Pages

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Bắc Kinh 'mắng' Hà Nội chơi trò đu dây

BẮC KINH (NV) .- Cùng một lúc tiếp đại diện của Bắc Kinh để cải thiện bang giao, Hà Nội lại chìa tay bám lấy Ấn Độ vì “những lợi ích ngắn hạn” như muốn “chọc tức” Trung Quốc.

Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh (phải) bắt tay Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hà Nội hôm 27/10/2014 trước ống kính với nụ cười gượng. (Hình: AP Photo/Tran Van Minh)
Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng Cộng Sản đả kích đảng và nhà nước CSVN như thế trong một bài bình luận hôm Thứ Sáu 31/10/2014.

Khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì và bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh gặp nhau ngày 26/10 vừa qua tại Hà Nội, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bay sang thủ đô New Delhi của Ấn Độ ký nhiều hiệp ước từ hợp tác khai thác dầu khí Biển Đông đến an ninh quốc phòng.  Trong đó, thủ tướng Ấn cam kết giải ngân nhanh khoản tín dụng $100 triệu giúp Việt Nam mua 4 tàu tuần duyên do một công ty Ấn đóng.

Nếu chỉ là các hiệp định thương mại song phương không đụng chạm tới Trung quốc là một chuyện khác. Hiệp định hợp tác khai thác dầu khí trong đó phía Việt Nam trao thêm cho Ấn dò tìm và khai thác một số lô mà hai lô có cái “Lưỡi Bò” vắt chéo qua ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Việt Nam xác định các vùng biển đó hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS). Tuy vậy, Trung Quốc ngang ngược công bố bản đồ 9 đoạn kéo dài thành hình giống như “Lưỡi Bò” chiếm gần hết Biển Đông nói là biển của mình, bất chấp sự phản đối của các nước khác.

Các tàu tuần duyên nếu được Ấn cung cấp thì cũng là giúp Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển đảo của mình hiện vẫn đang có những tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Từ khi xảy ra sự căng thẳng giữa hai nước khi Bắc Kinh kéo giàn khoan Hải Dương HD981 tới khoan tìm dầu khí ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi”, Việt Nam và Trung Quốc đã có rất nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao nhằm kéo lại mối quan hệ bị sứt mẻ trầm trọng.

Bài bình luận của tờ Nhân Dân Nhật Báo nói trên kể lại công lao lặn lội của phái đoàn Dương Khiết Trì đến Hà Nội đồng chủ tọa “Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban hợp tác Hoa Việt” với phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh.

Kết quả của cuộc họp là “Hai nước lập lại rằng họ vẫn duy trì mối quan hệ láng giềng hữu nghị, bằng hữu, và hợp tác cùng có lợi”, tờ Nhân Dân của Bắc Kinh viết. Cả hai đều nhấn mạnh phải thực hiện những điều cam kết của lãnh đạo hai đảng về hợp tác toàn diện từ ngoại giao, quân sự, thực thi pháp luật, văn hóa, tài chính và hạ tầng.

Bên trên đó, tờ Nhân Dân của Bắc Kinh nói “Việt Nam và Trung Quốc đã đạt thỏa thuận cách thế nào để giải quyết tranh chấp”. Và “Họ cũng đồng ý tránh có các hành động có thể làm phức tạp thêm và trầm trọng thêm các tranh chấp” nhờ vậy mà “bảo đảm được mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam cũng như hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.

“Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa hiệp dựa trên các nguyên tắc căn bản hướng dẫn giải quyết các vấn đề trên biển đã có (được hai bên ký kết) từ năm 2011. Thỏa hiệp này được coi như tiến bộ tích cực trong tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc và Việt Nam”. Tờ Nhân Dân nói trên viết.

Tuy nhiên báo này viết một cách khó chịu rằng “Chỉ một ngày sau khi ký thỏa thuận (với Trung Quốc ở Hà nội), công ty dầu khí quốc doanh Việt Nam lại ký một thỏa hiệp hợp tác 3 năm với Ấn Độ để dò tìm dầu khí trên Biển Đông, tảng lờ bất cứ sự chống đối của Trung Quốc. Các lô liên quan trong thỏa thuận giữa Việt Nam và Ấn Độ nằm ở khu vực tranh chấp” (với Trung Quốc).

Từ cái nhìn như vậy, tờ Nhân Dân Bắc Kinh đả kích rằng “Cách hành xử như thế chứng tỏ nhà cầm quyền Hà Nội đã hiểu lầm mối quan hệ với Trung Quốc và các tranh chấp Biển Đông”.

“Một mặt, Việt Nam biết rằng Trung Quốc là láng giềng  trụ cột và có thể cung cấp (cho họ) những cơ hội vượt trội. Việt Nam sẽ thấy khó mà chịu nổi các hậu quả từ các xung đột xảy ra trong mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam. Cho nên, họ cần phải dựa vào Trung Quốc”.

Tờ Nhân Dân Bắc Kinh đe nẹt như thế và viết tiếp rằng “Mặt khác, Việt Nam lại không muốn từ bỏ các lợi ích ngắn hạn. Việt Nam là nước đầu tiên dò tìm 'trái phép' dầu khí Biển Đông và đã hưởng nhiều lợi tức từ việc khai thác.”

Báo này đả kích là “Việt Nam giỏi các trò dùng các nước khác để chọc tức Trung Quốc”. Từ đó đe dọa rằng “Sử dụng mánh mung là không phải cách đúng để giải quyết tranh chấp trên biển. Việt Nam nên chứng tỏ thành tín trong mối quan hệ với Trung Quốc”. Tờ Nhân Dân kết luận.

Cả Hà Nội và Bắc Kinh đều diễn giải các thỏa hiệp giữa hai bên theo cách suy nghĩ tính toán chủ quan của mình. Cho nên, cái cảnh “ông nói gà, bà nói thóc lép” là điều thường thấy trong các bài bình luận cũng như các lời tuyên bố.

Hà Nội muốn hóa giải phần nào áp lực quá lớn của Bắc Kinh trên Biển Đông bằng cách mở rộng mối quan hệ anh ninh quốc phòng đa phương với Mỹ, với Ấn Độ và Nhật Bản. Bởi vậy, mỗi khi có các tin tức như thế xuất hiện, báo chí Bắc Kinh đều lên tiếng đe nẹt.

Lần này, khi ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang New Delhi cầu cạnh trong khi ông phó thủ tướng ở nhà tiếp Dương Khiết Trì, Bắc Kinh không thể không lộ ra cho mọi người biết họ bực tức cái trò đu dây.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: