Chủ tịch TQ họp báo tại thượng đỉnh APEC. Ảnh ngày 11/11/2014Reuters
Ngày 11/11/2014, ngày thứ hai của Thượng đỉnh Diễn đàn Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo, lãnh đạo các thành viên APEC đã thông qua « lộ trình » hướng tới việc thành lập một khu vực tự do mậu dịch chung cho toàn vùng (FTAAP).
Các nền kinh tế APEC chiếm tới 51% tổng sản phẩm quốc nội thế giới và 44% trao đổi thương mại toàn cầu.
Bắc Kinh rất ủng hộ dự án FTAAP. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh giá việc khởi động hướng tới FTAAP là một « bước lịch sử », thể hiện sự cam kết của các thành viên APEC ủng hộ tiến trình hội nhập kinh tế toàn vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Dự án FTAAP cạnh tranh với dự án Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hoa Kỳ mong muốn thực hiện trong khuôn khổ chiến lược « tái cân bằng » lực lượng ở Châu Á.
Trung Quốc bị gạt ra ngoài dự án TPP và theo giới phân tích Trung Quốc, đây là một ý đồ của Mỹ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao.
Theo giới chuyên gia, cụm từ « lộ trình » trong việc xây dựng dự án FTAAP phản ánh sự cần thiết phải có sự đồng thuận của cả 21 thành viên APEC.
Ban đầu, Trung Quốc mong muốn là thông cáo chung của Thượng đỉnh APEC đề cập đến « một nghiên cứu khả thi » cho dự án FTAAP, nhưng Hoa Kỳ tỏ ra không mặn mà vì không muốn bị ràng buộc khỏi động ngay tiến trình đàm phán hướng tới một thỏa thuận đa phương.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt, cho biết thêm thông tin trong ngày thứ hai của Thượng đỉnh APEC :
« Thêm một cái bắt tay giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, vào sáng nay, nhưng vẻ mặt của cả hai người không khác gì hôm qua. Ngược lại, bầu không khí giữa Tập Cập Bình và Vladimir Putin thì rất hữu hảo. Nga là đối tác cung cấp khí đốt rất quan trọng đối với Trung Quốc. Lúc chụp ảnh chung, Tổng thống Nga được xếp đứng bên trái Tập Cận Bình. Vị trí bên phải dành cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, luôn luôn tươi cười và thậm chí còn vỗ vai lãnh đạo số 1 Trung Quốc.
Ngoài những bất đồng địa chính trị, ông Tập Cận Bình, trong diễn văn của mình, mong muốn APEC trở thành một động lực cho sự phát triển. Lãnh đạo Trung Quốc nói : Chúng ta phải phá bỏ những rào cản và mở cửa cho tự do trao đổi thương mại trong vùng. Để thúc đẩy tăng trưởng, 21 thành viên APEC phải đơn giản hóa các quy định về trao đổi mậu dịch trong vùng. Một bước tiến đầu tiên theo hướng này : Trung Quốc và Mỹ đồng thuận xóa bỏ thuế quan đối với nhiều sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như trò chơi điện tử hoặc phần mềm máy tính ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét