từ bên ngoài Iraq đã thực hiện hành động quân sự để ngăn chặn quân ISIS. Đức Giáo Hoàng không hoàn toàn ủng hộ hành động không tập của Hoa Kỳ chống lại quân Hồi giáo cực đoan tự mệnh danh là "Nhà nước Iraq".
Do đó có thể thấy vị chủ chăn ở Rome muốn bày tỏ rằng Ngài cho phép có hành động ngăn chặn, nhưng bằng biện pháp quân sự hay phi quân sự, hay biện pháp nào, cụ thể ra sao, thì Ngài để cho các nước liên quan lượng định với nhau sao cho hợp tình hợp lý. Thêm vào đó, hành động ấy phải do một cơ chế quốc tế thực hiện, vì "một quốc gia riêng rẽ không nên tự ý quyết định một mình về hành động can thiệp để ngăn chặn.
Có còn phản đối chiến tranh?
Dù vậy, người ta có thể đặt dấu hỏi phải chăng Tòa Thánh đã chuyển hướng khỏi lập trường cứng rắn là phản đối chiến tranh, ngay sau khi Đức Giáo Hoàng vừa mới rao giảng hòa bình với hai nước Triều Tiên?
Nói là "chuyển hướng khỏi lập trường phản đối chiến tranh" e rằng không hoàn toàn đúng. Câu nói của Đức Giáo Hoàng rất bao hàm, cần có sự phân tích sâu sắc mới co thể thấy ý nghĩa đích thực.
Ngài đã cảnh cáo là nhiều nước từng viện cớ đó để tung ra chiến tranh, sau khi nhấn mạnh rằng Ngài không nói "đánh bom" hay "làm chiến tranh". Như vậy Tòa Thánh không khuyến khích chiến tranh, nhưng không rõ có ngụ ý một hành động quân sự hạn chế, thiên về phòng thủ, mang tính cách ngăn chặn, chặn đứng một cuộc xâm chiếm và tàn sát, một hành động diệt chủng.
Trước đây Tòa Thánh đã chỉ trích gay gắt cuộc tấn công quân sự của Hoa Kỳ trong chiến tranh Iraq năm 1991 và năm 2003. Năm ngoái Vatican cũng cảnh cáo Hoa Kỳ đừng tấn công Syria. Tuy nhiên mới cuối tuần trước, Đại sứ của Vatican ở Liên Hiệp Quốc, Giám mục Silvano Tomasi, tuyên bố cuộc không kích của Hoa Kỳ làm chậm đà tiến của quân khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" có thể là điều cần thiết. Vị đại sứ của Tòa Thánh còn nhắc lại quan điểm mới đây của Liên Hiệp Quốc về "trách nhiệm bảo vệ", theo đó các lực lượng quốc tế có thể lấn qua chủ quyền của một quốc gia địa phương để ngăn chặn, ngăn ngừa hành động tàn sát tập thể.
Đại sứ Silvano Tomasi cũng không nói tới hành động chiến tranh, nhưng tỏ ý chấp nhận hành động quân sự của Hoa Kỳ khi nói rằng đó là điều cần thiết. Tóm lại, Tòa Thánh không tán thưởng nhưng cũng chấp nhận cuộc không kích chống lại quân ISIS. Vì đâu?
Không là con cháu bà Eva!
Tôn giáo của người Yazidis bắt nguồn từ Thiên Chúa Giáo, do một tiểu vương Hồi giáo sáng lập từ thế kỷ 11, truyền tụng tới ngày nay. Tôn giáo này dựa vào những học thuyết từ đạo Ba tư cổ đại, các thánh kinh của đạo Thiên chúa và đạo Hồi, và họ thờ lửa như biểu tượng của Thiên Chúa, nên có nơi gọi là Hỏa Giáo. Theo đó, người Yazidis tin rằng họ được tạo dựng thành con người theo một đường lối khác hẳn với "phần còn lại" của nhân loại. Họ cũng tin rằng họ là hậu duệ của Adam nhưng không là con cháu của Eva. Họ giữ sự cách biệt với những con người thuộc "phần kia" của nhân loại mà họ phải sống chung. Tuy dân số ít ỏi so với các dân tộc khác, người Yazidis kiến tạo một xã hội có tính tổ chức cao. Một vị tộc trưởng, Sheikh, là nhà lãnh đạo tinh thần, và một tiểu vương, hay hoàng thân, là người lãnh đạo chính quyền thế tục.
Người Yazidis tin vào Thượng đế, hay Thiên Chúa, là đấng sáng tạo, và nói rằng Chúa giao thế giới cho 8 thiên thần cai quản, trong đó vị
Tổng lãnh thiên thần là Melek Taus, dịch lại theo Anh ngữ là "Thiên thần Khổng Tước".
Tổng lãnh thiên thần là Melek Taus, dịch lại theo Anh ngữ là "Thiên thần Khổng Tước".
Hiểu lầm gây nạn diệt chủng
Khái niệm về thiên thần Melek Taus là phần bị hiểu lầm nhất của tôn giáo Yazidis, và là một trong những lý do tại sao cộng đồng của họ đã bị bức hại lịch sử như vậy. Họ tin rằng khi Thiên Chúa tạo ra Adam và Eva, ngài ra lệnh cho các thiên thần cúi đầu trước sự sáng tạo của mình. Trong khi các thiên thần khác vâng lời làm như vậy thì Melek Taus là người duy nhất từ chối, bởi vì Melek Taus tin rằng chỉ một Thiên Chúa tối cao mới đáng được quỳ lạy.
Sau đó ông bị ném vào địa ngục, cho đến khi những giọt nước mắt hối hận dập tắt các đám cháy và ông trở nên hòa giải với Thiên Chúa. Hiện nay, ông phục vụ như một trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Câu chuyện này có đôi nét tương đồng với niềm tin của người Hồi giáo, về Satan, còn được gọi là Iblis hoặc Shaytan, nhưng có những khác biệt rất căn bản. Trong học thuyết Hồi giáo, Satan là một thiên thần sa ngã và không chấp nhận cúi xuống trước mặt Adam. Vì thế Satan bị trục xuất khỏi thiên đàng và bây giờ vẫn tồn tại để cám dỗ con người thành quỷ dữ.
Người Hồi giáo ngộ nhận Melek Taus với Satan chỉ vì lý do này, và do đó họ coi người Yazidis là ma quỷ.
72 cuộc thảm sát
Người Thiên chúa giáo La Mã có lẽ hiểu đạo của người Yazidis theo đúng ý nghĩa nói trên, nên coi họ cũng thuộc Thiên Chúa giáo, và lên tiếng kêu gọi thế giới cứu giúp. Nhưng dân tộc Yazidis đã phải chịu tới 72 cuộc thảm sát diệt chủng dưới thời đế quốc Ottoman trong hai thế kỷ 18 và 19.
Mới năm 2007, gần 800 người Yazidi đã bị sát hại trong một loạt nổ bom xe ở bắc Iraq. Quân Al-Qaeda ở Iraq, tiền thân của lực lượng ISIS bây giờ, lên án họ là kẻ bất trung, đã tấn công tàn sát hằng ngàn người trong mấy tuần nay.
Hằng chục ngàn người Yazidis đã bỏ làng mạc chạy lên núi, bị vây và chờ chết, nên người Mỹ phải đưa gấp 100 cố vấn của lực lượng đặc biệt đến để điều chỉnh hỏa lực không kích giúp quân đội Iraq và người Kurd chặn quân khủng bố, và đưa trực thăng cứu người Yazidi ra. Liên Hiệp Quốc còn phải cứu trợ thực phẩm nữa.
Phi cơ Mỹ đã yểm trợ lực lượng Peshmegar của người Kurd cùng với quân chính quy Iraq tấn công đẩy lùi quân ISIS, chiếm lại nhiều vùng và một đập nước lớn nhất ở miền bắc Iraq.
Tấn công tiêu diệt ISIS?
Hôm thứ ba lại có tin quân ISIS đã hành quyết bằng cách chặt đầu phóng viên chụp ảnh người Mỹ James Foley. Kẻ đao phủ bịt mặt, nói tiếng Anh chuẩn xác với giọng Luân đôn. Qua tiếng nói, chính quyền Anh xác nhận đó là một công dân Anh theo Hồi giáo Sunni và sang Syria để tiếp tay quân khủng bố ISIS. Quân khủng bố cực đoan còn gởi email cho gia đình một người Mỹ khác bị chúng giam giữ, ký giả Stenven Soltoff bị bắt cóc hôm 4 tháng 8 tại Syria, dọa sẽ hành quyết nạn nhân nếu Hoa Kỳ không ngưng hoạt động quân sự chống quân ISIS.
Tổng thống Obama từ tòa Bạch ốc tuyên bố cả thế giới đau buồn và phẫn nộ trước tai họa của gia đình phóng viên Foley, gọi quân ISIS là một chứng ung thư, đồng thời cam kết rằng nước My sẽ thận trọng và không nương tay với quân khủng bố cực đoan.
Sau khi đoạn vidéo được loan truyền, tính đến sáng thứ năm, Hoa Kỳ đã tung ra thêm 20 trận oanh tạc nhắm vào các vị trí và đơn vị quân ISIS, nâng số vụ không kích lên 90 lần kể từ ngày 8 tháng 8, 2014. Viên chức Mỹ cho biết phía quân sự đang xem xét gửi thêm "một số nhỏ" quân sĩ đến Iraq. Hoa Kỳ cũng tuyên bố không loại trừ hành động mở rộng chiến dịch quân sự sang Syria.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain tuyên bố Tổng thống Obama đang hành động đúng nhưng chiến lược chưa đầy đủ. Ông tỏ ra muốn Hoa Kỳ vượt xa hẳn điều mà Đức Giáo Hoàng chấp nhận, và nói :"Chiến lược là cần phải tung ra cuộc tấn công toàn diện ở cả Iraq lẫn Syria để tiêu diệt quân ISIS, không phải chỉ ngăn chặn chúng mà thôi!"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét